26/10/2012 06:36 GMT+7

Đề xuất lập Khu kinh tế biển Phú Quốc

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Tại buổi làm việc với Tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc ngày 25-10 ở Kiên Giang, nhiều ý kiến các bộ, ngành đề nghị sớm thành lập Khu kinh tế biển Phú Quốc.

Khu kinh tế biển này có cơ chế đặc thù để hòn đảo này thật sự cất cánh.

gT1fPLys.jpgPhóng to
Nhiều tuyến đường tại Phú Quốc hiện dừng thi công do thiếu vốn - Ảnh: N.T.

Tổ công tác do ông Nguyễn Phong Quang - phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - làm tổ trưởng, dự kiến sau khi lấy ý kiến sẽ đề xuất với Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển đảo trong tháng 11-2012.

Tự trói mình

Theo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kiên Giang, sự phát triển của Phú Quốc những năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện đảo này. Ông Lê Văn Thi, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhìn nhận mâu thuẫn lớn nhất hiện nay trong thu hút đầu tư vào Phú Quốc là những quy định tự trói mình.

“Nhà đầu tư muốn biết giá cho thuê đất bao nhiêu để họ tính toán lỗ lãi thế nào nhưng chúng ta không trả lời được, vì luật quy định chỉ sau khi có quyết định giao đất mới định giá để thu tiền. Giao đất trước, nói giá sau nên nhà đầu tư sợ bị đặt vào tình huống đã rồi, với họ kinh doanh như thế là mạo hiểm nên họ phải e dè” - ông Thi phân tích.

Hoàn thành nhiều hạng mục sân bay Phú Quốc

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, dự án cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (sân bay Phú Quốc mới) đã hoàn thành các hạng mục như đường hạ - cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách và trung tâm quản lý bay.

Dự án sân bay Phú Quốc mới có diện tích 905ha với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2020 là 8.050 tỉ đồng, dự kiến hoàn tất đúng tiến độ và khánh thành vào ngày 12-12 tới.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, phó Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, cho hay hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ là một trong những trở ngại của địa phương trong việc thu hút đầu tư. “Nhà nước trông chờ nhà đầu tư rót vốn, tranh thủ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng, trong khi nhà đầu tư chờ Nhà nước đầu tư hạ tầng thì họ mới rót vốn vào kinh doanh...”.

Có lẽ đây chính là lý do 219 dự án đầu tư vào Phú Quốc đến nay mới có 72 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với diện tích hơn 4.000ha, vốn đầu tư hơn 73.482 tỉ đồng. Trong đó chỉ có chín dự án tổng diện tích hơn 18ha, vốn đầu tư 713 tỉ đồng đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Hữu Chí - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết ông vừa đi khảo sát và ghi nhận Phú Quốc đang như một đại công trường với nhiều công trình hạ tầng giao thông dang dở.

“Nhu cầu vốn cho hạ tầng của Phú Quốc đến năm 2015 hơn 8.000 tỉ đồng nhưng chúng ta hiện chỉ mới cân đối cho cả tỉnh Kiên Giang hơn 2.000 tỉ đồng, như thế chẳng thấm vào đâu. Tôi đề nghị tỉnh rà soát lại hết các công trình ở Phú Quốc và làm tờ trình gửi các bộ ngành, chúng tôi sẽ cân nhắc và có phương án hỗ trợ” - ông Chí đề nghị.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù

Để “cởi trói” và tiến tới “chắp cánh” cho Phú Quốc, tổ công tác và tỉnh Kiên Giang thống nhất đề xuất trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc. Theo ông Bùi Ngọc Sương - phó ban chỉ đạo Tây Nam bộ, trưởng bộ phận giúp việc cho tổ công tác, hiện nay Phú Quốc được hưởng cơ chế, chính sách theo quy định của Nhà nước về khu kinh tế và một số chính sách được “vận dụng như khu kinh tế biển”.

Do đó, tổ công tác cần trình Thủ tướng quyết định thành lập Khu kinh tế biển Phú Quốc để Phú Quốc được áp dụng cơ chế đặc thù.

Bộ phận giúp việc của tổ công tác cũng đề xuất thí điểm xây dựng bộ máy nhà nước của Phú Quốc theo mô hình chính quyền đô thị, đồng thời với việc tăng biên chế cho các phòng ban, cơ quan liên quan gấp 1,5 lần biên chế hiện tại của đơn vị hành chính cấp huyện để đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Ông Ngô Quang Thắm - phó giám đốc Sở Nội vụ Kiên Giang - cho rằng nếu thí điểm chính quyền đô thị Phú Quốc chỉ là một chính quyền đô thị trực thuộc tỉnh thì không khác gì và cũng chẳng giải quyết được gì.

Theo ông Thắm, phương án khả thi nhất là tách Phú Quốc thành một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Ông Lê Văn Thi kiến nghị trước mắt cần bổ sung một phó chủ tịch tỉnh để kiêm nhiệm chức trưởng ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc. “Vì hiện nay trưởng ban chỉ là chủ tịch UBND huyện nên không đủ tầm để làm việc với các sở ngành của tỉnh chứ chưa nói làm việc với các bộ ngành trung ương, nên trên thực tế các phó chủ tịch tỉnh cũng phải căng sức ra làm thay” - ông Thi nói.

Ông Đặng Huy Đông, thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, đề nghị tỉnh Kiên Giang và tổ công tác cần nghiên cứu thêm để đề xuất một cơ chế, chính sách tổng hòa, đảm bảo tính khả thi. Ông Đông cũng ủng hộ xây dựng Phú Quốc thành một đặc khu kinh tế, hành chính kiểu mẫu hiện đại.

Ông Nguyễn Phong Quang cho rằng để có thể giúp Phú Quốc “cất cánh” trong một vài năm tới là nhiệm vụ hết sức khó khăn, do đó đòi hỏi tổ công tác phải đề xuất được những cơ chế, chính sách đặc thù.

Theo ông Quang, tỉnh Kiên Giang cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo sơ kết thực hiện quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ và nêu cụ thể kiến nghị của địa phương để cuối tháng 11 tổ công tác họp thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc trình Thủ tướng xem xét ban hành.

Khách du lịch đến Phú Quốc tăng 13%

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, sau khi có quyết định 178 ngày 15-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010, tầm nhìn năm 2020, đến nay Phú Quốc đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Đáng kể là tốc độ tăng tưởng GDP cao và ổn định với mức bình quân hằng năm hơn 22% (năm 2012 ước đạt 2.145 tỉ đồng, gấp 4,91 lần năm 2004).

Lượng khách du lịch đến Phú Quốc bình quân hằng năm tăng 13%, riêng năm 2012 ước đạt 362.281 lượt người, gấp gần ba lần so với năm 2005.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên