Bởi can thiệp thị trường vàng là trách nhiệm của NH Nhà nước.
Phóng to |
Ảnh: Thanh Đạm |
Cùng với diễn biến trên thị trường vàng thế giới trong những tuần qua có xu hướng yếu dần, việc NH Nhà nước được giao nhiệm vụ bình ổn thị trường vàng là hai nỗi lo cho người mua và nắm giữ vàng trong nửa năm qua, khi giá vàng cao nhất lên đến 49 triệu đồng/lượng.
Vì sao độc quyền?
Có nhiều lý do, nhưng lý do chính để NH Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là nhằm ổn định thị trường ngoại hối, tỉ giá VND/USD và sức mua VND. Nhưng độc quyền có liên quan gì đến tỉ giá?
Cần trở lại những gì đã diễn ra trong nhiều năm qua, đó là thực trạng đã thành quy luật là giá vàng luôn “kích động” giá USD. Biến động giá vàng luôn kèm theo những cơn sốt giá USD ở thị trường tự do làm người dân lo lắng vội mua USD cất giữ. Sức nóng còn lan vào ngân hàng, doanh nghiệp có USD giữ lại, tạo khan hiếm, doanh nghiệp cần thì mua phải trả thêm, tạo thêm sức ép buộc NH Nhà nước phải điều chỉnh tỉ giá VND/USD chính thức.
Giá vàng “đánh đổ” sự ổn định của giá USD là do vàng được mua bằng USD, NH Nhà nước hạn chế cấp phép nhập vàng, giới kinh doanh chuyển sang nhập lậu. Họ đẩy giá, gom USD tại thị trường tự do để nhập lậu vàng, chủ yếu từ Campuchia. Vì thế mới có chuyện, nhiều năm trước Nhà nước cấm nhập vàng, nhưng hằng năm Hội đồng Vàng thế giới vẫn công bố VN nhập cả chục tấn vàng. Số vàng lậu này về thì có đến vài trăm triệu USD được gom tại thị trường tự do.
Vì vậy để ổn định giá USD, phải siết hoạt động tiêu thụ vàng thông qua sản xuất vàng miếng và nữ trang. Từ lâu, NH Nhà nước đã bắt được bệnh “giá vàng kích động giá USD”, bốc nhiều thuốc, nhưng toa thuốc mới kê là “độc quyền sản xuất vàng miếng” có vẻ hiệu nghiệm vì đã được kiểm nghiệm trong hơn sáu tháng qua. Không chờ Chính phủ ban hành nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng, NH Nhà nước đã thực hiện việc “độc quyền” từ nhiều tháng qua.
Trong năm 2011, NH Nhà nước làm việc với UBND TP.HCM, chủ quản của Công ty SJC, đặt vấn đề quản lý thương hiệu vàng SJC. Khi UBND TP.HCM “gật đầu”, NH Nhà nước đã yêu cầu Công ty SJC chỉ được sản xuất vàng SJC theo lệnh của mình, xem như “niêm phong cầu dao điện” của dây chuyền sản xuất vàng miếng SJC.
Với quyết định này, đầu ra của vàng nhập lậu, vốn được một số đơn vị hợp thức hóa trước khi đưa đến Công ty SJC để gia công vàng miếng SJC, đã bị chặn đứng. Vàng lậu không thể “lột xác” thành vàng SJC để tiêu thụ, giúp tỉ giá VND/USD tại thị trường tự do giảm và dần ổn định.
Vàng trong nước ngang với thế giới?
Người dân còn nhiều bỡ ngỡ, băn khoăn với chủ trương NH Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và tới đây có thể có nhiều diễn biến phức tạp khi thực hiện chủ trương này. Nhưng độc quyền cũng có cái lợi, đó là gắn với trách nhiệm của NH Nhà nước.
Thời gian qua giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do NH Nhà nước không cho nhập khẩu, thị trường vàng trong nước bị “cô lập” khỏi thị trường thế giới, người dân chịu thiệt khi phải mua vàng giá cao. Khi nghị định về quản lý vàng có hiệu lực, việc đưa giá vàng trong nước ngang với thế giới là trách nhiệm của NH Nhà nước. Giá vàng trong nước cao hơn thế giới là do chênh lệch cung - cầu.
Việc cân bằng cung - cầu là từ nhập khẩu, chức năng này do NH Nhà nước thực hiện. Đặc biệt, Chính phủ cũng giao NH Nhà nước can thiệp, bình ổn thị trường vàng; tổ chức sản xuất, kể cả mua bán vàng miếng trên thị trường.
Cũng có doanh nghiệp nói rằng giá vàng có thể giảm do không còn chịu thuế nhập khẩu vàng như hiện nay. Theo nghị định của Chính phủ, vàng nguyên liệu do NH Nhà nước nhập khẩu không còn chịu thuế nhập khẩu.
Một lãnh đạo công ty vàng nói rằng không chỉ đảm bảo giá vàng trong nước ngang với thế giới, trước mắt NH Nhà nước còn phải điều hành sao cho giá mua/bán các thương hiệu vàng không được ưa chuộng ngang với thương hiệu SJC. Khi NH Nhà nước đưa ra vàng thương hiệu mới (SBV), cũng phải đảm bảo giá vàng SJC và các thương hiệu khác ngang với vàng SBV.
Có chuyên gia kinh tế nói rằng Chính phủ cho phép NH Nhà nước tính vàng miếng vào dự trữ ngoại hối quốc gia, thì nơi này phải điều hành thị trường vàng miếng như điều hành thị trường ngoại tệ, tức phải ổn định giá vàng như đã ổn định giá USD.
Tới đây, NH Nhà nước còn huy động vàng từ dân, vì thế phải điều hành giá vàng sát với thế giới để bảo toàn vốn cũng như tạo tâm lý an tâm cho người dân khi gửi vàng. Do vậy, chênh lệch giá vàng sẽ giảm dần theo bước đi thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường vàng của NH Nhà nước.
Nắm ngay SJC Ở VN, dù có hàng chục thương hiệu vàng nhưng thị trường chỉ giao dịch vàng SJC. Vàng nhập về dù là vàng thỏi Thụy Sĩ cũng được nấu chảy để đúc thành vàng SJC mới tiêu thụ được. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kể cả doanh nghiệp có thương hiệu được người dân biết đến như PNJ-Dongabank, SBJ, AAA... cũng phải mang vàng nguyên liệu xếp hàng chờ Công ty SJC dập ra vàng SJC để bán trong hệ thống của mình. Do đó, muốn kiểm soát vàng lậu, chỉ cần quản lý ngay thương hiệu SJC, không cần quản lý các thương hiệu vàng khác. Trong tương lai, như Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố trước Quốc hội, nơi này sẽ đưa ra thương hiệu vàng SBV (tên viết tắt tiếng Anh của NH Nhà nước VN). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận