22/04/2012 08:45 GMT+7

Cước vận tải lao theo giá xăng dầu

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TT - Ngay sau khi giá xăng tăng 900 đồng/lít và giá dầu diesel tăng thêm 500 đồng/lít tối 20-4, sáng 21-4 nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đã bắt đầu điều chỉnh cước.

Người dân ồ ạt đổ xăng trước giờ tăng giá

H4gDJv1x.jpgPhóng to
Người dân Hà Nội nghe tin xăng lên giá mang can mua xăng tích trữ chiều tối 20-4 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ghi nhận thị trường vận tải cho thấy hiện tượng tăng cước đang diễn ra phổ biến ở các chủ xe tư nhân, hoặc những công ty làm dịch vụ vận chuyển hàng rời, nhỏ lẻ. Cước xe container vẫn chưa có nhiều biến động. Ông Bùi Minh Hoàng, tiểu thương buôn hàng gia dụng ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết trưa 21-4 có liên hệ với một chủ xe để thuê xe tải loại 1 tấn chở các mặt hàng gia dụng đi phân phối cho khách hàng ở khu vực Biên Hòa (Đồng Nai).

“Mới tuần trước tôi thuê xe chạy cùng tuyến giá 600.000 đồng/chuyến. Vậy mà sáng nay nhà xe báo giá lên 700.000 đồng/chuyến. Thương lượng tới lui cũng không giảm giá được” - ông Hoàng cho hay.

Tăng giá quá đà

Theo chủ xe, do giá xăng dầu tăng, xe chạy không thể không tăng cước. Tuy nhiên, dầu diesel tăng 500 đồng/lít mà mức tăng cước vận tải của xe chạy dầu lên tới 15% so với giá cũ là quá vô lý. Ông Hoàng bức xúc: “Do đã hẹn với khách chiều 21-4 sẽ giao hàng nên tôi đành ngậm ngùi thuê xe. Nhưng từ các chuyến sau sẽ tìm mối xe khác có giá hợp lý hơn”.

Ông Sanh, một chủ xe tải loại 2 tấn thường xuyên chạy hợp đồng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa khu vực nội thành TP.HCM và đi một số tỉnh lân cận, cũng khẳng định giá dầu tăng, cước vận tải chắc chắn phải tăng theo. Từ sáng 21-4, ông Sanh đã phải thông báo cho các khách hàng về mức cước tăng thêm và xe chạy áp dụng cước mới. Theo đó, với các tuyến quãng đường chạy từ 100km trở lên cước sẽ thêm 1.000 đồng/km. Các tuyến chạy dưới 100km, đặc biệt là các chuyến chạy trong khu vực TP.HCM, giá cước cũ từ 600.000-700.000 đồng/chuyến thì nay phải tăng lên 700.000-800.000 đồng/chuyến. Ông Sanh cho biết sở dĩ phải tăng cao như vậy vì đây là lần tăng cước gộp với đợt tăng giá dầu gần nhất (ngày 7-3).

Một doanh nghiệp vận tải chuyên vận chuyển các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm từ các chợ đầu mối đi giao hàng ở khu vực Bình Chánh, Củ Chi, Bình Tân... cho biết đã thông báo tăng thêm 10% cước nhưng khách hàng chưa đồng ý. Cụ thể ngày 21-4, khi khách hàng liên lạc thuê chiếc xe trọng tải 810kg tấn chở hàng đi qua một số điểm ở Bình Tân, Bình Chánh, công ty đề nghị lấy thêm 50.000 đồng tiền cước nên mức cước mới có giá 550.000 đồng/chuyến nhưng ngay lập tức khách hàng đã từ chối thuê xe.

Khách hàng khó chấp nhận

Theo đại diện Công ty TNHH Cường Triều, thông thường các tuyến chạy đi các quận huyện thuộc TP.HCM, mức cước là 500.000 đồng, có khoảng 150.000 đồng tiền dầu, 250.000 đồng tiền cho tài xế, 100.000 đồng chi phí phát sinh và lời cho chủ xe. Như vậy, chi phí mua dầu chỉ chiếm khoảng 30% giá cước. Tuyến chạy cước 500.000 đồng/chuyến, thực tế chỉ hết khoảng 7 lít dầu. Theo tính toán, với giá dầu tăng thêm 500 đồng/lít, đáng lý số tiền tăng do giá dầu chỉ khoảng 3.500 đồng. Do đó, mức tăng tới 50.000 đồng khó lòng được khách hàng chấp thuận.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn, cũng cho rằng mức tăng giá dầu lần này thực tế chỉ tác động vào giá cước ở mức 1,5-1,7%. Do đó, đợt này công ty sẽ không tăng cước vận chuyển hàng hóa để giữ khách. Theo ông Tuấn, trước khi quyết định giữ cước, công ty đã nghe ngóng tình hình từ một số doanh nghiệp “bạn”.

Qua đó thấy rằng trường hợp doanh nghiệp vận tải đã tăng cước trong đợt tăng giá xăng dầu lần trước sẽ không tăng giá đợt này. Nếu lần trước doanh nghiệp chưa tăng giá thì đợt này sẽ gộp lại, tăng khoảng 5-10% so với cước cũ, tùy thuộc quãng đường vận chuyển và tính chất mặt hàng. Hiện mới chỉ các xe vận chuyển hàng nhỏ lẻ tăng giá, đa số xe tải lớn, xe container đều chưa có động tĩnh về việc điều chỉnh cước.

Theo các tiểu thương chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Q.Thủ Đức), các xe chở rau từ Đà Lạt và xe đông lạnh chở trái cây, rau củ từ các cảng ở TP.HCM về chợ cũng đã thông báo thu thêm tiền dầu. Tuy nhiên, ngày 21-4 do chủ xe vẫn chưa áp dụng cước mới nên việc tăng giá xăng dầu chưa ảnh hưởng đến giá bán hàng hóa. Một số tiểu thương chợ Bà Chiểu cho hay giá thực phẩm bán lẻ chưa bị tác động ngay do giá tại chợ đầu mối vẫn ổn định. Hiện tượng biến động giá tới các chợ lẻ phải chờ 2-3 ngày tới khi giá xăng dầu tác động đến toàn bộ các khâu sản xuất, phân phối hàng.

Hà Nội: cước taxi sẽ tăng thêm 500-700 đồng/km

Ngày 21-4, ông Đỗ Quốc Bình, chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết cước taxi sẽ buộc phải tăng giá chứ không còn cách nào khác. Dự kiến mỗi kilômet tăng thêm 500-700 đồng. Tuy nhiên, ông Bình nói để điều chỉnh tăng giá cước, các hãng taxi mất khá nhiều thời gian làm thủ tục gửi Sở GTVT, Sở Tài chính, Cục Thuế, sau đó đem xe đến các trung tâm kiểm định đồng hồ để lập trình giá cước mới.

Trước mắt để đảm bảo hoạt động kinh doanh, ông Bình cho biết các hãng tiếp tục cắt giảm tối đa các khoản chi như phí quản lý, tiếp thị... Xe chỉ có thể chạy khi có thông báo đón khách, thay vì như trước đây có lúc xe còn chạy lòng vòng tìm khách.

Quảng Ngãi: xe khách chất lượng cao đồng loạt tăng giá vé

Ngày 21-4, ông Nguyễn Chín, giám đốc Công ty xe khách chất lượng cao Chín Nghĩa, cho biết từ ngày 21-4, công ty chính thức tăng thêm 20.000 đồng/vé ở các đầu tuyến. Ba đơn vị kinh doanh xe khách chất lượng cao khác ở Quảng Ngãi gồm Bình Tâm, Thiên Trang, Sao Vàng cũng tăng giá vé ở mức tương tự. Cụ thể, đối với tuyến từ Quảng Ngãi đi TP.HCM tăng ở mức giá niêm yết là 320.000 đồng/vé ghế ngồi và 370.000 đồng/vé giường nằm. Theo ông Chín, mức giá này đã trình Sở GTVT Quảng Ngãi và được thống nhất thông qua.

“Chúng tôi xin điều chỉnh giá ở lần tăng giá xăng dầu thứ nhất vào tháng 3 vừa rồi vì không thể gồng gánh nổi chi phí. Nhưng vừa tăng giá lên thì ngày 20-4 lại có đợt tăng giá xăng dầu mới. Doanh nghiệp chúng tôi chắc chắn sẽ còn gặp khó khăn trong lần điều chỉnh giá xăng dầu này. Chúng tôi rất lo lắng khi kinh doanh mà cứ mãi chạy theo giá xăng dầu như thế này” - ông Huỳnh Văn Thanh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty xe khách Bình Tâm, nói. Hiện bốn đơn vị vận tải khách chất lượng cao này có khoảng 40 đầu xe phục vụ khách (chủ yếu ở tuyến Quảng Ngãi - TP.HCM và chiều ngược lại).

Doanh nghiệp thêm điêu đứng

Giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng theo giá thế giới là hợp lý vì 70% thị phần xăng dầu trong nước là nhập khẩu. Do vậy, khi giá xăng dầu thế giới tăng thì trong nước cũng cần phải có sự điều chỉnh tương ứng. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất khi Bộ Tài chính tăng giá xăng dầu lần này là tại sao lại quyết định tăng 900 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít dầu diesel trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối cho biết họ lỗ 600 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu diesel. Chính vì vậy, cơ quan thanh tra, kiểm toán cần xem xét và có công bố chính thức với dư luận.

Bên cạnh đó, tôi không đồng tình với một số ý kiến cho rằng nên tăng giá xăng dầu lúc này khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang giảm mạnh. Thực tế, CPI giảm cho thấy kinh tế đang đình đốn, hoạt động sản xuất kinh doanh cực kỳ khó khăn. Cộng với lãi suất vay quá cao, lên tới 17%/năm, đến nay các doanh nghiệp khó hơn bội phần khi lượng hàng tồn kho tăng cao.

Chính phủ biết rõ điều này rồi thì cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vì lợi ích chung của nền kinh tế, đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mức 6% thì cần phải xem xét có nên tăng giá xăng dầu hay không? Rõ ràng việc tăng giá xăng dầu lần này đẩy doanh nghiệp càng thêm điêu đứng vì không thể tăng giá bán hàng trong khi chi phí đầu vào tăng cao, sức mua giảm mạnh.

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên