Phóng to |
Từ ngày 6-4, cổ phiếu DDM của Công ty CP hàng hải Đông Đô đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện cảnh báo, với lý do lợi nhuận sau thuế năm 2010 theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán bị lỗ hơn 74,3 tỉ đồng...
“Vẽ rắn thêm chân“!
Thông tin cổ phiếu DDM bị cảnh báo khiến không ít nhà đầu tư choáng váng bởi trước đó công ty này công bố kết quả kinh doanh năm 2010 vẫn có lãi. Cụ thể, trong BCTC năm 2010 được công bố ngày 18-2, dù đạt kết quả khá khiêm tốn nhưng DDM vẫn có lợi nhuận sau thuế năm 2010 hơn 473,6 triệu đồng. Không gây sốc như DDM, chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán, nhưng hàng loạt doanh nghiệp niêm yết khác cũng có sự “lệch pha” khá lớn giữa kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán.
Dẫn đầu danh sách này phải kể đến các DN như Công ty CP thủy hải sản Việt Nhật (VNH) và Công ty CP Ninh Vân Bay (NVT) với lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán giảm hơn 50% so với số liệu đã công bố, kế đến là Công ty CP đầu tư địa ốc Khang An (KAC) giảm 37,6%, Công ty CP Tập đoàn thép Tiến Lên (TLH) giảm gần 28,5%, Công ty CP vận tải biển Vinaship (VNA) giảm 9%... Giải thích với HoSE về sự “lệch pha” này, các DN đã viện rất nhiều lý do, trong đó có những lý do rất “trời ơi” như... nhầm lẫn.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư rất khó thông cảm với những lý lẽ mà các DN đưa ra, bởi họ chính là những đối tượng bị thiệt hại do sự vô tình hay hữu ý của các DN. Chẳng hạn, trong gần hai tháng kể từ thời điểm DDM công bố BCTC năm 2010 đến khi BCTC này được kiểm toán, số lượng cổ phiếu này được chuyển nhượng trên thị trường lên tới hàng triệu cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư đã mua và đang nắm giữ cổ phiếu DDM chắc chắn sẽ gặp tổn thất khi cổ phiếu này bị đưa vào diện cảnh báo. Tương tự, khi sự thật đằng sau những con số doanh thu và lợi nhuận ấn tượng của một số DN bị kiểm toán phơi bày, những nhà đầu tư đã lỡ ôm các cổ phiếu này chỉ còn biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, dù thiệt hại do giá cổ phiếu bị sụt giảm đôi khi rất lớn.
Anh Đức Hùng - một nhà đầu tư tại sàn ACBS - bức xúc cho rằng thông tin về các hoạt động của DN, đặc biệt là BCTC, là một trong những kênh mà nhà đầu tư dựa vào đó để quyết định có nên bỏ vốn vào cổ phiếu đó hay không. Việc có quá nhiều sai sót trong BCTC của các DN, không loại trừ trường hợp có sự trục lợi của một số đối tượng bên trong DN, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đồng vốn của nhà đầu tư.
Cơ quan quản lý... bó tay?
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng chuyện chênh lệch BCTC của DN trước và sau kiểm toán (phần lớn là lợi nhuận của DN giảm mạnh sau kiểm toán) những năm trước chỉ vài trường hợp, nhưng gần đây số lượng các DN phải giải trình sau khi có BCTC kiểm toán ngày càng nhiều hơn.
Thậm chí việc giải trình BCTC kiểm toán đã trở thành chuyện dài nhiều tập tại một số DN, trong đó DDM là một ví dụ. Từ năm 2009 đến nay, DN này liên tục phải giải trình BCTC, hết BCTC soát xét sáu tháng đến BCTC năm (2009 và 2010) nhưng mọi chuyện đâu cũng vào đấy. Tình trạng thật giả lẫn lộn giữa số liệu mà DN công bố và số liệu thực về hoạt động của DN, theo một số chuyên gia, khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý hoài nghi tất cả thông tin mà các DN công bố, kể cả những thông tin về kết quả kinh doanh tháng hay quý khá ấn tượng được một số DN sốt sắng công bố sớm trên thị trường.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo HoSE thừa nhận đang “đau đầu” trước hiện tượng sai sót và giải trình BCTC sau kiểm toán thời gian gần đây. “Việc sai sót trong quá trình làm BCTC của các DN là khó tránh khỏi, nhất là những DN có nhiều công ty con và công ty liên kết, chưa kể có sự khác nhau trong cách hiểu và xử lý số liệu kế toán giữa DN và kiểm toán. Nhưng những sai sót nghiêm trọng, sự chênh lệch lớn về kết quả kinh doanh trong BCTC của DN trước và sau kiểm toán là khó chấp nhận” - vị lãnh đạo này nói.
Vẫn theo vị này, đến nay chưa có biện pháp chế tài nào đủ mức độ răn đe đối với các DN có những sai sót nghiêm trọng trong các BCTC, nhất là chênh lệch số liệu về lợi nhuận trước và sau kiểm toán. “Chúng tôi chỉ có thể yêu cầu DN giải trình nếu có sự chênh lệch số liệu trước và sau BCTC được kiểm toán. Trừ trường hợp DN bị thua lỗ thì cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, các trường hợp còn lại đều dừng ở mức yêu cầu giải trình và công bố thông tin theo quy định” - vị này nói.
Theo một số chuyên gia, trong trường hợp chưa có những quy định về xử phạt hành chính đối với các trường hợp phải giải trình BCTC với những sai sót nghiêm trọng, cơ quan quản lý thị trường vẫn có thể áp dụng biện pháp như công bố rộng rãi danh sách các DN thường xuyên có hiện tượng bất nhất số liệu trong BCTC trước và sau kiểm toán, DN thường xuyên lặp lại các lỗi đã từng bị nhắc nhở... Có như vậy, nhà đầu tư mới có thể tránh rơi vào “bẫy” của các DN, mà bản thân các DN cũng ý thức hơn, cẩn trọng hơn khi xây dựng BCTC nếu không muốn bị nhà đầu tư rời bỏ... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận