20/10/2011 06:20 GMT+7

"Mắc cạn" ngay trên sân nhà

H.K.
H.K.

TT - Không chỉ tàu hàng viễn dương, những đội tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ của Công ty Cho thuê tài chính 2 (ALC2) hiện cũng đang bị “mắc cạn” ngay trên sân nhà do khách hàng bỏ trốn hoặc không còn khả năng trả nợ.

Kỳ 1: Bị nước ngoài bắt giữ

cwh0htjG.jpgPhóng to
Những con tàu của ALC2 “mắc cạn” ở khu vực gần cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) - Ảnh: Hoàng Khương

Hơn hai năm qua, chín con tàu công suất lớn, chuyên đánh bắt xa bờ bị “bỏ rơi” trên sông Tắc khu vực gần cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Chín con tàu bạc tỉ này giờ chỉ là “những cái xác không hồn”.

“Bỏ hoang” bạc tỉ

Cho thuê lòng vòng

Theo quy trình, khi khách hàng có nhu cầu thuê tàu sẽ liên hệ ALC2 để thỏa thuận hợp đồng. Về nguyên tắc, bên thuê sẽ đặt cọc 20% (trên giá trị tàu), bên cho thuê bỏ ra 80%.

Sau đó, ALC2 đầu tư mua tàu, đóng mới đứng tên ALC2 và giao cho bên thuê quản lý, sử dụng. Hằng tháng bên thuê trả nợ gốc và lãi trên khoản dư nợ (sau khi trừ đi số tiền cọc). Khi trả hết khoản dư nợ và tiền lãi, tài sản trên thuộc về khách hàng. Trong quá trình quản lý, sử dụng nếu khách hàng vi phạm hợp đồng, ALC2 thu tài sản về.

Theo điều tra, một số khách hàng (tạm gọi bên A) sau khi thuê tàu của ALC2 đã cho thuê lòng vòng. Sau khi nhận tiền từ bên thuê, bên A bỏ mặc tàu cho người khác (tạm gọi bên B) sử dụng. Khi bên B hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ, nợ nần liền mang tàu cho bên C thuê. Chính điều này dẫn đến tình trạng sau một thời gian cho thuê, ALC2 chẳng những không thu được bao nhiêu tiền lãi mà gánh thêm những khoản tiền lớn để đi giải quyết hậu quả của các khách hàng để lại.

Cách cảng cá Hòn Rớ khoảng 300m về phía đông, gần trạm kiểm soát biên phòng Hòn Rớ (thuộc đồn biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang) là nơi neo đậu của chín chiếc tàu mang tên hiệu Đại Dương 01, 03, 06, 08, 09, 12 và Biển Đông 08, 09, 10.

Những con tàu này đã mục nát, trên thân đầy lỗ thủng lớn, chiếc nửa chìm nửa nổi, chiếc nằm ngả nghiêng, trên tàu không còn bất cứ thiết bị gì. Khi chúng tôi leo lên tàu, những người vá lưới và đánh cá gần đó cảnh báo phải hết sức cẩn thận vì phần vỏ composite của các tàu đã mục, có thể sụp xuống gây tai nạn.

Theo tìm hiểu, cách đây khoảng hai năm, đại diện một công ty ở TP.HCM thuê bến neo đậu số tàu trên tại cảng cá Hòn Rớ. Đây là những con tàu có công suất 500-600CV, khi được đưa vào cảng vẫn còn nguyên vẹn, có thể hoạt động tốt. Họ thuê chính những người đi trên các chiếc tàu này giữ tàu. Tuy nhiên nhiều tháng sau đó, do không được trả lương nên những người giữ tàu đã tháo dần các bộ phận trên tàu đem bán kiếm tiền sinh sống. Dần dần những chiếc tàu bị “rút ruột” sạch sẽ, chỉ còn trơ khung, những người giữ tàu cũng biến mất.

Ông Đỗ Trung Hiệp, trưởng ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, cho biết: “Ban đầu chủ tàu còn trả phí thuê bến neo đậu, sau đó họ “lặn” luôn. Cách đây khoảng sáu tháng, do lo ngại những chiếc tàu này gây ô nhiễm môi trường, chiếm luồng lạch tàu vào cảng nên ban quản lý cảng Hòn Rớ đã “đuổi” chúng về bãi cạn phía đông, cách cảng khoảng 300m”. Theo đánh giá của ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, cả chín chiếc tàu này đã bị mục, hư hỏng rất nặng, chỉ có thể tiêu hủy chứ không thể cải tạo để ra khơi được nữa.

Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang, lo lắng: “Những chiếc tàu này nếu bị trôi hoặc chìm sẽ gây nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào cảng Hòn Rớ và trên sông Tắc. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị xử lý nhưng đến nay vẫn chưa thấy đơn vị nào dòm ngó tới”.

Đành để tài sản “phơi nắng”

Chủ nhân của chín con tàu này là “nhóm ông Ninh cá ngừ đại dương” ở TP.HCM. Ông Ninh tên thật là Lê Xuân Ninh (ngụ Q.1, TP.HCM). Ông Ninh đứng ra thành lập hàng loạt công ty do ông làm giám đốc: Công ty TNHH vận tải biển Hải Nam, Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Cát Biển, Công ty TNHH thương mại, dịch vụ khai thác thủy sản Đại Dương... Ngoài chín chiếc thuê đang bỏ phế ở cảng Hòn Rớ, “nhóm ông Ninh” còn thuê ba chiếc thuộc đội tàu đánh bắt xa bờ hiện cũng bỏ phế.

Ông Nguyễn Tiến Trường, trưởng phòng kinh doanh ALC2, cho biết sau khi lập ra rất nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản, “nhóm ông Ninh” thuê tàu để làm ăn, nhưng rồi những doanh nghiệp này thua lỗ lớn, dẫn đến phá sản nên bỏ mặc những chiếc tàu này tại cảng Hòn Rớ. Ngoài khoản nợ khổng lồ với ALC2, “nhóm ông Ninh” nợ tiền bến bãi, người trông coi khoảng 2 tỉ đồng và không có khả năng thanh toán.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Ngọc Tiến, tổng giám đốc ALC2, cho biết: “Vụ việc hiện đang được Cơ quan điều tra Bộ Công an thụ lý. ALC2 rất muốn bỏ tiền (2 tỉ đồng) thanh toán tiền thuê bãi để thu hồi tàu về nhưng không được vì không có cơ chế. Vì thế ALC2 chỉ còn cách đưa ông Ninh ra tòa và chấp nhận để tài sản phơi nắng”.

Trả lời câu hỏi: “Sau khi cho ông Ninh thuê tàu, ALC2 có phương án giám sát, quản lý việc thực hiện kinh doanh theo đúng hợp đồng hay không?”, ông Tiến đáp: “Hồi xưa ông Ninh có đưa tàu đi đánh bắt cá ngừ nhưng về sau chỉ nằm bờ, không trả được nợ”. Ông Tiến nói để xảy ra hậu quả như trên là “có lỗi chủ quan cả hai bên”. Phải chăng ALC2 thiếu giám sát chặt chẽ nên dẫn đến quá nhiều rủi ro? Ông Tiến trả lời: “Việc giám sát chặt chẽ chỉ đỡ rủi ro hơn thôi chứ một khi doanh nghiệp đã cố tình làm bậy thì chịu, vì chúng tôi không thể giám sát họ hằng ngày”.

Theo ông Tiến, quy định về cho thuê tài chính nêu rõ nếu không thu hồi được vốn thì thu tài sản nhưng hiện nay chưa có cơ chế giải quyết rõ ràng nên việc thực hiện còn vướng. ALC2 đã có văn bản báo cáo Thủ tướng và đề xuất cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) hướng xử lý. Tuy nhiên, theo ông Tiến, phía lãnh đạo Agribank trả lời vấn đề này thuộc chức năng, nhiệm vụ của công ty. Nhưng khi ALC2 chủ động bỏ tiền giải cứu các con tàu, hạn chế thất thoát thì Ngân hàng Nhà nước lại “huýt còi” cho rằng các khoản chi đó là “không có cơ sở pháp lý”. Trong vụ chín con tàu ở Nha Trang, nếu muốn thu về ALC2 phải bỏ ra 2 tỉ đồng để trả nợ thuê bãi nhưng Ngân hàng Nhà nước không cho phép nên đành “bó tay”, chấp nhận tài sản tiếp tục bị thất thoát.

Có sai phạm trong đầu tư, quản lý

Giải thích về việc các con tàu bị nước ngoài bắt giữ hoặc bị “mắc cạn”, ông Hoàng Ngọc Tiến nói: “Chúng tôi làm nghề tài chính chứ không phải điều hành, vận hành tàu. Thực tế ALC2 bỏ tiền mua tàu, đứng tên sau đó ký hợp đồng cho khách hàng thuê, trả dần, đến lúc trả hết nợ gốc và lãi thì tài sản thuộc về khách hàng. Tôi chỉ cho thuê tàu. Toàn bộ vấn đề sử dụng tàu, hợp đồng chở hàng với ai, thuê ai là quyền của khách hàng”.

Ông Tiến thừa nhận tình hình bi đát của những con tàu là do “có sai phạm trong đầu tư, quản lý”. Ông nói: “Trước đây ALC2 tập trung đầu tư dàn trải quá nhiều vào tàu nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Trong quá trình đầu tư, kinh doanh, các bên không huy động được vốn dẫn đến mất thanh khoản”. Trả lời câu hỏi: “Sau khi cho thuê tàu, ALC2 có bộ phận chuyên trách để giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh của khách hàng để tránh rủi ro?”, ông Tiến nói: “Việc cho thuê tài chính cũng như một quy trình cho vay, đặc biệt chú trọng khâu thẩm định hồ sơ (năng lực tài chính, nhu cầu, phương án khả thi...). Quy trình này có cái đúng, có cái không đúng, có cái đúng một phần, trong khi đó lại có tình trạng quản lý không sát sao, không chặt chẽ, không nắm bắt thông tin kịp thời nên nhiều doanh nghiệp ngấm ngầm làm bậy mà không biết”.

H.K.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên