11/07/2011 10:53 GMT+7

Xuất khẩu gạo: Lắm mối, rối thị trường

HẢI ĐĂNG - TRẦN MẠNH
HẢI ĐĂNG - TRẦN MẠNH

TT - Sẽ chỉ còn lại chưa tới 50% trong số trên 200 doanh nghiệp (DN) hiện nay được hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo kể từ sau ngày 1-10, thời điểm nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh xuất nhập khẩu gạo có hiệu lực.

Read this on Tuoitrenews.vn

Ccd1LPoB.jpgPhóng to
Quy trình chế biến, xuất khẩu gạo sẽ chuyên nghiệp hơn. Trong ảnh: đóng bao gạo xuất khẩu tại Cụm công nghiệp An Thạnh, huyện Cái Bè, Tiền Giang - Ảnh: N.C.T.

Hoạt động này được kỳ vọng sẽ lập lại trật tự khi điều kiện tham gia được siết chặt hơn. Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), các DN quy mô nhỏ và năng lực kém sẽ bị loại ra khỏi danh sách tham gia hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Theo số liệu của VFA, trong sáu tháng đầu năm 2011 có 211 DN tham gia xuất khẩu gạo, trong đó chỉ có 4 DN đạt sản lượng xuất khẩu từ 100.000 tấn trở lên, 11 DN xuất khẩu từ 50.000 tấn trở lên và 34 DN xuất khẩu trên 10.000 tấn. Trong danh sách còn lại có đến 89 DN xuất khẩu từ 1.000 tấn trở xuống.

Tranh mua, tranh bán

VFA cho biết trong số 211 DN xuất khẩu gạo hiện nay, phần lớn là nhỏ hoặc không chuyên. Trong danh sách này có đến gần một nửa chỉ xuất chưa tới 1.000 tấn trong sáu tháng đầu năm, trong đó thậm chí có DN chỉ xuất khẩu... 700kg. “Mang tiếng là DN xuất khẩu gạo nhưng nhiều đơn vị không có kho, bến bãi, cũng chẳng có cơ sở xay xát” - ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, thừa nhận.

Theo ông Phong, điều bức xúc nhất là tình trạng tranh mua tranh bán, không những gây thiệt hại đối với hoạt động xuất khẩu gạo mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của nông dân trồng lúa. Ông Phong cho biết có không ít DN chỉ cần lời 1-2 USD/tấn cũng bán. Có DN vừa ký hợp đồng bán gạo xong đã bị lỗ do không đủ khả năng cập nhật được thông tin... Nhiều DN phản ảnh thời gian qua đã xuất hiện không ít trường hợp DN trong nước kéo giá chào bán để giành khách hàng, vô tình tạo điều kiện cho các thương nhân nước ngoài ép giá gạo VN. Mới đây có DN đàm phán với nhà nhập khẩu giá chào bán 400 USD/tấn nhưng thương vụ bị đổ bể do một DN khác chào giá thấp hơn 5-10 USD/tấn để giành đơn hàng.

Ông Võ Hùng Dũng - giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tại Cần Thơ - cho rằng không thể đổ hết lỗi cho các DN nhỏ gây nên tình trạng lộn xộn trong hoạt động xuất khẩu gạo. Nhưng việc có quá nhiều DN quy mô nhỏ xuất khẩu cùng một loại gạo, vào một thị trường... chắc chắn sẽ dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành. Do đó, việc xây dựng các tiêu chí về xuất khẩu gạo để hạn chế những đầu mối thiếu năng lực, không chuyên nghiệp... là điều cần thiết.

Ngoài ra, ông Phạm Văn Bảy - giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm An Giang - còn cho rằng DN quy mô xuất khẩu nhỏ cũng rất khó có được những đơn hàng giá tốt do thiếu kinh nghiệm, không có bạn hàng hoặc hạn chế về vốn...

Vẫn còn vướng

Theo nghị định 109, chỉ những DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được tham gia hoạt động xuất khẩu gạo. Đây là động thái cần thiết để lập lại trật tự trong hoạt động xuất khẩu gạo, sàng lọc bớt những DN làm ăn kiểu chụp giật... Ông Phạm Văn Bảy cho rằng các DN không đủ điều kiện xuất khẩu vẫn có thể gián tiếp tham gia thị trường bằng cách làm đầu mối thu gom rồi cung cấp lại cho các đơn vị xuất khẩu trực tiếp.

Thực tế áp dụng cũng đang nảy sinh nhiều vướng mắc. Một số DN lớn hiện đối diện nguy cơ bị loại khỏi danh sách được cấp giấy chứng nhận, dù có đầy đủ năng lực và điều kiện tham gia xuất khẩu gạo. Theo đánh giá của VFA, số DN đủ năng lực và đáp ứng điều kiện để được cấp giấy chứng nhận tham gia xuất khẩu gạo khoảng 80-90 đơn vị, nhưng đến nay chỉ mới có bảy DN được cấp giấy chứng nhận do nhiều hồ sơ đăng ký bị loại.

Ở Tiền Giang có tám DN xuất khẩu gạo nhưng bốn đơn vị vừa làm hồ sơ đăng ký đều bị trả hồ sơ về với lý do không đủ điều kiện. Theo nhiều DN, sự việc này chủ yếu xuất phát từ những “yêu sách” quá khó khăn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN & PTNT), cũng như sự tùy tiện trong việc thẩm định tại các địa phương.

Giám đốc một DN cho biết theo quy định tại nghị định 109, các DN chỉ cần đáp ứng một số điều kiện như có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn và ít nhất một cơ sở xay xát nằm trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, sở công thương các địa phương lại yêu cầu phải trang bị thêm hệ thống máy sấy công nghiệp, máy đánh bóng... “Khi DN phản ứng, cán bộ thẩm định bảo rằng tất cả các yêu cầu về thiết bị kỹ thuật đều thực hiện theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, sở công thương chỉ là đơn vị thừa hành” - vị giám đốc này nói.

Một điều bức xúc nữa là cơ quan thẩm định luôn yêu cầu DN phải đảm bảo cả hệ thống kho chứa cùng các thiết bị khác như máy xay xát, máy sấy và máy đánh bóng... đều phải được bố trí tại cùng một địa điểm. Ông Phạm Văn Bảy cho rằng các DN thường bố trí cơ sở xay xát ngay tại các vùng sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn để tiết kiệm chi phí vận chuyển, còn hệ thống kho bãi, máy đánh bóng... được bố trí ở những địa điểm khác nhau tùy theo yêu cầu của mỗi DN.

DN xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ các điều kiện:

- Có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ NN&PTNT ban hành.

- Có ít nhất một cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ NN&PTNT ban hành.

- Kho chứa, cơ sở xay xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận.

HẢI ĐĂNG - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên