14/12/2012 07:04 GMT+7

Bình thường hay bất thường?

H.GIANG
H.GIANG

TT - Tranh luận đã nổ ra ngay từ những phút đầu của hội thảo “Đầu tư và phát triển doanh nghiệp VN” vừa diễn ra tại Hà Nội, sau khi Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông lên tiếng khẳng định: “Doanh nghiệp ra đời, tham gia và biến khỏi thị trường là điều bình thường. Nếu chúng ta quá hốt hoảng, làm bi quan quá đáng thì không cần thiết”.

Cũng theo lời Thứ trưởng Đặng Huy Đông, phần lớn số doanh nghiệp giải thể và đóng cửa thuộc lĩnh vực bất động sản, dịch vụ thị trường chứng khoán và dịch vụ vận tải trong khi có thêm nhiều doanh nghiệp mới thuộc lĩnh vực y tế - giáo dục, “phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu tự nhiên và năng động” của doanh nghiệp VN.

Ông Đông cung cấp thêm một số dữ liệu để bảo vệ quan điểm mình, đó là tỉ lệ doanh nghiệp giải thể trung bình ở Nhật Bản và Mỹ từ 11-15%, trong khi tỉ lệ này tính đến hết tháng 11-2012 tại VN là 11-12%, chưa kể số doanh nghiệp mới tham gia thị trường là 62.700. Theo ông Đông, điều đó cho thấy sự năng động của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời theo đúng quy luật “ở đâu khó khăn doanh nghiệp sẽ rời bỏ và dùng chính đồng vốn đó sang lĩnh vực kinh doanh mới”.

Ông Bùi Anh Tuấn, cục phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ KH-ĐT, cũng đưa ra những con số tương tự và nhận định chính sự bùng nổ và tăng liên tục số lượng doanh nghiệp giai đoạn 2000-2010 mới là bất thường, còn số lượng doanh nghiệp hiện nay mới phù hợp với nội lực nền kinh tế. “Bức tranh không đến nỗi xám xịt... Doanh nghiệp đang trở lại quy luật bình thường. Xu hướng đổ vỡ hàng loạt như từng có nhận định đã không xảy ra, chứng minh sự dẻo dai và của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa” - ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tham dự tại hội thảo lại không có cùng quan điểm, mà đưa ra nhận định hoàn toàn trái ngược. Ông Cao Sĩ Kiêm, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng: “Cứ vào các cuộc họp, hội thảo thế này thì thấy tình hình vui vẻ, sáng sủa; nhưng xuống đến doanh nghiệp thì thấy họ quằn quại lắm rồi... Ngày càng khó khăn, giải pháp đưa ra nhiều mà không thực hiện được tức là chúng ta không thống nhất được với nhau, không bám sát thực tiễn”.

Ông Cao Sĩ Kiêm cũng bày tỏ nghi ngờ về con số do Bộ KH-ĐT đưa ra khi cho biết cũng có số liệu nêu là 100.000 doanh nghiệp chết rồi. “Vậy ai là người có con số chính xác? Các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội... phải ngồi lại với nhau để đưa ra một con số chính xác, rõ ràng. Vừa qua chúng ta đưa ra một loạt chính sách nửa vời cũng một phần vì ta nắm tình hình không chính xác” - ông Kiêm nói.

Luật sư Vũ Xuân Tiền (Hội Luật gia Hà Nội) cũng không đồng ý với cách lập luận của Bộ KH-ĐT, mà theo ông Tiền, là mang tính... an ủi. Ông Tiền nêu thực tế nhiều trường hợp doanh nghiệp muốn giải thể nhưng rất khó vì yêu cầu hoàn thành nghĩa vụ thuế: “Doanh nghiệp muốn hoàn thành nghĩa vụ thuế để đảm bảo thủ tục giải thể, nhưng cán bộ thuế trả lời việc đó không nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra nên phải làm ngoài giờ. Mà ngoài giờ tức là phải “lót tay” 10 triệu đồng cho họ”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định khi chưa xác định rõ bức tranh thực tế sẽ rất khó xác định xem cứu ai, như thế nào. “Không cẩn thận lại cứu xác chết biết đi chứ không phải là những doanh nghiệp chết oan” - ông Doanh nói.

H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên