Phóng to |
Nhiều doanh nghiệp nói công việc làm ăn của họ đang “rơi tự do” vì cúp điện. Nếu cứ bị cúp điện dày, không báo trước hoặc báo quá trễ thì sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản vì mất hết khách hàng.
Toàn bộ Khu công nghiệp Thái Hòa - Đức Hòa 3 (Long An) bị cúp điện ngày 15-4. Ông Huỳnh Công Hoàng, giám đốc Công ty TNHH Phương Yến (chuyên sản xuất bao bì giấy), đi một vòng nhà xưởng còn ngổn ngang giấy mắc kẹt trong máy vì bị cúp điện đột ngột. Gần 70 công nhân ngồi chơi rồi... ăn trưa. Ông Hoàng bức xúc: “Hợp đồng đã trễ hết rồi mà cúp điện hoài!”.
Phóng to |
* Ở khu công nghiệp mà cúp điện hoài thì làm sao sản xuất?
- Vấn đề là ở chỗ đó. Tôi không hiểu, các doanh nghiệp khác cũng không hiểu luôn. Gọi hỏi Điện lực Đức Hòa thì được trả lời gọn lỏn là thiếu điện. Gọi nhiều đến mức bây giờ thấy số của tôi, anh Phong - phó chi nhánh Điện lực Đức Hòa - không nghe luôn. Tôi biết cả nước đang thiếu điện thì phải cắt tiết giảm, nhưng ngành điện cũng phải tính cắt khi nào, cắt của đối tượng nào cho hợp lý chứ đè doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ra mà cắt điện kiểu này thì giết chết chúng tôi còn gì.
* Mỗi tuần doanh nghiệp của ông bị cúp điện mấy lần?
- Chính xác là bảy ngày qua bị cúp tới bốn lần. Trong đó có một lần cúp đột xuất chỉ báo trước 15 phút bằng điện thoại, không trở tay kịp luôn. Mới ngày 13-4 bị cúp cả ngày thì ngày 15-4 cúp tiếp. Điện lực thông báo ngày 18-4 cúp nữa rồi đó. Nhưng trong mấy ngày không thông báo cũng không chắc. Nói chung là thấy có điện thì mở máy cho công nhân làm đại chứ không hề yên tâm chút nào hết, lúc nào tôi cũng sợ bị cúp điện bất ngờ.
Riết rồi hễ nghe chuông điện thoại là giật mình, một là khách hàng gọi hối thúc giao hàng, hai là điện lực gọi báo lát nữa sẽ cúp điện.
* Ông nói cúp điện làm sản xuất đình trệ, nhiều hợp đồng đã trễ hạn. Có nghiêm trọng lắm không?
- Cúp điện ban ngày thế này công nhân ngồi chơi, máy móc lạnh ngắt, hàng hóa có đâu giao cho khách hàng? Hầu như tất cả khách hàng của tôi đều đã phàn nàn chuyện trễ hợp đồng. Đến nay chúng tôi đã trễ hạn giao thùng cactông cho Công ty Formosa ở Đồng Nai với giá trị hợp đồng cả tỉ đồng. Các hợp đồng khác cũng đã trễ hết rồi, hễ nhắc tới là rầu thúi ruột.
Những đêm có điện chúng tôi tổ chức sản xuất để có hàng giao thì phần lớn công nhân không chịu làm. Công ty có hơn 70 công nhân nhưng mỗi ca đêm chỉ có chừng 10 người làm. Lương làm ngoài giờ tăng gấp đôi và có tiền ăn, tiền cà phê... nhưng họ không làm vì sợ sáng hôm sau làm không nổi. Trong khi đó làm đêm năng suất chỉ bằng 50-70% làm ban ngày nên cũng không giải quyết được bao nhiêu.
Chúng tôi mới di dời nhà máy từ TP.HCM về Long An, nhưng phải thuê công nhân từ TP.HCM vì ở đây tuyển không có lao động. Cúp điện hoài làm thu nhập của anh em công nhân giảm đáng kể, nhiều người nói sẽ bỏ việc vì thu nhập không đủ sống. Các doanh nghiệp khác ở trong khu công nghiệp này cũng vậy. Cúp điện đã làm các doanh nghiệp điêu đứng thật sự.
Mà tôi không hiểu ngành điện nghĩ gì khi “đè” các khu công nghiệp ra cúp điện, còn bên kia kênh Thầy Cai, huyện Củ Chi (TP.HCM) hiếm khi thấy cúp điện! Cúp điện thì phải công bằng, chứ sao ngành điện đăng báo nói chỉ ưu tiên điện cho Hà Nội và TP.HCM, còn các tỉnh khác bị cúp te tua như vậy?
* Có lẽ điều ông mong muốn nhất lúc này là đừng cúp điện nữa?
- Đương nhiên rồi. Tất cả doanh nghiệp đều mong như vậy. Máy móc muốn chạy phải có điện. Không có điện hoặc có điện kiểu ban phát như hiện nay thì làm ăn gì nữa. Đối với ngành điện, cúp điện là thao tác vô cùng dễ dàng. Nhưng đối với người dân và doanh nghiệp có sử dụng điện, cúp điện liên miên thế này đã trở thành bi kịch.
Trước một ca làm việc hai giờ chúng tôi phải đóng điện gia nhiệt cho máy. Có hôm máy vừa nóng thì cúp điện. Còn chuyện máy đang chạy (nhà máy hoạt động 24/24 giờ) ngon lành thì sáng sớm bị cúp điện là bình thường. Khi đó toàn bộ nhựa trên máy bị đông cứng phải bỏ khoảng 400kg/lần. Lúc có điện trở lại thì mất thêm mấy giờ dọn dẹp, vệ sinh máy, lại phải gia nhiệt. Thiết bị máy móc của công ty đều tự động hóa nên mỗi lần cúp điện đều báo lỗi phải sửa chữa, cài đặt lại tốn kém và mất nhiều thời gian. Thiệt hại do cúp điện tính bằng tiền từ đầu tháng 4 đến nay rất lớn, chưa kể khi cúp điện đột xuất phải lo cơm nước cho 500 công nhân nữa. Hơn tháng nay thu nhập của công nhân giảm do không có việc làm thường xuyên, đã có 50 công nhân (10%) bỏ việc và số này sẽ còn tăng nếu cứ cúp điện hoài. Cũng vì cúp điện mà công ty chúng tôi đã bị khách hàng Tây Ban Nha cắt giảm tới 70% sản lượng đặt mua túi xách siêu thị, Công ty Cargrill và Công ty AnCo đã cắt hợp đồng mua bao bì đựng thức ăn chăn nuôi. Khách hàng Tây Ban Nha còn ra tối hậu thư nếu ngày 18-4 không giao đủ 200.000 túi xách thì họ không nhận nữa. Nguy cơ mất khách hàng lớn này đang nằm trong tay... điện lực. Chúng tôi đã kêu đủ kiểu rồi, hết cách thật rồi... * Mua máy phát điện dự phòng
“Mỗi tháng tiêu thụ không dưới 30 triệu đồng tiền điện nhưng đến nay doanh nghiệp tôi vẫn chưa được ngành điện đưa vào danh sách thông báo trực tiếp lịch cúp điện, bằng văn bản hoặc qua điện thoại. Muốn biết lịch cúp điện doanh nghiệp chỉ còn cách phải thường xuyên theo dõi trên đài, báo”. Ông Phan Tấn Xuất, phó giám đốc Công ty cổ phần bêtông Hòa Cầm chi nhánh tại Đà Nẵng, cho biết như vậy khi đề cập việc cung ứng điện năng thời gian qua. Chưa an tâm Với hai đơn vị trực thuộc gồm Xí nghiệp bêtông Chu Lai (đóng tại Quảng Nam) và Xí nghiệp bêtông Hòa Cầm (đóng tại Đà Nẵng), vào cao điểm mùa xây dựng như hiện tại, theo ông Xuất, mỗi ngày đơn vị của ông cung ứng cho các khách hàng có lúc lên đến cả nghìn mét khối bêtông tươi. Vậy nên chỉ cần vài giờ cắt điện là doanh nghiệp “thở hết nổi” với khách hàng của mình. “Đang trộn bêtông mà bị mất điện đột ngột thì coi như toàn bộ mẻ bêtông đó vứt, thậm chí toàn bộ máy móc thiết bị phục vụ mẻ trộn đó cũng bị đông cứng. Thiệt hại là vô cùng nặng nề. Đó là chưa nói đến chuyện phải đền bù thiệt hại cho khách hàng. Vậy nên ngay từ khi lập dự án xây dựng các trạm trộn, chúng tôi đã phải đầu tư một khoản tiền khá lớn nhằm đảm bảo hệ thống lưới điện của mình luôn trong tư thế vận hành an toàn. Nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể an tâm nên buộc lòng phải mua thêm máy phát điện dự phòng” - ông Xuất nói. Theo ông Xuất, hiện cả hai xí nghiệp bêtông Chu Lai và Hòa Cầm đều có lắp máy phát điện nhưng “các máy phát điện này chỉ dùng cứu nguy trong trường hợp mất điện đột xuất do sự cố, chứ còn dùng để cứu nguy với lý do thiếu điện trên hệ thống thì quả là một gánh nặng cho doanh nghiệp vì chi phí xăng dầu quá lớn”. Mua máy phát điện để duy trì sản xuất Tại Hà Nội, các nhà hàng, khách sạn, công ty và nhiều hộ dân có hoạt động sản xuất kinh doanh đều sắm dự trữ máy phát điện nhiều kích cỡ khác nhau để tránh việc ngưng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Bùi Văn Long, nhà ở đường Đê La Thành, cho hay: “Hè năm ngoái, hàng chục hộ dân làm nghề hàn xì chúng tôi đến khổ sở, không hoàn thành tiến độ các đơn đặt hàng của khách vì điện cúp liên miên và không được báo trước. Năm nay, mỗi hộ quyết đầu tư một máy phát điện, tuy hơi đắt nhưng vẫn còn hơn ngừng sản xuất”. Tại nhiều cửa hàng ở chợ Trời, phố Huế, đường Bà Triệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Thái Hà, các loại máy phát điện cỡ nhỏ cho gia đình (đủ dùng cho đèn, quạt của 2-3 phòng và máy tính) hiện đang bán rất chạy. Phổ biến nhất là các loại máy có xuất xứ Trung Quốc và Nhật Bản. Ông Đinh Công Hoàng có cửa hàng bán máy phát điện trên đường Trường Chinh, vừa giới thiệu vừa hướng dẫn khách hàng mua loại máy phù hợp: “Phải tính xem khi mất điện, những thiết bị nào là cần thiết nhất. Có thể là đèn, tủ lạnh, máy tính, quạt, tivi... và xem công suất của các thiết bị là bao nhiêu. Nên mua máy phát có công suất từ 750W-1.000W nếu chỉ dùng quạt, đèn (máy công suất dạng nhỏ tiết kiệm xăng và tiếng ồn thấp), 1.500W-2.500W thì có thể sử dụng thêm máy tính, máy giặt, nấu cơm hoặc dùng chung với hàng xóm để tiết kiệm khoản đầu tư ban đầu. Máy có nhiều loại, công suất giống nhau nhưng chất lượng khác nhau, kể cả mức tiêu thụ xăng, độ ồn...”. Tuy nhiên, máy phát điện có nhược điểm là ồn, khói, tốn nhiên liệu và vận hành tương đối phức tạp nên nhiều người đã chọn nguồn điện dự phòng là ăcquy. Loại ăcquy có công suất 1.000W có thể dùng các thiết bị được khoảng 10 giờ, giá thành tùy thuộc vào chất lượng nhưng rẻ hơn nhiều so với máy phát điện. Giá ăcquy dao động 2-10 triệu đồng/bộ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận