Đơn kiến nghị được gửi đến UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Giao thông vận tải, ban quản lý vịnh Hạ Long và Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh để kiến nghị về nội dung của chỉ thị số 11 ngày 22-6-2012 của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định về việc tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó nêu “không cho tàu du lịch đến các điểm du lịch, dịch vụ điểm bán hải sản… chưa được công bố trên vịnh Hạ Long".
Phóng to |
Dân làng chài Ba Hang nhìn theo một chiếc tàu du lịch chở khách đi ngang qua - Ảnh: Hoàng Điệp |
Công ty lữ hành hủy tour
Ông Bùi Quang San, giám đốc Công ty TNHH Thanh Niên, hiện đang kinh doanh tàu vận tải du lịch tại vịnh Hạ Long, cho biết: “Từ 1-9, tôi nghe các thuyền trưởng phản ánh rằng Cảng vụ đường thủy nội địa nghiêm cấm các tàu cập làng chài Ba Hang, nếu tàu nào vi phạm thuyền trưởng sẽ bị treo bằng và cảng vụ sẽ không cấp phép cho chở khách vào ngày hôm sau”.
Khách du lịch thường xuyên đi tàu của doanh nghiệp Thanh Niên thường là khách Đài Loan và Thái Lan, ngoài việc đi thăm những địa điểm được quy định bao giờ khách cũng muốn đi thăm làng chài và ăn hải sản tươi sống. “Bây giờ tỉnh cấm vậy thì tôi cứ bảo các thuyền trưởng chấp hành chứ chưa biết làm thế nào”, ông San nói.
Phóng to |
Một góc làng chài Ba Hang - Ảnh: Hoàng Điệp |
Sụt giảm khách Ông Nguyễn Văn Duyên, thành viên BQL vịnh Hạ Long, phụ trách khu vực Ba Hang, cho rằng dù Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh chỉ cấm các tàu cập các nhà bè tại làng chài Ba Hang, không cấm khách vào thăm hang Luồn và làng chài nhưng hầu hết các tàu đều đậu ở xa khu vực làng chài nên lượng khách đến thăm hang Luồn giảm đáng kể. Nếu bình thường không cấm tàu, ngày cao điểm có khoảng 1.000 khách mua vé (giá 20.000 đồng/khách) thì hiện nay chỉ còn 100 khách/ngày. |
Ông Bùi Quang San cũng cho rằng Quảng Ninh có vịnh Hạ Long nên lượng khách du lịch quốc tế đến rất đông, tuy nhiên cơ sở hạ tầng trên bờ của khu vực Bãi Cháy chưa có gì nên khách chỉ còn thú vui là tham quan và hưởng thụ trên vịnh. Cũng bởi du khách có cảm giác không tin tưởng về an toàn vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam nên việc nhìn thấy hải sản tươi sống đang bơi họ rất thích và thường mua (dù không nhiều) để thưởng thức ngay trên thuyền.
Không chỉ bất ngờ về việc các thuyền trưởng bị đưa ra thông báo cấm cập tàu vào các bè làng chài, chị Nguyễn Thị Hằng, giám đốc Công ty CP thương mại và du lịch Hoàng Phương, cho biết: "Toàn bộ hợp đồng ký với các công ty lữ hành và du lịch đều có điều khoản trong hợp đồng và phụ lục là đưa khách du lịch đến thăm làng chài. Bởi thế, khi thuyền trưởng thông báo không được vào làng chài Ba Hang, tôi buộc phải thông báo lại với công ty lữ hành về sự thay đổi này, họ đồng loạt hủy tour. Tháng này 3 tàu du lịch của tôi mới đi được 4 chuyến".
Phóng to |
Một góc làng chài Ba Hang - Ảnh: Hoàng Điệp |
Phóng to |
Những chiếc tàu du lịch đi ngang qua làng chài Ba Hang nhưng không dừng lại nữa - Ảnh: Hoàng Điệp |
Đặc biệt chị Phạm Thị Nga, giám đốc Công ty Sơn Cường, còn kể có một đơn vị cựu chiến binh từ Hà Nội năm nào cũng về Ba Hang để làm từ thiện. Mấy hôm trước, đoàn tiền trạm này xuống đề nghị tàu của công ty chị Nga đưa vào khu Ba Hang nhưng không được chấp nhận. “Tôi đã đến Cảng vụ đường thủy nội địa để xin cho đoàn từ thiện vào trợ giúp nhưng Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh trả lời về Hà Nội mang công văn xuống trình thì họ cho phép. Đến đi làm từ thiện và còn lằng nhằng vậy nên họ từ chối” - chị Nga kể.
Người làng chài than mất việc
Phóng to |
Không còn việc làm, bà Luyến lấy thuyền chở các cháu nhỏ đi từ bè này sang bè kia chơi - Ảnh: Hoàng Điệp |
Cấm để siết “chặt chém” Ông Đỗ Đức Thắng, phó BQL vịnh Hạ Long, cho biết chỉ thị của UBND tỉnh Quảng Ninh nhằm siết chặt vấn đề chặt chém khách du lịch và hạn chế thuyền nhỏ đeo bám, chèo kéo, cân điêu bán thiếu cho khách tham quan vịnh Hạ Long mà một số phương tiện truyền thông và khách du lịch đã phản ảnh trong thời gian qua. BQL vịnh Hạ Long nghiêm túc thực hiện theo chỉ thị của UBND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng cho du lịch Quảng Ninh. |
Trên bè nhà ông Đỗ Văn Hữu (56 tuổi), đám trẻ con tụ tập đánh chuyền. Bà Lê Thị Hương (vợ ông Hữu) đan lưới trong phòng khách chật hẹp, bà nói: “Cả đêm qua hai vợ chồng đi chài được 80.000 đồng tiền cá, đêm hôm kia thì chỉ đủ một bữa cá ăn. Ban ngày chả biết làm gì nên tôi mua cước về đan lưới”.
Với diện tích chừng 80 mét vuông, bè của ông Hữu có 9 nhân khẩu sinh sống gồm vợ chồng ông và các con cháu, trong đó có đến 4 lao động chính sống nhờ vào việc chèo đò. Là xã viên của HTX Con đò cổ tích đưa khách vào thăm hang luồn ở Ba Hang nên bà Hương và ông Hữu tham gia chèo đò tay với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng.
Từ ngày 1-9, khi tàu khách không cập bờ, vợ chồng ông cũng chỉ ở nhà chứ chưa nghĩ ra việc gì để kiếm sống. Tuy nhiên, bà Hương vẫn hi vọng: “Biết đâu nay mai người ta thay đổi, mới có chục ngày không có việc làm mà cả nhà đang rơi vào túng bấn đến cả hạt gạo, mỗi ngày ăn hết 3kg gạo với 100.000 đồng mua rau mà vẫn không làm sao để có tiền”.
Trong gian phòng khách bé tí xíu, mấy đứa trẻ cháu bà Hương bò lồm ngồm vơ lưới bỏ vào miệng. “Nếu không thay đổi chắc chúng tôi đánh liều vào rừng hái củi bán cho người ta nung vôi, chứ hải sản bây giờ cũng cạn kiệt rồi lấy gì mà đánh bắt” - bà Hương nói.
Bà Vũ Thị Thu Thủy (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh): Phải hi sinh cái nhỏ phục vụ cái lớn Cảng vụ đường thủy nội địa cấm tàu cập các bè cá này là đúng rồi, làm vậy để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tôi hiểu rằng người dân chài vẫn mong muốn được thu lợi nhuận, được sinh sống dựa vào du lịch nhưng chúng ta phải theo quyền lợi chung của cộng đồng lớn. Ông Lê Hồng Thắng (giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh): Sẽ tìm hướng giải quyết Chúng tôi có nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân ở làng chài Ba Hang cùng với 3 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại làng chài này. Ngay trong chiều 12-9 tôi đã đi thị sát làng chài và xem hồ sơ của các doanh nghiệp đã đăng ký. Sau khi thị sát Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh sẽ báo cáo với các cơ quan chức năng để tìm hướng giải quyết hợp lý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận