Phóng to |
Các thương hiệu của Công ty TNHH Bia Huế đã chuyển nhượng cho đối tác Đan Mạch - Ảnh: Thái Lộc |
Số tiền nói trên bao gồm khoảng 700 tỉ đồng “giá trị hữu hình” (chủ yếu cơ sở vật chất hai nhà máy) và hơn 1.100 tỉ đồng “giá trị vô hình” (chủ yếu thương hiệu Huda). Và doanh nghiệp này đã chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của Carlsberg.
Bán đúng thời cơ?
Theo ông Nguyễn Mậu Chi - tổng giám đốc Công ty Bia Huế, với 8% thị phần bia cả nước, chiến lược phát triển của công ty đến năm 2015 phải chiếm 15% thị phần bia cả nước, nếu không Bia Huế sẽ “chết”. Vì vậy thương vụ này được xem là thời cơ bởi nền kinh tế suy thoái, ít nhà đầu tư, nếu chậm hơn sẽ bỏ lỡ cơ hội. Để phát triển, Bia Huế cần đầu tư thêm 2.500 tỉ đồng.
Như vậy phía tỉnh Thừa Thiên - Huế phải góp thêm 1.250 tỉ đồng, tỉnh không đủ lực, do đó phải quyết định bán đứt phần của mình cho đối tác. Việc bán này, ông Chi cho rằng là hoàn toàn chính xác và hợp thời vì tỉnh có thêm khoản vốn 1.875 tỉ đồng (tương đương 93 triệu USD) để đầu tư vào các lĩnh vực khác. “Vì Bia Huế là công ty đầu đàn nên phải vững mạnh thì nền kinh tế của tỉnh mới phát triển. Điều này vừa tốt cho công ty vừa tốt cho tỉnh, nên tỉnh quyết định bán phần của mình là chính xác” - ông Chi nói.
Đóng góp ngân sách lớn nhất Công ty Bia Huế thành lập năm 1990, đến năm 1994 liên doanh với Tập đoàn Carlsberg, mỗi bên góp 50% vốn (khoảng 9 triệu USD). Trong hơn 15 năm qua, Công ty Bia Huế luôn là đơn vị đóng góp ngân sách lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế, chiếm 1/3-1/2 tổng thu ngân sách. Trong năm 2010 nộp ngân sách 850 tỉ đồng và dự kiến năm 2011 là 900 tỉ đồng. Dù nằm ở Huế, song công ty này đang là một trong bốn “đại gia” trong làng bia Việt Nam (cùng các công ty Sabeco, Habeco và Bia Việt Nam). |
Trước đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đứng trước ba phương án: bán cho đối tác nước ngoài, cổ phần hóa hoặc chuyển vốn về cho Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước. Phương án thứ nhất được lựa chọn song theo hình thức không công khai, “kín đáo” thỏa thuận bán cho đối tác là Tập đoàn Carlsberg.
Có thực lãi lớn?
Về giá cả, theo thỏa thuận, phần vốn 50% của tỉnh Thừa Thiên - Huế được định giá 1.875 tỉ đồng. Con số này là kết quả tính toán của các đơn vị tư vấn được hai bên thuê và cùng thỏa thuận. Song ông Chi cho rằng tỉnh đầu tư cho Bia Huế 9 triệu USD, bây giờ bán 93 triệu USD là lãi cao hơn nhiều so với các công ty bia khác.
Về lợi nhuận, Công ty Bia Huế có tỉ suất lợi nhuận/vốn cao nhất trong tất cả công ty bia. Riêng năm 2010 công ty lãi 409 tỉ đồng, trừ hơn 100 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, mỗi bên thu được chừng 150 tỉ đồng.
Thực tế sức tiêu thụ loại bia hiệu Huda của Bia Huế không chỉ chiếm vị trí số 1 tại thị trường Thừa Thiên - Huế (98%) mà còn hàng đầu của khu vực bắc miền Trung: 95% ở Quảng Trị, 65% ở Quảng Bình, 55% ở Hà Tĩnh, 20% ở Nghệ An... Do đó các chuyên gia kinh tế cho rằng với giá của thương hiệu Huda chỉ hơn 1.100 tỉ đồng là quá rẻ, bởi dù có đầu tư hàng trăm triệu USD cũng khó có thể đạt được lợi thế tương tự trong khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận