Theo ông Thỏa, việc kiểm tra sẽ tập trung vào các mặt hàng bị tác động trực tiếp bởi đợt điều chỉnh giá điện, xăng dầu để xem mức tác động cụ thể, tránh tình trạng “té nước theo mưa”. Ông Thỏa công nhận sẽ phải chấp nhận giá hàng hóa, dịch vụ nào bị tác động thật sự thì cho tăng giá. Như sữa, do giá thế giới nhích lên, điều chỉnh tỉ giá, thuế... nên doanh nghiệp sữa sẽ điều chỉnh tăng trên 10%.
Đề cập những biện pháp để tránh tăng giá ồ ạt, ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định vẫn phải tiếp tục thực hiện giá thị trường đối với một số mặt hàng mà Nhà nước còn bao cấp. Về cho doanh nghiệp vay vốn để bình ổn giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa nói phải tổ chức thêm các điểm bán hàng bình ổn ở cả các chợ, không chỉ tập trung ở những phố phường ít dân cư.
Ngoài ra, thủ tục từ khi đăng ký đến giải ngân, chuyển hàng về nơi bình ổn thị trường cần rút ngắn thời gian, tăng tính kịp thời trong việc bình ổn giá. “Hiện Bộ Tài chính đang gấp rút sửa nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá để trình Chính phủ ban hành. Mức chế tài sẽ được nâng lên để quản lý giá hữu hiệu hơn” - ông Thỏa nói.
* Ngày 22-3, Hội Thẩm định giá VN đã tổ chức góp ý dự thảo Luật giá đang được Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Theo dự thảo, Nhà nước sẽ kiểm soát giá độc quyền của doanh nghiệp có vị trí độc quyền, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Khi thị trường có dấu hiệu hình thành giá độc quyền, Nhà nước có quyền quy định giá cụ thể, tối đa, khung giá; thực hiện đấu thầu, đấu giá, đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất theo giá Nhà nước quy định...
Để xác định giá cao, thấp, độc quyền, hoạt động thẩm định giá rất quan trọng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, cho rằng dự luật giá có điều chưa ổn khi cho phép thẩm định giá của Nhà nước sẽ khiến nảy sinh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, xin cho.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận