31/01/2013 12:44 GMT+7

Nếu điều hành ngân hàng sai lầm sẽ trả giá đắt

TTO thực hiện
TTO thực hiện

TTO - "Những sai lầm trong quản trị, điều hành buộc các ngân hàng phải trả giá rất đắt. Sự soán ngôi là lẽ thường tình, như một dòng chảy tự nhiên của đời sống".

Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank, đã nói như vậy trong buổi giao lưu trực tuyến "Làm ăn năm mới: rủi ro và cơ hội" diễn ra tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng nay 31-1.

Lãi suất ngân hàng liệu có tiếp tục giảm, những tiêu chí nào cần có để bắt đầu khởi nghiệp, lĩnh vực bất động sản năm 2013 liệu sẽ khả quan và sáng sủa hơn, thị trường bán lẻ Việt Nam còn những tiềm năng gì, Nhà nước cần có chính sách gì để ổn định nền kinh tế... là những vấn đề được độc giả quan tâm và đặt câu hỏi trong buổi giao lưu.

PHqNVLza.jpgPhóng to
Năm 2013, thị trường bất động sản sẽ sáng sủa hơn? Trong ảnh: chung cư 481 Bến Ba Đình (Q.8, TP.HCM) để trống hơn hai năm qua - Ảnh: TTO

Khách mời giao lưu trực tuyến:

1. Ông Trương Văn Phước - tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank.2. PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia3. Ông Lương Trí Thìn - tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh4. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - tổng giám đốc hệ thống Citimart

NỘI DUNG GIAO LƯU

* Thưa ông Ngân, có thể nói năm 2012 là năm đầy khó khăn cho cả doanh nghiệp cũng như người lao động. Hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng ngàn người lao động bị mất việc và nợ lương. Điều gì đã dẫn đến hiện tượng này, dòng tiền đang đổ vào đâu và liệu sang năm 2013 tình hình này có còn tiếp diễn không, thưa ông?(Lê Na, 36 tuổi, Lena2000@...).

hRberwW3.jpgPhóng to
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Ảnh: Việt Dũng

- Ông Trần Hoàng Ngân: Bạn nói đúng. Năm 2012 vừa qua hết sức khó khăn, kinh tế chỉ tăng trưởng 5,03%, là năm có mức tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua và năm thứ hai liên tiếp suy giảm so với năm 2010.

Trong 2 năm 2011, 2012 số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản trên 110.000 doanh nghiệp, vì vậy số người lao động mất việc với số lượng lớn. Chính phủ và chính quyền địa phương, xã hội và cả chúng ta cần quan tâm hỗ trợ kịp thời những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trước đây dòng tiền thường chảy vào những điểm nóng, sốt cao như thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây dòng tiền đã chảy vào những ngành cơ bản nhiều tiềm năng, có thị trường tiêu thụ rộng lớn và năm 2012 phần lớn chảy vào nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng…

Ngay từ đầu năm, ngày 7-1-2013 Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết rất có ý nghĩa: Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 7-1-2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Triển khai tốt 2 nghị quyết này, tình hình kinh tế sẽ cải thiện tốt hơn.

* Thị trường bất động sản TP.HCM đến giữa năm 2012 khó khăn ở hàng loạt phân khúc, khiến tồn tới 20.000 căn hộ chưa bán được, ông Thìn đánh giá điều gì đã đẩy tới tình cảnh này, do lỗi nhà đầu tư dự báo tương lai kém hay do chính sách có đột biến nào đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường? (Hoàng Vinh, 44 tuổi, vinhhung@...)

- Ông Lương Trí Thìn: Thị trường bất động sản TP.HCM tồn một lượng sản phẩm căn hộ lớn như hiện nay là do tình hình kinh tế thế giới cũng như tình hình kinh tế Việt Nam suy thoái. Người dân hạn chế mua nhà, chính sách nhà nước trong năm 2012 hạn chế cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản.

* Nhà nước nói "giải cứu" bất động sản. Nhà đầu tư thì nói bất động sản hết "chu kỳ" suy thoái nên chắc chắn sẽ ấm lên. Còn người dân thì lại mong chờ "nhà xã hội" mà các chính sách còn chưa quyết rõ, chưa thống nhất. Làm nhà xã hội thì không có siêu lợi nhuận mà làm nhà đất như trước đây thì lại không có người mua. Ông nghĩ sao về việc này? (Hiền Oanh, 38 tuổi, menana@...)

Nhà nước phải mạnh dạn loại bỏ những doanh nghiệp BĐS yếu kém và cũng cần có những cơ chế hỗ trợ phù hợp để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.

TS Trần Hoàng Ngân

- Ông Trần Hoàng Ngân: Trong những ngày vừa qua, 3 chữ BĐS (bất động sản hay nói vui là “Buồn-Đau-Sốc”) được Chính phủ và nhà đầu tư bàn luận luận nhiều và đang chờ những giải pháp cụ thể nhất, hiệu quả nhất và hợp lý nhất đến từ các quyết định điều hành vĩ mô của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng…

Cùng với quá trình nới lỏng tiền tệ (cung tiền và tín dụng tăng 30%/năm trong giai đoạn 2001-2010) chạy theo mục tiêu tăng trưởng cao, giai đoạn này bong bóng BĐS đã được thổi lên bởi các nhà đầu cơ, nhà môi giới, các công ty BĐS đầu tư theo phong trào, theo nhu cầu ảo của nhà đầu cơ. Đến năm 2008 bong bóng BĐS bị xẹp dần vì lãi suất quá cao do chống lạm phát và sau đó tăng nhẹ năm 2010 nhờ gói hỗ trợ lãi suất 2009, đến năm 2011 theo tinh thần Nghị quyết 11 thì đóng băng luôn và đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại tăng cao, gây khó khăn cho cả nền kinh tế trong 2 năm qua.

Vậy, cần giải quyết bài toán này như thế nào? Theo tôi, chúng ta không nên dùng từ “giải cứu” BĐS mà nên dùng cụm từ tái cơ cấu thị trường BĐS song song với tái cơ cấu thị trường tài chính trong tái cơ cấu nền kinh tế.

Điều đó có nghĩa là không chỉ làm ấm lên, mà tập trung cấu trúc lại, tổ chức lại thị trường, từ khâu quy hoạch, thiết kế, xây dựng, phân phối đến khâu phân phối tiêu thụ, nghiên cứu thị trường, tổ chức quản trị điều hành…

Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi tư duy quản lý, cải cách về quản lý để thị trường phát triển hiệu quả hơn, đáp ứng đúng nhu cầu thực của thị trường, Nhà nước phải mạnh dạn loại bỏ những doanh nghiệp BĐS yếu kém và cũng cần có những cơ chế hỗ trợ phù hợp để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.

Trước mắt, tôi đồng tình với chính sách cho vay lãi suất thấp (6-8%/năm) và thời gian dài (10-15 năm) đối với người dân có nhu cầu mua nhà ở dưới 1 tỉ đồng và theo tôi không nên quy định diện tích nhà ở mà chỉ nên không chế mức được vay < 1 tỉ đồng vì diện tích nhà là tùy thuộc từng địa phương và công trình đang có sẵn. Người mua cũng cần lưu ý giá cả, vì hiện nay giá nhà vẫn còn cao so với đầu tư thực tế và thu nhập người lao động.

<?XML:NAMESPACE PREFIX = O />

* Chào bà Hoa, dù nguồn lực sản xuất của công ty nhỏ có chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí sẵn sàng ký gửi cho hệ thống cửa hàng bán lẻ nhưng hầu như không cửa hàng nào chịu nhập hàng vì sợ không có người tiêu dùng. Vậy theo bà, doanh nghiệp cần làm gì trong bối cảnh hiện nay khi chi phí quảng cáo quá cao? (Trần Ngọc Thanh Tùng - giám đốc Công ty Stalker, 34 tuổi, thomastrant@...)

- Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - tổng giám đốc hệ thống Citimart: Tôi đang là giám đốc điều hành siêu thị Citimart và trực tiếp chịu trách nhiệm bộ phận thu mua của hệ thống. Hiện nay tất cả hàng hóa vào siêu thị đều thông qua sự kiểm định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu hàng hóa của bất cứ công ty nào muốn nhập vào siêu thị cũng phải đạt những điều kiện trên, và phải có giá cả hợp lý khi so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất thiếu trách nhiệm làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nên chúng tôi phải cẩn thận hơn về các công ty sản xuất. Chúng tôi lúc nào cũng tôn trọng hàng Việt Nam trước, vì đây là cơ hội các nhà sản xuất trong nước được quảng cáo trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng mà không phải sử dụng số tiền quảng cáo quá lớn như các công ty nước ngoài. Tôi mong anh liên lạc trực tiếp với tôi để tôi có thể tìm hiểu thêm sản phẩm của anh.

* Xin đặt câu hỏi với ông Trương Văn Phước. Trong năm 2012 lãi suất huy động liên tục giảm. Tâm lý người dân không còn thiết tha với chuyện gửi tiết kiệm ngân hàng nữa. Một phần vì cho vay bị hạn chế về nhiều mặt, một phần vì kinh tế khó khăn... như vậy nếu năm 2013 ngân hàng tái cấu trúc xong và kinh tế khởi sắc thì lãi suất tiền gửi sẽ biến động như thế nào? Nếu được dự đoán tăng thì sẽ tăng tối đa bao nhiêu, thưa ông?(Nguyễn Minh Cường, 24 tuổi, cuong0932n023@...)

Nợ xấu được xem là một tiêu điểm cần phải được xử lý khẩn cấp.

Ông Trương Văn Phước

- Ông Trương Văn Phước - tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank: Đúng là trong năm 2012, lãi suất liên tục giảm, kể cả lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Đó là do lạm phát trong năm đã được kiềm chế xuống thấp (6,81%). Tuy nhiên, xét tổng thể ở các kênh đầu tư khác thì có vẻ gửi tiết kiệm vào ngân hàng với lãi suất bình quân cả năm 2012 tôi nghĩ là không thấp, nếu không muốn nói là khá cao so với lãi suất thực (tức là lãi suất tiết kiệm danh nghĩa trừ đi tỉ lệ lạm phát kỳ vọng).

Trong thực tế thì vốn huy động trong hệ thống ngân hàng năm rồi tăng khá cao, ở mức khoảng 17%. Năm nay, Chính phủ chỉ đạo làm sao nền kinh tế có mức tăng trưởng cao hơn năm rồi, nhưng lạm phát phải thấp hơn. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang mong muốn mặt bằng lãi suất thấp xuống để doanh nghiệp và cá nhân vay tiền chịu chi phí vốn thấp hơn, đồng thời lãi suất huy động cũng sẽ thấp xuống.

Chúng ta lại phải tiếp tục cấu trúc hệ thống ngân hàng cho lành mạnh hơn, nền kinh tế khởi sắc hơn, trong đó nợ xấu được xem như là một tiêu điểm cần phải được xử lý khẩn cấp. Tất cả những điều như thế hứa hẹn năm 2013 là năm, theo tôi nghĩ, của sự phục hồi cho nền kinh tế nước ta.

Dự báo bao giờ cũng là việc khó khăn. Dự báo lãi suất có vẻ còn khó khăn hơn nhiều, vì nó liên quan đến chi phí và thu nhập. Tuy nhiên, dự báo bao giờ cũng phải dựa trên một hệ thống các giả định. Nếu giả định rằng lạm phát sẽ thấp xuống thì chắc chắn lãi suất cũng sẽ giảm. Nhưng ở một góc độ khác lãi suất là giá nên chịu tác động bởi quy luật cung cầu.

Nếu nền kinh tế phục hồi thì chắc hẳn cầu tiền phải tăng lên. Vấn đề còn lại là cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước. Nói chung có rất nhiều biến số trong hàm lãi suất. Tuy vậy, tôi cũng phải đưa ra con số dự báo cụ thể. Lãi suất tiết kiệm theo tôi dao động ở mức từ 7-9%/ năm và lãi suất cho vay khoảng chừng 10- 13%/ năm.

* Tôi có khoảng gần 1 tỉ, theo anh Thìn, tôi nên tìm mua nhà nhỏ hay vay tiền mua căn hộ? Mua căn hộ thì khả năng bán lại hơi khó phải không? Hiện nay vay tiền mua căn hộ có dễ dàng không? (Trân, 30 tuổi, trankh@...)

- Ông Lương Trí Thìn: Theo tôi, anh nên mua căn hộ vì hiện nay có rất nhiều vị trí cho anh lựa chọn và phương thức thanh toán kéo dài trong 2 năm, còn nếu mua nhà nhỏ thì anh phải thanh toán ngay một lần, mua căn hộ thì được thanh toán kéo dài nên sẽ có hiệu quả về mặt tài chính. Trong xu hướng hiện nay giới trẻ đều muốn ở trong căn hộ vì nhiều tiện ích, dịch vụ (ví dụ: về an ninh, siêu thị, nhà trẻ, khu giải trí bao giờ cũng tốt hơn).

Trong tương lai tôi nghĩ giao dịch căn hộ sẽ tốt hơn và anh có thể dễ dàng bán căn hộ.

* Thưa bà Hoa, hiện tại thị trường bán lẻ trong nước có rất nhiều siêu thị. Đặc biệt, trong đó có những siêu thị "bình dân", vậy với bà làm sao có trể trụ vững được trong thời kỳ hội nhập đầy cam go này? (Lê Văn Phong, 19 tuổi, levanphong19@...)

- Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Chào bạn, đây là câu hỏi và cũng là thực tế mà công ty chúng tôi đang phải đối mặt không ít cam go và thử thách. Các hệ thống siêu thị lớn trong và nước ngoài đang ồ ạt phát triển để chiếm lĩnh thị trường, không chỉ lấy mặt bằng mà còn dùng nhiều hình thức khuyến mãi để thu hút khách hàng.

Vì vậy, chúng tôi có kế hoạch lâu dài và vững chắc để giữ lấy khách hàng và thương hiệu của mình. Hiện nay Citimart có chính sách ưu đãi dành cho khách hàng thành viên Citimart tốt nhất, có nhiều chương trình giá rẻ, giá sốc hằng tháng, và ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển để phục vụ khách hàng mọi khu vực đặc biệt, có rất nhiều hàng hóa đa dạng để khách hàng có thêm lựa chọn...

* Tôi đầu tư vào bất động sản, bất động sản đóng băng. Tôi gửi tiền ngân hàng, ngân hàng giảm lãi. Tôi đầu tư vào bán lẻ thì hàng tồn kho tăng và nhu cầu người dân giảm. Vậy 2013, tôi nên làm gì để có thể có lợi nhuận, theo ông? (Thăng Hoài, 38 tuổi, kinhdoanh@...)

- Ông Trần Hoàng Ngân: Câu hỏi của bạn rất hay và phản ánh đúng thực tế.

Trước hết, xin chúc mừng bạn vẫn còn nhiều tiền để tìm cơ hội đầu tư tốt nhất và hiệu quả nhất. Trong năm 2012 vừa qua, vì khó khăn như bạn đã nêu nên tổng vốn đầu tư xã hội chỉ tương đương khoảng 33% GDP. Trong khi bình quân 10 năm trước đây là trên 40% GDP, do đó mà nền kinh tế nước ta chỉ tăng 5,03% là mức tăng thấp nhất trong 13 năm qua.

Tuy nhiên, đọc báo thấy một số doanh nghiệp thưởng tết cũng rất cao, tức là vẫn có nơi làm ăn được. Năm nay, hi vọng bạn sẽ tiếp tục chọn kênh đầu tư đúng và hiệu quả nhất nhé. Bạn lưu ý, thời cơ là yếu tố quan trọng, bạn đừng phân tích nhiều là chậm so với nhà đầu tư khác nhé. Chúc bạn may mắn.

* Theo hiểu biết của ông, dù khủng hoảng, số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản những năm qua có tăng mới không, cơ hội để thành công có còn không, phụ thuộc vào điều gì? (Nhan Vi, 34 tuổi, vihoan@...)

isHclKud.jpgPhóng to
Ông Lương Trí Thìn - tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh và bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - tổng giám đốc hệ thống Citimart tại tòa soạn Tuổi Trẻ Online TP.HCM sáng 31-1 - Ảnh: Thanh Đạm

Cơ hội hiện nay phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp và con người nhận diện được cơ hội, người đó phải có một tầm nhìn dài hạn, có một hoài bão lớn và có quyết tâm cao để vượt qua mọi khó khăn.

Ông Lương Trí Thìn

- Ông Lương Trí Thìn: Theo hiểu biết của tôi thì trong 4 năm qua, do khủng hoảng, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp bất động sản phá sản, đóng cửa nhưng trong đó cũng có rất nhiều doanh nghiệp ra đời và hiện nay trong lúc khó khăn cũng có rất nhiều cơ hội.

Cơ hội hiện nay phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp và con người nhận diện được cơ hội, người đó phải có một tầm nhìn dài hạn, có một hoài bão lớn và có quyết tâm cao để vượt qua mọi khó khăn.

Quan trọng nhất trong lúc khó khăn này là cung cấp đúng sản phẩm, dịch vụ đúng nhu cầu của khách hàng trong thời điểm hiện nay. Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán, cung cấp giải pháp tài chính cho khách hàng và cung cấp giải pháp thiết kế toàn diện làm cho sản phẩm hoàn hảo hơn.

* Thưa ông Phước, được biết ông đã hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trên 20 năm, xin cho biết vì sao có sự soán ngôi giữa các ngân hàng trong thời gian qua, nhất là cuộc "hôn nhân" giữa Eximbank và Sacombank? (Mai Thi, 31 tuổi, Thimainguyen@...)

V8iwCUWW.jpgPhóng to
Ông Trương Văn Phước - phó chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Ông Trương Văn Phước: Không biết bạn có yêu thích bóng đá không? Cứ nhìn vào giải ngoại hạng Anh thì rõ. Các đội mạnh thì cũng thay phiên nhau đứng đầu giải. Đây là sự khắc nghiệt của quy luật cạnh tranh. Hoạt động ngân hàng ngoài yếu tố cạnh tranh còn chịu tác động rất lớn của các yếu tố rủi ro. Tất cả các chuẩn mực quản trị hiện đại đối với hệ thống ngân hàng đều xoay quanh trục quản lý rủi ro.

Tục ngữ Việt Nam lại có câu "Sai một li, đi một dặm". Tôi làm ngân hàng đến nay đã 32 năm thấm thía câu nói đó lắm. Những sai lầm trong quản trị, điều hành buộc các ngân hàng phải trả giá rất đắt. Những gì đã xảy ra trong hoạt động ngân hàng nước ta năm rồi chắc bạn đều biết cả. Sự soán ngôi là lẽ thường tình, nó như là một dòng chảy tự nhiên của đời sống.

Cảm xúc của riêng tôi khi đặt bút ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác giữa hai ngân hàng: có một ý nghĩ thoáng qua đây cũng là một việc bình thường và tất yếu. Cuộc sống nhiều khi cũng rất nghiệt ngã. Đi vào hoạt động của ngân hàng cũng thế. Cho nên nói đây là cuộc "hôn nhân" thì tôi cho là không phải. Có thể nó đặt nền tảng cho một mong ước. Mà mong ước thì cũng có thể đến hoặc không.

Ông Trương Văn Phước

Mấy hôm qua, tôi có đọc trên báo từ "hôn nhân" giữa Eximbank và Sacombank. Nguyên nhân, lý do, mục đích, yêu cầu... thì mọi người đều biết. Tôi chỉ muốn chia sẻ với bạn cảm xúc của riêng tôi khi đặt bút ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác giữa hai ngân hàng. Lúc đó, có một ý nghĩ thoáng qua đây cũng là một việc bình thường và tất yếu. Cuộc sống nhiều khi cũng rất nghiệt ngã. Đi vào hoạt động của ngân hàng cũng thế. Cho nên nói đây là cuộc "hôn nhân" thì tôi cho là không phải. Có thể nó đặt nền tảng cho một mong ước. Mà mong ước thì cũng có thể đến hoặc không.

* Ông Thìn có thể cho biết kinh doanh căn hộ nhỏ và trung bình hiện nay có cơ hội như thế nào? (Trầm Hương, 43 tuổi, tramky65@...)

- Ông Lương Trí Thìn: Xu hướng thị trường hiện nay người dân đang quan tâm đến căn hộ nhỏ và vừa. Thứ nhất, căn hộ nhỏ phù hợp với túi tiền của người dân. Thứ hai, phù hợp với gia đình ít người nên trong thời gian vừa qua những loại căn hộ này đều tiêu thụ tốt. Tập đoàn Đất Xanh đưa ra ba dự án: Phú Gia Hưng 2 có 300 căn hộ và Sun View 3 khoảng 350 căn hộ, chỉ trong hai tuần đã bán hết và dự án 4S RiverSide đã tiêu thụ hết trong năm 2012.

Tôi cho rằng trong thời gian sắp tới, loại hình căn hộ này vẫn tiếp tục tiêu thụ tốt và là cơ hội cho người dân được sở hữu căn hộ.

* Chào bà Hoa, tôi đang kinh doanh siêu thị mini mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm ở huyện thuộc tỉnh Đồng Nai, mới hoạt động được 1 năm. Thật sự kinh doanh trong thời gian này chưa có hiệu quả, tôi muốn nhận được lời khuyên từ bà, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu thị. Cảm ơn (Hoàng Kim, 49 tuổi, hoangkimdh@...)

- Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Trong ngành nghề kinh doanh bán lẻ, theo kinh nghiệm của tôi trong 19 năm qua, nó thật sự khó khăn. Chúng tôi phải thực hiện nhiều công việc thu mua, kiểm soát giá cả, tổ chức hệ thống quản lý hàng hóa và khách hàng. Tất cả những việc này đều ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Theo tôi, trong thời gian này bạn làm chưa có hiệu quả. Có 2 lý do bạn nên lưu ý: Thứ nhất, vị trí kinh doanh của bạn đang ở đâu, có thuận lợi cho việc kinh doanh hay không. Thứ hai, hàng hóa có đầy đủ hay không, diện tích cửa hàng bạn đang làm là bao nhiêu. Bạn có thể gửi email cho tôi để tôi sẵn sàng hỗ trợ chia sẻ cụ thể hơn.

* Thưa ông Phước, có thể nói năm 2012 là năm đầy khó khăn cho cả doanh nghiệp cũng như người lao động. Hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng ngàn người lao động mất việc và nợ lương. Điều gì đã dẫn đến hiện tượng này, dòng tiền đang đổ vào đâu và liệu sang năm 2013 tình hình này còn tiếp diễn không? (Lê Na, 36 tuổi, Lena2000@...)

- Ông Trương Văn Phước: Suy thoái kinh tế hay khủng hoảng kinh tế đều có những lý thuyết kinh tế giải thích. Bất ổn kinh tế vĩ mô trong mấy năm qua của nền kinh tế Việt Nam cũng được rất nhiều các nhà kinh tế trong nước lẫn nước ngoài bình luận.

Nguyên nhân bên trong, tác động bên ngoài cũng đều được đề cập đến. Tôi không dám nhắc lại, hay lược thuật những ý kiến đó. Tuy nhiên, tôi có cảm xúc như một cậu học trò nhà rất xa trường học, muốn đến trường nhanh hơn để có nhiều thời gian xem lại bài, nhiều khi đi nhanh quá, lại chưa dò xét hết các đoạn khúc khuỷu trên đường, nên có lúc vấp ngã. Cậu học trò có lỗi không? Tôi thường có những cảm xúc như thế khi nghĩ về nền kinh tế nước ta.

Chính phủ đang tìm nhiều cách để cải thiện nền kinh tế, các chương trình tái cấu trúc tôi nghĩ cũng theo cách tiếp cận ấy. Tuần sau, mọi người Việt chúng ta đón Tết Quý Tỵ rồi. Mùa xuân bao giờ cũng đem đến những hi vọng. Tôi mong và tin rằng năm mới đất nước ta nhiều người có công ăn việc làm hơn, doanh nghiệp thuận lợi hơn, các dòng chảy tiền tệ sẽ luân chuyển lành mạnh hơn.

* Tôi có sản phẩm muốn phân phối vào hệ thống của Citimart, phải làm thế nào? (Đinh Toàn, 45 tuổi, toanddnt@...)

- Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Bạn liên hệ trực tiếp văn phòng thu mua của hệ thống Citimart tại 230 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1. Bạn sẽ được hỗ trợ ngay, không có một khó khăn gì nếu hàng đạt mọi yêu cầu của công ty đưa ra.

* Là đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, ông Ngân có đề xuất gì với Chính phủ để giữ ổn định nền kinh tế nước ta trong những năm tới và từng bước vực dậy nền kinh tế? Theo ông, tình hình khó khăn như hiện nay khi nào thì khả quan và sáng sủa lại? (Như Lan)

- Ông Trần Hoàng Ngân: Ngày 7-1-2013 Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết rất có ý nghĩa: Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Theo tôi, các giải pháp nêu trong 2 Nghị quyết là có hệ thống, đồng bộ, liên quan đến việc giải quyết những điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay như: xử lý nợ xấu; giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn; hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc giảm thuế, giãn thuế, hoàn thuế… và những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thông qua việc hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người mua nhà (lãi suất thấp, thời hạn dài), rà soát, điều chỉnh dự án phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường.

Vì vậy những giải pháp trong 2 Nghị quyết 01, 02 cần được triển khai đồng bộ, quyết liệt với quyết tâm cao và đồng thuận, sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Là đại biểu Quốc hội, tôi sẽ cùng các đại biểu khác tăng cường vai trò giám sát hoạt động của nhà nước, đồng thời tham gia thảo luận, biểu quyết thông qua dự án luật và góp phần hoàn thiện luật pháp.

Tôi cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan. Hôm nay cũng là dịp giúp tôi hiểu thêm nguyện vọng và tâm tư của cử tri. Xin cảm ơn.

* Hiện nay, tôi muốn mở cửa hàng hay shop kinh doanh nhưng đang băn khoăn không biết nên chọn lĩnh vực nào: ăn uống, cây kiểng, quần áo... Vui lòng tư vấn giùm tôi lĩnh vực nào mà khách hàng đang có nhu cầu nhiều nhất.

Vì tôi và 1 số bạn cùng tham gia mới bắt đầu kinh doanh nên chưa nhiều kinh nghiệm và số vốn cũng khá nhỏ: 30 triệu đồng (cũng chưa có mặt bằng gì). Xin tư vấn giùm tôi. Xin cám ơn. (Trần Phan Yến Thơ, 29 tuổi, betho100684@...)

- Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Thực ra, với số vốn 30 triệu đồng, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay: người bán nhiều hơn người mua và chi phí tiền thuê mặt bằng đang tăng rất cao. Vì vậy, tôi rất muốn biết lòng đam mê của bạn trong ngành nghề gì, khi có đam mê thì bạn dễ đến thành công hơn.

Nhiều khi không có vốn, bạn cũng có thể đạt được hiệu quả kinh doanh nếu bạn biết mình nên làm gì. Trong kinh doanh dù lớn hay nhỏ cũng đều phải đòi hỏi sự tính toán chính xác và trách nhiệm của người điều hành. Thực sự, bạn muốn kinh doanh thì đầu tiên bạn phải tự chọn cho mình ngành nghề bản thân yêu thích, sau đó bạn mới lên kế hoạch để tính toán vị trí kinh doanh, hiệu quả kinh doanh. Tôi sẵn sàng cùng bạn chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh.

* Tôi là doanh nghiệp nhỏ, làm hôm nay còn chạy lo ngày mai. Thời này ai cũng dùng ngôn từ đao to búa lớn, chiến lược này chiến lược nọ. Kinh nghiệm thực tế của ông Thìn lúc khởi nghiệp, "chạy ăn" trước hay "chạy" chiến lược trước? (Hiệp Hoàng Lê, 29 tuổi, baokhanh@...)

- Ông Lương Trí Thìn: Thời buổi khó khăn hiện nay, với sự cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp nhỏ ra đời không đủ tiềm lực về tài chính, thương hiệu, hệ thống để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn. Nhưng theo tôi doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể tồn tại và phát triển, thứ nhất chúng ta có thể đi vào thị trường ngách mà doanh nghiệp lớn không quan tâm, thứ hai chúng ta phải xây dựng chiến lược dài hạn để có một hướng đi cho doanh nghiệp và sau đó cung cấp những sản phẩm, dịch vụ khác biệt so với các doanh nghiệp khác đang làm.

Thứ ba là tập trung vào kinh doanh sản phẩm cốt lõi của doanh nghiệp. Quan trọng là doanh nghiệp nhỏ có độ nhanh nhạy và quyết tâm cao thì sẽ thành công.

* Là CEO của một ngân hàng khá có tiếng trong năm 2012, ông Phước có thể chia sẻ những cảm xúc chiến thắng của một "thuyền trưởng" vượt bão táp của ngành ngân hàng trong năm qua. Năm 2013 này, ông có lời khuyên gì hữu ích cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ: mua vàng SJC hay mua cổ phiếu EIB để ăn cổ tức? (Hồng Thành, 40 tuổi, hthanhceo@...)

Đời sống kinh tế đầy biến động. Các lĩnh vực như vàng, chứng khoán, nhà đất... cũng rất nhiều biến động cần phải lượng sức mình. Xem sức chịu đựng của mình đến đâu khi có những quyết định sai lầm.

Ông Trương Văn Phước

- Ông Trương Văn Phước: Xin nói rất thật lòng tôi không bao giờ có cảm xúc của sự chiến thắng. Thời nhỏ, khi hay tin đỗ đại học tôi cũng không mừng lắm. Chỉ nghĩ đến những khó khăn về tiền bạc và chương trình học tập nặng nề trước mắt. Đó là cảm xúc của một cậu học trò nghèo ở một miền quê nghèo.

Hơn 30 năm làm ngân hàng, tôi cũng đã trải qua những năm tháng rất khó khăn trong cuộc sống, trong nghề nghiệp. Nhưng hình như có một quy luật, hễ lúc nào ý chí ta đanh thép lại, quyết tâm vượt khó, thì cuối cùng cũng vượt qua được cả.

Đúng là năm 2012 tôi có cảm giác như đi trên một đại dương đầy bão tố. Nhưng thực ra thì tôi cũng rất tự tin. Không phải tin ở những gì chính mình hay tổ chức của mình làm mà còn tin vào một yếu tố có vẻ tâm linh nữa, đó là "ở hiền gặp lành".

Tôi cũng không phải là "thuyền trưởng" gì. Mặc dù tên gọi này gợi nhớ một bài báo đã trên 10 năm khi nhắc đến vị trí của tôi trong một ngân hàng Eximbank đầy những khó khăn thời đó.

Về lời khuyên trong lĩnh vực đầu tư, tôi xin chia sẻ thế này: Đời sống kinh tế đầy biến động. Các lĩnh vực như vàng, chứng khoán, nhà đất... thì cũng rất nhiều biến động cần phải lượng sức mình. Xem sức chịu đựng của mình đến đâu khi có những quyết định sai lầm. Đó mới là điều quan trọng nhất.

* Khi kinh doanh bà Hoa có đổi hướng nhiều lần không? Cho ví dụ? Nên kiên trì hay nên thay đổi lĩnh vực kinh doanh khi khó khăn? (Quân, 37 tuổi, quannam@...)

- Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Theo những kinh nghiệm của những người thành đạt, trước khi kinh doanh bạn cần lựa chọn ngành nghề mình yêu thích, nếu gặp khó khăn bạn nên tính toán để tổ chức lại cơ cấu kinh doanh của mình cho tốt, phải kiên trì và khôn ngoan để vượt qua khó khăn.

Cần phải cẩn thận trước khi quyết định kinh doanh, không thể thay đổi. Nếu bạn đang kinh doanh, có thể phát triển thêm ngành nghề kinh doanh khác nếu thấy có lợi chứ không nên thay đổi hình thức kinh doanh khi gặp khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa

Có thể tổ chức lại (như thu hẹp) trong khả năng để bảo đảm hiệu quả kinh doanh.

Nếu bạn nản lòng bỏ cuộc thì khó tiếp tục với bất cứ loại hình kinh doanh khác.

Bắt đầu một ngành nghề kinh doanh đã khó, cần phải cẩn thận trước khi quyết định kinh doanh, không thể thay đổi. Nếu bạn đang kinh doanh, có thể phát triển thêm ngành nghề kinh doanh khác nếu thấy có lợi chứ không nên thay đổi hình thức kinh doanh khi gặp khó khăn.

* Em xin đặt câu hỏi với ông Trương Văn Phước. Theo những thông tin gần đây em cập nhật thì nguồn nhân lực ngân hàng đang thừa rất nhiều, vì vậy năm tới sẽ không đào tạo thêm nữa. Bên cạnh đó việc ngân hàng cắt giảm nhân viên là 1 trong những vấn đề mà sinh viên ngân hàng chúng em đang rất lo lắng. Nếu năm mới nền kinh tế khởi sắc thì vấn đề nhân lực ngân hàng có thay đổi gì không, thưa ông? (Nguyễn Thanh Hằng, 21 tuổi, nthang039@...)

- Ông Trương Văn Phước: Thị trường lao động cũng tuân thủ quy luật cung cầu. Tôi không nghĩ nguồn nhân lực ngành ngân hàng là dư thừa. Đừng xem một vài ngân hàng giảm biên chế trong ngắn hạn là phản ánh cho bức tranh toàn cảnh nguồn nhân lực này. Nền kinh tế nước ta, theo ý kiến riêng của tôi, vẫn phải theo đuổi con đường tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Dĩ nhiên là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Giữ cho các biến số vĩ mô ở mức chấp nhận được để tạo lập lòng tin của thị trường.

Nhưng hãy thử xem lại vai trò của hệ thống ngân hàng với tư cách là một dòng chảy cung ứng tín dụng nội địa, trong bối cảnh thị trường vốn còn hết sức non trẻ và chu chuyển vốn từ ngoài vào còn hạn chế, thì vai trò đó quan trọng đến nhường nào.

Tôi muốn đề cập khía cạnh này để các bạn sinh viên hết sức yên tâm. Cơ hội tìm việc làm trong ngân hàng luôn rộng mở. Đó là chưa nói các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của chúng ta vẫn còn ít lắm. Các bạn học thật giỏi, để mai đây ứng dụng thật nhiều, làm việc thật tốt thì sẽ đóng góp cho ngành ngân hàng nhiều lắm.

* Để một mặt hàng được siêu thị chấp nhận, chúng tôi phải đạt những tiêu chuẩn nào, có phải nhờ giới thiệu, bảo lãnh gì không? Chi phí lợi nhuận được tính với siêu thị ra sao, chúng tôi được những ưu đãi gì? (Văn, 32 tuổi, trungvan67@...)

- Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Hiện nay hệ thống siêu thị Citimart chấp nhận tất cả những hàng hóa do những công ty trong nước trực tiếp sản xuất hoặc nhập khẩu, chúng tôi không có giới thiệu hay bảo lãnh, hoặc lấy chi phí hoa hồng mà chỉ cần hàng hóa đạt chất lượng, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm và đầy đủ các thủ tục giấy tờ, pháp lý để được bán trong siêu thị. Bạn hãy liên hệ với phòng kinh doanh của chúng tôi để được hỗ trợ.

* Tôi sản xuất nước rửa chén, theo chị tôi cần đăng ký chất lượng cũng như định hướng sản phẩm như thế nào để cạnh tranh với những mặt hàng cùng loại? (Son, 35 tuổi, nguyennc14@...)

- Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Khi bạn sản xuất nước rửa chén thì phải đăng ký chất lượng sản phẩm, đầy đủ giấy phép sản xuất. Về vấn đề để cạnh tranh những mặt hàng cùng chủng loại, thật sự là bài toán cần cân nhắc. Hiện nay, tại TP.HCM mặt hàng bán chạy nhất là sản phẩm nước rửa chén của công ty đa quốc gia vì có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tiếp theo là thương hiệu lâu năm, rất được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Ngoài ra, có một số công ty sản xuất nhưng mãi lực không cao. Tôi nghĩ một sản phẩm cạnh tranh được phải có chất lượng thích hợp với người tiêu dùng Việt Nam, mẫu mã bao bì thu hút, những điều này phải đi kèm với nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm và phải có thời gian lâu dài, sản phẩm của anh sẽ có thị trường.

* Chào anh Thìn. Xin được hỏi anh một câu hỏi, hi vọng sẽ được anh chia sẻ. Em thấy thị trường bất động sản năm 2012 trầm lắng, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản phá sản. Vậy Đất Xanh đã có những điều gì khác biệt để tồn tại và phát triển trong giai đoạn này? (Lê Đức Phú, 27 tuổi, phuhcm48@...)

aHZiECJm.jpgPhóng to
Ông Lương Trí Thìn - tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh - Ảnh: Thanh Đạm

- Ông Lương Trí Thìn: Năm 2012 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhưng Đất Xanh vẫn vượt kế hoạch doanh thu 143% và vượt kế hoạch lợi nhuận 110%, trong năm 2012 Đất Xanh đã mua một số dự án và hợp tác đầu tư dự án với các đối tác.

Trong khó khăn thì cũng có rất nhiều cơ hội, vấn đề mỗi một thời kỳ diễn biến của thị trường người lãnh đạo doanh nghiệp nhận diện được đâu là khó khăn và đâu là cơ hội, từ đó chúng ta mới vạch ra một lộ trình để thực hiện. Như trong năm 2007, thị trường bất động sản đang sôi động, Đất Xanh đã nhận diện được nguy cơ của thị trường đi xuống, từ đó Đất Xanh đã thay đổi chiến lược cấu trúc lại mô hình hoạt động, cấu trúc lại danh mục đầu tư, nhân sự, sản phẩm dịch vụ và xác định lại xu hướng thị trường đang cần gì trong tương lai, từ đó chúng ta cung cấp sản phẩm, dịch vụ đúng nhu cầu thị trường. Trong khi các doanh nghiệp khác đang tập trung làm sản phẩm cao cấp thì Đất Xanh đã chuẩn bị hàng loạt sản phẩm đi vào phân khúc trung bình.

Sự khác biệt của Đất Xanh hôm nay là đã xây dựng được một chiến lược khép kín bao gồm: cung cấp giải pháp về tài chính cho dự án và khách hàng, cung cấp giải pháp cho sản phẩm hoàn hảo, xây dựng chuỗi giá trị kiểm soát đầu vào, xây dựng kênh phân phối đến tay người tiêu dùng.

* Xin hỏi cô Ánh Hoa: Trong tương lai gần (2-5 năm tới) mô hình cửa hàng tiện lợi (có kinh doanh thực phẩm tươi sống) có xu hướng phát triển không? Và mô hình này nên tập trung mở rộng quy mô lớn lên hay dàn trải ở nhiều địa điểm khác nhau? Xin cám ơn cô. (Nguyễn Huy Thế, 32 tuổi, nguyenthe25@...)

- Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Chào bạn, thực phẩm tươi sống là nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng hằng ngày. Trong những năm qua, hàng tươi sống chủ yếu được phục vụ tại chợ truyền thống nhưng những năm gần đây, các hệ thống siêu thị đã mở rộng và phát triển rất tốt về mô hình kinh doanh hàng tươi sống, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, bảo đảm đầu vào và hầu như đều tham gia chương trình bình ổn giá của nhà nước.

Vì vậy, theo tôi mô hình này dù tập trung mở quy mô lớn hay trải dài ở nhiều địa điểm khác nhau đều có lợi cho người tiêu dùng. Quan trọng nhất người tiêu dùng phải biết lựa chọn nơi nào có hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp với yêu cầu để mua sắm. Những cửa hàng nhỏ sẽ thay thế cho những điểm bán lề đường, tiện cho khách hàng đậu xe mua ngay, trong khi những siêu thị lớn khách hàng đến đây có thể mua sắm nhiều chủng loại hơn.

* Thưa ông Trần Hoàng Ngân, ông có thể chia sẻ và dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2013 sẽ đối diện với những khó khăn và thử thách nào? Ông có lời khuyên gì với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trong năm vừa qua? (Hồng Thành, 40 tuổi, hthanhceo@...)

- Ông Trần Hoàng Ngân: Trước hết xin chia sẻ với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và mong bạn không nản lòng, tiếp tục đứng lên. Nhưng trước khi đứng lên, nên ngồi suy nghĩ và bàn luận để rút ra những bài học kinh nghiệm, tại sao mình thua lỗ, trong khi vẫn có doanh nghiệp có lợi nhuận, ngành nghề nào đang có nhu cầu thực sự, thế mạnh của chúng ta là gì?... Nhớ là phải tự tin vào chính mình trước nhé.

Năm 2013, nền kinh tế nước ta tiếp tục có nhiều khó khăn và thách thức, từ bên trong lẫn bên ngoài. Kinh tế thế giới hồi phục chưa rõ nét và chứa đựng nhiều rủi ro bất ổn an ninh thế giới. Trong nước thì lạm phát có thể tăng cao trở lại nếu có sự tác động cộng hưởng của lạm phát thế giới (do bơm tiền kích thích kinh tế), của thời tiết không thuận lợi làm sốt giá lương thực thực phẩm hoặc khủng hoảng dầu hỏa (do bất ổn tại Bắc Phi và Trung Đông)…

Ngoài ra việc xử lý nợ xấu, hệ thống ngân hàng thương mại chưa lường hết những tác động của nó như thế nào (vì chưa biết chính xác con số), tái cơ cấu thị trường BĐS có hiệu quả không? Tuy nhiên trong khó khăn vẫn có những cơ hội, đặc biệt nền kinh tế vẫn còn nhiều tiềm năng, thị trường tiêu thụ nội địa rất lớn (89 triệu dân). Cơ hội còn nhiều, còn người là còn tất cả, chúc bạn thành công nhé.

* Thưa bà Hoa, bà có dự cảm gì về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013? (Thanh Vy, 40 tuổi)

- Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Từ năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, hệ thống bán lẻ trên toàn quốc đã bắt đầu chuẩn bị việc cạnh tranh với nhà bán lẻ nước ngoài và họ bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ 2009 đến nay, cùng lúc nền kinh tế VN gặp nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả kinh doanh bán lẻ trong nước.

xate0I29.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - tổng giám đốc hệ thống Citimart - Ảnh: Thanh Đạm

Thời gian cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước chuẩn bị với việc mở cửa thị trường bán lẻ đã được kéo dài trong 3 năm qua, đến 2012 doanh nghiệp bán lẻ nội địa đã tiếp nhận rất nhiều từ hỗ trợ nhà nước như giảm lãi suất ngân hàng, quản lý chặt chẽ vấn đề tỉ giá, và còn những hỗ trợ để nhà bán lẻ trong nước có cơ hội tiếp tục phát triển và tổ chức lại hệ thống phân phối và bán lẻ của mình trong năm 2012.

Năm 2013 là thời gian cực kỳ quan trọng để chúng ta chiếm vị trí kinh doanh cùng các đối thủ lớn mạnh về tài chính cũng như năng lực. Chúng ta càng phải nhận định chính xác làm sao để vượt qua những khó khăn trước mắt vì ngành nghề kinh doanh bán lẻ thực sự có nhiều cơ hội nhưng cũng rất cạnh tranh.

1. Ông Trương Văn Phước - tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank. Là tiến sĩ tài chính - lưu thông tiền tệ và tín dụng Đại học Kinh tế TP.HCM, cử nhân luật Đại học Luật TP.HCM, ông có hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng, trải qua nhiều vị trí như: phó phòng kế hoạch Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Long An, quyền trưởng phòng ngoại hối Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An.

Từ năm 1990 ông bắt đầu công tác tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM vị trí cán bộ phòng kinh tế kế hoạch, đến năm 1995 ông là phó giám đốc Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM. Tháng 9-2000 ông được cử làm tổng giám đốc Eximbank.

Tháng 10-2003, ông làm vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước. Ông cũng chính là người chấp bút viết Pháp lệnh ngoại hối 2005.

Tháng 3-2007 ông là giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước trung ương trước khi trở lại làm tổng giám đốc Eximbank từ năm 2008.

2. PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Ông Ngân giữ chức phó hiệu trưởng, phó bí thư Đảng ủy Trường đại học Kinh tế TP.HCM từ tháng 6-2008 đến nay.

Ông còn là thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIII, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia từ tháng 12-2007 đến nay.

Ông Ngân thường xuất hiện với tư cách chuyên gia kinh tế để mổ xẻ những vấn đề nóng hổi của nền kinh tế như lạm phát, nợ xấu, bất cập trong quản lý thị trường vàng, lãi suất, khơi thông nguồn vốn...

3. Ông Lương Trí Thìn - tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh

Theo ông Lương Trí Thìn, thành công của thương hiệu Đất Xanh là ông xây dựng được một hệ thống phân phối vững mạnh với chiến lược đi đúng phân khúc của thị trường, đưa ra những sản phẩm đúng nhu cầu. Trong năm 2013, công ty này cũng hoàn thành tái cấu trúc bộ máy hoạt động chuyên sâu bất động sản.

4. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - tổng giám đốc hệ thống Citimart

Là hệ thống siêu thị tư nhân hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ hơn 19 năm, Citimart được người tiêu dùng biết đến qua nhiều mô hình bán lẻ khác nhau: không chỉ có trung tâm thương mại mà còn có siêu thị, rồi siêu thị trong trung tâm thương mại và cả cửa hàng tiện lợi. Sau khi mua lại một thương hiệu bán lẻ nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam, hiện Citimart có hơn 30 điểm bán.

Buổi giao lưu kết thúc lúc 11g30. TTO chân thành cảm ơn bạn đọc đã quan tâm, trao đổi thắc mắc đến chương trình.

TTO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên