Khi đó, ông Bình nói rằng trần lãi suất huy động sẽ được giảm dần, đến cuối năm 2012 còn dưới 10%/năm. Các ngân hàng nhẩm tính kể từ thời điểm ông Bình công bố lộ trình này, bình quân mỗi quý trần lãi suất huy động sẽ giảm 1%.
Căn cứ vào lộ trình giảm trần lãi suất huy động với cái đích cuối năm 2012 là 10%/năm, nhiều ngân hàng đã xây dựng kế hoạch huy động vốn cho mình. Mức lãi suất mà không ít ngân hàng đưa ra cho kỳ hạn 12 tháng là khoảng 12%/năm. Khá nhiều ngân hàng đã ôm một đống vốn với mức lãi suất này vì thế lãi suất cho vay trong khoảng một thậm chí hai năm tới (với kỳ hạn huy động 24 tháng) không thể dưới 15-17%/năm.
Thế nhưng, diễn biến trần lãi suất trên thực tế không như những gì mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã công bố. Trần lãi suất liên tục giảm, không giảm theo quý mà theo tháng, từ mức 14%/năm nhưng mới tháng 6-2012 trần lãi suất chỉ còn 9%/năm và có thể giảm thêm khi lạm phát ở mức thấp. Cú giảm quá nhanh ngoài dự báo này đã khiến các ngân hàng bị “việt vị” khi huy động vốn.
Một vị giám đốc ngân hàng nói họ đã lỡ huy động lãi suất cao nhưng cũng không thể cho vay thấp. Ngân hàng chỉ có cách chia sẻ với doanh nghiệp là khi có điều kiện sẽ ký phụ lục hợp đồng giảm lãi suất để bớt áp lực cho người vay.
Xem ra việc chậm giảm lãi suất cho vay không chỉ có nguyên nhân ngân hàng thương mại “ăn đậm”, khó khăn thanh khoản mà còn do công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Ngay cơ quan này cũng không dự báo chính xác về đà giảm của lạm phát để đưa ra những tín hiệu về hướng đi của lãi suất nhằm định hướng thị trường, thì cái giá phải trả chính là những mức lãi suất cao mà doanh nghiệp đã và đang phải gánh chịu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận