26/05/2011 07:27 GMT+7

Nhập siêu hơn 6,6 tỉ USD

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TT - Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5-2011, nhập siêu của cả nước đã vọt lên tới 1,7 tỉ USD. Đây là mức nhập siêu cao nhất trong vòng 17 tháng qua, nâng tổng mức nhập siêu trong năm tháng lên hơn 6,6 tỉ USD.

Read this on Tuoitrenews.vn

34Ihc8nj.jpgPhóng to
Nhập siêu qua các tháng từ đầu năm đến nay - Ảnh: T.T.D. - Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Đáng chú ý, góp phần “tăng tốc” cho con số nhập siêu trong tháng 5 không chỉ ở nhóm máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, mà còn có phần ở cả những mặt hàng tiêu dùng, hàng hóa thuộc diện cần hạn chế nhập khẩu theo danh mục của Bộ Công thương.

Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 34,7 tỉ USD

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng của cả nước trong tháng 5 lên tới 9,2 tỉ USD, đưa kim ngạch nhập khẩu năm tháng đầu năm nay ước khoảng 41,34 tỉ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, xuất khẩu tháng 5 ước khoảng 7,5 tỉ USD, tăng thêm khoảng 200 triệu USD so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm tháng đầu năm nay đạt 34,74 tỉ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, nhập siêu năm tháng đầu năm nay đã lên hơn 6,6 tỉ USD.

Đầu vào tăng 10-20%

Trong tháng 5, vải may mặc là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao nhất. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu vải lên tới 750 triệu USD, tăng 100 triệu USD so với tháng trước đó. Vải nguyên liệu nhập về không chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp may mặc mà còn được bán lẻ phổ biến tại các chợ.

Tại chợ An Đông (Q.5), chợ Bến Thành (Q.1)... các sạp bán vải đều có đủ chủng loại vải và hầu hết nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Mặc dù giá vải vừa giảm 5-7% khi giá USD giảm nhưng gần đây, một số đầu mối cung cấp vải lại thông báo chuẩn bị tăng giá vì giá nhập khẩu đang có xu hướng tăng. Do vậy, bên cạnh nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất tăng, kim ngạch nhập khẩu tăng còn có phần do giá cả tăng.

Thức ăn chăn nuôi và nguyên phụ liệu cũng góp thêm vào đà tăng của tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên phụ liệu trong tháng 5-2011 ước khoảng 160 triệu USD, tăng 14,3% so với tháng trước.

Ông Đoàn Ngọc Thơ - giám đốc Công ty TNHH THO, nhà nhập khẩu và phân phối thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có trụ sở tại TP.HCM - cho biết trong ngành thức ăn chăn nuôi và nguyên phụ liệu, sức tiêu thụ vẫn tương đối ổn định từ đầu năm đến nay. Trong tháng 5- 2011, dù lượng nhập (lúa mì, bắp, cám mì, bã đậu nành, mỗi loại 5.000-7.000 tấn) vẫn tương đương các tháng đầu năm nhưng số tiền công ty phải bỏ ra để nhập hàng lại tăng lên khoảng 20% so với hồi đầu năm. Các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên phụ liệu cho rằng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tăng phần lớn là do giá nhập tăng mạnh.

Tương tự, theo các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, giày dép, hóa chất, chất dẻo..., hầu hết các mặt hàng này đều đã tăng giá trong thời gian gần đây. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu tăng, bên cạnh lý do các đầu mối nhập khẩu tăng cường nhập hàng vì nhu cầu sản xuất tăng. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5-2011, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng khoảng 40 triệu USD, hóa chất tăng 50 triệu USD, chất dẻo tăng 28 triệu USD, sắt thép tăng 55 triệu USD... so với tháng 4-2011.

Ôtô, iPhone, iPad... về nhiều

Thuộc nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu nhưng trong tháng 5, theo hải quan một số cửa khẩu ở TP.HCM, ôtô, xe máy nhập khẩu vẫn tiếp tục được nhập về với số lượng lớn. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu ôtô trong tháng 5 đạt khoảng 292 triệu USD, tăng khoảng 10 triệu USD so với tháng trước đó. Kim ngạch nhập khẩu xe máy cũng tăng thêm khoảng 5 triệu USD trong tháng 5 so với tháng 4, đạt khoảng 80 triệu USD.

Nhu cầu mua sắm hàng điện tử của người tiêu dùng VN cũng khiến nền kinh tế phải bỏ ra một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu mặt hàng này. Trong tháng 5, kim ngạch nhập khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã tăng tới 55 triệu USD so với tháng 4, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này lên 500 triệu USD. Đáng chú ý, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều điểm bán các mặt hàng điện tử xa xỉ, điện thoại di động đắt tiền như iPhone, iPad.

Bên cạnh đó, tại TP.HCM, sau một thời gian thăm dò thị trường, nhiều nhãn hiệu mặt hàng thuộc nhóm tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm chế biến, dầu ăn... đã có sự xuất hiện ồ ạt của các nhãn hiệu ngoại nhập giá cao. Tại siêu thị Maximark Ba Tháng Hai, dầu ăn nhập khẩu chiếm số lượng tương đương dầu ăn sản xuất trong nước. Trong khi đó, cách đây khoảng vài tháng, các loại dầu ôliu, dầu mè... đóng chai thủy tinh mới chỉ xuất hiện lác đác. Dầu ăn nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thái Lan.

Bà Đào Hoàng Phương, chuyên phân phối dầu ăn Thái Lan ở TP.HCM, cho biết thị trường đang có nhiều phản hồi tích cực với dầu ăn nhập khẩu từ Thái Lan. Không tiết lộ lượng tiêu thụ cụ thể nhưng theo bà Phương, so với hồi đầu năm nay, lượng hàng phân phối mỗi tháng đang tăng trên 20%. Theo Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm nay, nhập khẩu dầu mỡ động thực vật đã đạt 273 triệu USD, tăng tới 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá tăng đẩy nhập siêu tăng

Theo một cán bộ Bộ Công thương, việc nhập siêu có hai mặt cần nhận thức đúng, tránh tâm lý quá bi quan. Thứ nhất, việc nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, trong nước đã sản xuất được, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ như ôtô ngoại đắt tiền, hàng tiêu dùng cho thấy một bộ phận người dân vẫn duy trì thói quen dùng hàng ngoại. VN đã có nhiều biện pháp, trong đó có cấp giấy phép nhập khẩu tự động với các mặt hàng tiêu dùng, nhưng nếu không thay đổi thói quen tiêu dùng thì nhập siêu khó giảm nhanh. Thứ hai, nhập siêu cho thấy sản xuất phục hồi vì trong nhập siêu, một phần lớn là thiết bị máy móc, vật tư sản xuất. Ngoài ra còn có yếu tố khách quan là giá cả tăng cũng góp phần lớn vào mức tăng nhập siêu tháng 5-2011.

Cẩn trọng với các dự án EPC

Theo TS Bùi Trường Giang (viện phó Viện Kinh tế VN), câu chuyện nhập siêu tại VN cứ giảm rồi lại tăng phản ánh nó không phải là vấn đề trước mắt mà là lâu dài và có nguyên nhân căn cơ trong cơ cấu nền sản xuất. Nếu chúng ta tập trung vào hạn chế hàng tiêu dùng thì chỉ có thể giảm được nhập siêu trước mắt, không bền vững vì nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu vào VN mới nhiều. Để giảm nhập siêu, cần biện pháp trung và dài hạn, đặc biệt phải thay đổi mô hình tăng trưởng, mô hình xuất khẩu, giảm gia công, giảm thuê tổng thầu EPC nước ngoài. Chúng ta cần cảnh giác cao với việc để nước ngoài dễ dàng trúng thầu EPC chỉ với giá rẻ vì thực tế họ đưa luôn trang bị, toàn bộ máy móc vào VN, làm cơ cấu nhập siêu trong sản xuất, xây dựng công nghiệp rất lớn.

C.V.KÌNH

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên