10/11/2010 08:18 GMT+7

Nhập vàng, bơm USD

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Giá vàng đã giảm gần 2 triệu đồng/lượng, USD dịu lại khi trưa 9-11 Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng và bơm ngoại tệ để ngân hàng bán lại cho doanh nghiệp. Trong khi đó, UBND TP.HCM đã họp bàn biện pháp tăng lượng hàng cho thị trường để ổn định giá cả.

* TP.HCM: mạnh tay với mua gom, đầu cơ

xDtU1sop.jpgPhóng to
Tại một điểm mua bán vàng ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) trong ngày 9-11 - Ảnh: Thuận THẮNG

Sáng 9-11, giá vàng đã bất ngờ vọt lên có nơi đạt 38,5 triệu đồng/lượng, nhưng đầu giờ trưa khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu công bố cho phép nhập vàng, giá đã hạ nhiệt. Đến chiều cùng ngày còn 37,3 triệu đồng/lượng.

Tương tự, giá USD thị trường tự do từ 21.500 đồng còn 20.950 đồng/USD.

Sáng nóng, trưa nguội

Trong vòng một giờ kể từ khi mở cửa, giá vàng bán ra sáng 9-11 đã tăng thêm 650.000 đồng/lượng. Đến 10g, giá vàng tăng lên đến 38 triệu đồng/lượng nhưng tại thị trường tự do giá vàng bán ra đã cán đích 38,5 triệu đồng/lượng. Người dân mua đông, số lượng 1-2 chỉ, nhiều nhất là 1-2 lượng. Giá USD tự do cũng liên tục tăng tốc, mở cửa ở 20.950 đồng/USD, mua vào 20.750 đồng/USD nhưng sau đó tăng 21.150 đồng/USD, cao nhất lên đến 21.500 đồng/USD.

Từ 10g10, thông tin Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng khiến giá vàng rớt nhanh. Từ đỉnh 38 triệu đồng/lượng, 35 phút sau giá vàng còn 37,8 triệu đồng/lượng. 11g33 giá vàng bán ra tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ còn 37 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường tự do giá vàng giảm rất chậm. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ thời điểm 11g30, nhiều tiệm vàng vẫn chưa giảm giá bán. Trong khi đó giá mua lại giảm nhanh, do vậy chênh lệch giá mua - bán lên đến hơn 1 triệu đồng/lượng, mua vào 36,5 triệu đồng/lượng nhưng bán ra vẫn 38,5 triệu đồng/lượng. Lúc này người mua đã giảm hẳn. Giá USD tự do cũng giảm nhiệt còn 20.950 đồng/USD.

Đến cuối ngày giá vàng bán ra chốt ở 36,7 triệu đồng/lượng, mua vào 36,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới chốt ở 1.414 USD/ounce. Tính quy đổi sau khi cộng các khoản thuế và phí vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới gần 1 triệu đồng/lượng, do vậy các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều đăng ký nhập vàng.

Tn5BJErj.jpgPhóng to
Chiều 9-11, giá vàng đã giảm lại Ảnh: thuận thắng

Bắt đầu bơm USD

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu không công bố cụ thể số lượng vàng cấp phép nhập khẩu đợt này cũng như số lượng các doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, ông Giàu cho biết sẽ cho phép kéo dài thời gian nhập vàng trong vòng hai tuần nhằm hạ nhiệt giá vàng trong nước. Theo tin từ các doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng, chiều 9-11 Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép nhập vàng chính thức cho các ngân hàng và doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho biết dự kiến hôm nay (10-11) vàng về các kho ngoại quan và đưa ra thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, trong chiều 9-11 Ngân hàng Nhà nước cũng đã hỗ trợ ngoại tệ cho những ngân hàng có đơn đăng ký mua nhằm hạ nhiệt giá USD tại thị trường tự do. Ngân hàng Nhà nước cho biết căn cứ vào danh mục những hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu và danh mục những hàng hóa trong nước có thể tự sản xuất được của Bộ Công thương để xem xét bán ngoại tệ. Trường hợp ngân hàng đăng ký mua ngoại tệ để bán cho những doanh nghiệp nhập khẩu hàng nằm trong danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu của Bộ Công thương hoặc những mặt hàng trong nước có thể sản xuất được thì Ngân hàng Nhà nước sẽ không duyệt bán ngoại tệ.

Vẫn theo ông Giàu, trong những ngày gần đây giá vàng thế giới liên tục tăng cao, đến sáng 9-11 tăng lên đến 1.410 USD/ounce. Giá vàng trong nước tăng cao bất thường chủ yếu do đầu cơ từ đó tác động đến tâm lý người dân. Thực tế nhu cầu mua vàng cất giữ không cao. Sau quyết định can thiệp thị trường vàng, ông Giàu cho rằng giá vàng trong nước sẽ còn giảm mạnh. Từ đó doanh nghiệp vàng và các ngân hàng cũng sẽ cân nhắc hơn, thậm chí không nhập khẩu nếu chênh lệch giá không có lợi. Đây là lần thứ ba trong năm Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch nhập khẩu cho doanh nghiệp. Lần gần nhất là ngày 7-10, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép nhập khoảng 3 tấn vàng.

Đừng để mất cơ hội

Trước diễn biến giá vàng, giá USD tăng mạnh hôm qua, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng việc bơm ngoại tệ cần được tiến hành ngay:

- Theo tôi, quan điểm của Chính phủ là thống nhất và quyết định bơm dự trữ ngoại tệ để bình ổn thị trường ngoại hối là đúng, không có gì phải bàn. Quyết định đã khiến giá USD giảm ngay, nhưng do các biện pháp của chúng ta thực hiện chậm, nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu lâu nên đã khiến thị trường phản ứng trở lại.

Tôi cho rằng mất cân đối cung cầu USD ở VN không quá lớn nhưng chính sách thực hiện chưa nhất quán, nhanh nhạy đã khiến xảy ra tình trạng hiện nay. Cùng đưa ra một gói chính sách gồm bơm ngoại tệ, giữ tỉ giá, cho tăng lãi suất tại một thời điểm, nhưng việc tăng lãi suất lại được làm nhanh nhất. Điều này khiến tăng chi phí doanh nghiệp, kỳ vọng lạm phát cao hơn. Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng, USD chưa được bơm ra đã khiến tác dụng phụ xấu phát ra trước.

Chúng ta đã áp dụng nhiều giải pháp để giải quyết ba vấn đề: giá vàng, USD, lãi suất nhưng hiệu quả không cao. Trước đây, việc áp dụng lãi suất thấp, kêu gọi giảm lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, thực chất là thúc đẩy tăng trưởng, đã không giúp VND mạnh lên. Điều hành trái chiều nên có những tác động ngược chiều nhau. Ngay việc công bố thông tin bơm ngoại tệ, ta không công bố bơm bao nhiêu, nhưng lại công bố lượng dự trữ chỉ 6-7 tuần nhập khẩu thì người ta có thể tính ra ngay số lượng dự trữ.

* Để giải quyết những băn khoăn, mất cân đối hiện nay, theo ông, biện pháp cần làm ngay là gì?

- Theo tôi, bằng mọi cách cần bơm ngay ngoại tệ dự trữ ra. Ngân hàng Nhà nước đã họp với các ngân hàng bàn về các vấn đề lãi suất, tỉ giá nhưng việc tìm hiểu nhu cầu ngoại tệ của từng ngân hàng dù cần thiết song làm chậm quá. Thị trường cần đáp ứng thì phải đáp ứng đúng lúc, nếu không sẽ mất cơ hội. Đặc biệt, nếu để yếu tố tâm lý trở nên bất lợi thì liều lượng bơm cũng sẽ phải khác đi nhiều.

Í ới... mua hay bán?

Giá vàng tăng lên đến đỉnh 38,5 triệu đồng sáng 9-11 khiến không khí tại khá nhiều công sở, cơ quan, chợ, quán xá... trở nên “nóng” hẳn lên vì đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán rôm rả, í ới gọi nhau nhỏ to “tư vấn” về việc nên mua hay bán vàng.

Ông Lê Đức - chủ tiệm cầm đồ Đức Dũng, đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.HCM, người có kinh nghiệm nhiều năm về “lướt sóng” vàng - than thở từ tờ mờ sáng ông đã nhận gần 30 cú điện thoại của bạn bè, người quen gọi đến nhờ tư vấn về giá vàng. “Cuộc gọi nào cũng na ná nhau, rằng bây giờ vàng lên cao quá mà gần đây cứ liên tục tăng, như vậy có nên gom tiền mua hay không? Ngược lại, cũng khá nhiều người muốn nhân lúc vàng lên bán để gom một mớ nhưng lại sợ bị hố... Tôi nghe điện thoại mà ù cả tai, không biết nên tư vấn kiểu nào vì bản thân mình cũng rối với giá vàng nhảy múa liên tục như hiện nay”.

Không khí tại khối văn phòng của Công ty thương mại dịch vụ HM, đường Trường Chinh, Q.Tân Phú, cũng “nóng” từ đầu giờ sáng 9-11. Cánh phụ nữ túm tụm bàn về... giá cả, còn cánh đàn ông trở nên sôi nổi hơn vì vàng tăng giá. “Vợ chồng tôi dành dụm được gần 100 triệu đồng, đang lưỡng lự gửi ngân hàng hay mua vàng. Thấy vàng tăng giá quá mức nên rất muốn mua vàng nhưng lại sợ không biết sau này có tụt xuống hay không” - chị Hồ Thị Ngọc Hà, nhân viên văn phòng công ty này, kể.

Mua hay không mua? Câu hỏi này trở nên “nóng” hơn bao giờ hết với các bà nội trợ, chị em tiểu thương khi bàn luận về giá vàng trong sáng 9-11. Chủ đề chính của nhiều bà nội trợ tại chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh cũng xoay quanh giá vàng. “Cả nhà tui mới họp sáng nay, cãi nhau xem có nên mua vàng hay không. May quá, ông xã tui quyết định không mua vàng, đến trưa giá vàng đã tụt thê thảm” - chị Trần Thị Ngọc Giàu, chủ cửa hàng may thời trang Hà trên đường Bạch Đằng, thổ lộ với các tiểu thương chợ Bà Chiểu.

Mạnh tay với hiện tượng mua gom, đầu cơ

* Hà Nội: sẽ kiểm tra các điểm bình ổn giá

Ngày 9-11, UBND TP.HCM đã họp triển khai công tác bình ổn giá trên địa bàn TP.HCM từ nay đến Tết Tân Mão 2011, trọng tâm là công tác tăng nguồn cung ứng hàng hóa trên thị trường và thắt chặt kiểm tra, kiểm soát giá.

Về hiện tượng đổ xô mua đường trong vài ngày qua, bà Lê Ngọc Đào - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - khẳng định không có chuyện khan hiếm đường. Hiện nay nguồn đường bình ổn vẫn dồi dào nhưng do chênh lệch giữa giá bình ổn và giá thị trường đang khá cao từ 2.000-3.000 đồng/kg nên có hiện tượng mua gom tại các điểm bán bình ổn. Để ngăn chặn một số tiểu thương vào siêu thị thu gom đường, nhiều siêu thị buộc phải hạn chế lượng hàng bán ra đối với mỗi khách hàng không quá 2kg.

Đại diện Saigon Co.op cho biết hiện nay nguồn đường bình ổn vẫn dồi dào với giá bán ổn định 18.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày Co.op Mart bán ra thị trường khoảng 25 tấn đường. Ngoài lượng hàng này, trong kho của hệ thống luôn dự trự sẵn 2.000 tấn đường bình ổn sẵn sàng bung ra khi nhu cầu tăng cao.

Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN (VCSA), cho biết giá bán lẻ đường trong nước tăng thời gian qua là do giá mía nguyên liệu và giá đường thế giới tăng cao chứ không phải do khan hiếm đường. Theo VCSA, vụ mía đường năm 2010-2011 được mùa mía nên tổng sản lượng đường mà các nhà máy sản xuất ra trong vụ này đạt khoảng 1,2 triệu tấn. Như vậy, với nhu cầu của cả nước vào khoảng 1,4 triệu tấn thì vụ này VN chỉ thiếu khoảng 200.000 tấn đường. Lượng thiếu hụt này sẽ được bổ sung bằng nguồn nhập khẩu và lượng đường từ Thái Lan chuyển qua biên giới.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng, số lượng hàng hóa bán ra thị trường theo giá cam kết. Sở Công thương cập nhật thường xuyên nguồn hàng cung cấp cho thành phố tại các tỉnh lân cận, không để xảy ra hiện tượng gom hàng, tăng giá vô lý.

Các đoàn thanh tra giá tăng cường kiểm tra giá cả, nhất là các hàng hóa, dịch vụ phục vụ tết. Sở Công thương phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với bảo vệ các siêu thị “điểm mặt” những người vào siêu thị mua gom, tăng cường kiểm tra giá, các điểm tăng giá ảo. Đồng thời sẽ mạnh tay xử lý các hiện tượng mua gom, đầu cơ.

* Chín nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của Sở Công thương Hà Nội gồm gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản đông lạnh, dầu ăn, đường, rau củ đã có mặt đầy đủ chủng loại trên các sạp hàng của 388 điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn thủ đô.

Trao đổi với Uông Nguyễn Văn Đồng - phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội - cho biết hiện tại do có sự biến động về giá, đặc biệt là đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm nên ngành công thương đã giao cho lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra thị trường chung, trong đó chú trọng kiểm tra các điểm bán hàng bình ổn giá. Đợt kiểm tra toàn diện này bắt đầu từ ngày 15-11, chủ yếu kiểm tra về nguồn hàng, chính sách giá.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên