03/05/2010 04:19 GMT+7

Sản xuất thức ăn chăn nuôi: 10 năm nữa vẫn nhập nguyên liệu

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Ước tính chỉ trong bốn tháng đầu năm 2010, VN đã chi 813 triệu USD để nhập thức ăn chăn nuôi (TACN) và nguyên liệu. Trong đó nhiều loại trong nước có thể sản xuất được như đậu tương, bắp, bột cá...

e8jnvbr8.jpgPhóng to

Phần lớn nguyên liệu TACN phải nhập khẩu khiến giá bán sản phẩm của người dân không có lãi - Ảnh: công nhân một trại gà tại Gia Kiệm (Đồng Nai) cho gà ăn Ảnh: TRẦN MẠNH

Do phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nên giá thành TACN trong nước luôn cao hơn 10-15% các nước trong khu vực.

Nhập khẩu ngày càng tăng

Thiếu chiến lược phát triển chuyên ngành

Theo ông Lê Bá Lịch, hiện chưa có một quy hoạch cụ thể nào cho ngành sản xuất nguyên liệu TACN từ phía Nhà nước. Các công ty sản xuất theo kiểu ăn đong, đến đâu mua tới đó, nếu có dự trữ cũng trong ngắn hạn và hoàn toàn trông đợi, lệ thuộc tình hình cung cấp và giá cả của nước ngoài. Không có công ty nào có vùng nguyên liệu riêng cho mình giống như mía đường, sản xuất giấy..., cũng không có những chiến lược phát triển chuyên ngành như cao su, cà phê, tiêu, điều...

Hơn 10 năm gắn bó với nghề chăn nuôi heo, anh Nguyễn Văn Trí (Biên Hòa, Đồng Nai) đúc kết: “Thời nuôi heo làm giàu đã qua rồi. Chưa bao giờ người chăn nuôi nhỏ lẻ lại bấp bênh do giá TACN tăng quá cao như hiện nay”.

Chỉ trong ba tháng đầu năm nay, các công ty sản xuất TACN tăng giá bốn lần, tăng 3,4-7,4%. Còn nếu tính trong sáu tháng qua, các loại TACN đã tăng ít nhất chín lần trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi như heo, gà, cá tra... hầu như không tăng. Thậm chí có thời điểm người chăn nuôi phải bán dưới giá thành.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong quý 1-2010 đạt 613 triệu USD, tăng 133,2% so với cùng kỳ năm 2009. Đây được coi là mức nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Còn theo số liệu sơ bộ của Bộ NN&PTNT, nhập khẩu TACN và nguyên liệu trong tháng 4-2010 ước đạt 200 triệu USD.

Bà Phan Hồng Liên, chuyên gia ngành hàng TACN của Công ty điều tra thị trường Agromonitor, cho biết phần lớn lượng nguyên liệu phục vụ ngành TACN của VN hiện vẫn từ nguồn nhập khẩu, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là khô đậu tương và bột cá (80-90% tổng nhu cầu), tiếp đến là bắp và các loại cám (30-35% tổng nhu cầu).

“Có thể nói nguồn cung nguyên liệu trong nước của chúng ta vừa nhỏ về số lượng vừa bất ổn về sản lượng” - bà Liên cho biết.

“Chở củi về rừng”

Năm 2009 VN đã chi trên 2,1 tỉ USD để nhập khẩu các loại TACN và nguyên liệu. Trong đó trên 1 tỉ USD để mua khô dầu đậu tương, trên 300 triệu USD mua bắp, trên 280 triệu USD mua bột cá, xương thịt..., những sản phẩm có thể sản xuất trong nước.

Theo các chuyên gia, việc một đất nước nông nghiệp có tiếng như VN hằng năm sản xuất 35 triệu tấn lúa, xuất khẩu 4,5 tỉ USD thủy sản với hàng triệu hecta trồng bắp, đậu tương... mà vẫn phải bỏ ra hàng tỉ USD nhập nguyên liệu TACN không khác gì “chở củi về rừng”.

Ông Vũ Bá Quang, một chuyên gia trong lĩnh vực TACN, cho biết trong 1kg TACN cho heo thịt đủ tiêu chuẩn bao gồm các thành phần: bắp (chiếm 56%), khô đậu nành (23%), mì viên (15%), bột cá (1%), dầu cọ (1%) và premix (5%). Nếu xét trên cơ cấu như vậy, VN có thể đáp ứng được 95% khối lượng trong một bao TACN.

Thế nhưng theo ông Lê Bá Lịch - chủ tịch Hiệp hội TACN VN, hiện mỗi năm VN phải nhập gần như 100% khô dầu đậu tương, trung bình 2-2,5 triệu tấn, với giá trị khoảng 1 tỉ USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cũng phải nhập khẩu gần 1 triệu tấn bắp, 2,5-3 triệu tấn cám gạo... mỗi năm. Nếu như năm 2008 VN chỉ nhập khẩu 129 triệu USD tiền bắp thì đến năm 2009 con số này đã tăng vọt trên hai lần, lên mức 300 triệu USD. Còn trong quý 1 năm nay mặt hàng khô dầu đậu tương nhập khẩu gần 1 triệu tấn với trị giá 395 triệu USD.

Ông Lê Bá Lịch nói có nhiều loại nguyên liệu VN chưa thể sản xuất được trong nước như các loại nguyên liệu có hàm lượng công nghệ cao: khoáng, vitamin, chất tạo màu, mùi... Còn những loại VN có thể sản xuất trong nước mà nhập khẩu ngày càng nhiều là do chúng ta thiếu hẳn một chiến lược đầu tư bài bản.

DLPTXP6w.jpgPhóng to

Mãi phải ăn đong?

Ông Lịch tính toán hiện VN có khoảng 1 triệu ha bắp với sản lượng khoảng 4 triệu tấn/năm, trong đó dùng làm thức ăn cho người và làm ethanol mất 500.000-800.000 tấn, dùng cho chăn nuôi hộ gia đình 1 triệu tấn, còn lại khoảng 2,2 triệu tấn cho sản xuất thức ăn công nghiệp, do vậy vẫn phải nhập khẩu 800.000-1 triệu tấn.

Riêng đậu tương hầu như không có vì cả nước có trên 250.000ha và sản lượng chỉ khoảng 300.000 tấn/năm. “Lượng đậu tương này không đủ để làm đậu phụ và sữa đậu nành thì lấy đâu ra chế biến TACN” - ông Lịch khẳng định.

Theo ông Hoàng Kim Giao - cục trưởng Cục Chăn nuôi, do ngành chăn nuôi của VN phát triển mạnh những năm qua nên ngành TACN công nghiệp phát triển khá “nóng” (bình quân tăng trưởng 15-17%/năm) nên nguồn nguyên liệu trong nước phát triển không kịp. Do đó đến năm 2020 ngành chăn nuôi vẫn phải phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

“Đến năm 2020, nhu cầu về TACN của nước ta khoảng 15 triệu tấn. Muốn đạt được sản lượng đó chúng ta phải nhập khẩu khoảng 50% lượng nguyên liệu để sản xuất” - ông Giao cho biết.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên