Kỳ 1: Sắt để gỉ, ximăng chất đống Kỳ 2: Hàng tồn chất cao như núi! Kỳ 3: Bán lỗ vẫn ế
Phóng to |
Ông Đỗ Long, phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, phát biểu tại buổi họp - Ảnh: Thuận Thắng |
Hàng loạt ý kiến đề nghị cần giảm lãi suất cho vay; thực hiện giãn nợ, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT); nên giảm thu các loại thuế phí thay vì tăng thu ở thời điểm này; đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng... "Nhà nước nên cấp thiết cứu doanh nghiệp. Cứu doanh nghiệp tức là cứu cả nền kinh tế" - nhiều ý kiến đề xuất.
Doanh nghiệp phải chủ động giãn nợ
"Nguồn tiền đổ vào sản xuất hầu như không có. Do vậy, nên gỡ ngay nút thắt này. Phải xem doanh nghiệp là cánh tay nối dài của Chính phủ, Nhà nước. Cứu doanh nghiệp cũng là để thực hiện an sinh xã hội" |
Ông Thắng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng xem xét giãn nợ cho doanh nghiệp chưa thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp. Vì bản chất của việc "xem xét" là ngân hàng hoàn toàn chủ động, có đồng ý hay không là do ngân hàng. Do đó, ông Thắng kiến nghị: "NHNN cho doanh nghiệp quyền được chủ động đề nghị với ngân hàng được giãn nợ từ 2-3 năm đối với các khoản vay trung và dài hạn".
Cùng quan điểm với ông Thắng, ông Văn Ðức Mười - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - nói thêm: "Nhà nước chỉ cần ban hành một khung nhất định để có thể kiểm soát được việc này trên cơ sở phân loại nợ. Doanh nghiệp sẽ đề xuất cơ cấu lại các khoản nợ, đảo nợ trong khung đã ban hành".
Ông Trương Ðình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, bức xúc cho rằng các ngân hàng thương mại đã được hưởng mức lợi nhuận rất cao. "Nay NHNN cần có chính sách gây áp lực với các ngân hàng thương mại để giúp doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, cho doanh nghiệp được khoanh nợ, giãn nợ" - ông Hòe nhấn mạnh.
Nên áp trần lãi suất cho vay
Kiến nghị lên ủy ban Thường vụ Quốc hội Ông Nguyễn Phương Nam, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, cho biết trong ngày hôm ngay (12-4) sẽ tổng hợp toàn bộ kiến nghị của đại diện các hiệp hội ngành nghề thành một bản kiến nghị và gửi lên ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ. Các hiệp hội doanh nghiệp kỳ vọng các cơ quan Quốc hội, Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến đề xuất để có các chính sách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Cũng bức xúc về tác động của vấn đề lãi suất cho vay, ông Ðặng Quốc Hùng, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới đều không thể chịu nổi mức lãi suất hiện tại. Ông Hùng cho rằng: "Nếu đã phát hiện bệnh thì phải trị ngay bệnh. Nhà nước đã xác định phải giảm lãi suất thì phải làm ngay, không nên chờ lộ trình đến cuối năm, có khi doanh nghiệp cũng... chết rồi!" - ông Hùng nói thẳng.
Bên cạnh việc phải giảm ngay lãi suất cho vay, lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề cho rằng cần phải có cơ chế để ngân hàng tăng cường cho vay sản xuất. Theo ông Trần Kim Chung - chủ tịch HÐQT Tập đoàn CT Group, 5-7 năm trước ngân hàng đến tận doanh nghiệp để tiếp thị, chào vay, bây giờ "ngân hàng đang thờ ơ với việc cho vay". Theo ông Chung, nếu lãi suất có giảm xuống 15%/năm, nhưng ngân hàng vẫn tìm cách từ chối cho vay thì cũng vô ích. "Vì vậy, NHNN cần có cơ chế hạn chế tình trạng các ngân hàng đang cho vay lòng vòng lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng. Từ đó mới tạo được sức ép dồn vốn cho vay sản xuất" - ông Chung đề xuất.
Giảm thu thuế, phí
Nhanh chóng có biện pháp kích cầu tiêu dùng Theo ông Đỗ Long - phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng VN, nếu không có chính sách kích cầu tiêu dùng, chú trọng tốc độ tăng trưởng thì đến một lúc nào đó, cho vay lãi suất 10% doanh nghiệp cũng không dám vay vì không có đầu ra, hàng hóa tồn ế không tiêu thụ được. Còn ông Võ Quốc Thắng thấy rằng “cứu doanh nghiệp cũng chính là kích cầu tiêu dùng”. Khi doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất thì chắc chắn sẽ phải đi mua giày, quần áo đồng phục cho công nhân, phải thuê xe chở hàng, mua thực phẩm cho công nhân ăn... Điều này tạo ra luồng chạy cho hàng hóa. |
Ông Nguyễn Phương Nam, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, khẳng định giảm thuế VAT sẽ giảm bớt giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa. Ông Nam cho rằng cần có biên độ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 18-20%, thay vì mức 25% như hiện nay và việc giãn thuế vào năm 2012-2013 cần được thông báo sớm cho doanh nghiệp.
Tương tự, ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng không nên phạt doanh nghiệp trong trường hợp chậm nộp thuế do ảnh hưởng từ các yếu tố suy thoái kinh tế chung.
Theo ông Trần Kim Chung, để tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, mặt hàng nào Nhà nước còn can thiệp, định giá được như xăng dầu, điện nước thì "cố gắng kềm không để cho tăng nữa". Mặt khác, cần tháo gỡ độc quyền ở một số ngành có ảnh hưởng nhiều đến chi phí sản xuất như xăng dầu, điện vì "nếu xăng dầu mà làm được như ngành viễn thông, phá bỏ thế độc quyền sẽ giảm bớt không nhỏ chi phí sản xuất cho doanh nghiệp".
Ðối với vấn đề thu phí giao thông theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, đại diện các hiệp hội cho rằng doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng. Do đó, hầu hết doanh nghiệp sẽ đưa các khoản phí vào chi phí sản xuất, đẩy giá thành lên cao, gây bất lợi cho tính cạnh tranh của hàng Việt ở cả thị trường trong và ngoài nước.
TRẦN VŨ NGHI - BẠCH HOÀN
Kiểm soát chi phí đầu vào Làm việc với Ủy ban Giám sát tài chính sáng 11-4, ông Huỳnh Văn Minh, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết hiệp hội đã kiến nghị hàng loạt vấn đề với Chính phủ. Thứ nhất, đề nghị Chính phủ có biện pháp kiểm soát, kiềm chế lạm phát trong thời gian sớm nhất mà không đặt nặng chỉ tiêu GDP. Thứ hai, Chính phủ cần quan tâm đến lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu, điện để đảm bảo việc tăng chi phí đầu vào cho kinh doanh không gây khó khăn nhiều cho doanh nghiệp. Đảm bảo việc cung ứng điện cho sản xuất ổn định, hạn chế tối đa việc cắt điện. Thứ ba, Nhà nước cần có chủ trương giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng như mua lại nợ, dự án nhà thu nhập thấp, tái cơ cấu nợ đối với doanh nghiệp... để giúp đồng vốn lưu thông. Thứ tư, Chính phủ sớm xem xét có biện pháp giúp giảm nhiệt lãi suất như hiện nay, có chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay. Thứ năm, đối với ngành bất động sản, Chính phủ cần có chính sách cấp bách làm thị trường này “ấm” lại, “cũng là giải quyết cái gốc của mọi vấn đề”. Theo ông Minh, vì thị trường bất động sản đóng băng đã kéo theo hệ lụy các ngành khác như nguyên vật liệu xây dựng, sắt thép, sản phẩm dở dang bị chôn vốn, lao động mất việc làm... Thứ sáu, đi đôi với việc thực hiện nghị quyết 11, trong đó thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách. Cuối cùng là tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong đăng ký kinh doanh, nhà đất, xây dựng, thuế, hải quan, kiểm tra chất lượng, môi trường... |
__________
Ông Vũ Viết Ngoạn (chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia):
Chính sách phải linh hoạt hơn
Chiều 11-4, trao đổi với Tuổi Trẻ sau thời gian đi thực tế, làm việc với một số địa phương và các hiệp hội về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết:
Phóng to |
Ông Vũ Viết Ngoạn - Ảnh: H.Đ. |
- Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay kêu lãi suất cao, đầu ra khó khăn. Tôi lấy ví dụ như lĩnh vực bất động sản (BĐS), không riêng gì TP.HCM mà nhiều địa phương khác tình hình này đang rất nghiêm trọng. Tất cả phân khúc thị trường đều gặp khó, sản phẩm ế ẩm... đã tác động đến nhiều lĩnh vực khác liên quan trực tiếp và gián tiếp với BĐS, kể cả đến người lao động trong các lĩnh vực này. Nói như vậy để thấy rằng nền kinh tế VN đang có dấu hiệu trì trệ, cần có giải pháp kinh tế vĩ mô để thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Nhưng các giải pháp nào đi nữa cũng phải hài hòa với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp.
* Sau ba buổi làm việc tại TP.HCM, ông đã có những ghi nhận gì về tình hình kinh tế TP.HCM nói chung và khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng, thưa ông?
- Có thể nói so với các địa phương khác, TP.HCM vẫn chưa khó khăn bằng. Tuy nhiên, những thông tin bước đầu chúng tôi ghi nhận được là tình hình kinh tế, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Đó là sản lượng công nghiệp sản xuất tăng trưởng chậm, xuất khẩu ở một số lĩnh vực không tăng mà thậm chí còn giảm, số lượng công ăn việc làm được giải quyết ít hơn...Đặc biệt là BĐS và các lĩnh vực khác liên quan đến BĐS như vật liệu xây dựng (ximăng, sắt thép...), xây lắp... đang cực kỳ khó khăn. Thị trường BĐS đóng băng, thanh khoản kém, không chỉ doanh nghiệp BĐS mà ximăng, sắt thép... cũng bị vạ lây.
* Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sẽ có những kiến nghị nào với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thưa ông?
- TP.HCM là đầu tàu của kinh tế cả nước, nếu kinh tế TP.HCM gặp khó khăn, chắc chắn nền kinh tế chung cũng bị ảnh hưởng. Do đó, dù muốn hay không, Chính phủ cũng phải có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không riêng gì cho TP.HCM mà trên phạm vi cả nước. Nếu không có chính sách kịp thời để tạo động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh tốt hơn, góp phần giải quyết công ăn việc làm và duy trì tăng trưởng kinh tế, thì tới đây sẽ càng khó khăn hơn trong việc giải quyết hậu quả. Tuy nhiên, các chính sách cụ thể như thế nào còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trên bình diện cả nước nên tôi chưa thể nói cụ thể được. Cái mà tôi có thể nói là chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách linh hoạt hơn. Chẳng hạn như ở lĩnh vực BĐS nên có chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng tiếp tục triển khai dự án, sản phẩm dự án có thể tiêu thụ được... bằng cách cho giãn nợ, cơ cấu lại nợ và cho vay mới.
HẢI ĐĂNG thực hiện
Sẽ có giải pháp kích thị trường bất động sản Đó là kết luận của ông Vũ Viết Ngoạn sau một buổi “bắt bệnh” các doanh nghiệp bất động sản của TP.HCM ngày 11-4. Theo đó, Chính phủ đang xem xét có chính sách cho phép các doanh nghiệp bất động sản mà sản phẩm có thể tiêu thụ được tiếp tục được vay vốn, sau khi giãn nợ, cơ cấu lại nợ. Ngoài ra, sẽ có chính sách cho người thu nhập thấp, người tái định cư vay tiền để mua nhà, qua đó hỗ trợ đầu ra cho phân khúc thị trường nhà giá thấp.
Theo khẳng định của ông Ngoạn, không chỉ TP.HCM mà trên phạm vi cả nước, thị trường bất động sản đang cực kỳ khó khăn, cần phải có giải pháp để hỗ trợ. Tuy nhiên, các giải pháp hỗ trợ như thế nào đều phải trên cơ sở đảm bảo được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận