13/10/2011 07:32 GMT+7

Nhìn bạn để mình mạnh lên

V.V.THÀNH - B.HOÀN - L.N.
V.V.THÀNH - B.HOÀN - L.N.

TT - Nhiều doanh nhân cho rằng về đội ngũ, trí lực... lực lượng doanh nhân VN không thua kém nhiều nước trong khu vực. Thế nhưng chúng ta vẫn thiếu những thương hiệu lớn, vẫn thiếu những doanh nhân tên tuổi...

Nhân Ngày doanh nhân VN 13-10, Tuổi Trẻ xin ghi lại ý kiến một số doanh nhân.

OTYwVBKD.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Thành Long - Ảnh: V.V.T.
* Ông Nguyễn Thành Long (tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC):

Không phải cứ giàu là được tôn vinh

Đi ra thế giới, ví dụ như chuyến tháp tùng Chủ tịch nước thăm Ấn Độ lần này, chúng ta thấy rằng doanh nghiệp và doanh nhân nước ta mặc dù có sự phát triển vượt bậc thời gian qua, nhưng so với nhiều nước thì vẫn còn đi sau. Đơn cử như từ doanh nhân ở nước ta cũng chỉ mới được sử dụng nhiều trong những năm gần đây.

Thể chế thị trường và nền công nghiệp của nhiều nước đã có sự phát triển lâu đời, qua đó đã hình thành nên đội ngũ doanh nhân rất chuyên nghiệp với cách làm bài bản hơn. Tuy nhiên, từ thực tiễn của mình, tôi thấy rằng các doanh nhân trẻ của VN rất có triển vọng, với trình độ đã được nâng lên và có độ nhạy với thị trường.

Vấn đề của doanh nhân VN là cần gia tăng năng lực để nắm bắt các cơ hội của tiến trình hội nhập, của “thế giới phẳng”. Chúng ta cần phải tạo ra được đội ngũ doanh nhân làm ra sản phẩm cuối cùng để phục vụ xã hội. Tôi nghĩ rằng không phải cứ làm giàu là được tôn vinh, mà phải là làm giàu bền vững. Ví dụ như Ấn Độ đã tạo ra được những thương hiệu tập đoàn toàn cầu, phát triển theo đúng nghĩa công nghiệp hóa của họ, chúng ta cần phải hướng theo đó. Tôi cũng rất nể phục những doanh nhân biết hướng tới mục tiêu làm giàu cho đất nước thật sự, chứ không phải là giỏi vận động hành lang để tìm kiếm quyền lợi cục bộ. Ngoài học tập phong cách làm việc năng động của doanh nhân nước ngoài, chúng ta cần học tập tinh thần vì xã hội của họ.

lAQTw8bS.jpgPhóng to
Ông Lê Ngọc Anh Minh - Ảnh: CTV
* Ông Lê Ngọc Anh Minh (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tứ Hải):

Không thể lỗ là bỏ chạy...

Công ty chúng tôi làm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ bản ở VN như cầu đường, nhà máy điện, công nghiệp dầu mỏ...; thực hiện kết nối nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nên tôi có cơ hội đi và tiếp xúc với rất nhiều doanh nhân nước ngoài, tích lũy được nhiều bài học về sự phát triển của họ.

Trong đó tôi thật sự ấn tượng với giới doanh nhân Nhật Bản. Họ có tính nhất quán rất cao, làm ăn trước sau như một. Sự nhất quán này ở cả tập thể chứ không phải chỉ ở cá nhân người lãnh đạo. Qua tiếp xúc và những thông tin trên thực tế về giới doanh nhân nước này, tôi thấy họ chăm sóc khách hàng rất tốt. Họ sẵn sàng lỗ để giữ uy tín. Và điểm này thì doanh nhân VN mình còn thua nhiều. Chúng ta còn nhìn đường rất ngắn. Cứ thấy lỗ là bỏ chạy ngay và khi đã có chút thành công thì dễ dàng tự mãn, không chăm sóc khách hàng.

Từ việc tiếp xúc với doanh nhân nước bạn, tôi cũng nhận ra nhiều nhược điểm của doanh nhân chúng ta. Đa số doanh nhân của chúng ta vẫn còn lòng vòng ở thị trường trong nước, góc nhìn chưa thoát ra khỏi biên giới. Cũng có rất ít doanh nghiệp VN cử nhân sự ra nước ngoài làm nghiên cứu và tham gia các chương trình trao đổi nhân sự. Tôi biết nhiều doanh nghiệp ở Hồ Bắc (Trung Quốc) thực hiện trao đổi nhân sự với doanh nghiệp Nhật Bản để hai bên học cái hay của nhau và đồng thời tránh cái dở của đối tác.

Chúng ta đã có những doanh nhân được thế giới biết đến. So với khu vực, đội ngũ doanh nhân của chúng ta đã lớn mạnh hơn nhiều nước. Trong môi trường mà thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, cơ sở hạ tầng và pháp lý còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải tự làm, tự lo liệu hết và vẫn tăng trưởng tốt. Hơn nữa, trong sản xuất kinh doanh, ở nước ta có nhiều lợi thế để làm ra sản phẩm có giá cạnh tranh hơn. Đó là lợi thế của doanh nhân VN trong tiến trình vươn ra thế giới. Nhưng chừng đó vốn liếng thôi vẫn chưa đủ. Tôi thấy rằng chúng ta nên giảm bớt than thở về những khó khăn, những gờ cản mà thay vào đó hãy đưa ra ý kiến đóng góp và đề xuất giải pháp với các nhà làm chính sách.

s7vULQOX.jpgPhóng to
Ông Trần Hùng Việt - Ảnh: L.Nam
* Ông Trần Hùng Việt (tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist):

Mạnh lên nhờ liên kết

Trong những lần tham gia các cuộc họp, làm việc, gặp gỡ với những tập đoàn quản lý khách sạn lớn trên thế giới và gần đây nhất là chuyến tháp tùng cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Malaysia, Singapore, tôi nhận ra rằng một trong những lý do giúp các doanh nhân nước ngoài mạnh lên là do họ liên kết, đồng thuận trong nhiều vấn đề.

Cụ thể trong mảng du lịch, họ hợp tác quảng bá, xúc tiến rất chặt chẽ để có thể tạo nên một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, cạnh tranh cho du khách nước ngoài. Đây là điểm yếu của các doanh nhân VN cần phải cải thiện.

Ở một khía cạnh nào đó, những doanh nhân Việt trong ngành dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng của VN đã có nhiều điểm tương đồng với các đồng nghiệp. Các tổng giám đốc, giám đốc điều hành của những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, năm sao, giám đốc điều hành công ty lữ hành đã có đầy đủ kỹ năng, bản lĩnh ngang bằng các đồng nghiệp trong khu vực hay những đồng nghiệp người nước ngoài để điều hành khách sạn cao cấp có quy mô lớn đòi hỏi chất lượng phục vụ, dịch vụ hài lòng du khách cao cấp.

Doanh nhân Việt kiều về nước tìm cơ hội giao thương

Ngày 12-10, các doanh nhân VN ở nước ngoài đã đi thăm một số doanh nghiệp trong nước ở Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên trong khuôn khổ chương trình giao lưu với doanh nhân VN trong nước do Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức. Hôm nay 13-10, các doanh nhân dự buổi hội thảo nơi đại diện Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Tổng cục Hải quan, các hiệp hội doanh nghiệp giới thiệu về chính sách và cơ hội đầu tư, giao thương ở trong nước.

Theo ban tổ chức, chương trình này được triển khai nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước trong nhiều lĩnh vực. Có gần 200 đại biểu doanh nhân VN ở nước ngoài từ 29 nước, đại diện 17 hội doanh nhân VN ở nước ngoài đã đăng ký tham dự cùng 180 doanh nghiệp từ các tỉnh thành trong nước đại diện cho các ngành nghề, mặt hàng xuất khẩu của VN.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết năm 2010 có khoảng 3.500 doanh nghiệp được thành lập hoặc góp vốn của người VN ở nước ngoài, đầu tư về nước với tổng vốn đăng ký khoảng 11 tỉ USD. Lượng kiều hối gửi về nước những năm gần đây đều đạt mức 7-8 tỉ USD/năm.

H.GIANG

V.V.THÀNH - B.HOÀN - L.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên