07/12/2012 06:58 GMT+7

"Cai đầu dài" trong xuất khẩu

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Rất nhiều doanh nghiệp ngành điều đang hết sức bất bình trước việc Hiệp hội Điều VN (Vinacas) kiến nghị Bộ NN&PTNT để đưa xuất khẩu điều thành ngành kinh doanh có điều kiện.

7mQGUvYj.jpgPhóng to
Nhiều công nhân có nguy cơ mất việc làm nếu xuất khẩu điều bị xếp vào ngành kinh doanh có điều kiện Ảnh: T.MẠNH

Một trong những điều kiện để được cấp phép xuất khẩu là doanh nghiệp phải có nhà máy chế biến với công suất tối thiểu 2.500 tấn điều thô mỗi năm. Theo Vinacas, lý do là thời gian qua nhiều doanh nghiệp nhỏ làm ăn không đàng hoàng, ảnh hưởng đến uy tín ngành điều VN.

Bức tử các doanh nghiệp nhỏ?

Những ngày này tại Bình Phước, thủ phủ của cây điều VN, cộng đồng doanh nghiệp điều đang bức xúc với đề xuất của Vinacas về việc đưa xuất khẩu điều thành ngành kinh doanh có điều kiện. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ lẻ mà cả những doanh nghiệp quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn mà Vinacas đưa ra và ngay cả các doanh nghiệp thành viên Vinacas cũng phản ứng mạnh. “Chúng tôi không hề nhận được bàn bạc hay ý kiến gì của Vinacas trước khi họ kiến nghị Bộ NN&PTNT” - ông Lê Quang Luyến, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Phúc An (thị xã Phước Long, Bình Phước), nói.

Ông Phạm Văn Hồng, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phi Hùng (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước), lo lắng nếu đề xuất của Vinacas trở thành hiện thực thì những doanh nghiệp nhỏ như Phi Hùng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì số doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu sẽ giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị cung cấp nguyên liệu. “Khi đó hàng trăm doanh nghiệp biết bán hàng cho ai, nhiều người bán mà ít người mua chắc chắn sẽ nảy sinh vấn đề tiêu cực, ép giá” - ông Hồng lo lắng.

Xuất khẩu điều đạt trên 1,3 tỉ USD

Theo Bộ NN&PTNT, trong 11 tháng năm nay, VN đã xuất khẩu được 203.000 tấn điều các loại với kim ngạch 1,365 tỉ USD, tăng 26,4% về lượng và 2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trương Như Châu, giám đốc Công ty TNHH Ngọc Châu (Phước Long, Bình Phước), đặt câu hỏi: doanh nghiệp này đã có giấy phép xuất nhập khẩu do Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Phước cấp. Hàng mà công ty sản xuất theo quy chuẩn của Bộ NN&PTNT trước khi xuất khẩu cũng có chứng nhận của các đơn vị như Vinacontrol, Cafecontrol và có đại diện của khách hàng kiểm tra tại kho, tức là đã đủ điều kiện xuất khẩu. Vậy lý do gì không cho phép chúng tôi không xuất khẩu?

“Đa số các nhà máy điều lớn tập trung ở Bình Dương, Long An nhưng nơi đó lại không phải vùng nguyên liệu. Thật vô lý khi chúng tôi là những công ty nằm tại vùng nguyên liệu điều lại không được xuất khẩu mà phải bán hàng cho các nhà máy ở những nơi không có cây điều xuất khẩu” - ông Châu nói.

Nhiều hệ lụy

Theo Vinacas, hiện cả nước có gần 300 đầu mối xuất khẩu điều, đa số là doanh nghiệp nhỏ lẻ. Thời gian qua nhiều đơn vị nhỏ làm hàng kém chất lượng rồi chào giá thấp để các khách hàng ép giá lại các doanh nghiệp khác cũng như khiếu kiện làm mất uy tín ngành điều VN. Do đó, để loại bỏ những doanh nghiệp này, Vinacas đưa ra các điều kiện về công suất tối thiểu 2.500 tấn điều thô/năm, có hệ thống quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP-GMP... Với những tiêu chuẩn này, số lượng đầu mối xuất khẩu điều có thể giảm đến 3/4, tức là chỉ còn khoảng 75 đơn vị.

Mới chỉ là ý tưởng

Ngày 6-12, ông Nguyễn Đức Thanh, phó chủ tịch thường trực Vinacas, cho biết việc đưa xuất khẩu điều trở thành ngành kinh doanh có điều kiện mới chỉ là ý tưởng để xin chủ trương các bộ ngành, các hiệp hội khác cũng đang triển khai như cà phê, cao su, thủy sản...

Ông Thanh khẳng định Vinacas chưa có công văn chính thức trình Chính phủ cũng như các bộ liên quan về vấn đề này.

Theo các doanh nghiệp ngành điều, nếu quy định này triển khai trong thực tế, không chỉ doanh nghiệp mà chính nông dân trồng điều mới là đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất. Hàng ngàn đơn vị sản xuất nhỏ lẻ tại các địa phương sẽ không biết bán hàng cho ai khi những mối của họ ngưng xuất khẩu, những đơn vị gia công này sẽ không mua của nông dân. Nếu nông dân có bán được điều thì cũng bị ép giá, do những doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng đủ điều kiện nhưng đóng đô tại những địa phương xa vùng nguyên liệu, phải tính cả chi phí vận chuyển vào giá thành.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, để đầu tư một nhà máy mới với công suất trên 2.500 tấn/năm trong thời điểm hiện nay phải mất 80-90 tỉ đồng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng.

“Sẽ là quá lãng phí nếu các doanh nghiệp đua nhau mở nhà máy vì công suất của ngành điều thời điểm này đã gấp hai lần sản lượng điều trong nước, 50% nguyên liệu chế biến đã phải nhập khẩu” - ông Luyến phân tích.

Ông Đỗ Tấn, giám đốc Công ty TNHH Tấn Toàn (thị xã Phước Long), bức xúc cho rằng đây là quy định không lành mạnh của một nhóm doanh nghiệp thuộc Vinacas nhằm thâu tóm thị trường điều VN.

“Chúng tôi là một công ty quy mô nhỏ nhưng hơn 10 năm qua chưa bao giờ bị người mua trả lại hàng nhưng nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm 20 doanh nghiệp xuất khẩu điều lớn nhất đã bị khách hàng trả lại hàng và khiếu nại” - ông Tấn nói.

Là người có nhiều năm gắn bó với ngành điều, ông Hồ Ngọc Cầm, nguyên chủ tịch Vinacas, cũng phản đối đề xuất của Vinacas. Ông Cầm cho rằng chưa hẳn nhà máy lớn đã sản xuất hàng đảm bảo chất lượng và uy tín vì thực tế đã có những doanh nghiệp hàng đầu VN “xù” khách hàng trăm container điều. Nhiều nhà máy nhỏ nhưng họ có thị trường, họ làm ăn đàng hoàng nhiều năm qua tại sao không cho họ xuất khẩu..

“Bản thân ban chấp hành Vinacas đã không đủ năng lực đoàn kết các thành viên trong hiệp hội để có thống nhất trong giá bán, giá mua mà mạnh ai nấy làm dẫn đến thua lỗ. Do đó họ đưa ra các điều kiện này để tạo rào cản xuất khẩu phục vụ lợi ích của các nhà máy lớn” - ông Cầm nói.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên