18/06/2013 09:34 GMT+7

Cơ chế mới: giá điện dễ tăng hơn

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Bộ Công thương vừa hoàn tất việc lấy ý kiến nhân dân dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Quy định mới cho phép Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sẽ được điều chỉnh giá điện khi giá đầu vào tăng từ 2-5%, thay vì phải 5% như hiện nay...

Theo dự thảo quyết định này sẽ có ba điểm mới cơ bản, đó là sẽ không còn quy định quỹ bình ổn giá điện, sẽ có khung giá điện để EVN căn cứ vào đó điều chỉnh giá và thay vì các yếu tố đầu vào phải tăng 5% EVN mới được tăng giá thì tới đây, đầu vào chỉ tăng 2-5% EVN đã có quyền tính toán tăng...

Bỏ quỹ bình ổn giá điện

Theo dự thảo quyết định mới, giá bán lẻ điện bình quân bao gồm bốn thành phần: giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Giá bán điện bình quân vẫn được giữ biên độ thời gian điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần là ba tháng.

Tuy nhiên, khác với quyết định năm 2011, dự thảo quyết định lần này ghi rõ sẽ có khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nếu như quyết định năm 2011 nêu sẽ hình thành quỹ bình ổn giá điện và nguyên tắc điều chỉnh giá điện nêu rõ “trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác để bình ổn giá bán điện” thì quyết định mới đã bỏ quy định này. Nguyên tắc điều chỉnh giá điện chỉ nêu: giá bán lẻ điện bình quân phải theo khung giá, nếu vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ...

Đáng lưu ý, quy định cũ yêu cầu khi giá nhiên liệu, tỉ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán biến động và cơ cấu sản lượng điện (gồm thủy điện, nhiệt điện chạy than, chạy dầu...) thay đổi so với kế hoạch làm giá bán điện tăng 5%, EVN mới được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng. Còn quy định mới nêu nếu các thông số đầu vào thay đổi khiến giá tăng từ 2-5%, EVN đã có quyền được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công thương chấp thuận (nhưng vẫn phải nằm trong khung giá). Như vậy, EVN sẽ dễ điều chỉnh hơn với quy định mới bởi chỉ cần giá đầu vào tăng tới 2%, EVN đã có thể tính toán điều chỉnh giá điện thay vì phải đợi đến 5% như trước đây.

Được tăng giá trên 5%

Phạt đến 150 triệu đồng nếu không kiểm định an toàn đập

Bộ Công thương vừa hoàn thiện dự thảo nghị định về xử phạt trong điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng điện tiết kiệm... Theo đó, sẽ phạt tiền tổ chức sở hữu đập hoặc tổ chức được giao quản lý, vận hành đập thủy điện 40-80 triệu đồng nếu không có quy trình hoặc vận hành trái quy trình điều tiết nước hồ chứa, không lắp đặt thiết bị quan trắc tại đập thủy điện theo thiết kế đã được phê duyệt...

Đặc biệt, sẽ phạt 100-150 triệu đồng nếu đập thủy điện không có nguồn điện dự phòng đối với các cửa van đập tràn xả lũ, không thực hiện việc chứng nhận đập thủy điện bảo đảm về chất lượng.

Ngoài ra, dự thảo nghị định còn nêu mức phạt đơn vị phân phối điện 6-8 triệu đồng nếu đơn vị không xử lý sự cố để khôi phục việc cấp điện sau hai giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của bên mua điện về sự cố lưới điện (mà không có lý do chính đáng)...

Dự thảo quyết định mới cũng mở ra khả năng cho EVN tăng giá trên 5% hoặc khi mức giá bán lẻ điện bình quân vượt ngoài khung giá. Theo đó, EVN sẽ phải báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính thẩm định. Sau khi Bộ Tài chính thẩm định xong, Bộ Công thương sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ mà chưa có ý kiến trả lời, EVN chỉ được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.

Hằng năm, sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán độc lập, EVN phải báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính giá thành sản xuất kinh doanh của từng khâu. Từ đó, nếu còn khoản chi phí chưa được tính vào giá điện, việc điều chỉnh giá bán điện hằng năm tiếp tục được thực hiện theo nguyên tắc: nếu mức điều chỉnh giá bán điện bình quân nhỏ hơn hoặc bằng 5% và trong khung giá, EVN được quyền điều chỉnh sau khi đăng ký và được Bộ Công thương chấp thuận. Nếu điều chỉnh ngoài phạm vi 5% hoặc mức giá bán lẻ sau tính toán nằm ngoài khung giá, Bộ Công thương sẽ xem xét và trình, Bộ Tài chính thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nếu giá đầu vào giảm làm giá bán điện bình quân giảm thấp hơn từ 5% trở lên so với giá bán điện hiện hành, EVN phải giảm giá bán điện ở mức tương ứng, đồng thời báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính để giám sát.

“Mở” hơn quy định cũ

Trao đổi về những điểm mới trong dự thảo này, ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng - cho rằng dự thảo mới đã theo hướng “mở” hơn. Theo ông Ngãi, Thủ tướng quyết định khung giá trên cơ sở tính toán tình hình kinh tế - xã hội và khả năng chịu đựng của nền kinh tế, còn lại EVN được quyền quyết định giá là hướng nên làm. Bởi như thế Nhà nước vẫn kiểm soát được và EVN sẽ được chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá.

Đặc biệt, ông Ngãi cho rằng việc bỏ quy định hình thành quỹ bình ổn giá điện là cần thiết bởi điện có đặc thù khác xăng dầu. Nếu trích quỹ bình ổn giá điện thì EVN bán ra tự trích tiền từ túi của mình vào quỹ, khi xả quỹ cũng tự trích tiền từ túi mình... Việc đó không thực cần thiết. Vì vậy vấn đề quan trọng, theo ông Ngãi, là Chính phủ quyết khung giá như thế nào để đảm bảo EVN sẽ có lãi và nền kinh tế chấp nhận được...

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên