Phóng to |
Thu hoạch lúa tại ruộng bà Trần Thị Chí (xã Mỹ Đức Tây, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) ngày 14-2 - Ảnh: Ngọc Tài |
Tính đến ngày 14-2 đã có hàng trăm ngàn hecta lúa đông xuân tại các tỉnh ĐBSCL cho thu hoạch. Thế nhưng như Tuổi Trẻ từng phản ánh, nhiều nông dân vẫn không thể tìm được thương lái để bán dù chấp nhận bán giá rẻ mạt...
Từ ngày 11-2 (mồng 2 tết) rất nhiều nông dân ở các tỉnh ĐBSCL đã ra đồng thu hoạch lúa vì không thể chờ thêm do lo ngại lúa chín rục sẽ rụng gây thất thoát lớn. Tuy nhiên suốt những ngày qua, đi qua các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang cũng đều thấy nông dân thu hoạch lúa rồi chất đống trên bờ kênh.
Lúa chín rục đầy đồng
Sáng 14-2, chúng tôi trở lại vùng sản xuất lúa chất lượng cao huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp và gặp ông Nguyễn Văn Tư ở xã Phú Điền đang đứng tần ngần bên bờ ruộng vàng quạch. Có 3ha lúa đã quá ngày thu hoạch, nhưng ông Tư chưa dám thuê máy đến thu hoạch vì sợ bán không được. “Năm nào gần tới thu hoạch lúa là “cò” lúa chạy đến tận nhà hỏi mua. Nhiều khi có cả chục người đến coi lúa đòi đặt tiền cọc, nhưng mấy ngày qua chẳng thấy ai hỏi mua. Giá lúa giờ chỉ còn hơn 4.000 đồng/kg, nếu bán sẽ trắng tay” - ông Tư thở dài.
Tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) lúa đã chín rục đầy đồng mà thương lái bặt tăm. Ông Chung Văn Hoàng, một “cò” lúa ở huyện Cai Lậy, cho hay: “Sáng giờ tui nhận được cả trăm cuộc gọi của bà con nông dân kêu tới coi lúa làm tui muốn trốn luôn”. Ông Cao Văn Hóa, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết các huyện này hiện có khoảng 40.000ha lúa đang tới kỳ thu hoạch nhưng chưa có người mua.
Tại An Giang, dù mới bắt đầu thu hoạch nhưng một số nơi việc tiêu thụ hết sức khó khăn, đặc biệt giá lúa giảm rất nhanh. Ông Nguyễn Văn Tấn vừa thu hoạch 1ha lúa ở Đa Phước, huyện An Phú nhưng thương lái mua tại ruộng chỉ 4.300-4.350 đồng/kg. “Với giá này chỉ huề vốn chứ khó có lời. Còn những ai thuê đất sản xuất thì coi như lỗ trắng tay” - ông Tấn nói. Nhiều nông dân ở hai huyện Giang Thành, Kiên Lương (Kiên Giang) cũng đứng ngồi không yên vì lúa đã chín mà mấy ngày qua chẳng thấy bóng dáng thương lái.
Giá lúa sẽ tăng sau ngày 20-2
Theo tính toán của bà Trần Thị Chí (xã Mỹ Đức Tây, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) - người vừa thu hoạch 3.500m2 lúa IR 50404, năng suất khoảng 7 tấn/ha, với giá 4.200 đồng/kg, tính ra thửa ruộng của bà vụ này chỉ cho lợi nhuận hơn 3 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng cả gia đình bà chỉ thu nhập được hơn 1 triệu đồng. Hỏi vì sao không trữ lại chờ giá tăng rồi bán, bà Chí nói cần tiền trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu... nên phải bấm bụng bán.
Ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), xác nhận các doanh nghiệp vẫn còn nghỉ tết và từ mồng 6 trở đi mới khai trương hoạt động trở lại. Do đó cũng làm giá lúa từ 4.500 đồng/kg trước tết giảm còn 4.200 đồng/kg. Tuy nhiên giá giảm chỉ là tạm thời. Hiện các doanh nghiệp đang cần mua gạo để xuất khẩu nên vài bữa nữa sẽ mua, giá sẽ tăng trở lại.
Theo ông Cao Văn Hóa, lý do chính là các doanh nghiệp xuất khẩu nghỉ tết quá nhiều ngày trùng thời điểm thu hoạch rộ nên không có người mua và góp phần làm giá lúa giảm sâu. “Phần lớn thương lái, doanh nghiệp mồng 9 (18-2) mới khai trương, nên khi đó khả năng giá chắc chắn sẽ cao hơn hiện nay” - ông Hóa phân tích.
Tuy nhiên, điều khiến nông dân lo lắng là nhiều địa phương diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch gần xong nên nếu giá lúa tiếp tục giảm sẽ gây thiệt hại lớn cho nông dân. Chỉ riêng tại Long An, ông Lê Minh Đức - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - xác nhận diện tích hơn 100.000ha vụ đông xuân đến thời điểm này đã thu hoạch gần hết. “Chính sách mua tạm trữ một lần nữa đến quá chậm, không có mấy nông dân tỉnh Long An được hưởng lợi từ chủ trương này” - ông Đức bức xúc.
Không để giá lúa xuống dưới 5.000 đồng/kg Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-2, ông Phạm Văn Bảy - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) - khẳng định bắt đầu từ ngày 20-2 các doanh nghiệp của VFA sẽ đồng loạt triển khai mua lúa gạo tạm trữ theo quyết định của Chính phủ nhằm giữ giá lúa gạo trong nước không xuống thấp. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ mua 1 triệu tấn quy gạo (khoảng 2 triệu tấn lúa) tạm trữ trong thời gian từ 20-2 đến 31-3. Ngoài lượng gạo mua tạm trữ, bắt đầu từ hôm nay (15-2) các doanh nghiệp cũng triển khai mua lúa gạo để kinh doanh (giao các hợp đồng đã ký và dự trữ). “Với việc mua tạm trữ sớm hơn năm ngoái gần một tháng và mua kinh doanh, VFA sẽ đảm bảo mục tiêu giữ giá lúa không thấp hơn 5.000 đồng/kg (lúa khô, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu)” - ông Bảy nói. TRẦN MẠNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận