“Ăn đong” thị trườngChăn nuôi như “đánh bạc”
Phóng to |
Trong bối cảnh không có một cơ quan tín nhiệm để lựa chọn giống chất lượng, anh Lê Văn Hải (P.12, Đà Lạt) chấp nhận chi phí đầu tư cao lập phòng nuôi cấy mô và thuê kỹ sư để chủ động nguồn giống - Ảnh: MAI VINH |
Để có giống tốt người nông dân có hai lựa chọn: mua từ nước ngoài hoặc tự mày mò tạo giống như cách làm hàng trăm năm trước. Nhiều nông dân nói thẳng họ không tin chất lượng giống trong nước.
Nông dân làm thay nhà khoa học
"Các giống rau tại Đà Lạt phần lớn là ngoại nhập nếu không muốn nói là tất cả, chúng ta đang ăn rau có nguồn gốc nước ngoài trồng tại VN" |
Hơn 16 năm gắn bó với nghề trồng rau, ông Mai Văn Khẩn (P.12, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) rất thấm thía cảnh phải mò mẫm bằng nhiều phương pháp thủ công khi chọn giống, đặc biệt trong những lần trục trặc cần phải thay giống mới. “Là nông dân nên mấy ai như chúng tôi có đầy đủ kiến thức về sinh học, mỗi khi cần đổi giống thì đúng là cực hình” - ông Khẩn cho hay.
Sở dĩ ông Khẩn gọi đó là cực hình vì phải mua giống trong trạng thái mơ hồ, không biết giống cây đó có tốt, có đúng ý mình hay không... Chưa kể để quyết định đầu tư một giống rau với diện tích lớn thì phải trồng thử nghiệm hàng chục loại để lựa chọn.
Thực tế, hơn 10 năm qua ông Khẩn chỉ mua hạt giống rau xà lách tím và bí từ một công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ, thế nhưng mới đây khi người phụ trách thị trường của hãng này tại Lâm Đồng thông báo ngưng cung cấp hạt giống thì ông Khẩn cũng như rất nhiều bà con Thái Phiên (P.12, Đà Lạt) rơi vào cảnh lúng túng. Giải pháp hiện tại ông Khẩn cho biết là mày mò tìm giống mới để chuyển sang trồng loại cây khác. “4ha đất để trống mất nhiều tiền nhưng đành chịu”.
Bức bách vì không tìm được giống tốt ở thị trường trong nước, nhiều nông dân phải làm “nhà khoa học” khi tự nghiên cứu giống. Anh Lê Văn Hải (P.12, Đà Lạt) cho biết cách đây bảy năm bắt đầu trồng hoa cúc nhưng không tìm đâu ra chỗ cung cấp giống tốt cho ra loại hoa đẹp đồng, giống mua từ các đại lý thường xuyên bị sai màu, cây bị bệnh chết. Do đó, dù chỉ có 2ha đất trồng cúc nhưng anh Hải vẫn quyết định đầu tư một phòng cấy mô và thuê bốn kỹ sư về làm việc.
“Hai năm đầu tiên tôi lỗ 500 triệu đồng nhưng vẫn cắn răng tự tìm hiểu, tự học chọn giống để gỡ lại những gì đã mất” - anh Hải nói. Giờ đây anh Hải không giấu giếm rằng mình có thể thành thạo chuyện cấy mô nhưng chọn mẫu từ vườn để tạo giống thì rất cảm tính, chủ yếu “hên xui”.
Không chỉ ngành trồng trọt, để có được con giống tốt trong chăn nuôi, người nông dân vẫn đang phải ngày đêm mày mò lai tạo, thải loại... tốn rất nhiều thời gian mới chọn được giống heo ưng ý. “Rất nhiều loại giống chất lượng cao hiện nay đều do chúng tôi tự làm hết” - ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết. Để có nguồn giống tốt, không ít chủ trại phải sang tận Mỹ tìm mua heo giống hay tinh trùng rồi chuyển bằng đường máy bay về VN, sau đó tự lai tạo, chọn lọc trong phạm vi trại của mình.
Theo các chuyên gia, cách mà nông dân tự chọn giống không còn phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, trong khi các cơ quan nghiên cứu chưa đưa ra những sản phẩm tốt, còn nhập khẩu giá quá cao, đầu tư trong lĩnh vực này còn quá khiêm tốn thì người dân vẫn buộc phải tự làm giống như cách cha ông đã làm cách đây hàng trăm năm.
PGS.TS Dương Tấn Nhựt, viện phó Viện Sinh học Tây nguyên, cho rằng: “Việc chọn giống đòi hỏi phải có kỹ thuật tốt, thiết bị tốt để tránh những bệnh về virút phát tác về sau tạo ra hàng loạt cây bệnh và tràn lan đến mức mất kiểm soát. Đến lúc đó người dân mới thật sự gánh chịu hậu quả”.
Giống ngoại lấn giống nội
80% rau xuất khẩu là giống của Thái Lan Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, có đến 80% các loại rau xuất khẩu sang thị trường châu Âu sản xuất từ giống của Thái Lan. Trong đó có cả những giống rau thông thường như lá húng quế, khổ qua, đu đủ... Ông Trần Thanh Phú, giám đốc Công ty Tân Đông (TP.HCM), giải thích công ty cũng muốn xuất khẩu rau từ giống trong nước nhưng không có giống chất lượng cao để làm. Khách hàng châu Âu yêu cầu phải là giống rau của Thái Lan mới mua vì giống Thái Lan có lá to hơn, đẹp hơn và để được lâu hơn rau VN. |
Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, cho biết hiện nay toàn bộ giống gà lông màu lẫn công nghiệp tại VN đều phụ thuộc nguồn cung từ bên ngoài. “Các công ty trong nước hoặc nhập khẩu gà con hoặc mua gà thế hệ ông bà về tạo ra gà thương phẩm rồi bán ra thị trường chứ chưa có công ty nào nghiên cứu tạo ra các giống gà của VN” - ông Bình nói. Lý giải điều này, ông Bình cho biết muốn tạo ra các giống vật nuôi chất lượng thì ngoài việc đầu tư của các công ty còn cần sự hỗ trợ của ngành khoa học cơ bản trong chọn lọc giống. Theo ông Bình, ngành sản xuất giống tại VN không thể cạnh tranh nổi với nước ngoài bởi tiềm lực yếu của các công ty trong nước, đặc biệt là thiếu hẳn sự hỗ trợ của ngành nghiên cứu khoa học cơ bản trong nước.
“Mình có mua giống gốc từ Mỹ về thì trong quá trình làm cũng cần có sự hỗ trợ của ngành công nghệ sinh học trong chọn lọc những nguồn gen tốt, nhưng ở VN chưa có ngành này. Tôi từng hợp tác với một công ty Hàn Quốc làm trại heo giống ở Đồng Nai nhưng chỉ sau một vài lứa đã phải đóng cửa” - ông Bình nói.
Theo ông Bình, “Các nước một heo nái cho 25 heo con mỗi năm trong khi ở VN chưa quá 18 heo con. Trong khi các trại ở VN chọn lọc heo theo hướng để lại những con mông to, ngực nở vì dễ bán cho thương lái thì nước ngoài chọn những con cho năng suất cao, lớn nhanh, tỉ lệ nạc cao”.
Cần có chiến lược
Theo Bộ NN&PTNT, hiện mỗi năm VN phải chi tới 200 triệu USD nhập khẩu các loại hạt giống phục vụ ngành trồng trọt trong nước, rất nhiều loại hạt giống rau củ có thể sản xuất trong nước như cà chua, dưa leo, đậu bắp, khổ qua... nhưng VN vẫn ồ ạt nhập khẩu.
Ông Trương Đức Phú, thành viên ban chấp hành Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hiện là chủ một trại giống hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 2 triệu cây. Ông khẳng định cây giống từ phương pháp cấy mô của mình bảo đảm về chất lượng nhưng không xác định được nguồn gốc từ đâu. “Tôi chọn sân chơi trong nước nên không nhất thiết phải xác định nguồn gốc giống” - ông Phú cho hay.
Theo ông Phú, đợt làm việc mới đây với Bum, một tổ chức phi chính phủ có chức năng bảo vệ bản quyền giống cây trồng, tổ chức này đã cho ông một thông tin quan trọng: một số giống cây chỉ được bảo hộ bản quyền trong một thời gian, sau đó thì có thể nhập khẩu và nhân giống một cách hợp pháp. Ông và những người bạn làm nông tiếp nhận thông tin này một cách phấn khởi nhưng sau đó cả nhóm xìu xuống vì những thông tin dạng này biết tìm ở đâu ra.
Ông Phú cho rằng: “Sự đầu tư của Nhà nước cho người làm nông những thông tin dạng này còn quý hơn vàng, người nông dân sẽ không mất nhiều tiền để có những giống cây tốt là sản phẩm của những nước có công nghệ sinh học phát triển”.
Theo TS Nhựt, để có những nguồn giống tốt cung cấp cho phát triển nông nghiệp thì cần phải xác định chiến lược của ngành nông nghiệp. Đầu tư phát triển, phục tráng những giống hoa quả bản địa có chất lượng, quảng bá bằng nhiều kênh, cung cấp thông tin, quy trình trồng trọt cho nông dân và sau đó tạo ra những giống mới để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
TS Nhựt đưa ra giải pháp Nhà nước lập một trung tâm lưu trữ giống với nguồn gen sạch bệnh để người dân chọn giống có cơ sở đối chiếu, tránh tình trạnh lần mò như hiện nay.
Tự cứu mình Nhìn cảnh anh Nguyễn Thanh Trung (P.9, Đà Lạt) dù không rành tiếng Anh vẫn rị mọ dùng công cụ dịch thuật trên mạng để đọc các tài liệu nước ngoài về trồng dâu tây mới thấy hết cái khó khăn của người nông dân. Anh đặt lên bàn một tập tài liệu bằng tiếng Anh vừa in từ Internet rồi bảo: “Người nông dân ở Mỹ được nhận những cảnh báo, khuyến cáo về giống, phân, thuốc, thời tiết hằng tuần nên luôn có giải pháp tối ưu để đảm bảo chất lượng, năng suất nông sản. Tôi lần mò học họ rồi tùy cơ áp dụng”. Hai năm nay anh Trung mày mò sản xuất dâu siêu sạch nhưng vẫn chưa hoàn thiện quy trình để thu hồi vốn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận