20/11/2010 07:30 GMT+7

Vinashin cần 2 năm để phục hồi

V.V.THÀNH - C.V.KÌNH ghi
V.V.THÀNH - C.V.KÌNH ghi

TT - Ngày 19-11, một ngày sau khi Thủ tướng ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin), Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin nhiều vấn đề về tình hình sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này.

bk6JkdHT.jpgPhóng to
Chủ tịch HĐQT Vinashin Nguyễn Ngọc Sự (trái) và Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng tại buổi họp báo - Ảnh: Việt Dũng

Đã vay thì phải trả

* Tuổi Trẻ: Nợ hiện tại là 76.000 tỉ đồng (các số liệu được làm tròn), dự kiến sau tái cơ cấu Vinashin vẫn nợ hơn 53.000 tỉ đồng, trong đó nợ có yếu tố nước ngoài là bao nhiêu? Liệu Vinashin có phải vay lại khoản nào từ Chính phủ để trả số nợ có yếu tố nước ngoài đó không?

- Chủ tịch HĐQT Vinashin Nguyễn Ngọc Sự: Sau khi chúng tôi bàn giao một số đơn vị cho bên dầu khí và hàng hải thì tổng số nợ chúng tôi giảm xuống. Theo lộ trình nợ sẽ giảm từ hơn 83.000 tỉ đồng xuống hơn 63.000 tỉ đồng. Chúng tôi sẽ sắp xếp 216 doanh nghiệp nữa, giá các dự án của các doanh nghiệp này như đất đai, khu công nghiệp... là hơn 23.000 tỉ đồng, trong đó nhiều dự án hiện rất có tiềm năng. Nếu thị trường tốt thì tôi nghĩ rằng Vinashin sẽ bán được các dự án này ít nhất bằng giá đầu tư ban đầu.

Cứ cho rằng chỉ bán được bằng giá đầu tư thì chúng tôi sẽ thu được 23.000 tỉ đồng, như vậy tổng số nợ xuống còn hơn 40 .000 tỉ đồng. Để trả nợ 40.000 tỉ đồng này, chúng tôi sẽ vẫn đóng tàu, lãi có thể chưa có nhưng khấu hao là có, ít nhất có nguồn khấu hao để trả nợ. Sang năm 2011 chúng tôi sẽ đóng nhiều hơn, nếu làm đúng tiến độ thì có lãi. Bên cạnh đó, trong số các doanh nghiệp tập đoàn giữ lại có nhiều công ty TNHH một thành viên 100% vốn của tập đoàn, trong năm tới chúng tôi sẽ cổ phần hóa để thu tiền về trả nợ. Chúng tôi hoàn toàn nhìn thấy nguồn để trả nợ.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn:

Không để có Vinashin thứ hai

Trong khi chờ sửa đổi các quy định hiện hành, Thủ tướng đã chỉ thị các tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện mấy việc, đơn cử như: vay vốn nước ngoài phải đúng quy định pháp luật và phải có ý kiến đồng ý của các bộ quản lý ngành, sự thẩm định phê duyệt của Bộ Tài chính... Chúng ta không quay lại cơ chế ngày xưa. Tập đoàn, tổng công ty tự chủ sản xuất kinh doanh nhưng phải được giám sát, quản lý chặt chẽ. Không để xảy ra tình trạng có Vinashin thứ hai.

* Sài Gòn Tiếp Thị: Một số chủ nợ của Vinashin cho biết đã gửi thư đề nghị giải đáp việc trả nợ nhưng không thấy trả lời. Vinashin sắp có khoản nợ khoảng 60 triệu USD phải trả, liệu tập đoàn có trả được? Báo cáo của Hãng kiểm toán KPMG nói nợ của Vinashin là 96.000 tỉ đồng có đúng?

- Ông Nguyễn Ngọc Sự: Đấy là con số chưa chính xác. Con số nợ chính xác, trước khi trình Chính phủ, chúng tôi đã mời KPMG tham gia. Kết quả tổng nợ khoảng 86.000 tỉ đồng là chính xác.

Còn khoản nợ sắp đáo hạn không phải là khoản nợ của một ngân hàng mà là của một tổ hợp các nhà cho vay. Chúng tôi xác nhận ngày 20-12 tới Vinashin sẽ đến hạn phải trả một khoản nợ. Chúng tôi đã gặp gỡ đầu mối của khoản nợ, trao đổi và xin hoãn nợ một năm, sang tháng 12-2011 bắt đầu trả. Đầu mối trên đã đồng ý về nguyên tắc nhưng họ yêu cầu tập đoàn có thư để trao đổi với các chủ nợ khác. Nên việc nói không trả lời là chưa chính xác. Vinashin đã vay thì phải trả, không ai trả nợ thay được Vinashin.

Đề nghị cấp thêm gần 5.000 tỉ đồng

* Tuổi Trẻ: Lãnh đạo Vinashin vừa cho rằng Chính phủ nên cấp thêm vốn cho Vinashin bằng mức vốn đăng lý là khoảng 14.000 tỉ đồng. Vậy Vinashin muốn xin thêm khoảng 5.000 tỉ ngay trong năm 2011?

- Ông Nguyễn Ngọc Sự: Đến nay số vốn chủ sở hữu thực của Vinashin mới hơn 9.000 tỉ đồng, trong khi đăng ký kinh doanh là trên 14.000 tỉ đồng. Nếu để một tập đoàn lớn hoạt động thì con số đó rất nhỏ. Vì vậy, chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ cấp thêm vốn, ít nhất bằng mức 14.000 tỉ đồng như giấy phép kinh doanh. Thời điểm nào thì chúng tôi sẽ đề nghị sớm.

* Tuổi Trẻ: Theo báo cáo của Vinashin, sau khi chuyển giao tài sản cho Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và Vinalines, tổng tài sản và tổng nợ Vinashin đều giảm cỡ 10.000 tỉ đồng. Chẳng lẽ toàn bộ các dự án bàn giao, cộng tàu Hoa Sen chỉ đáng 10.000 tỉ đồng?

- Ông Nguyễn Ngọc Sự: Theo quyết định của Thủ tướng, Vinashin bàn giao nguyên trạng các tài sản. Giá trị bàn giao là theo giá sổ sách. PVN và Vinalines đã tiếp nhận và đưa vào khai thác các tài sản này.

* Tuổi Trẻ: Xin cho biết tình trạng hiện nay và giá trị của hai con tàu Bạch Đằng Giang và Hoa Sen?

- Ông Ngô Tùng Lâm (phó tổng giám đốc Vinashin): Về tàu Bạch Đằng Giang, ở đây chúng tôi không bàn phương án kinh doanh của Công ty Nam Triệu là đúng hay sai về mặt pháp luật. Còn về giá trị, phần vật tư trang thiết bị của tàu hiện chúng tôi đang bảo quản trong kho của Nam Triệu với tổng giá trị khoảng 109 tỉ đồng và giá trị đã thu hồi được là hơn 66 tỉ đồng.

- Ông Dương Chí Dũng (chủ tịch HĐQT Vinalines): Tàu Hoa Sen là một trong 26 tàu chúng tôi tiếp nhận từ Vinashin, trong mấy tháng qua với kinh nghiệm, chuyên môn và khả năng tài chính của Vinalines, chúng tôi đã đưa vào hoạt động 23 tàu. Tàu Hoa Sen thì chúng tôi nỗ lực đàm phán với ba khách hàng nước ngoài cùng muốn khai thác, đến giờ chúng tôi đã chọn một khách hàng có kinh nghiệm và tháng 12 sẽ bàn giao. Năm 2010, tổng doanh thu từ đội tàu Vinashin chuyển sang đạt trên 1.400 tỉ đồng.

Đang kiểm điểm trách nhiệm

* Tuổi Trẻ: Theo nghị quyết của Chính phủ, về vụ Vinashin, các thành viên Chính phủ có liên quan có trách nhiệm chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ và đề xuất việc xử lý trách nhiệm trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14, khóa X. Bộ GTVT đã tiến hành công việc này như thế nào?

- Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Hiện nay Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục công việc thanh tra tại Vinashin để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan. Ủy ban Kiểm tra trung ương đang chỉ đạo các cá nhân, tổ chức liên quan thực hiện kiểm điểm trách nhiệm của mình. Đối với Bộ GTVT, Ban cán sự Đảng và lãnh đạo bộ cũng đang thực hiện tự kiểm điểm và kiểm điểm trước Ủy ban Kiểm tra trung ương.

* Tiền Phong: Sau tái cơ cấu, Bộ GTVT sẽ có vai trò gì với Vinashin? Vinashin trước đã “qua mặt” bộ, sắp tới có giải pháp gì để giám sát?

- Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Chính phủ đã chỉ đạo xem xét điều chỉnh các quy định, đặt mục tiêu là thực hiện cho được quyền chủ động của doanh nghiệp nhưng có tăng cường hơn trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm giám sát. Trong giao nhiệm vụ, Chính phủ đã nêu nhiệm vụ rõ hơn cho Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan. Nếu như trước chỉ cho ý kiến thì nay các vấn đề như quy hoạch, mục tiêu phát triển, công tác tổ chức cán bộ... Bộ GTVT sẽ được chủ trì thẩm định và trình Chính phủ. Việc giao như vậy sẽ tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước và tăng trách nhiệm. Vinashin cần hai năm phục hồi, hai năm củng cố, sau đó mới phát triển.

Tình hình tài chính của Vinashin

* Đến 30-6-2010:

- Tập đoàn có 289 công ty.- Tổng tài sản: 104.649 tỉ đồng.- Tổng nợ phải trả: 86.565 tỉ đồng.- Vốn chủ sở hữu: 8.034 tỉ đồng.

* Sau tái cấu trúc đợt 1 (đến 30-8-2010):

- Tập đoàn còn lại 259 công ty.- Tổng tài sản: 95.672 tỉ đồng.- Tổng nợ phải trả: 76.241 tỉ đồng.- Vốn chủ sở hữu: 9.615 tỉ đồng (trong đó tính cả phần cấp bổ sung tháng 10-2010 là 2.500 tỉ đồng).

* Sau tái cấu trúc tổng thể (bước 2):

- Tổng số doanh nghiệp còn lại là 43 công ty.- Tổng tài sản: 68.234 tỉ đồng.- Tổng nợ phải trả: 53.054 tỉ đồng.- Vốn chủ sở hữu thực có: 9.615 tỉ đồng (theo đăng ký kinh doanh hiện tại là 14.655 tỉ đồng).

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Ngọc Sự, chủ tịch HĐQT Vinashin, cho biết tổng giá trị sản lượng mười tháng đầu năm của Vinashin đạt 12.395 tỉ đồng (bằng 38% kế hoạch năm 2010). Hiện nay số hợp đồng còn hiệu lực là 130 tàu với tổng giá trị gần bằng 2,1 tỉ USD, trong đó xuất khẩu là 57 tàu với tổng giá trị trên 1,272 tỉ USD và trong nước là 73 tàu với tổng giá trị gần 827 triệu USD.

Tính cả năm 2010, các đơn vị trong toàn tập đoàn sẽ bàn giao được ít nhất 57 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 573,29 triệu USD. Dự kiến năm 2011, Vinashin sẽ bàn giao được 75 tàu với tổng doanh thu từ đóng tàu là 15.616 tỉ đồng.

Đối với các tàu bị hủy mà vẫn tiếp tục phải thi công, các tàu do Vinashin làm chủ đầu tư, tập đoàn đang triển khai thi công và làm việc với Tổng công ty Hàng hải VN để bán, điều chuyển cho các chủ tàu thuộc Vinalines. Dự kiến trong năm 2011 Vinashin sẽ hoàn thành và bàn giao cho Vinalines 11/20 tàu mà Vinalines nhận, trong đó có bốn tàu đã hoàn thành và bàn giao trong năm 2010. Tập đoàn tiếp tục tìm kiếm chủ tàu cho các hợp đồng bị hủy để bán lại. Ngoài ra, tập đoàn và một số đơn vị vẫn tiếp tục tìm kiếm các hợp đồng mới cho một số nhà máy còn chưa có đủ đơn hàng cho năm 2011.

Ngoài 43 doanh nghiệp được giữ lại theo mô hình Vinashin mới, dự kiến sắp xếp giảm 216 doanh nghiệp. Lộ trình được thực hiện từ tháng 11-2010 và dự kiến kết thúc vào năm 2013.

Tổng số lao động hiện có của Vinashin đến 30-9-2010 là 42.200 người, trong đó số có việc làm là 35.800 người, số thiếu việc làm là 6.400 người. Hiện nay trong tập đoàn có 38 đơn vị (6.320 người) đã trả lương cho người lao động đến hết tháng 9-2010. Mức lương bình quân đạt 2,83 triệu đồng/người/tháng. Số đơn vị còn nợ lương đến hết tháng 9-2010 là 174 đơn vị (34.970 người), với số tiền nợ lương là 102,6 tỉ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định đã được Chính phủ đồng ý hỗ trợ, cho vay từ quỹ hỗ trợ của Bộ LĐ-TB&XH để giải quyết hết nợ lương công nhân ngay trong năm 2010.

Tin bài liên quan:

Chưa cần thiết thành lập ủy ban lâm thời điều tra vụ VinashinĐừng vì Vinashin mà làm rắc rối tình hìnhĐại biểu Nguyễn Minh Thuyết: “Vinashin thực sự đã sụp đổ”Kết luận của Bộ Chính trị về VinashinVinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồng

V.V.THÀNH - C.V.KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên