Phóng to |
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng nằm trong “tầm ngắm” thanh tra năm 2013 - Ảnh: T.Đạm |
Tại cuộc họp báo, TTCP đã công bố hàng loạt kết luận thanh tra, trong đó đề nghị chuyển cơ quan điều tra hai vụ việc tại Ngân hàng Phát triển VN...
Tập trung thanh tra ngân hàng, thị trường vàng
Ông Khánh cho biết công tác thanh tra năm 2013 tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cấp, các ngành và các lĩnh vực gồm: tài chính, ngân sách, ngân hàng, chứng khoán, quản lý tài sản công, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường vàng; quản lý sử dụng đất đai, nhà ở; quản lý, khai thác chế biến khoáng sản; quản lý đầu tư xây dựng và các chương trình mục tiêu quốc gia... Đồng thời thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra sẽ tiến hành các cuộc thanh tra về việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước.
Để thực hiện nhiệm vụ thanh tra này, TTCP đã lập kế hoạch triển khai các cuộc thanh tra trong năm 2013. Trong đó điển hình là các cuộc thanh tra về công tác quản lý của Ngân hàng Nhà nước về thị trường vàng; công tác quản lý của Ủy ban Chứng khoán về thị trường chứng khoán; công tác quản lý tạm nhập tái xuất của Bộ Công thương; thanh tra tại Tổng công ty Xăng dầu VN, Ngân hàng Chính sách xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia việc làm do Bộ LĐ-TB&XH quản lý...
Theo ông Khánh, thanh tra về thị trường vàng, thị trường chứng khoán là nội dung mới và thanh tra sẽ phải làm rất nhiều việc về công tác quản lý cũng như kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đó phát hiện những kẽ hở để có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp. Ông Khánh nhấn mạnh các cuộc thanh tra không chỉ tìm ra những sai phạm để xử lý mà còn nhằm phát hiện và kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và cơ chế chính sách, thúc đẩy và nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhiều sai phạm tại Ngân hàng Phát triển VN
Tại cuộc họp báo, TTCP cho biết Ngân hàng Phát triển VN (VDB) đã có nhiều sai phạm, dấu hiệu làm trái pháp luật từ công tác huy động vốn đến cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh vay vốn... Cụ thể, trong giai đoạn 2008-2010, VDB chưa thực hiện đúng nguyên tắc chỉ huy động các nguồn vốn lãi suất thị trường để cho vay khi đã sử dụng tối đa các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp, chưa có giải pháp trong cân đối huy động và sử dụng vốn... dẫn đến sử dụng vốn kém hiệu quả. Nợ xấu của VDB tính đến hết ngày 31-12-2010 là hơn 22.600 tỉ đồng trên tổng dư nợ hơn 180.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ xấu bàn giao từ các tổ chức tiền thân của VDB là 5.268 tỉ đồng; nợ xấu các chương trình Chính phủ chỉ định cho vay, VDB không thực hiện thẩm định là hơn 6.000 tỉ đồng; nợ xấu cho vay các dự án thuộc chương trình đóng tàu Vinashin là 3.790 tỉ đồng...
Về cho vay tín dụng đầu tư, VDB có hàng loạt sai phạm như việc cho vay đối với sáu dự án với hơn 933 tỉ đồng và chuyển sang cho vay theo lãi suất đầu tư hơn 593 tỉ đồng khiến số tiền chênh lệch lãi suất lên đến 26,8 tỉ đồng. TTCP kiểm tra 159 hồ sơ cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước phát hiện sai phạm như cho vay chưa đúng đối tượng, thẩm định không đúng quy định, vi phạm về tài sản đảm bảo tiền vay, vi phạm sử dụng vốn vay... Đối với cho vay tín dụng xuất khẩu, VDB đã ban hành cho vay ấn định doanh số cho vay áp dụng theo lãi suất tín dụng xuất khẩu và lãi suất thỏa thuận đối với các doanh nghiệp. Số tiền chênh lệch được xác định là 328 tỉ đồng, chưa đúng các quy định của Nhà nước về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu.
Việc cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi) vay vốn đầu tư dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng có nhiều vi phạm như chưa đủ thủ tục quy định chỉ định thầu với gói thầu vay vốn nhưng vẫn phê duyệt cho vay, không kiểm tra việc sử dụng vốn vay dẫn tới sử dụng nguồn vốn sai mục đích, đặc biệt là khoản tiền 1.000 tỉ đồng xin Thủ tướng cho tạm ứng từ Kho bạc Nhà nước để đáp ứng yêu cầu cấp bách giải phóng mặt bằng dự án. Khoản tiền này Vidifi vay xong đã sử dụng hơn 334 tỉ đồng trả nợ vay tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Bắc Hà Nội để kinh doanh thép.
Hai vụ có dấu hiệu cấu thành tội phạm lừa đảo Cũng trong cuộc thanh tra tại VDB, TTCP phát hiện hai vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay, cần chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ. Cụ thể, tại dự án Nhà máy sản xuất cao su Power do Công ty TNHH Lê Hiệp làm chủ đầu tư, TTCP cho rằng có dấu hiệu lừa đảo, sử dụng một bộ hồ sơ, giấy tờ để vay vốn tại hai ngân hàng là VDB và Techcombank; tài sản đảm bảo thế chấp cả hai ngân hàng đã giải ngân trên cơ sở các chứng từ photocopy... Tại hợp đồng Công ty TNHH thương mại Trúc Tâm vay vốn tín dụng xuất khẩu VDB - chi nhánh khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông, VDB đã thiếu trách nhiệm trong xác định thời hạn vay, trong kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn vay; doanh nghiệp cung cấp thông tin tài chính cho ngân hàng sai sự thật. Do đó dẫn đến sau khi xử lý tài sản đảm bảo, số dư nợ còn lại vẫn trên 72,5 tỉ đồng, có khả năng mất vốn ngân hàng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận