26/02/2011 08:02 GMT+7

Đầu tư "cuốn chiếu"

TRẦN VŨ NGHI - BẠCH HOÀN
TRẦN VŨ NGHI - BẠCH HOÀN

TT - Vật lộn với lãi suất vay vốn quá cao, xoay xở bằng những đồng vốn eo hẹp, các doanh nghiệp buộc phải chọn hình thức đầu tư, kinh doanh theo kiểu “cuốn chiếu”, không đầu tư dàn trải và chỉ tập trung thị trường trọng điểm.

D2S7tV25.jpgPhóng to
Lãi suất cao khiến nhiều doanh nghiệp phải tính toán lại cơ cấu đầu tư. Trong ảnh: dệt vải tại Công ty cổ phần dệt may Thái Tuấn (Q.12, TP.HCM) - Ảnh: M.Đức

Cả doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa và các nhà xuất khẩu đều đang phải vận dụng mọi biện pháp để đối phó với những khó khăn được các doanh nghiệp dự báo sẽ nặng nề hơn năm 2008.

Không đầu tư dàn trải

Ông Thái Tuấn Chí, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần dệt may Thái Tuấn, cho biết để đối phó với mặt bằng lãi suất vay vốn quá cao, công ty buộc phải chọn giải pháp tạm ngừng xây dựng dự án mới có quy mô 130 tỉ đồng. Theo ông Chí, tình hình hiện nay không thích hợp để triển khai. Thay vào đó, Công ty Thái Tuấn chọn đầu tư vào chiều sâu cho các hạng mục công nghệ, thiết bị nhằm tạo ra các sản phẩm khác biệt. “Mức đầu tư này khoảng 50 tỉ đồng, nhưng trước mắt sẽ tạo ra được các sản phẩm cần thiết phục vụ nhu cầu thị trường. Những dự án theo chiều rộng, quy mô lớn sẽ được tính toán kỹ hơn bởi mức độ rủi ro ngày càng khó tính toán hơn trước” - ông Chí chia sẻ.

Cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư trong năm nay, nhưng ông Bùi Như Việt, giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt (Bình Dương), cho biết ngay từ đầu năm công ty đã quyết định tạm ngưng dự án xây dựng thêm một nhà máy MDF (ván gỗ ép) để dồn toàn lực cho nhà máy MDF tại Đắk Nông, mặc dù ngành MDF có nhiều tiềm năng và khả năng “thắng” rất cao. Theo ông Việt, nhu cầu sử dụng ván MDF trong sản xuất đồ mộc, trang trí nội thất, xây dựng... tại thị trường nội địa hiện đang rất lớn. Nhưng hiện lãi suất vay vốn quá cao, thiết bị, máy móc để sản xuất mặt hàng này đều phải nhập khẩu và bị tác động mạnh bởi tỉ giá USD/VND nên công ty phải xem xét lại.

Ông Đinh Anh Huân, tổng giám đốc Công ty cổ phần thegioidientu.com, cho biết năm 2011 có kế hoạch đầu tư 12 triệu USD để mở 140 điểm bán hàng cho hệ thống thegioididong.com, chín trung tâm kinh doanh hàng điện tử - điện máy gia dụng của hệ thống thegioidientu.com. Tiến độ dự án vẫn chạy nhưng công ty sẽ không thể làm tổng lực như mục tiêu ban đầu đặt ra, mà phải làm cuốn chiếu từng hạng mục, từng trung tâm một. Tuy nhiên, dù làm cuốn chiếu, từng hạng mục đầu tư nhưng các doanh nghiệp cũng chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án. Bởi theo ông Huân, nhiều cơ hội không chờ đợi mình. Vì thế càng kéo dài hoặc chậm trễ, cơ hội sẽ qua đi và lúc đó chi phí đầu tư sẽ càng cao hơn so với dự toán ban đầu.

Tập trung thị trường trọng điểm

Đã ấp ủ dự định mở rộng xuất khẩu, thâm nhập các thị trường có nhiều tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc, Philippines trong năm 2011 nhưng ông Dương Quốc Thái, tổng giám đốc Công ty cổ phần Bao bì nhựa Sài Gòn, cho biết hiện tiêu thụ nội địa của công ty chiếm 70% tổng lượng sản xuất. Năm nay, công ty dự kiến tăng lượng tiêu thụ xuất khẩu lên 40% tổng sản lượng. Trước mắt sẽ tập trung tối đa cho thị trường Philippines. Đây là thị trường không được đầu tư mạnh về vốn và công nghệ trong lĩnh vực bao bì, nhiều tiềm năng để xuất khẩu. Khi tiếp cận một thị trường mới, chắc chắn sẽ có không ít khoản chi phí nảy sinh như thăm dò thị trường, xúc tiến thương mại, quảng cáo tìm đối tác...

Tương tự, ông Trần Văn Dương, giám đốc Công ty An Thái Dương (TP.HCM), cho biết hiện chỉ tập trung xuất khẩu hai mặt hàng là gạo và cà phê. Đây là hai mặt hàng công ty có thế mạnh về nguồn hàng và đối tác. Theo ông Dương, các ngân hàng đang dè dặt trong việc cho vay, hơn nữa lãi suất lại quá cao. Lợi nhuận trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản không dễ bù đắp lãi suất ngân hàng. Do đó, thay vì làm cả hồ tiêu, cao su sang thị trường Trung Quốc như năm 2010, công ty buộc phải tạm ngưng trong giai đoạn khó khăn này để tập trung vào các thị trường trọng điểm của mặt hàng gạo và cà phê. Ông Dương hi vọng sẽ có gói hỗ trợ cụ thể về lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nhiều mặt hàng nông sản đang được giá nhưng nếu kéo dài tình trạng này dẫn đến eo hẹp vốn liếng làm ăn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sẽ để tuột mất cơ hội.

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng trong ngành nông sản, đa số vốn sử dụng trong thu mua nông sản của các doanh nghiệp đều là vốn vay ngân hàng. Nay phải chịu mức lãi suất quá cao, dù ngân hàng có “mở rộng cửa” cho vay, doanh nghiệp cũng phải dè dặt.

TRẦN VŨ NGHI - BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên