Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh (bìa phải) trao đổi với đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 - Ảnh: V.DŨNG |
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định trong năm 2013, Chính phủ sẽ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bi quan
Theo ông Preben Hjortlund - chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham), kết quả cuộc khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh hằng quý lần 9, tiến hành tháng 10-2012 của EuroCham, cho thấy niềm tin và nhận định về triển vọng kinh doanh tại VN của các doanh nghiệp châu Âu đang giảm sút.
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), nêu thực tế trong hai năm 2011-2012, tổng số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, giải thể đã lên tới gần 100.000, bằng 50% tổng số doanh nghiệp rời thị trường trong vòng 20 năm qua. Tiết lộ trước kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012, ông Lộc cho biết với gần 10.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước được khảo sát, mức độ lạc quan của doanh nghiệp đã giảm xuống thấp nhất kể từ 2005 (năm đầu tiên VCCI điều tra). Cụ thể, nếu như các năm trước số doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh luôn trên 70%, năm 2011 khó khăn như thế nhưng có tới 47% số doanh nghiệp vẫn lạc quan thì năm nay tỉ lệ này chỉ còn trên 33%.
Ông Trần Anh Vương, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, cho rằng nhiều gói giải cứu không đủ liều lượng cho doanh nghiệp phục hồi và đặt câu hỏi cho cử tọa: thật sự doanh nghiệp đang gặp khó khăn gì nhất và cần gì nhất hiện nay? Ông Vương khẳng định tồn kho chỉ đáng lo chứ nợ đọng mới là khó khăn nhất. Theo ông Vương, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bị doanh nghiệp lớn nợ. Doanh nghiệp bị nợ dây chuyền, mà trong đó có cả công nợ của địa phương, Chính phủ. “Nếu thanh toán được thì cứu được rất nhiều doanh nghiệp” - ông Vương nói.
Ông Christopher Twomey, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại VN (AmCham), nói nhiều chuỗi kinh doanh hàng đầu của Mỹ như McDonald’s, Starbucks, 7-Eleven... đang có kế hoạch vào VN. Tuy nhiên, ông Twomey cho rằng lạm phát quá cao, cùng với việc các tổ chức xếp hạng tín dụng giảm thứ hạng của VN và các ý kiến tiêu cực từ các tổ chức tài chính toàn cầu là điều đặt ra nhu cầu thay đổi cho các nhà hoạch định chính sách. “Chúng tôi kêu gọi sự cải cách cấp thiết và hi vọng Chính phủ sẽ có hành động mang tính quyết định để tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn” - ông Twomey nói.
Sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Trong số các biện pháp mà ông Preben Hjortlund đề xuất, cải tiến thuế được coi như một động lực để thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, nên tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, loại bỏ hoàn toàn mức khống chế đối với chi phí quảng cáo và khuyến mãi trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp trước năm 2014 hoặc sớm hơn. Ngoài ra theo EuroCham, nên coi các khoản chi phí chăm sóc sức khỏe, phí bảo hiểm y tế tự nguyện, đóng góp hưu trí tự nguyện cho người lao động là chi phí được khấu trừ nếu có trong hợp đồng lao động và chính sách của công ty. Để thu hút nguồn vốn FDI, EuroCham đề xuất cần khôi phục các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với việc mở rộng đầu tư, đồng thời cần đảm bảo rằng pháp luật về thuế và các quy định ở cấp thông tư là đầy đủ, rõ ràng và minh bạch, dễ hiểu.
Ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị ba gói giải pháp: Thứ nhất là cải cách thể chế và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó cải cách doanh nghiệp nhà nước cần phải làm quyết liệt, bởi gần đây cải cách đã có phần chững lại, thậm chí có bước lùi như tái lập cơ chế bộ chủ quản. Thứ hai, cần giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% thay vì mức 25% như hiện nay. Bên cạnh đó cần giảm tiền thuê đất, giữ ổn định trong vài ba năm chứ không tăng liên tục hằng năm... Thứ ba, ông Lộc cho rằng cần gấp rút triển khai rộng khắp giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị...
Trả lời các kiến nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ sẽ xem xét giảm lãi suất theo xu hướng giảm lạm phát. Trước lo ngại về nợ xấu của VN, ông Ninh khẳng định VN đã, đang, sẽ làm quyết liệt và khẳng định sẽ giải quyết được nợ xấu. “Trên 70% nợ xấu có tài khoản bảo đảm. Các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng khá lớn” - ông Ninh nói.
Các quan ngại về thuế và phí, Phó thủ tướng cho biết sẽ tiếp thu và cung cấp thêm thông tin: VN đã có lộ trình cải cách thuế và năm 2013 sẽ sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Về phí, lệ phí, Phó thủ tướng nêu Chính phủ đã chỉ đạo rà soát theo hướng không tăng chi phí doanh nghiệp. Riêng tiền lương, trước kiến nghị không tăng lương quá 15%/năm, ông Vũ Văn Ninh nêu do mức lương tối thiểu VN thấp, có doanh nghiệp lợi dụng làm tiền lương rất thấp gây khó khăn cho công nhân. Theo lộ trình, năm 2013 sẽ tăng lương tối thiểu 22-25% nhưng Phó thủ tướng cho biết đã nhận được đơn của các hiệp hội đề nghị năm 2013 chỉ nên tăng 17-18%. “Thủ tướng đã chấp nhận đề nghị này” - ông Ninh thông báo và khẳng định với việc tăng trên, chỉ 6,6% doanh nghiệp buộc phải tăng lương tối thiểu với chi phí tăng thêm cũng không lớn.
Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, Phó thủ tướng khẳng định sẽ kiên quyết cơ cấu lại khu vực này, đặt họ trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. “VN sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, chỉ giữ lại số lượng doanh nghiệp nhà nước nhỏ, trong những lĩnh vực quan trọng, còn lại cổ phần hóa hết vào năm 2015-2020” - ông Vũ Văn Ninh nói.
Hãy xuống thăm trực tiếp xem doanh nghiệp cần gì Nhắc đến các quyết định hỗ trợ của Chính phủ, mới đây là quyết định 1556 ngày 17-10-2012 phê duyệt đề án giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Trần Anh Vương cho rằng “cộng đồng doanh nghiệp mong có chính sách thật sự đi vào cuộc sống, như một luồng gió mới giống Luật doanh nghiệp thay vì những chính sách ban hành nhưng hiệu quả thực thi không cao”. Ông Vương “xin đề xuất các quan chức bớt thời gian xuống thăm trực tiếp doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thay vì một ngày thăm một doanh nghiệp lớn thì có thể thăm 5-10 doanh nghiệp nhỏ, sẽ thấy doanh nghiệp thật sự cần gì”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận