06/09/2010 06:27 GMT+7

Hàng Việt "made in China"

NHƯ BÌNH - L.N.MINH
NHƯ BÌNH - L.N.MINH

TT - Không chỉ hàng điện tử, điện gia dụng, nay có thêm giày dép, quần áo, mỹ phẩm, văn phòng phẩm được nhiều doanh nghiệp Việt Nam (VN) gia công tại Trung Quốc (TQ). Có doanh nghiệp mập mờ, cũng có doanh nghiệp công khai nguồn gốc “made in China”.Nhiều người tiêu dùng không ngờ sản phẩm mình mua là của TQ.

Q62XeSz5.jpgPhóng to
Nhiều sản phẩm may mặc của cơ sở trong nước lại có xuất xứ từ Trung Quốc - Ảnh: N.B.

Hàng Việt hay TQ?

Theo các doanh nghiệp, cần có định nghĩa rõ ràng về hàng Việt của doanh nghiệp Việt để phân biệt sản phẩm của công ty liên doanh, sản phẩm của công ty đa quốc gia hay hàng gia công tại Trung Quốc để có sự hỗ trợ, ưu tiên đúng mức.

Trước rừng hàng hóa trong siêu thị, người tiêu dùng ngày nay thật khó biết đâu là sản phẩm nhập khẩu, đâu là hàng sản xuất trong nước thật sự.

Các sản phẩm điện gia dụng hay đồ dùng trong nhà tắm... mang nhãn mác thoạt nghe rất... Mỹ, Âu hay Nhật, nhưng tìm hiểu ra đều là những thương hiệu do doanh nghiệp trong nước sáng tạo, còn hàng hóa sản xuất tại TQ sau đó nhập về VN.

Tại gian hàng điện gia dụng trong siêu thị Big C, người tiêu dùng sẽ được giới thiệu bàn ủi, nồi cơm điện hiệu Blacker là “hàng Đức” được sản xuất ở TQ. Thực tế đây là nhãn hàng được một doanh nghiệp trong nước xây dựng, sản phẩm được đặt gia công ở TQ.

Blue Stone cũng là nhãn hiệu điện gia dụng mới thâm nhập thị trường VN gần đây. Nhân viên bán hàng siêu thị Best Carings Cần Thơ giới thiệu đây là “hàng Mỹ được gia công ở TQ do doanh nghiệp trong nước nhập về bán”. Với màu sắc đỏ và xanh da trời gần với lá cờ Mỹ, không ít người tiêu dùng tin ngay lời quảng cáo. Thật sự đây là nhãn hiệu do một doanh nghiệp tại TP.HCM xây dựng và nguồn gốc hàng hóa cũng không đâu khác ngoài TQ.

Ngày càng nhiều sản phẩm như vậy xuất hiện ở thị trường VN. Nếu khách hàng tìm đọc những tờ hướng dẫn sử dụng sản phẩm thì đôi khi có dòng chữ “made in China” (sản xuất ở TQ) hoặc “designed by Italy” (thiết kế Ý)... và sẽ rất mơ hồ về xuất xứ hàng hóa khi truy hỏi người bán hàng.

Mô hình kinh doanh “hàng Việt made in China” ngày càng đa dạng. Trong các siêu thị bắt đầu xuất hiện hàng may mặc, giày dép nhãn tiếng Việt, nhưng đều có xuất xứ TQ như giày dép Hồng Phát, giày dép Phương Quân, thời trang Dung...

Đặc biệt các dòng thời trang tuổi trung niên, hàng thun nữ cao cấp, quần lửng nam đều có xuất xứ TQ, Thái Lan nhưng gắn mác thương hiệu trong nước.

“Mọi con đường đều từ TQ”

Tìm gặp một nhà sản xuất, chúng tôi được yêu cầu không nêu tên. “Những gì chúng tôi làm cũng không khác các thương hiệu lớn như Sony, Sanyo hay Toshiba làm. Họ cũng gia công ở TQ cả. Thời hội nhập toàn cầu, đề cập đến nguồn gốc xuất xứ có khi là lỗi thời”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này nói.

Sức ép cạnh tranh buộc các doanh nghiệp VN phải làm mọi cách để giảm giá thành và muốn như thế, theo nhiều doanh nghiệp, không cách nào khác hơn là... phải qua TQ. Chưa bao giờ chúng tôi thấy sức ép từ nơi được mệnh danh là “công xưởng thế giới” này mạnh như bây giờ”, chủ một doanh nghiệp chia sẻ.

Bà N., tiểu thương kinh doanh hàng thời trang tại chợ An Đông (Q.5), cho biết khó nhất khi đặt may cơ sở trong nước là nguyên phụ liệu. “Có những kỹ thuật may khó thợ của tôi đều làm được, nhưng lại không tìm ra loại vải hay chiếc nút, phụ liệu giống mẫu gốc. Vì vậy, một số mặt hàng được đặt gia công ở nước ngoài rồi gắn nhãn vào. Chủ yếu là quần jean, quần kaki, quần soọc”, bà N nói.

Câu chuyện phân công lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu không phải mới diễn ra. Nike từ rất lâu không tự sản xuất đôi giày nào mà chủ yếu tập trung khâu tiếp thị, quảng bá thương hiệu và nghiên cứu phát triển, còn công đoạn gia công được chuyển về các nước đang phát triển có giá nhân công rẻ.

Tuy nhiên, những thương hiệu đa quốc gia làm được như vậy phải trải qua một quá trình dài và họ công khai minh bạch quy trình sản xuất. Khi được hỏi vì sao nhân viên bán hàng lại giới thiệu không đúng về nguồn gốc hàng hóa, vì sao phải giấu tên doanh nghiệp..., lãnh đạo doanh nghiệp kể trên thừa nhận chưa đủ tự tin để nói đây là hàng VN được gia công sản xuất ở TQ.

Còn chủ doanh nghiệp khác giải thích nếu đầu tư một nhà máy sản xuất trong nước đủ quy mô để có thể cạnh tranh được với các thương hiệu lớn là không thể vì cũng phải sang TQ nhập nguyên liệu về.

“Nếu làm như vậy giá thành chắc chắn cao hơn. Chỉ cần tính toán về tỉ suất lợi nhuận là đã nản chí rồi” - chủ doanh nghiệp này nói. Ông lấy ví dụ về việc Sony, Sharp và Toshiba không sản xuất ở VN nữa để minh chứng lập luận của mình.

Các doanh nghiệp đặt hàng sản xuất ở TQ đều cam kết việc giám sát chất lượng sản xuất tại nhà máy ở TQ, nhưng những cam kết này chỉ mang tính đơn phương. Liệu VN có khuyến khích cách làm này và sẽ quản lý chất lượng thế nào cho người tiêu dùng có thể an tâm?

Trong cuộc hội thảo về tác động của các hiệp định thương mại tự do đối với kinh tế VN vừa được tổ chức, đại diện Bộ Công thương cho rằng nhập siêu từ TQ là không đáng ngại bởi chủ yếu nhập nguyên liệu.

Tuy nhiên, liệu những mặt hàng được gia công ở TQ, thực tế là hàng bán thành phẩm, nhập về VN lại được xem là nhập nguyên liệu có chuẩn xác?

NHƯ BÌNH - L.N.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên