07/09/2011 07:20 GMT+7

Kiểm soát đầu tư công và đẩy mạnh cải cách

H.GIANG - chinhphu.vn
H.GIANG - chinhphu.vn

TT - Được Chính phủ VN tham vấn về tình hình kinh tế vĩ mô, các đối tác phát triển của VN bày tỏ hi vọng VN tiếp tục thúc đẩy cải cách hơn nữa để tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô. Hội nghị do Bộ Kế hoạch - đầu tư tổ chức ngày 6-9 tại Hà Nội.

DqQ317aR.jpgPhóng to
Nhà máy ximăng Đồng Bành, 4/16 dự án ximăng được Chính phủ bảo lãnh, đang gặp khó khăn và Bộ Tài chính phải trả nợ thay - Ảnh: C.T.V.

Dự hội nghị, phía các chuyên gia/đối tác nước ngoài có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á, Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Cơ quan Kinh tế Pháp tại Việt Nam, Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh, các đại sứ quán Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...

Bà Victoria Kwakwa, giám đốc WB tại Việt Nam, nhận định tình hình kinh tế tám tháng đầu năm 2011 chứa đựng cả nhiều tin tốt lẫn tin xấu. Tin tốt, theo bà, là tốc độ tăng trưởng khá cao, tỉ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng. Tuy nhiên, tin xấu là thành quả đạt được vẫn còn mong manh.

Theo WB, lạm phát của Việt Nam ở mức 23% so với cùng kỳ năm 2010 là mức cao nhất tại châu Á, trong khi sức ép lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao trong quý 4. Một hiện tượng WB lưu ý là bất ổn kinh tế vĩ mô bốn năm qua đang bị lặp lại và ở mức độ ngày càng gay gắt, do các nguyên nhân gốc chưa được giải quyết dù kinh tế đạt sự ổn định tạm thời. Theo WB, nguyên nhân nội tại mang tính cơ cấu là đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp công không hiệu quả...

Từ góc độ IMF, tổ chức này nhận định tuy chưa thể “tuyên bố chiến thắng” tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô nhưng nhờ vào các biện pháp ổn định tỉ giá hối đoái, hạn chế giao dịch vàng và ngoại tệ ngoài ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nâng dự trữ ngoại hối lên 15,1 tỉ USD vào cuối tháng 6, cao hơn 3,2 tỉ so với tháng 2 năm nay.

IMF cũng cho rằng Việt Nam nên tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt tới khi lạm phát giảm xuống mức một con số, kỳ vọng lạm phát giảm đáng kể, niềm tin vào tiền đồng được củng cố và dự trữ ngoại hối được tăng cường hơn. Tuy nhiên, IMF nhắc rằng việc thắt chặt các điều kiện tiền tệ đã gây căng thẳng thanh khoản trong một số ngân hàng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận ý kiến của đại diện đối tác quốc tế và cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện nghị quyết 11, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Theo số liệu của Việt Nam, lạm phát đang có xu hướng giảm và sẽ kiềm chế trong năm 2011 ở mức 18%, mục tiêu năm 2012 sẽ đưa lạm phát xuống mức một con số; tăng trưởng GDP năm 2011 sẽ ở mức khoảng 6%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết các giải pháp đề ra trong năm 2011, ngoài tín dụng, sẽ kiểm soát chặt nợ công, đảm bảo an toàn nợ công; chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế để phát huy tính hiệu quả; đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu các ngân hàng thương mại; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - nhất là sản xuất nông nghiệp - cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu...

H.GIANG - chinhphu.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên