Phóng to |
Giá xăng dầu nhập tăng, nhiều cây xăng dừng bán để giảm lỗ. Trong ảnh: cửa hàng xăng dầu Bảo Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) treo bảng mất điện để ngừng bán (ảnh chụp sáng 6-3) - Ảnh: Bình Minh |
Nếu tăng giá xăng ở thời điểm này, lạm phát lại bùng lên. Theo các chuyên gia, Nhà nước nên giảm các khoản thuế phí, thậm chí có thể dùng ngân sách bù lỗ cho doanh nghiệp để giữ giá bán lẻ xăng dầu.
Giảm chiết khấu để... giảm lỗ
3 doanh nghiệp đề nghị tăng giá xăng dầu Ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết đã có ba doanh nghiệp gửi phương án tăng giá lên Bộ Tài chính. Đó là Tổng công ty Dầu VN, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM và Tập đoàn Xăng dầu VN. Tuy nhiên mức đề nghị tăng cụ thể không được ông Thỏa tiết lộ. Về ý kiến chuyên gia cho rằng nên trích một phần thuế từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất bù vào quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá, bà Vũ Thị Mai - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết thuế là nguồn thu ngân sách nhà nước và theo quy định của Luật ngân sách, không thể lấy ngân sách ra để bình ổn giá. Ngay cả khi có đề xuất cũng phải trình Quốc hội, không phải là biện pháp linh hoạt được. LÊ THANH |
Để giảm lỗ, các doanh nghiệp đầu mối cho biết đã phải cắt giảm chiết khấu cho các đại lý. Từ đầu tháng 2, Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) đã giảm mức chiết khấu cho các đại lý từ mức 500-600 đồng/lít xuống còn 400-500 đồng/lít. Đến nay, mức chiết khấu tại kho của công ty đầu mối chỉ còn 200 đồng/lít xăng và 250 đồng/lít dầu. Đại diện Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức cho biết chi phí vận chuyển từ tổng kho xăng dầu Cát Lái về Thủ Đức là 70 đồng/lít, từ Nhà Bè về là 120 đồng/lít, vận chuyển đi Bình Thuận 350 đồng/lít... Với mức chiết khấu nhận được, công ty bị thâm hụt khoảng 200 đồng/lít xăng dầu so với chi phí bỏ ra.
Cần dùng công cụ thuế, phí
TS Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng trong điều hành giá xăng dầu hiện nay, Nhà nước có hai công cụ là giá và thuế, phí. “Chúng ta chủ trương để giá xăng dầu theo giá thị trường thì thời điểm này phải tăng giá bán lẻ. Tuy nhiên, kiềm chế lạm phát lại đang là mục tiêu số 1. Nếu để tăng giá xăng theo giá thế giới thì lạm phát sẽ bùng lên ngay. Do đó Nhà nước cần sử dụng công cụ thứ hai là thuế và phí để bớt áp lực tăng giá trong nước và giảm lỗ cho doanh nghiệp” - ông Long nói. Cụ thể, nên giảm thuế nhập khẩu dầu từ mức 3% hiện nay xuống còn 0%, tương tự như mặt hàng xăng. Ngoài ra, có thể xem xét giảm bớt các khoản phí trong một thời gian nhất định. Ví dụ, giảm phí xăng từ mức 1.000 đồng/lít hiện nay xuống còn 500 đồng/lít.
Theo các chuyên gia, nguồn thứ hai có thể giúp giảm áp lực giá trong nước là khoản chênh lệch giữa giá xăng nhập khẩu và giá xăng sản xuất trong nước. Cụ thể, hiện dầu nhập khẩu phải chịu 3% thuế nhập khẩu, dầu sản xuất trong nước không phải chịu khoản thuế này nhưng lại được bán ngang giá với dầu nhập, hưởng lợi 3% so với dầu nhập khẩu. Theo thông tin từ Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dầu trong nước hiện đang chiếm khoảng 26% thị phần nội địa, khoản chênh lệch 3% so với dầu nhập khẩu là một con số cực lớn. Các chuyên gia cho rằng nếu khoản chênh lệch này được chia sẻ lại cho các doanh nghiệp đầu mối, chẳng hạn như Nhà nước dùng khoản này phân bổ vào quỹ bình ổn, áp lực tăng giá chắc chắn sẽ giảm một phần.
Ngoài ra, TS Ngô Trí Long cho rằng nếu đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên hàng đầu, Chính phủ cần dùng ngân sách để bù lỗ. Ví dụ ngân sách thu được từ nguồn dầu thô xuất khẩu tăng giá mạnh trong thời gian qua có thể bù lại đáng kể việc tăng giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, theo TS Long, doanh nghiệp đầu mối và các đại lý cần tiết kiệm tối đa hao hụt, chi phí quản lý, vận hành bộ máy sản xuất kinh doanh. Mới đây, Petrolimex đã công bố đặt mục tiêu giảm 5% lượng hao hụt so với mức hiện hành, tương ứng số tiền giảm được là 53,6 tỉ đồng. Đơn vị này cũng chủ trương giảm 5% chi phí vận chuyển, 5-10% chi phí quản lý, vận hành bộ máy. Tổng số tiền tiết kiệm được từ tiết kiệm chi phí kinh doanh dự kiến khoảng 137 tỉ đồng. PV Oil cũng cho biết trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu khó khăn do diễn biến giá thế giới phức tạp, công ty sẽ tăng cường các biện pháp tránh lãng phí và tiết kiệm chi phí kinh doanh.
Nhiều cây xăng ngừng bán Khoảng 9g30 ngày 6-3, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đại lý bán lẻ xăng dầu Vũ Trọng Phụng trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn cửa đóng then cài, nhưng không có bất cứ thông báo nào cho biết lý do ngừng hoạt động. Cách đó không đầy 1km, một cây xăng khác trên đường Nguyễn Văn Thiêm (quận Thanh Xuân), đại lý bán lẻ xăng dầu Bảo Anh cũng ngừng bán xăng với lý do mất điện. Đến khoảng 10g, sau khi phát hiện có phóng viên chụp ảnh, cây xăng này đã bán trở lại. Cũng theo ghi nhận của phóng viên, từ nhiều ngày nay, các đại lý xăng dầu nằm trên đoạn đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân... thuộc quận Thanh Xuân chỉ bán cầm chừng và chủ yếu theo giờ hành chính. Cũng trong ngày 6-3, một số cây xăng trên các tuyến đường xa trung tâm TP Đà Nẵng (như Ngô Quyền, Núi Thành, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng...) đều để thông báo “hết xăng”, “mất điện” hoặc “chờ nạp xăng”... Tại một cây xăng trên đường Trường Chinh (quận Liên Chiểu, một đại lý của Công ty Xăng dầu quân đội), buổi sáng nghỉ bán xăng và buổi chiều mới bán trở lại với lý do nạp xăng. Trong khi đó, một số cây xăng là đại lý của Công ty Xăng dầu khu vực 5 (Petrolimex 5) để bảng “hết xăng” với lý do thiếu nguồn cung từ công ty. Ngày 6-3, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết một số cửa hàng bán lẻ tại các xã vùng xa của huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, A Lưới... vẫn tiếp tục nghỉ bán với lý do “mất điện” hay “bận họp”. Ông Võ Phi Hùng, giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên - Huế, cho biết đã nhận được đơn xin tạm dừng kinh doanh xăng dầu của một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh với lý do thua lỗ, nhưng chưa có doanh nghiệp nào được phép nghỉ bán. Ông Hùng cho biết đã chỉ đạo phòng công thương các huyện, chi cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện có đại lý xăng dầu nào tự động nghỉ bán sẽ rút giấy phép kinh doanh. Ngày 6-3, ông Biện Văn Minh, giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, cho biết đội quản lý thị trường vừa kiểm tra, phát hiện bảy cửa hàng xăng dầu bán dầu cầm chừng hoặc đóng cửa trước 17g vì lý do hết dầu. Riêng một cửa hàng của doanh nghiệp Quốc Vương chỉ bán dầu buổi sáng, buổi chiều hết hàng. NHÓM PV TUỔI TRẺ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận