Phóng to |
Thay vì thông qua phương án tăng vốn, các DN nên tính toán đến chuyện “gói ghém” trong khả năng vốn của mình - Ảnh minh họa: THANH ĐẠM |
Trước sức ép triển khai dự án trong khi nguồn vốn tín dụng bất động sản đang bị siết chặt, nhiều công ty bất động sản đã tìm cách gọi vốn của cổ đông trên sàn chứng khoán, trong đó chủ yếu phục vụ nhu cầu vốn cho những dự án đang dở dang.
Chẳng hạn, Công ty CP Đệ Tam (DTA) vừa chốt danh sách (ngày 23-3) phát hành 5 triệu cổ phiếu để huy động vốn đầu tư cho dự án khu biệt thự Detaco Phú Quốc trong năm 2011. Trước đó, Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC) cũng chào bán gần 220 triệu cổ phiếu (tăng vốn điều lệ gấp... 4 lần) để huy động vốn đầu tư vào khu đô thị IJC, Bình Dương...
Một số DN khác thuộc lĩnh vực bất động sản như Công ty CP Nhà Việt Nam, Công ty CP đầu tư và phát triển nhà đất Cotec (CLG)... cũng đã lên kế hoạch phát hành gọi vốn cho đầu tư dự án, bổ sung vốn lưu động...
Bên cạnh nhóm bất động sản, hàng loạt công ty chứng khoán vừa công bố phương án tăng vốn điều lệ trong năm nay, như Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HCM), Rồng Việt, SMES, Công ty chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín... Một “dòng họ” khác trên sàn niêm yết là dầu khí cũng công bố phương án tăng vốn trong năm nay, chưa kể hàng loạt DN thuộc lĩnh vực xây dựng, thủy sản, thực phẩm...
Theo một số chuyên gia, do những khó khăn về tín dụng và lãi suất, nhu cầu huy động vốn trên sàn chứng khoán trong năm nay rất lớn, nhiều khả năng lại trở thành chuyện “nóng” trong mùa đại hội cổ đông năm nay.
Trong rất nhiều phương án phát hành đã được công bố, hầu hết các công ty đều đưa ra mức giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu với kỳ vọng đợt phát hành sẽ thành công. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, khả năng thành công không như kỳ vọng của nhiều DN.
“Quá nhiều DN niêm yết đồng loạt gọi vốn không những gây lo ngại cho những nhà đầu tư mới mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông hiện hữu” - ông Lê Đạt Chí, chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, phân tích. Theo ông Chí, nhiều nhà đầu tư sẽ cân nhắc kỹ phương án bỏ thêm tiền vào rồi chờ vài ba tháng sau cổ phiếu mới về tài khoản, trong khi nguồn tiền trên thị trường không nhiều, chưa kể giá cổ phiếu của một số công ty hiện nay rơi xuống mức thấp hơn giá “ưu đãi”...
Chẳng hạn, dù chào bán với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng khả năng thành công của Công ty CP Kinh doanh và phát triển Bình Dương (TDC) trong đợt phát hành này rất khó đạt như kỳ vọng do tỉ lệ phát hành quá cao, cổ đông sở hữu một cổ phiếu được (hay bị) mua đến bốn cổ phiếu, trong khi giá thị trường của cổ phiếu này hiện xoay quanh mức 12.000 đồng/cổ phiếu. Trường hợp của Công ty CP Cavico VN (MCV) khai thác mỏ và xây dựng lại là một ví dụ khác, giá thị trường của cổ phiếu này tại thời điểm chốt quyền (16-3) chỉ xoay quanh mức 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá “ưu đãi” do MCV công bố lên tới 12.000 đồng/cổ phiếu!
Ngoài ra, câu chuyện về hiệu quả của dự án, khả năng làm ra lợi nhuận của DN sau khi tăng vốn... cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng đến khả năng thành công của phương án phát hành.
Một số chuyên gia cho rằng việc thông qua phương án tăng vốn tại nhiều DN hiện nay chủ yếu phụ thuộc lá phiếu của các cổ đông lớn, nhưng bản thân những nhà điều hành cũng như các cổ đông lớn của các DN này đã không lường trước các kịch bản của thị trường, không xem xét đến tính khả thi của phương án phát hành.
Theo các chuyên gia, thay vì “làm khó” cổ đông cũng như thị trường, lẽ ra các DN nên tính toán đến chuyện “gói ghém” trong khả năng vốn của mình, nhất là khi Chính phủ đang chủ trương ổn định hơn tăng trưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận