18/01/2013 07:45 GMT+7

Dân sẽ giám sát tập đoàn kinh tế

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Ông Bùi Văn Dũng - trưởng Ban cải cách, phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, tổ phó tổ biên tập nghị định mới về tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) - khẳng định các TĐ, TCT sẽ phải báo cáo công khai và chi tiết từng hoạt động khi nói về nội dung dự thảo nghị định vừa được Bộ Kế hoạch - đầu tư công bố.

ZTKSBTUH.jpgPhóng to
Công nhân Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản khai thác than ở Quảng Ninh - Ảnh: Thanh Hương

Ông Dũng cho biết: “Việc soạn thảo một nghị định để tăng cường quản lý, giám sát TĐ, TCT nhà nước, theo tôi, đến nay là không thể không làm và chúng tôi đã soạn xong theo chỉ thị của Thủ tướng. Mục đích việc soạn nghị định mới là để thay thế một nghị định có từ năm 2009 đã tỏ ra có những bất cập nên nhiều tiêu cực ở TĐ chậm được phát hiện, xử lý. Nghị định mới quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm giám sát. Với nghị định này, khuôn khổ pháp lý sẽ chặt hơn và chắc chắn người dân, xã hội sẽ có nhiều thông tin, báo chí có thể giám sát tốt hơn...”.

"Tôi tin nếu dự thảo nghị định được thông qua, điều chắc chắn là người dân sẽ thấy có sự nhảy vọt về việc công khai, minh bạch từ các TĐ, TCT nhà nước"

Ông Bùi Văn Dũng

Sẽ được công khai đến từng chi tiết

* Nhiều người vừa bị giật mình vì khoản nợ của các TĐ, TCT. Làm sao để không bị giật mình trước các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước?

- Nghị định mới tăng khả năng giám sát bằng việc tạo cơ chế để người dân, xã hội cũng sẽ thật sự là một chủ thể giám sát. Cơ chế công khai trước nay các TĐ, TCT có làm, nhưng đối tượng để công khai chưa đủ. Dự thảo nghị định mới yêu cầu báo cáo từ danh mục dự án, hình thức đầu tư và tiến độ thực hiện; các khoản vay ngắn và dài hạn; lương, lợi ích khác của bộ máy điều hành và người lao động; các giao dịch có quy mô lớn và các giao dịch bất thường khác...

Thậm chí quá trình và kết quả các hoạt động giám sát hội đồng quản trị cũng sẽ phải công khai... Có nghĩa sắp tới vay nợ bao nhiêu các TĐ sẽ phải công khai. Tất nhiên đây mới là dự thảo, khi đưa ra Chính phủ nó có giữ được hay không thuộc thẩm quyền Chính phủ. Nhưng tôi cho rằng vay nợ cần công khai để tránh trường hợp như Vinashin, bình thường vẫn được xếp là doanh nghiệp hạng A, đùng một cái dân mới biết... Thay vì đi xử lý hậu quả thì công khai trước còn hơn...

Ba01l4QL.jpgPhóng toÔng Bùi Văn Dũng - Ảnh: N.Khánh* Nhưng hầu hết TĐ hiện chỉ công khai lợi nhuận trước thuế, không TĐ nào công bố lợi nhuận sau thuế? TĐ Dầu khí luôn nói nộp ngân sách lớn nhất, nhưng cũng không nêu trong đó có những khoản đương nhiên phải nộp là bao nhiêu, như thuế VAT, thuế tài nguyên...?

- Cái này tôi thấy đúng là sẽ phải bổ sung. Vì công bố lợi nhuận sau thuế sẽ cho thấy TĐ, TCT hoạt động hiệu quả thật sự thế nào. Còn nói nộp ngân sách chung chung thì trong đó có thể chỉ một phần là thuế thu nhập doanh nghiệp (tính trên lợi nhuận), còn lại là các khoản thuế như tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế tài nguyên... chỉ là những khoản gián thu, doanh nghiệp chỉ nộp thay người tiêu dùng, hoặc ai vào vị trí các TĐ, TCT cũng sẽ phải nộp, tất nhiên mức độ có thể khác nhau...

* Với quy định công khai mới, liệu những việc như EVN không công bố lợi nhuận năm 2012 trong báo cáo tổng kết, rất khó biết hao hụt thực tế tại các khâu kinh doanh của Petrolimex... có được giải quyết?

- Chúng tôi soạn thảo nghị định mới về TĐ, TCT lần này đã tham chiếu các quy định yêu cầu công khai của Tổ chức Hợp tác phát triển của các nước phát triển (OECD), tức tiêu chuẩn quốc tế, dù có tính đến đặc thù VN. Nghị định cũng tham khảo những quy định yêu cầu công khai với công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nên yêu cầu công khai với TĐ, TCT đợt này theo tôi là rõ và có những tiêu chí rất cụ thể, thậm chí họ sẽ phải công khai nhiều hơn cả công ty niêm yết. Như lương thưởng lãnh đạo TĐ sẽ rõ, tình trạng công ty sân sau có người nhà các lãnh đạo TĐ, TCT theo các yêu cầu báo cáo cũng sẽ được thể hiện. Tình trạng như EVN không công bố lợi nhuận ở báo cáo tổng kết gửi cho báo chí... sẽ không còn.

Thời gian báo cáo, báo cáo ở đâu cũng được quy định rất rõ. Cụ thể, TĐ, TCT sẽ phải báo cáo ngay trên trang web của mình và tại trang web về doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch - đầu tư tại địa chỉ: www.business.gov.vn.

Kế hoạch 2013 của các TÐ, TCT 100% vốn nhà nước

Ðơn vị tính: tỉ đồng

Chỉ tiêu<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Thực hiện 2012

Kế hoạch 2013

tỉ lệ tăng, giảm (%)

Vốn điều lệ

568.664

643.224

13,11

Vốn chủ sở hữu

791.898

891.162

12,53

Tổng tài sản

1.649.328

1.750.682

6,15

Doanh thu

1.781.248

1.707.994

-4,11

Lợi nhuận trước thuế

184.957

147.799

-20,09

Nộp ngân sách

253.976

200.799

-20,94

Nguồn: Bộ Kế hoạch - đầu tư

Nên thu hẹp các công ty con, cháu...

* Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp nhà nước cho biết chỉ 73 TĐ, TCT mà đang có tới 2.040 doanh nghiệp con, cháu... Kiểu phát triển như Vinashin như thế đã có bài học rồi, quản sao nổi?

- Bây giờ nói số lượng trên có quá lớn không thì không dễ, bởi một số người nói tổng số doanh nghiệp nhà nước ở VN mới chiếm 1% tổng lượng doanh nghiệp. Nhưng dự thảo nghị định mới chúng tôi xây dựng đã quy định chỉ có ba cấp doanh nghiệp: công ty mẹ, công ty con và công ty cháu. Tất nhiên công ty con có thể có công ty liên kết nhưng với chủ trương hạn chế, thoái vốn khỏi đầu tư ngoài ngành thì tôi tin sắp tới số công ty con cháu, liên kết sẽ giảm.

Và theo tôi, nó phải giảm đi.

Trao thêm quyền giám sát TĐ, TCT cho các bộ ngành

Trước nay, có nhiều cơ quan cùng tham gia giám sát các TĐ, TCT. Lần này dự thảo nghị định nêu rõ bộ quản lý ngành sẽ giám sát các TĐ, TCT thuộc bộ; UBND tỉnh sẽ giám sát TĐ, TCT trực thuộc tỉnh thành; các bộ Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động - thương binh và xã hội sẽ giám sát tại TĐ, TCT có công ty mẹ đã cổ phần, đơn vị có vốn góp chi phối của Nhà nước... Trách nhiệm như thế rõ hơn.

Thực tế nghị định sẽ trao thêm nhiều quyền cho các bộ và quyền của Thủ tướng sẽ ít đi. Đương nhiên đi cùng quyền là trách nhiệm các bộ sẽ cao lên. Ngoài ra, nghị định mới nêu thêm cấp nữa là Quốc hội cũng sẽ tham gia giám sát. Việc giám sát này có thể thực hiện bằng cách chất vấn, lập đoàn kiểm tra đột xuất, yêu cầu báo cáo...

* Báo cáo tại hội nghị Thủ tướng với các TĐ, TCT nêu nhiều doanh nghiệp này lỗ hai năm liên tiếp. Lâu nay vẫn nói trách nhiệm của lãnh đạo TĐ khi doanh nghiệp lỗ nhưng ít thấy xử lý? Lãnh đạo bộ có phải chịu trách nhiệm nếu TĐ thua lỗ, sai phạm?

- Có những cái lỗ do khách quan thì phải chấp nhận, nhưng phải rõ ràng. Như điện lỗ do Nhà nước bắt bán dưới giá thành thì phải công khai khoản lỗ đó là bao nhiêu. Còn như anh đầu tư vào viễn thông, lỗ thì anh lãnh đạo vẫn bị xử lý. Cứ nói chung chung thế giới khó khăn, đổ tại cái nọ, cái kia thì theo tôi vẫn phải xử lý.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần đánh giá doanh nghiệp nhà nước bằng cách tham chiếu với các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Tôi cho rằng đây là ý cần nghiên cứu, đưa vào. Muốn vậy cần xây dựng các số liệu, như chỉ số lợi nhuận trên vốn của ngành ximăng là bao nhiêu. Nếu doanh nghiệp nhà nước dưới mức đó thì đánh giá được lãnh đạo. Còn về trách nhiệm của cơ quan quản lý khi doanh nghiệp lỗ, thì nếu quan chức ra quyết định, như cho mua tàu khiến doanh nghiệp lỗ thì quan chức phải chịu trách nhiệm. Còn lại, cũng khó giải quyết tất cả mọi điều trong một nghị định.

Có cơ chế giải thể TĐ, TCT...

* Với nghị định mới, việc thành lập TĐ sẽ khó hơn nhưng giải thể sẽ dễ hơn?

- Trong dự thảo nghị định, chúng tôi quy định rất cụ thể những điều kiện thành lập TĐ với quan điểm sẽ hạn chế thành lập mới TĐ, TCT nhà nước. Muốn thành lập, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện, như: TCT muốn thành TĐ phải có lãi ba năm liên tiếp; tài chính lành mạnh, công nghệ tiên tiến; quản lý hiệu quả cổ phần, vốn góp tại doanh nghiệp khác; hoạt động trong phạm vi toàn quốc và ở nước ngoài; công ty mẹ phải có vốn điều lệ 10.000-13.500 tỉ đồng; lĩnh vực kinh doanh chính phải thuộc loại sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia, tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và toàn nền kinh tế...

Như vậy điều kiện thành lập là khắt khe hơn. Trước đây cũng chưa có cơ chế giải thể TĐ nên khi cần làm rất lúng túng. Chúng ta đã có tiền lệ tổ chức lại TĐ Sông Đà, hay TĐ Phát triển nhà và đô thị. Nghị định mới nêu tiêu chí cụ thể, để trong thời gian nhất định, TĐ nào không đáp ứng thì họ sẽ phải có biện pháp cố gắng. Nếu không thì phải tổ chức lại. Việc giải thể TĐ không có nghĩa là giải thể luôn các công ty con, mà các công ty con có thể trở thành doanh nghiệp độc lập nên không ảnh hưởng nhiều đến xã hội...

* Với nhiều điều “buộc” các TĐ, TCT phải làm, ông có lo nghị định khi được thông qua sẽ khác xa dự thảo?

- Ngay từ khi chuẩn bị soạn thảo nghị định cũng đã có ý kiến cho rằng có nên soạn hay không khi hiện nay các TĐ đều hoạt động theo các nghị định, thậm chí nhiều TĐ có nghị định riêng về quy chế, cơ chế vận hành. Trong quá trình soạn thảo cũng nhiều khó khăn phức tạp. Tuy nhiên, các TĐ, TCT khi được mời góp ý đều công nhận tính cần thiết phải có nghị định.

Vì vậy, tôi hi vọng những khó khăn với nghị định về TĐ, TCT nhà nước sẽ chỉ là tạm thời. Dự kiến tháng 3-2013 chúng tôi sẽ trình nghị định. Đã có nhận định vụ việc Vinashin hậu quả không nặng nếu có cơ chế công khai minh bạch. Nên tôi tin việc công khai minh bạch mà nghị định mới quy định sẽ giúp ngăn ngừa, tránh những hậu quả đáng tiếc từ các TĐ, TCT.

Giảm số lượng doanh nghiệp do Thủ tướng trực tiếp thực hiện một số quyền

Bộ Kế hoạch - đầu tư vừa có báo cáo việc triển khai nghị định 99 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Theo đó, số lượng các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện một số quyền, nghĩa vụ giảm từ 21 TĐ, TCT 91 xuống còn 9 TĐ kinh tế nhà nước và 1 TCT (bao gồm TĐ Điện lực, Dầu khí, Công nghiệp than - khoáng sản, Bưu chính viễn thông, Công nghiệp tàu thủy, Dệt may, Viễn thông quân đội, Hóa chất, Cao su và TCT Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước).

Cũng theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện bốn quyền quan trọng của chủ sở hữu, chủ yếu liên quan đến những quyết sách mang tính chiến lược phát triển dài hạn trong hoạt động của doanh nghiệp, gồm: quyết định thành lập, tổ chức lại; mức vốn điều lệ và thay đổi vốn điều lệ; bổ nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên; phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất và kế hoạch đầu tư năm năm...

Bộ quản lý ngành là cấp trên trực tiếp của hội đồng thành viên tại các TĐ kinh tế nhà nước, thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo hai nhóm: thứ nhất là chủ trì đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với bốn nhóm nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng; thứ hai là trực tiếp thực hiện các quyền, nghĩa vụ còn lại đối với TĐ kinh tế nhà nước, như bổ nhiệm tổng giám đốc, kiểm soát viên chuyên ngành...

V.V.THÀNH

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên