17/07/2012 08:50 GMT+7

Thêm dấu, mất thêm tiền

Ông HỒNG VĂN SANG (phụ trách phòng xuất nhập khẩu Công ty TNHH chế biến gỗ nhựa Lâm Thanh)
Ông HỒNG VĂN SANG (phụ trách phòng xuất nhập khẩu Công ty TNHH chế biến gỗ nhựa Lâm Thanh)

TT - Ngày 16-7, thêm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ tại TP.HCM, Bình Dương “khóc ròng” do hàng phải nằm cảng vì vướng quy định: hàng đồ gỗ xuất khẩu phải có biên bản của đại diện kiểm lâm địa phương.

Quy định này theo thông tư 01 của Bộ NN &PTNT.

0RnUFZQI.jpgPhóng to
Quy định mới của Bộ NN&PTNT được áp dụng bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp không thể xuất hàng theo đúng tiến độ, tốn thêm chi phí - Ảnh: T.THẮNG

Điều đáng nói là quy định trên được triển khai và áp dụng đột xuất vào ngay những ngày cuối tuần khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp.

Mất uy tín với khách hàng

"Trong bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn, đáng lẽ các thủ tục cần được thông thoáng hơn thì lại ngày càng phức tạp khiến doanh nghiệp tốn thêm công sức, chi phí và thời gian"

Đại diện Công ty Phú Thiên Phát cho biết trưa 16-7 vẫn chưa thể làm thủ tục xuất khẩu sang Anh hai container 40 feet bàn ghế gỗ, mặc dù hàng đã nằm tại cảng Cát Lái từ ngày 14-7. Ông Trần Văn Mẫn, người trực tiếp đi làm thủ tục xuất khẩu, cho biết đây là những sản phẩm bàn ghế làm bằng gỗ sồi nhập khẩu từ Mỹ, sau khi chế biến sẽ được xuất khẩu sang Southampton (Anh). “Sáng 16-7, đại diện khách hàng đã đến công ty nhăn nhó dữ lắm, họ đang lo hàng đến chậm so với kế hoạch. Chúng tôi rất lo lắng vì hàng bị chậm, số tiền hàng trị giá hơn 46.000 USD không biết thanh toán thế nào” - ông Mẫn bức xúc.

Bà Phan Thị Thúy Hằng, giám đốc Công ty Khang Á (TP.HCM), cho biết có bốn container đồ gỗ xuất khẩu đã nằm tại cảng Cát Lái từ ngày 13-7 đến nay vẫn chưa thể đưa hàng lên tàu để giao cho khách. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (Hải quan cảng Cát Lái) không chấp nhận làm thủ tục xuất khẩu lô hàng, mặc dù công ty đã giải trình, làm đủ mọi cách. Đây là lô hàng không phải do công ty trực tiếp sản xuất mà là hàng mua lại từ những nhà chế biến, sản xuất khác. Sau đó công ty chỉ làm nhiệm vụ sơn lại, đóng container và đem xuất khẩu.

Nhà sản xuất đã cung cấp hầu hết các loại giấy tờ chứng minh tính hợp pháp và xuất xứ của hàng hóa, trừ bảng kê lâm sản chưa có xác nhận của kiểm lâm địa phương nên hàng buộc phải nằm cảng. “Doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương kiểm tra nguồn gốc lâm sản nhưng phải có thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị và chủ động. Nay bất ngờ áp dụng trong khi phía kiểm lâm cũng không có thông báo gì nên doanh nghiệp trở tay không kịp” - bà Hằng nói.

Không chỉ phải nằm cảng bốn container, công ty còn khoảng ba container hàng khác đang nằm tại kho ở Bình Dương, không dám đóng hàng đưa ra cảng vì sợ tiếp tục vướng, chi phí nằm cảng lại phát sinh. Theo đó, tùy từng hãng tàu có mức phí khác nhau, nhưng tối thiểu cũng khoảng 400.000 đồng/container/ngày. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất, theo bà Hằng, là việc mất uy tín trong làm ăn. Bốn container hàng tại cảng đã bị rớt tàu khiến việc giao hàng cho khách bị chậm trễ.

Công ty đã thông báo cho khách nguyên nhân chậm giao hàng là do vướng một số quy định mới. “Hiện họ đang rất lo lắng vì không biết các quy định sắp tới ra sao. Họ mua hàng của mình không phải để dùng mà để bán cho các cửa hàng bán lẻ. Do đó, nếu giao chậm họ cũng mất uy tín. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, khách hàng sẽ tìm các nhà cung cấp ở những thị trường khác” - bà Hằng lo lắng.

Trong khi đó ông Nghĩa, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ tại TP.HCM, cho biết lô hàng ba container 40 feet đồ gỗ xuất khẩu đi Mỹ đã có xác nhận của kiểm lâm cũng vẫn chưa được thông quan. Cơ quan hải quan yêu cầu tiếp tục chờ, mặc dù hàng đã được đưa ra cảng Cát Lái từ ngày 13-7 đến nay. Ông Nghĩa cho biết lô hàng này bị chậm khiến mỗi ngày mất hơn 2 triệu đồng chi phí nằm cảng. Chưa kể việc chậm giao hàng có thể khiến công ty bị phạt hợp đồng lên tới mức 150%, thậm chí 200%, hoặc khách hàng không nhận hàng.

143Y9S47.jpgPhóng to
Sản xuất gỗ ghép xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ Gosaco (Bình Dương) - Ảnh: Thanh Đạm

Làm khó doanh nghiệp

Ông Hồng Văn Sang, phụ trách phòng xuất nhập khẩu Công ty TNHH chế biến gỗ nhựa Lâm Thanh, cũng bức xúc vì khi nhập khẩu nguyên liệu đã có chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nay lại làm thêm một lần nữa thì quá vô lý.

Sáng 14-7, đại diện chín doanh nghiệp có ít nhất 13 container (loại 40 feet) hàng đồ gỗ xuất khẩu bị kẹt cảng Cát Lái đã làm đơn kiến nghị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I về trục trặc này. Các doanh nghiệp cho rằng nguyên liệu sản xuất là gỗ nhập khẩu từ rừng trồng, có giấy tờ khẳng định nguồn gốc. Nếu kiểm lâm muốn kiểm tra hàng thì đến doanh nghiệp kiểm tra, sao lại để hải quan can thiệp khiến doanh nghiệp “chết đứng” vào phút chót.

Về vấn đề này, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cho biết do công văn phía kiểm lâm gửi sang và phản ảnh của doanh nghiệp rơi đúng dịp cuối tuần nên đơn vị này không thể giải quyết ngay. Ngày 16-7, Hải quan cảng Cát Lái đã làm báo cáo lên Cục Hải quan TP.HCM. Từ đó, Cục Hải quan TP.HCM sẽ có cơ sở làm việc với phía kiểm lâm.

Phía Hải quan cảng Cát Lái cho biết việc không chấp thuận cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu là do thực hiện theo đúng thủ tục và quy định tại thông tư 01 của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, trước các vướng mắc hiện nay, cơ quan hải quan đang gấp rút tìm cách giải quyết để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.

“Sẽ kiểm tra, tháo gỡ nhanh nhất”

E3G99rT5.jpgPhóng to

Ông Đỗ Trọng Kim - Ảnh: Đ.BÌNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 16-7, ông Đỗ Trọng Kim, phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), khẳng định: sẽ kiểm tra những vướng mắc của quy định trên để tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp. Ông Kim nói:

- Việc ra đời thông tư 01 là cần thiết, nhằm phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về minh bạch nguồn gốc lâm sản xuất khẩu. Việc này chỉ có lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu lâm sản, tránh những rủi ro cho chính các doanh nghiệp. Vì thế quan điểm xây dựng thông tư là phải phù hợp với quy định hiện hành của VN và cả công ước quốc tế, phù hợp chủ trương quản lý hàng hóa lâm sản gắn với quản lý rừng bền vững.

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng thông tư quá chặt chẽ, thậm chí chưa phù hợp thực tế nên gây ít nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và chủ rừng. Chúng tôi ghi nhận các ý kiến này và theo chỉ đạo, đang tích cực điều chỉnh, sửa đổi những vướng mắc của thông tư 01.

Tinh thần chung của thông tư 01 là siết chặt quản lý rừng trồng, còn với lâm sản xuất nhập khẩu thì tạo sự thông thoáng hết sức cho các doanh nghiệp.

* Nhưng theo phản ảnh thì số gỗ bị ách tắc đều là gỗ do doanh nghiệp nhập khẩu về để chế biến, gia công sau đó xuất khẩu, vì vậy “đẻ” thêm thủ tục này đã gây khó cho doanh nghiệp?

- Theo thông tư, gỗ nhập khẩu để chế biến thì khi xuất khẩu cần phải có kiểm tra, xác nhận của kiểm lâm. Việc này nhằm hạn chế, kiểm soát chặt việc doanh nghiệp có địa chỉ một nơi, khi nhập gỗ ở một nơi khác rồi xuất bán không đưa về địa chỉ đăng ký để nhập xưởng, hay mua bán liên tục qua nhiều người trong cùng một thời điểm.

Tôi vừa điện thoại hỏi Chi cục Kiểm lâm TP.HCM. Đúng là có hiện tượng như Tuổi Trẻ nêu. Lãnh đạo chi cục cho biết sau khi có phản ảnh, chi cục đã họp bàn và ngay chiều 16-7 chi cục kiểm lâm sẽ có công văn gửi Hải quan TP.HCM để cùng phối hợp giải quyết. Tinh thần là giải quyết, tháo gỡ ngay, kiểm tra cái nào cần xác nhận thì xác nhận để doanh nghiệp sớm xuất hàng

* Hướng tháo gỡ lâu dài sẽ như thế nào để đảm bảo sự thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, thưa ông?

- Riêng đối với doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu lâm sản thì chúng tôi đã chỉ đạo và yêu cầu các chi cục kiểm lâm tiến hành đánh giá, phân loại để chậm nhất đến tháng 9-2012 có báo cáo về Tổng cục Lâm nghiệp để chúng tôi tổng hợp. Tinh thần là sẽ tạo điều kiện thông thoáng hết sức cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, có uy tín, không vi phạm như kiểu tạo một “luồng xanh” để hạn chế việc kiểm tra, xác nhận. Còn đối với những doanh nghiệp đã từng hoặc có hành vi vi phạm trong xuất nhập khẩu, chế biến, kinh doanh lâm sản thì sẽ siết chặt.

Ông HỒNG VĂN SANG (phụ trách phòng xuất nhập khẩu Công ty TNHH chế biến gỗ nhựa Lâm Thanh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên