30/05/2012 07:45 GMT+7

"Cởi trói" quảng cáo

TRẦN VŨ NGHI - BẠCH HOÀN
TRẦN VŨ NGHI - BẠCH HOÀN

TT - Dự kiến hôm nay (30-5), Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật quảng cáo. Xung quanh dự luật này, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của những người trong cuộc.

5974k9sT.jpgPhóng to
Quảng cáo chen ngang các chương trình làm ảnh hưởng đến khán giả xem truyền hình - Ảnh: T.T.D.

Trong khi nhiều ý kiến đánh giá cao những nội dung mang tính đột phá trong dự thảo luật như không phải xin phép ra phụ trương, bỏ khống chế số trang phụ trương quảng cáo..., vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về thủ tục, về những quy định đã lỗi thời chưa được sửa đổi hoặc đề cập trong dự luật.

Bước ngoặt cho kinh tế báo chí

So với pháp lệnh quảng cáo có hiệu lực thi hành từ năm 2002, theo một số chuyên gia ngành quảng cáo, dự thảo mới nhất của Luật quảng cáo có nhiều điểm mới và tiến bộ. Cụ thể, trong nội dung liên quan đến phụ trương quảng cáo trên báo in, điều 22 của dự luật quảng cáo cho phép báo chí tự ra phụ trương quảng cáo và chỉ cần thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước trước 30 ngày.

Đặc biệt, dự luật này không hạn chế số trang phụ trương quảng cáo. “Đây là một tháo gỡ rất lớn có tính chất bước ngoặt cho báo in cả nước” - vị chuyên gia nói.

Lãnh đạo phòng quảng cáo của một tờ báo tại TP.HCM cho biết một trong những bất cập hiện nay là khi cần ra phụ trương quảng cáo, các báo phải xin giấy phép, rồi lại xin phép mỗi khi tăng trang phụ trương. Đặc biệt, số trang phụ trương quảng cáo không được vượt quá số trang nội dung. Các cơ quan thanh tra hằng năm đã đếm số trang quảng cáo vượt trang nội dung để xác định mức vi phạm và mức phạt hành chính. Trong thời gian dài, những quy định này khiến báo in gặp nhiều trở ngại trong hoạt động kinh tế báo chí.

Cần tính đến xu thế quảng cáo tương lai

Theo ông Đỗ Kim Dũng, quảng cáo trên các trang mạng xã hội sẽ trở thành xu hướng trong tương lai. Tuy nhiên, dự luật chưa đưa ra những quy định phù hợp.

Về việc quảng cáo trên các mạng xã hội, luật cần quy định người quản trị mạng, chủ trang mạng phải chịu trách nhiệm về những nội dung quảng cáo không phù hợp với pháp luật và thuần phong mỹ tục VN.

Về hiện tượng quảng cáo quá sự thật, ông Dũng cho rằng luật phải ràng buộc trách nhiệm của cả ba bên gồm: cơ quan truyền thông, người sáng tạo quảng cáo và chủ thương hiệu sản phẩm để xử phạt khi có sai phạm.

Ngoài một số quy định mang tính đột phá, dự luật quảng cáo lần này cũng bổ sung nhiều nội dung hợp với tình hình thực tế, nguyện vọng của người tiếp nhận quảng cáo. Chẳng hạn tại chương II của dự luật, nội dung điều chỉnh cho phép người tiếp nhận quảng cáo, tức là người dân được quyền từ chối tiếp nhận quảng cáo, quyền được yêu cầu thẩm định, quyền được khiếu nại tố cáo... đối với sản phẩm, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng.

Cần đơn giản thủ tục

Theo ông Đỗ Kim Dũng - phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo VN, để được thực hiện quảng cáo, doanh nghiệp phải gõ cửa rất nhiều nơi, mất rất nhiều thời gian và nảy sinh nhiều chi phí. Với cơ chế xin - cho, cán bộ vui thì đồng ý cho làm, buồn thì không cho. Thậm chí cơ chế hiện nay tạo ra những lợi ích nhóm, lợi ích vô hình cho một số người, đẩy chi phí quảng cáo lên rất cao.

Chẳng hạn, một tấm biển quảng cáo ngoài trời, nằm gần chợ Bến Thành, chỉ khoảng 100m2 mà chi phí bỏ ra tới 200.000 USD thì chắc chắn chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp bị đội lên.

“Tôi cho rằng Luật quảng cáo cần làm sao để đơn giản hóa đến mức tối đa các thủ tục xin cấp phép quảng cáo. Thậm chí nên có quy hoạch quảng cáo ngoài trời và các địa phương có trách nhiệm công khai quy hoạch. Doanh nghiệp cứ thế mà làm, nội dung thì ngành văn hóa xét duyệt là được” - ông Dũng nói.

Đại diện một tờ báo lớn ở TP.HCM cho rằng mặc dù pháp lệnh quảng cáo không yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước duyệt nội dung quảng cáo, nhưng thực tế hiện nay các doanh nghiệp phải xin duyệt nội dung quảng cáo đối với dược phẩm, sản phẩm dinh dưỡng và vật tư nông nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp phải trình duyệt từng nội dung quảng cáo cho Cục Quản lý dược, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) trong khi các sản phẩm, dịch vụ đều đã được cấp đầy đủ các loại giấy xác nhận chất lượng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, các doanh nghiệp lo ngại tình trạng này sẽ tiếp diễn trong thời kỳ thực hiện Luật quảng cáo mới.

Cần bỏ quy định khống chế tỉ lệ 10%

Góp ý cho dự luật mới, một chuyên gia quảng cáo cho rằng Luật quảng cáo cần loại bỏ quy định khống chế tỉ lệ chi phí quảng cáo 10% trên tổng chi phí hoặc nâng tỉ lệ này lên một mức hợp lý hơn. Tỉ lệ này hiện không còn phù hợp theo thông lệ quốc tế và không còn cần thiết do môi trường kinh doanh đã mở rộng theo cam kết Tổ chức Thương mại thế giới.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định về năng lực tài chính của công ty truyền thông đặt chỗ quảng cáo trên báo và truyền hình. Có một thực tế là các công ty truyền thông đặt chỗ quảng cáo trên báo, đài hiện đang hoạt động theo mô hình công ty TNHH, với số vốn rất hạn chế nhưng lại được quyền đặt chỗ quảng cáo không hạn chế. Điều này có thể gây ra những rủi ro lớn với các báo đài và thất thoát tài sản nhà nước.

TRẦN VŨ NGHI - BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên