10/01/2013 00:48 GMT+7

Chứng khoán: đề xuất nới "room" cho nhà đầu tư ngoại

CẦM VĂN KÌNH - H.ĐĂNG
CẦM VĂN KÌNH - H.ĐĂNG

TT - Tại buổi triển khai nhiệm vụ 2013 của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) ngày 9-1, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ hơn nữa để phát huy vai trò là kênh huy động vốn của nền kinh tế.

n973gOfr.jpgPhóng to
Nhà đầu tư giao dịch tại Công ty CP chứng khoán Maybank Kim Eng, TP.HCM chiều 9-1 - Ảnh: T.T.D.

Một đề xuất được nhà đầu tư chứng khoán quan tâm là nâng tỉ lệ sở hữu được phép của nhà đầu tư nước ngoài (room).

Phát biểu tại buổi họp, ông Trần Thanh Tân, chủ tịch Câu lạc bộ các công ty quản lý quỹ đầu tư, cho rằng năm 2012 là năm khó khăn nhất trong các năm kể từ khi hình thành TTCK và những nhà đầu tư còn lên sàn hiện nay là “những người dũng cảm cuối cùng”. Ông Vũ Bằng, chủ tịch SSC, cũng cho rằng trong các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế thời gian qua, chưa thấy có giải pháp nào hỗ trợ TTCK. Trong khi đó, muốn xử lý nợ không thể không quan tâm đến TTCK. Doanh nghiệp là gốc, ngân hàng chỉ là ngọn nên nếu TTCK không hồi phục, doanh nghiệp không thể vượt qua khó khăn thì xử lý nợ xấu không thể thực hiện thành công.

Do đó, theo ông Bằng, SSC đã soạn tám nhóm giải pháp hỗ trợ TTCK và đang trình Bộ Tài chính. Cụ thể, SSC đã đề nghị không đưa chứng khoán vào nhóm phi sản xuất để nhìn nhận TTCK đúng bản chất hơn. SSC cũng đề nghị cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) sở hữu trên 49-100% trong các tổ chức kinh doanh chứng khoán, cho phép thí điểm cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu không có quyền biểu quyết vượt tỉ lệ 49% với một số loại hình công ty niêm yết. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng không thật sự cần nắm giữ. Về giải pháp thuế, SSC cũng kiến nghị cần kéo dài việc miễn giảm thuế cho lĩnh vực chứng khoán trong cả năm 2013...

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh đề xuất nới room, ông Vũ Bằng cho rằng quy định NĐTNN chỉ được nắm 100% hoặc không quá 49% tổ chức kinh doanh chứng khoán là quá cứng nhắc, không phù hợp thực tế cũng như nguyện vọng của những NĐTNN và nhà đầu tư trong nước. Chẳng hạn, nhiều nhà đầu tư trong nước chỉ muốn nắm 20-30%, cũng có NĐTNN cho biết chỉ muốn nắm 70-80% vốn trong tổ chức kinh doanh chứng khoán nhưng bị vướng quy định. Đối với các công ty niêm yết, theo ông Bằng, với những doanh nghiệp trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm quyền chi phối thì có thể cho NĐTNN tăng tỉ lệ sở hữu lên, chẳng hạn từ 51-60%, nhưng với điều kiện không có quyền biểu quyết với phần vượt 49%.

“Việc nới room này sẽ thu hút hơn nữa NĐTNN tham gia thị trường, nhưng vẫn đảm bảo họ không gây áp lực lên việc điều hành của các doanh nghiệp”, ông Bằng nói. Liên quan đến đề xuất nới room đối với một số ngân hàng, ông Bằng cho rằng tùy thuộc vào Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Chính phủ. Tuy nhiên, đối với một số ngân hàng thương mại yếu kém, cần thu hút thêm vốn NĐTNN để tái cơ cấu, theo ông Bằng, không nhất thiết phải khống chế tỉ lệ 30% hoặc có thể cho phép nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm giữ vượt mức 20% vốn tại những ngân hàng này.

Theo nghị định 69CP (69/2007/NĐ-CP), tổng mức sở hữu cổ phần của NĐTNN và người có liên quan không được vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng VN. Mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng VN. Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ căn cứ đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, quyết định mức sở hữu của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan vượt quá 15%, nhưng không vượt quá 20% vốn điều lệ của một ngân hàng VN.

* Ngày 15-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định (55/2009/QĐ-TTg) cho phép nới room cho NĐTNN tại các công ty đại chúng từ 30% lên 49% (có hiệu lực từ ngày 1-6-2009), trừ những trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Từ 15-1: mở biên độ giao dịch

Ngày 9-1, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) đã công bố quyết định điều chỉnh biên độ giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo đó, từ ngày 15-1, biên độ giao dịch tại HoSE sẽ là ±7% thay cho mức ±5% như hiện nay; biên độ giao dịch tại HNX cũng tăng từ ±7% hiện nay lên ±10%. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Bằng - chủ tịch SSC - cho rằng việc nới biên độ nhằm giúp giá chứng khoán mang tính thị trường hơn và đây cũng là thời điểm thích hợp để nới biên độ, do thị trường không phát triển quá nóng cũng không quá lạnh, tâm lý nhà đầu tư đã tốt hơn...

H.ĐĂNG

CẦM VĂN KÌNH - H.ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên