Vàng xuống 37 triệu đồng/lượng, người dân chen nhau mua bánRớt giá thảm, vàng đấu thầu "ế" 14 ngàn lượng
Phóng to |
Ngày 27-6, nhiều người dân tại Hà Nội chen nhau mua vàng - Ảnh: CTV |
Người Hà Nội chen nhau mua Chiều 27-6, các cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội đông nghẹt khách đến mua khi giá vàng bán ra tại các cửa hàng rơi xuống mức 36,65 - 36,7 triệu đồng/lượng. Đại diện Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu cho biết lượng khách đến giao dịch tăng đột biến, chủ yếu là khách mua vàng. Do vậy, có thời điểm công ty không kịp cung ứng hàng ngay cho khách. Chị Hạnh (Nghĩa Đô) cho biết chỉ mua có ba lượng vàng miếng SJC nhưng phải chờ 15 phút mới nhận được thông báo của cửa hàng là khách mua phải chờ thêm một lúc nữa vì tạm thời... hết hàng. Chỉ trong ngày hôm qua, giá vàng điều chỉnh giảm khoảng bảy lần. Cụ thể, mức giá vàng miếng SJC chốt phiên giao dịch được Công ty SCJ chi nhánh Hà Nội niêm yết giá mua vào 36 triệu đồng/ lượng và bán ra 36,67 triệu đồng/lượng. Còn Tập đoàn đá quý DOJI niêm yết mức giá mua vào 36,35 triệu đồng/lượng và bán ra là 36,65 triệu đồng/lượng. Đây là mức thấp nhất trong ngày. So với mức giá một ngày trước thì giá vàng hôm qua giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã kéo xuống, còn 3,3 triệu đồng/lượng. |
Trong khi nhiều người đã mua vàng giá cao trước đó đang “khóc ròng” vì thua lỗ, nhiều người khác lại tranh thủ giá vàng tuột dốc để mua vào. Riêng các ngân hàng (NH) cũng tận dụng cơ hội này để mua vàng chi trả cho dân trước ngày 30-6, thời hạn hoàn tất việc tất toán trạng thái huy động vàng.
Mua vàng lúc này sẽ rủi ro?
Trong ngày 27-6, khi giá vàng được các cửa hàng bán ra liên tục giảm, nhiều người dân đã tranh thủ mua vàng khiến lực mua tăng mạnh. Ông Nguyễn Công Tường, phó phòng kinh doanh sỉ Công ty SJC, cho biết số vàng bán ra trong ngày 27-6 lên đến 3.500 lượng, trong khi mua vào chỉ vài trăm lượng.
“Lúc này người dân không nhìn vào chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nữa mà chỉ nhìn vào giá bán. Mức giá hiện nay đang thấp nhất kể từ tháng 11-2010 nên nhiều người quyết định mua” - ông Tường nói. Tại các tiệm vàng, giao dịch cũng rất sôi động. Ghi nhận tại tiệm vàng Mi Hồng (Bình Thạnh) cho thấy liên tục có người giao dịch, trong đó phần lớn là mua.
Bình luận về hiện tượng nhiều người tranh nhau mua vàng, ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc kinh doanh Công ty PNJ, cho rằng nên cân nhắc nếu muốn đầu tư vào vàng lúc này vì trước mắt khả năng sinh lợi sẽ không cao. Hiện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao, do vậy trường hợp giá vàng thế giới có tăng trở lại thì giá vàng trong nước sẽ không thể tăng theo mức tương ứng.
Chưa kể khi giá vàng tăng thì hàng loạt người mua được vàng giá thấp sẽ tung ra bán chốt lời, lực bán nhiều trong khi nhu cầu mua ít sẽ là lực cản cho đà tăng của giá vàng trong nước. Ngoài ra, giá vàng thế giới vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh.
Cộng với lực mua vàng sẽ giảm mạnh sau ngày 30-6 do các NH đã hoàn tất việc tất toán trạng thái. Khi đó nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới sẽ thu hẹp trở lại, gây bất lợi cho những người mua vàng khi giá vàng trong nước quá cao như hiện nay.
Khó xử với dư nợ vàng
Sáng 27-6, NHNN đã tổ chức đấu thầu đến 40.000 lượng vàng, nhưng do giá vàng thế giới liên tục giảm mạnh, nhiều NH có ý chờ giá giảm thêm nên phiên đấu thầu bị ế đến 14.000 lượng vàng. Ông Đỗ Minh Toàn, tổng giám đốc NH ACB, cho biết trong phiên sáng 28-6, NH sẽ mua đủ số vàng cần thiết để chi trả cho dân.
Thời gian qua, việc mua vàng tất toán trạng thái được NHNN theo dõi sát sao từng ngày nhằm đảm bảo thực hiện đúng lộ trình. Đến nay các NH cơ bản thực hiện tất toán các nguồn huy động vàng. Điều mà nhiều NH đang rất khó xử là các khoản cho vay vàng. Trước đây các NH ký hợp đồng cho vay với thời hạn đến 10, 20 năm, nay chưa đến hạn thu nợ, muốn thực hiện theo chủ trương của NHNN, các NH phải thương lượng với khách hàng.
Tuy nhiên, giá vàng lao dốc ngay sát thời điểm 30-6 khiến việc tất toán các khoản cho vay bằng vàng của các NH trở nên khó khăn hơn vì người vay muốn trì hoãn để chờ giá vàng giảm. Ngoài ra, các NH còn gặp phải khó khăn khi chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới quá cao.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN TP.HCM, cho biết với chênh lệch 5-6 triệu đồng/lượng giữa giá vàng trong nước và thế giới như hiện nay, hầu hết người vay không đồng ý chuyển dư nợ sang tiền đồng. Ông Phan Huy Khang, tổng giám đốc NH Sacombank, cũng thừa nhận điều này. Theo ông Khang, Sacombank đã hoàn thành mua vàng để tất toán trạng thái, nhưng dư nợ cho vay vàng đến ngày 26-6 còn đến gần 1 tấn.
Tổng giám đốc một NH cổ phần lớn khác nói phải tăng lãi suất cho vay để “ép” người vay chuyển dư nợ vàng sang tiền đồng nhưng cũng xử lý chưa xong. Vừa qua các NH đã kiến nghị NHNN gia hạn thời hạn thu hồi dư nợ vàng đến 31-12-2013 nhưng đến nay chưa nhận được trả lời.
Sau 30-6 thị trường vàng sẽ ra sao?
Diễn biến hiện nay đặt ra rất nhiều câu hỏi cho thị trường vàng sau thời điểm 30-6. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt ra ba vấn đề: sau ngày 30-6 cơ chế điều hành thị trường vàng của NHNN sẽ thế nào, NHNN có còn đấu thầu vàng nữa hay không, chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới có được thu hẹp?
Nếu có thì mức chênh lệch bao nhiêu là hợp lý? Theo ông Long, chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới hiện nay quá cao, nếu sau ngày 30-6 NHNN ngừng đấu thầu chắc chắn chênh lệch còn lên cao hơn. Quan sát thị trường mấy ngày gần đây ông Long đánh giá nhu cầu mua vàng của người dân vẫn khá lớn.
Đồng tình với quan điểm này, tổng giám đốc NH Đông Á Trần Phương Bình nói thị trường vàng sau 30-6 chắc chắn sẽ chộn rộn nếu NHNN ngừng đấu thầu vì nhu cầu mua vàng của người dân vẫn còn, dù không lớn. Do vậy nếu nguồn cung bị hạn chế, chắc chắn giới kinh doanh sẽ tranh thủ đẩy giá lên, tâm lý người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Bình kiến nghị NHNN nên chuẩn bị kịch bản cho thị trường vàng sau ngày 30-6, khi đó nếu thị trường xảy ra sốt giá tạm thời, NHNN nên có hướng cho phép các NH bán âm trạng thái, sau đó được mua lại vàng của NHNN. Ngược lại, khi nhu cầu bán cao, các NH được phép mua vượt số lượng cho phép, sau đó nếu các NH không tự cân đối lẫn nhau được thì NHNN sẽ mua vào.
Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị NHNN nên có hướng xử lý với nguồn vốn vàng sẽ được trả lại cho dân sau ngày 30-6. Hiện hầu hết NH nhận giữ hộ miễn phí, nhưng cũng có trường hợp NH yêu cầu phải gửi tiết kiệm VND NH mới nhận giữ hộ.
Không ép xử lý xong dư nợ vàng trước ngày 30-6 Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 27-6, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết các ngân hàng chỉ còn phải mua khoảng 40.000 lượng vàng để hoàn thành việc tất toán số dư huy động và việc này sẽ được giải quyết trong phiên đấu thầu vàng sáng 28-6. Về việc xử lý số vàng đã cho vay trước đây, theo ông Hưng, quan điểm của NHNN là không ép các ngân hàng bằng mọi giá phải xử lý xong trước 30-6 vì các ngân hàng không thể chủ động xử lý vấn đề này mà phải thỏa thuận với khách hàng. NHNN chỉ yêu cầu đến ngày 30-6, về nguyên tắc các ngân hàng không còn trạng thái vàng huy động của người dân và cũng phải chuẩn bị vàng để người dân đến rút. Trường hợp người dân không rút, các ngân hàng phải chuyển sang giữ hộ có thu phí. Với số vàng đã cho vay, NHNN chỉ khuyến khích các ngân hàng tìm cách thỏa thuận với người vay nhằm chuyển sang dư nợ bằng tiền đồng, thanh toán trước hạn... Về giải pháp điều hành thị trường vàng sau ngày 30-6, ông Hưng cho biết NHNN vẫn tham gia thị trường với tư cách là người mua bán cuối cùng và tùy theo tình hình thị trường, biện pháp can thiệp sẽ bằng đấu thầu hoặc mua bán trực tiếp với các ngân hàng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận