30/01/2012 07:48 GMT+7

Trong khó khăn, có nhiều cơ hội

Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN)
Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN)

TT - Trao đổi đầu năm với Tuổi Trẻ, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - cho rằng chưa thể khẳng định kinh tế năm 2012 khó khăn hay thuận lợi hơn nhưng từ thực tiễn đã cho thấy nhiều doanh nghiệp có chiến lược tốt, làm ăn bài bản vẫn phát triển và tăng trưởng.

Ông Vũ Tiến Lộc nói: Chúng ta vừa có nghị quyết Hội nghị trung ương 3 về tái cơ cấu nền kinh tế và nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. Cả hai đều nhấn mạnh phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. Các bộ ngành đều đang có chương trình tái cấu trúc các lĩnh vực. Đây là cơ hội, bởi khi đã bình đẳng thì ai có năng lực cạnh tranh lớn hơn sẽ thắng.

eWSfA6Gn.jpgPhóng to
Ảnh: VIỆT DŨNG

"Một nền kinh tế mạnh không nhất thiết phải nhiều doanh nghiệp lớn mà là có nhiều doanh nghiệp quy mô vừa hoạt động hiệu quả để chúng có thể dần tiến lên quy mô lớn hơn"

* Doanh nghiệp VN đã qua thời kỳ phát triển nóng. Khó khăn chính là cơ hội đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp cần tự đổi mới để tăng cơ hội phát triển?

- Chúng ta đã có thời gian phát triển bùng nổ và đa số doanh nghiệp đều phát triển rất nhanh theo chiều rộng để tận dụng những cơ hội từ đổi mới. Gần 20 năm đã qua kể từ khi có Luật doanh nghiệp, nay qua khảo sát vẫn còn tới 70% doanh nghiệp đã đăng ký thành lập vẫn đang hoạt động.

Đây là minh chứng doanh nghiệp VN có sức sống rất mạnh mẽ và môi trường kinh doanh của VN vẫn nhiều cơ hội. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi, doanh nghiệp muốn phát triển không thể cứ chạy theo kiểu đầu cơ, không cần chiến lược kinh doanh vẫn giàu mà muốn phát triển phải có năng lực cạnh tranh thật sự.

Theo tôi, đã đến lúc phải chuyển hẳn sang kiểu làm ăn bài bản, chuyên nghiệp. Chẳng hạn, mô hình doanh nghiệp gia đình, kiểu chồng giám đốc, vợ phó giám đốc... cần sớm chuyển đổi. Nhiều doanh nghiệp đã nổi tiếng trước đây nhưng do vẫn quản trị kiểu gia đình nên đã bị vượt qua.

* Nhiều năm liền doanh nghiệp VN đã phải đối mặt với khó khăn, theo ông, Nhà nước cần làm gì trong năm nay để VN vẫn giữ và phát triển được đội ngũ doanh nghiệp mạnh?

- Chúng ta đã mất cả chục năm để có một đội ngũ doanh nghiệp quy mô vừa và theo tôi, chính sách của VN sắp tới cần tập trung để phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp cỡ vừa này. Các nước phải nhiều chục, thậm chí cả trăm năm mới có những doanh nghiệp quy mô lớn. VN không thể cứ muốn là có ngay những doanh nghiệp lớn.

* Trước đây hằng năm Thủ tướng có gặp doanh nhân, mấy năm nay thì chỉ gặp doanh nghiệp nhà nước thôi. Có nên phát triển các hình thức đối thoại để tăng tương tác, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

- Thủ tướng và gần đây là các bộ trưởng đều đã đăng đàn trả lời, đối thoại trực tuyến với nhân dân, doanh nghiệp ở website Chính phủ. Tinh thần tăng cường đối thoại, theo tôi, đang được Chính phủ đẩy mạnh. Trước đây, Thủ tướng gặp gỡ đại diện doanh nghiệp VN thường niên, quy mô có khi 500-700 doanh nghiệp tham dự. Đến nay, Thủ tướng hằng năm vẫn gặp gỡ các doanh nghiệp nhà nước và đại diện các hiệp hội. Dù các bộ ngành đã tăng cường đối thoại nhưng có những vấn đề phối hợp chưa thật tốt nên gần đây VCCI đã kiến nghị và Thủ tướng cũng đã đồng ý sẽ tăng tiếp xúc với đại biểu Quốc hội là doanh nhân, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp.

Tất nhiên, theo tôi, nếu lãnh đạo cả Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều tăng cường các hình thức đối thoại với doanh nghiệp thì sẽ rất tốt. Thủ tướng có thể tiếp xúc với từng nhóm doanh nghiệp để lắng nghe được nhiều hơn. Nhưng bên cạnh đó nếu tổ chức đối thoại được định kỳ thường niên, quy mô lớn với rộng rãi đối tượng doanh nghiệp thì hiệu quả sẽ rất cao, bởi ngoài tính thiết thực nó còn có tính biểu tượng.

Có một điều cần cảnh báo là hiện đang có nhiều doanh nghiệp nước ngoài từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc đang săn lùng các doanh nghiệp vừa của VN để mua lại. Và đau xót là họ có thể mua các doanh nghiệp này với giá rất rẻ.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp vừa ở VN đang hoạt động hiệu quả, thậm chí rất hiệu quả nhưng do kinh tế khó khăn, lãi suất cao, thanh khoản kém nên họ bị khó khăn tạm thời. Chỉ cần được trợ giúp vượt giai đoạn khó khăn, họ sẽ hoạt động rất tốt. Nên Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ đối tượng này để họ vượt qua khó khăn hoặc khuyến khích việc mua bán sáp nhập với các doanh nghiệp VN vì đây là vốn rất quý, không nên để mất. '

Ngoài ra, bên cạnh 600.000 doanh nghiệp, VN đang có 1 triệu hộ có đăng ký kinh doanh và còn 3 triệu hộ sản xuất kinh doanh nhưng không đăng ký, tức hoạt động trong khu vực phi chính thức.

Cần có nghiên cứu xem tại sao 1 triệu hộ chưa muốn thành lập doanh nghiệp và 3 triệu hộ vẫn muốn hoạt động phi chính thức. Họ cần gì? Nếu chúng ta có chính sách đủ tốt để 4 triệu hộ này đăng ký kinh doanh, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tăng minh bạch, chuyên nghiệp thì đất nước sẽ có thêm nguồn lực rất lớn.

* Đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao. Phải chăng cách hỗ trợ cũng phải thay đổi, cứ để các cơ quan nhà nước tự làm sẽ dễ bị hành chính hóa, xin - cho?

- Chúng ta đã đưa ra nhiều chính sách, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, phải công nhận là hiệu quả chưa cao. Bình thường có ba thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp: thứ nhất là từ cơ quan nhà nước, thứ hai là hiệp hội, thứ ba là từ chính khu vực doanh nghiệp tư. Thời điểm hiện nay, các hoạt động hỗ trợ từ các doanh nghiệp tư, hiệp hội... chưa thật sự phát triển.

Vì vậy theo tôi, có nhiều việc Nhà nước không nhất thiết làm. Như hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cung cấp thông tin, đào tạo, xúc tiến thương mại... nên đặt hàng để các hiệp hội làm. Nhiều cơ quan cho rằng các hiệp hội năng lực kém nên không thể giao. Đúng là có hiệp hội kém thật, nhưng Nhà nước có thể tổ chức đấu thầu để hiệp hội nào mạnh, làm hiệu quả thì được đứng ra thực hiện. Sau đó các hiệp hội có thể huy động thêm từ xã hội để tăng quy mô và hiệu quả hỗ trợ.

* Bộ Tài chính đã công bố lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20%. Theo ông, trong khó khăn có nên đẩy nhanh việc giảm thuế?

- Quan điểm của tôi là cần đẩy nhanh. Cũng có ý kiến cho rằng doanh nghiệp khó khăn rồi thì cho chết hẳn đi, hoặc các doanh nghiệp đang “ốm yếu” thì lỗ, không có cơ hội để đóng thuế nên không cần giảm thuế. Tôi cho rằng nói như thế là bỏ qua cơ hội cho nhiều đối tượng doanh nghiệp.

Chúng ta đừng nghĩ chỉ hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn mà cần hỗ trợ để tăng năng lực cạnh tranh của cả doanh nghiệp đang phát triển nữa. Thuế thu nhập doanh nghiệp của VN nhìn chung còn cao so với các nước trong khu vực, doanh nghiệp VN lại đang khó khăn nên nếu giảm được thuế sẽ giúp tăng được năng lực cạnh tranh trong điều kiện họ đang phải chịu lãi suất cao hơn các nước trong khu vực.

Nếu phải đóng góp nhiều, doanh nghiệp khó có tích lũy đầu tư vào khoa học công nghệ để tăng cạnh tranh. Đã có lộ trình giảm thuế, phí thì nên đẩy nhanh vì cách tốt nhất để doanh nghiệp “lớn lên” là cho họ tăng tích lũy, chứ cứ có chương trình gì, bắt họ vay để làm thì rất khó.

Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên