12/11/2011 15:17 GMT+7

Một người lập 37 doanh nghiệp: đối chiếu thông tin

ÁNH HỒNG - T.V.NGHI
ÁNH HỒNG - T.V.NGHI

TT - Câu chuyện ông Võ Văn Vi (31 tuổi) trong hơn một tháng lập đến 37 doanh nghiệp tại TP.HCM với tổng số vốn lên đến hơn 6.606 tỉ đồng đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi về cơ chế hậu kiểm của cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Sau bài báo “Lỗ hổng đăng ký kinh doanh” (Tuổi Trẻ ngày 11-11), đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết chiều 11-11, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM đã có buổi họp với đại diện Cục Thuế, đồng thời Sở Kế hoạch - đầu tư cũng có văn bản trả lời PV báo Tuổi Trẻ.

Thông tin mâu thuẫn

Liên quan đến thông tin ông Võ Văn Vi đứng tên làm giám đốc 12 công ty cổ phần mà Cục Thuế TP.HCM cung cấp cho PV báo Tuổi Trẻ, thông tin mà Sở Kế hoạch - đầu tư phản hồi cũng không thống nhất. Cụ thể, tại văn bản trả lời, Sở Kế hoạch - đầu tư xác nhận ông Võ Văn Vi chỉ là người đại diện pháp luật của 39 doanh nghiệp (DN), “trong đó có 37 công ty cổ phần đăng ký với chức danh chủ tịch HĐQT, hai công ty TNHH hai thành viên trở lên với chức danh là chủ tịch hội đồng thành viên”.

Ông Võ Văn Vi không đăng ký là người đại diện pháp luật của công ty với chức danh giám đốc hoặc tổng giám đốc. Từ đó công văn khẳng định Sở Kế hoạch - đầu tư không có căn cứ từ chối cấp đăng ký DN cho các DN do ông Võ Văn Vi đứng tên là người đại diện theo pháp luật.

Tuy nhiên đến chiều 11-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Bình Minh, trưởng phòng đăng ký kinh doanh của sở, lại khẳng định theo dữ liệu thông tin mà sở đang có về các nội dung đăng ký kinh doanh, “ông Vi chỉ đăng ký chức danh giám đốc cho một công ty, còn lại đều là chủ tịch HĐQT hoặc là chủ tịch hội đồng thành viên, hoàn toàn không có sự kiêm nhiệm chức vụ giám đốc ở các công ty thành lập khác”.

Trong khi đó, theo những dữ liệu mà Cục Thuế TP.HCM cung cấp cho Tuổi Trẻ được cập nhật đến chiều 10-11 vẫn thể hiện ông Vi làm giám đốc của 12 công ty cổ phần. Điều này trái với quy định của Luật DN. Mặt khác trên trang web của Công ty cổ phần Tập đoàn VTI (VTI Group) đang giới thiệu ông Vi hiện là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, đồng sáng lập. Tại các bố cáo thành lập DN của những DN nằm trong VTI Group được đăng tải trên các phương tiện truyền thông gần đây mà Tuổi Trẻ thu thập được cũng thể hiện ông Vi là giám đốc/chủ DN của ít nhất ba công ty cổ phần là Công ty cổ phần sữa VTI, Công ty cổ phần thời trang VTI và Công ty cổ phần kiến trúc VTI.

Theo đại diện cơ quan thuế, trong nội dung trao đổi chiều 11-11 với lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư, lý giải về việc sai lệch dữ liệu giữa sở và Cục Thuế (dù nguồn thông tin này được phát đi từ cơ quan kế hoạch - đầu tư), lãnh đạo sở phỏng đoán nguyên nhân vì lỗi hệ thống thông tin. Trong tuần sau, lãnh đạo sở và Cục Thuế sẽ cùng ngồi lại để kiểm tra và đối chiếu thông tin.

Ai hậu kiểm?

Hiện nay quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Sở Kế hoạch - đầu tư sẽ là đầu mối tiếp nhận các hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký con dấu và mã số thuế của DN, đồng thời làm đầu mối để chuyển một số dữ liệu theo quy định cho Tổng cục Thuế và Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13) để cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế cho DN và xin giấy phép khắc dấu.

Như vậy, Sở Kế hoạch - đầu tư là cơ quan gần như duy nhất nắm đầy đủ “lý lịch” của DN. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành lại không ràng buộc trách nhiệm thẩm định của cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cụ thể, điều 24 Luật DN quy định DN phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ xem xét và chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Và điều 4 nghị định 43 của Chính phủ về đăng ký DN cũng loại trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh với những vi phạm pháp luật của DN xảy ra trước và sau đăng ký DN.

_________________

Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng, Công ty cổ phần Tập đoàn VTI (VTI Group) có trụ sở tại tầng 5 cao ốc Indochina Riverside Towers 74 Bạch Đằng, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng. VTI Group được Sở Kế hoạch - đầu tư Đà Nẵng cấp giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp lần đầu vào ngày 7-6-2006 với tên gọi Công ty cổ phần đầu tư công nghệ VTI có vốn điều lệ 2,8 tỉ đồng.

Sau năm lần thay đổi, đến ngày 1-10-2010 doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn VTI, đồng thời nâng vốn điều lệ lên 500 tỉ đồng gồm năm cổ đông do ông Võ Văn Vi (trú ở 217/03 Hải Phòng, Thanh Khê, Đà Nẵng) làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc với đủ ngành nghề kinh doanh từ thiết kế trang web, sản xuất phần mềm, nghiên cứu phát triển khoa học robot đến kinh doanh quán bia, rượu...

bbRzpDlR.jpgPhóng to
Văn phòng giao dịch của VTI Group tại địa chỉ 195 Nguyễn Chí Thanh, TP Đà Nẵng luôn đóng cửa - Ảnh: Đ.Nam

Ngoài trụ sở chính đặt tại tầng 5 cao ốc Indochina Riverside Towers 74 Bạch Đằng (vốn chỉ là một văn phòng thuê lại), VTI Group còn có văn phòng giao dịch 1 đặt tại 39 Nguyễn Hữu Cảnh và 2 tại 195 Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu). Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, văn phòng tại 195 Nguyễn Chí Thanh thường xuyên đóng cửa, trong khi tại 39 Nguyễn Hữu Cảnh chỉ là địa chỉ khống.

Liên quan đến dự án “Thành phố trên đồi” mà VTI Group làm chủ đầu tư, bà Đồng Thị Bích Chính - phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP Đà Nẵng - cho biết: đầu năm 2010, VTI Group có xin TP Đà Nẵng chủ trương đầu tư xây dựng dự án “Thành phố trên đồi”, tuy nhiên khi Sở Kế hoạch - đầu tư thẩm định lại năng lực tài chính thấy không đảm bảo nên đã tham mưu cho lãnh đạo TP không cấp phép đầu tư.

Điều này hoàn toàn phù hợp với báo cáo tài chính của VTI Group mà Công ty TNHH Kiểm toán Mỹ (AA) tiến hành kiểm toán và công bố vào cuối năm 2009. Theo đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2009 là âm 875,2 triệu đồng và năm 2008 âm 592,3 triệu đồng. Riêng năm 2010, VTI Group không nộp báo cáo quyết toán tài chính cho cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó ông Trần Anh Đức, phó chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), cũng xác nhận UBND TP Đà Nẵng chưa cấp một giấy phép nào liên quan đến dự án “Thành phố trên đồi” tại phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) cho VTI Group cả. Việc công ty này tự lập dự án với mục đích là để thuyết trình kêu gọi đầu tư của các đối tác bên ngoài. Nguyên diện tích 81ha tại phường Hòa Phát trước đây được UBND huyện Hòa Vang cấp cho tám hộ dân địa phương để trồng rừng.

Ông Đức cho biết quận chỉ biết việc chuyển nhượng trái phép diện tích đất trên khi VTI Group xây dựng một số hạng mục nhà cửa, đường sá. Sau khi phát hiện việc xây dựng trái phép trên, quận Cẩm Lệ đã ra quyết định xử phạt 70 triệu đồng, đồng thời yêu cầu tháo dỡ.

Trong một diễn biến khác, chiều 11-11, đại diện Ngân hàng ĐT (có trụ sở tại quận Thanh Khê) xác nhận với Tuổi Trẻ về việc ngân hàng này đã làm đơn khởi kiện gửi TAND quận Thanh Khê về việc VTI Group đứng ra bảo lãnh ba người để vay 15 tỉ đồng từ bảy cuốn sổ đỏ (81ha đất lâm nghiệp tại phường Hòa Phát) từ tháng 6-2010. Tuy nhiên từ đầu tháng 2-2011 đến nay, VTI Group không trả lãi vay như cam kết ban đầu khiến số tiền cả lãi lẫn gốc tăng lên thành 18 tỉ đồng.

ÁNH HỒNG - T.V.NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên