16/06/2012 07:54 GMT+7

Mất cơ hội vay vốn rẻ

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Nhiều NH đã tận dụng chính sách thả nổi lãi suất huy động các kỳ hạn trên 12 tháng để phát pháo cuộc đua lãi suất. Tình hình này có thể sẽ trở thành rào cản cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay.

ZdsxwcWe.jpgPhóng to
Việc chạy đua lãi suất huy động là rào cản cho việc giảm lãi suất cho vay sắp tới - Ảnh: T.V.Nghi

Thực tế này đang diễn ra khá phổ biến trong gần một tuần qua tại nhiều NH.

Biểu lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên tại các NH đang thay đổi chóng mặt. Nếu như trước ngày 11-6, lãi suất các kỳ hạn dài luôn ở mức thấp nhất thì nay lãi suất huy động các kỳ hạn dài cao nhất đã lên đến 14%/năm, cao hơn 1% so với trần lãi suất cho vay mà NH Nhà nước quy định đối với các lĩnh vực ưu tiên là 13%/năm. Cụ thể, ở sản phẩm huy động “kỳ hạn duy nhất lãi suất cao nhất”, NH Phương Tây áp dụng mức lãi suất “khủng” là 14%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Ở sản phẩm huy động thông thường của NH này, lãi suất kỳ hạn 13 tháng cũng lên mức 13,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 13%/năm.

Các NH khác cũng đã nhập cuộc. Tại NH Kiên Long, từ ngày 15-6 lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên là 12%/năm thay vì mức 11%/năm như trước. VietBank bắt đầu áp các mức 11,5-12%/năm cho các kỳ hạn từ 13-36 tháng. Còn tại Eximbank vừa bổ sung sản phẩm “Tiền gửi lãi suất ưu đãi” với lãi suất lên đến 11% - 12%/năm. NH ACB đã hai lần điều chỉnh lãi suất, huy động, đưa lãi suất các kỳ hạn 12, 13 và 24 tháng tăng từ mức 9%/năm lên 11-11,5%/năm, kỳ hạn 36 tháng lãi suất huy động là 12%/năm.

Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc NH ACB, cho rằng trước đây khi NH Nhà nước quy định một mức trần lãi suất chung cho các kỳ hạn, người dân chỉ gửi các kỳ hạn ngắn, trong khi hầu hết các khoản cho vay là trung dài hạn dẫn đến mất cân đối kỳ hạn. Do vậy các NH đang “tranh thủ” chính sách cho phép thỏa thuận lãi suất các kỳ hạn dài nhằm cơ cấu lại nguồn vốn.

Trong khi đó, tổng giám đốc một NH có trụ sở ở phía Bắc cho rằng việc chạy đua lãi suất các kỳ hạn dài có nguyên nhân từ một số NH gặp khó khăn về thanh khoản. Những NH này không thể vay vốn liên NH từ các NH lớn, do vậy đang tranh thủ chính sách thả nổi lãi suất kỳ hạn dài để đẩy lãi suất huy động lên cao nhằm thu hút vốn. Thậm chí các NH này còn biến vốn ngắn hạn thành dài hạn thông qua việc huy động kỳ hạn dài nhưng lại cho phép khách hàng thoải mái rút vốn trước hạn. “Đó là một hình thức lách trần lãi suất kỳ hạn ngắn” - vị tổng giám đốc này nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-6, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, thừa nhận thực tế các NH đang đua lãi suất các kỳ hạn dài sau khi NH Nhà nước cho tự do hóa lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 tháng. Ông Minh cho biết trong tuần tới NH Nhà nước TP.HCM sẽ tìm hiểu nguyên nhân để báo cáo NHNN. Theo ông Minh, việc đua lãi suất kỳ hạn dài hiện nay sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung dài hạn, do hiện nay căn cứ tính lãi suất cho vay của các NH dựa trên lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng cộng biên độ quy định của từng ngân hàng. Từ đó cũng sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ông Minh cũng cho biết hiện nay chỉ số ít doanh nghiệp tiếp cận được vốn rẻ, còn lại phải vay với lãi suất cao, lên đến 17,5-18%/năm.

Lo ngại nợ xấu

Tại buổi làm việc giữa Ban kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân TP.HCM và NH Nhà nước TP.HCM chiều 15-6, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết sau nhiều tháng liên tục sụt giảm, tín dụng trong tháng 6 đã tăng 2% so với cuối năm 2011 do chính sách mở rộng đối tượng cho vay. Nhiều NH đã sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm 2012. Tuy nhiên lo ngại lớn nhất vẫn là nợ xấu. Từ mức 3,6% đầu năm, đến nay nợ xấu đã tăng đến 6% tổng dư nợ. Đặc biệt, nợ xấu tăng rất cao ở các công ty tài chính.

Nợ xấu cao khiến các NH ngại cho vay. Mặt khác nợ xấu cũng làm chi phí vốn tăng, NH khó giảm lãi suất cho vay. NH Nhà nước có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới để thu hồi nợ cũ, tuy nhiên đến nay NH Nhà nước chưa có hướng dẫn thống nhất nên các NH mạnh ai nấy làm, nhiều NH - đặc biệt các NH thương mại - không mặn mà áp dụng. Ông Minh cho biết từ nay đến cuối năm, NH Nhà nước TP.HCM đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 300.000-350.000 tỉ đồng, tương đương mức tăng 8-10% so với cuối năm 2011.

Ông Minh cho biết hiện nay dư nợ lĩnh vực ưu tiên chiếm hơn 79% dự nợ, tuy nhiên chỉ có khoảng 53% doanh nghiệp được NH định lại lãi suất cho vay mới do độ trễ của chính sách và do các NH cổ phần chưa thực hiện nghiêm túc quy định.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên