26/05/2013 15:04 GMT+7

Không để xảy ra tiêu cực trong xử lý nợ xấu

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Đó là một trong những nội dung kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, diễn ra sáng nay 26-5.

T1KsOqx7.jpgPhóng to
Theo các chuyên gia, hoạt động của Công ty Quản lý tài sản giúp xử lý nợ xấu, khai thông vốn cho doanh nghiệp, trong đó có bất động sản, giúp kinh tế phục hồi - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong cuộc họp báo sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tình hình kinh tế-xã hội diễn biến đúng như dự kiến điều hành, bám sát mục tiêu trung ương và Quốc hội đề ra cho năm 2013 là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản giảm sút. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo phục hồi chậm. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay chậm được thu hẹp; lãi suất cho vay vẫn còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp.

Tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng như tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chậm được giải quyết. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản tuy có giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức cao (khoảng 3.600 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2012; khoảng 19.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2012).

Theo Văn phòng Chính phủ, tiến độ thu ngân sách nhà nước chậm hơn cùng kỳ các năm trước, giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đạt thấp (lũy kế đến 15-5-2013, thu ngân sách nhà nước ước đạt 268.419 tỉ đồng, bằng 32,9% dự toán, thấp hơn yêu cầu dự toán phải đạt trên 37% và thấp hơn cùng kỳ năm trước là 35%).

So với tháng trước, chỉ số giá, sau khi có mức tăng nhẹ vào tháng 4, tiếp tục có mức tăng âm trở lại. Tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ lẫn số người chết so với cùng kỳ năm trước. Việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn. Hai tháng liên tiếp nhập siêu, nâng tổng mức lên khoảng 1,92 tỉ USD, bằng 3,85% tổng kim ngạch xuất khẩu, cần lưu ý trong chỉ đạo điều hành.

“Chúng ta không được chủ quan, cần nhìn nhận thực tế nền kinh tế còn khó khăn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đình đốn sản xuất” - ông Vũ Đức Đam nói.

Trong số các giải pháp trọng tâm thời gian tới mà Chính phủ đề ra, có việc tiếp tục ổn định giá cả, tỉ giá, quản lý tốt thị trường vàng, kiềm chế lạm phát. Rà soát để bảo đảm mức chênh lệch hợp lý giữa lãi suất huy động và cho vay; ưu tiên tín dụng cho những sản phẩm có thị trường, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Rải đều mức tăng dư nợ tín dụng cho những tháng còn lại trong năm. Tập trung chỉ đạo bảo đảm thu-chi ngân sách, nhất là đối với các cân đối lớn của Nhà nước. Tinh thần là không điều chỉnh tổng mức chi, bội chi ngân sách theo kế hoạch đã đề ra; kiên quyết thực hiện tiết kiệm chi.

Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về vấn đề này, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Tập trung xử lý nợ xấu. Đây là công việc khó, đã có nhiều công cụ để xử lý, trong đó Chính phủ đã ban hành nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, cần tập trung triển khai thực hiện, vừa làm vừa hoàn thiện cơ chế chính sách, không để xảy ra tiêu cực.

Chính phủ cũng yêu cầu đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt. Chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc, không để xảy ra sự cố mất điện trên diện rộng tương tự như vừa qua. Triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó có gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, chủ yếu dành cho người thu nhập thấp...

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên