Nhiều người đã bức xúc như vậy tại hội thảo lấy ý kiến bổ sung, rà soát, sửa đổi Luật xây dựng và Luật đấu thầu do Phòng Thương mại và công nghiệp VN tổ chức ngày 29-9.
Phóng to |
Tổ máy số 2 nhiệt điện Hải Phòng, một trong những dự án do nhà thầu Trung Quốc thi công - Ảnh: MINH QUANG |
Một vấn đề lớn hiện nay là giá trúng thầu. Một số ý kiến cho rằng thời gian qua vì tiêu chí này mà VN đã trả giá rất lớn do công trình chất lượng kém, đưa vào sử dụng không hiệu quả.
Phá giá để chiếm ưu thế
Ông Vũ Gia Quỳnh, tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, cho biết Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng công trình kém chất lượng do giá trúng thầu thấp. “Giờ đây chúng ta lại trả giá tiếp vì gần như không một nước nào có thể trả giá rẻ bằng nhà thầu Trung Quốc. Cho nên trong quá trình rà soát, chúng ta nên lưu ý vấn đề này” - ông Quỳnh đề xuất.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, tổng giám đốc Công ty CP đầu tư dầu khí Toàn Cầu, cũng chia sẻ ý kiến này và cho biết hiện nay các gói thầu, dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á hoặc ODA các nước thì cơ hội cho nhà thầu VN là rất nhỏ. Không chỉ vậy, ngay cả một số dự án dùng vốn trong nước, thậm chí là ngân sách nhà nước, thì các nhà thầu Trung Quốc cũng chiếm ưu thế như các dự án ximăng, điện, bôxit...
“Sở dĩ có hiện tượng này vì một số chủ đầu tư chỉ đặt một tiêu chuẩn giá thuần túy mà không quan tâm tới xuất xứ của vật tư, thiết bị. Vì vậy cần có điều chỉnh, bổ sung đối với các gói thầu dùng vốn trong nước để hạn chế hiện tượng nhà thầu Trung Quốc phá giá để chiếm ưu thế” - ông Hiệp nói.
Sẽ chuyển thành Luật đầu tư công Theo Phòng Thương mại và công nghiệp VN, việc rà soát Luật đấu thầu dự kiến được hoàn tất trong tháng 9-2011 và tổng hợp thành báo cáo đề xuất kiến nghị trong tháng 10-2011. Đây là những hoạt động đầu tiên trong quá trình sửa Luật đấu thầu. Theo dự kiến, Luật đấu thầu hiện nay sẽ được chuyển thành Luật đầu tư công, mua sắm công để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. |
Ông Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, dẫn một nghiên cứu về thị trường xây dựng VN của nhà thầu Trung Quốc nói là thị trường nhận thầu ở VN rất béo bở vì mỗi năm VN có khoảng 10 tỉ USD tiền chi tiêu công cho đầu tư hạ tầng, trong khi đó theo quy định thì cứ dự án trên 5 tỉ đồng là phải đấu thầu.
“Như vậy là cứ khoảng 250.000 USD trở lên là đấu thầu, nên các doanh nghiệp nước ngoài có thể nhảy vào chiếm lĩnh thị trường, đấu thầu mọi thứ, kể cả xây trụ sở UBND” - ông Liêm nói. Theo ông, với các tiêu chí dự thầu hiện nay thì chỉ quốc tế mới đáp ứng được. “Chúng ta thất bại là ở chỗ ấy và luôn là thầu phụ. Chẳng hạn về vốn: từ những anh “to đầu” như Tập đoàn Sông Đà, có lãi tí nào nộp ngân sách từng đó, lấy đâu ra vốn” - ông Liêm bức xúc.
Phải chấm dứt “công nghệ” đấu thầu
Theo TS Vũ Gia Quỳnh - tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, hiện nay Luật đấu thầu không được tôn trọng. “Hầu hết dự án là chỉ thị thầu, không đấu thầu, nên bản thân nó bị xóa bỏ trong thị trường xây dựng hiện tại”- ông Quỳnh nói.
Ông cho rằng luật mới cần quan tâm đến việc xác định tư cách dự án, tư cách chủ đầu tư. “Về vốn, tôi đề nghị vốn phải có ngân hàng bảo lãnh. Cái đó mới là thị trường, là pháp luật. Hiện nay vẫn còn tình trạng nhà thầu phải “chạy” cả kho bạc để có vốn cho dự án dù dự án ghi vốn kế hoạch. Còn những cái đó thì còn tiêu cực” - ông Quỳnh nói.
Trong khi đó, ông Phan Vũ Anh - giám đốc ban pháp chế đối ngoại Tổng công ty CP Vinaconex - nhấn mạnh cần phải quyết liệt hơn trong xử phạt, chế tài các vi phạm Luật đấu thầu nhằm chấm dứt “công nghệ” đấu thầu.
Ông Anh cho rằng không nên để tình trạng gọi là đấu thầu nhưng thực chất là dùng “công nghệ” đấu thầu để chạy thầu, xin thầu nhiều hơn... Mặc dù có rất nhiều ý kiến nêu luật phải bảo vệ nhà thầu trong nước, nhưng ông Anh cũng chỉ ra thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp là khi thuê nhà thầu phụ là VN thì nhà thầu chính tổ chức tốt và nhà thầu phụ VN làm chuẩn; nếu giao VN làm tổng thầu và thuê tiếp thầu phụ thì lại xảy ra tình trạng thực hiện không nghiêm túc, gây tranh cãi nhiều...
Ông Anh nói: “Theo tôi, chúng ta không hạn chế người VN nhưng hồ sơ mời thầu phải thể hiện cụ thể yêu cầu, trách nhiệm... của nhà thầu”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận