06/06/2007 04:02 GMT+7

Những phát hiện gây...sốc cả thế giới

NH.B.
NH.B.

TT - Từ đầu năm 2007 đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới liên tiếp phát hiện hàng loạt sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm do Trung Quốc (TQ) sản xuất có chứa hóa chất độc hại. Hàng trăm người đã chết vì những sản phẩm này.

Nguy cơ độc hại từ hàng Trung Quốc - Kỳ 3

Những phát hiện gây...sốc cả thế giới

eqqNGbUB.jpgPhóng to

Trong một nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại Thâm Quyến. Theo truyền thông TQ, 20% đồ chơi sản xuất tại nước này gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng - Ảnh: AFP

TT - Từ đầu năm 2007 đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới liên tiếp phát hiện hàng loạt sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm do Trung Quốc (TQ) sản xuất có chứa hóa chất độc hại. Hàng trăm người đã chết vì những sản phẩm này.

Bài 1: Không nhãn mác, không hạn dùng... Bài 2: Đồ chơi trẻ em: cực rẻ và cực... độc

Những sản phẩm “tử thần”

Đầu tháng 5-2007, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố phát hiện gây sốc: khoảng 2,5-3 triệu người Mỹ đã sử dụng thịt từ gia cầm ăn bột rau bị nhiễm melamine có nguồn gốc từ TQ. Lập tức, Mỹ đã tiêu hủy 3,1 triệu con gà từng ăn thực phẩm nhiễm melamine. Melamine là hóa chất được sử dụng làm phân bón, đồ nhựa và các nhà nghiên cứu khẳng định hóa chất này có thể gây ung thư.

Điếng người... với đồ chơi kích điện của TQ

Tại TP.HCM, một loại đồ chơi được cảnh báo “tự làm thì ráng chịu, không dành cho trẻ dưới 14 tuổi, người già trên 50 tuổi” đang được bày bán công khai. Đó là đồ chơi kích điện do TQ sản xuất. Những món đồ chơi này có hình cây viết, đèn pin, bao thuốc lá... nhưng chỉ cần nhấn vào đầu bút hay rút điếu thuốc ra thì lập tức sẽ bị điện giật nhói cả người.

Hoặc khi bật công tắc cây đèn pin lên thay vì đèn sáng thì người bật sẽ bị giật điện. Còn nếu nhấn đầu bấm của cây viết cũng bị giật điếng người... “Dòng điện trong những món đồ này chỉ có thể làm người đụng vào phải run mình, tê ở tay, nếu người yếu tim thì sẽ có cảm giác nhói ở tim”, A.D., một nhân viên bán hàng ở đường Ba Tháng Hai cho biết.

Những món đồ chơi nguy hiểm này có giá 15.000-65.000 đồng/món, hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc, được bày bán công khai trong các cửa quà tặng, cửa hàng lưu niệm ở đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Tri Phương, trước cổng một số trường học...

Cùng thời điểm đó, FDA cũng lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng về loại hóa chất cực độc diethylene glycol (DGE) có trong mặt hàng glycerine giả được sản xuất tại TQ. Hóa chất này làm hư thận rồi tác động tới thần kinh trung ương, gây suy hô hấp và dẫn tới tử vong. Điều đáng sợ là glycerine là thành phần không thể thiếu của hàng chục loại thuốc, xirô, kem đánh răng...

Sự hoảng sợ của người tiêu dùng bùng lên khi quốc gia Trung Mỹ Panama phát hiện chất DGE có trong glycerine làm giả ở TQ đã được sử dụng để sản xuất xirô trị ho, thuốc cảm và một số dược phẩm khác tại nước này. Công bố được đưa ra quá muộn khi trước đó vào cuối năm 2006, hơn 360 người Panama thiệt mạng sau khi sử dụng thuốc cảm có chứa glycerine dỏm.

Ngay sau đó, Úc và các quốc gia Trung Mỹ như Panama, Cộng hòa Dominican, Costa Rica và Nicaragua lại phát hiện sự có mặt của độc chất DGE trong hàng loạt loại kem đánh răng nhập từ TQ, trong đó có hai nhãn hiệu rất phổ biến là “Mr. Cool” và “Excel”. Theo nhà chức trách Panama, Mr. Cool và Excel chứa tới 4,6% chất DGE, cao gấp 50 lần hàm lượng an toàn cho phép, là thủ phạm cướp đi sinh mạng của hơn 100 người và làm 500 người khác bị nhiễm độc ở nước này.

Áo quần trẻ em cũng có chất độc

Chưa dừng lại ở đó, tháng 5-2007, truyền thông Úc công bố bằng chứng cho thấy các sản phẩm dệt may của TQ chứa hàm lượng chất formaldehyde rất cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), formaldehyde gây tác hại cho da và hệ thống hô hấp dù chỉ với một hàm lượng rất thấp và dẫn đến các bệnh về bạch cầu, ung thư phổi...

Theo nhật báo Sydney Morning Herald, loại chăn (mền) mang nhãn hiệu Sheridan Indulgence nhập từ TQ, đang được bày bán rộng rãi khắp Úc, có chứa hàm lượng formaldehyde với tỉ lệ cao gấp 10 lần cho phép của các tiêu chuẩn quốc tế. Các nhà sản xuất TQ thường sử dụng formaldehyde này để chống nhăn và chống co rút các sợi vải nhân tạo dùng trong các bộ drap, gối giường ngủ, áo quần trẻ em và đồ chơi bằng vải.

Cũng trong tháng 5-2007, Wal-Mart, hệ thống siêu thị lớn nhất nước Mỹ, tuyên bố thu hồi tã lót cho trẻ em nhập từ TQ sau khi xét nghiệm cho thấy sản phẩm này chứa chì ở mức độ rất cao.

Mất lòng tin vào sản phẩm “made in China”

Trước hàng loạt cáo buộc, chính quyền TQ đều đưa ra một phản ứng chung: im lặng hoặc phủ nhận sự liên quan. Khi cuộc “khủng hoảng thức ăn vật nuôi 2007” nổ ra, Bắc Kinh tuyên bố không hề xuất khẩu mì căn sang Mỹ và melamine không gây độc hại. Điều đáng nói là ngay sau đó, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm sử dụng melamine trong sản phẩm bột rau xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa.

Đến đầu tháng 5-2007, Cơ quan quản lý chất lượng TQ buộc phải thừa nhận hai công ty công nghệ sinh học đã cố tình xuất khẩu nguyên liệu thức ăn vật nuôi bị nhiễm melamine và thuốc diệt chuột sang Mỹ và Nam Phi. Bộ Ngoại giao TQ cũng thừa nhận “một công ty TQ” đã làm giả chất glycerine (có trong thuốc, mỹ phẩm...) bằng hóa chất cực độc DGE.

Ngày 22-5, Cục Bảo vệ người tiêu dùng của Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng thế giới đang mất lòng tin vào hàng hóa TQ. FDA cũng chính thức ra khuyến cáo người tiêu dùng Mỹ không nên dùng bất kỳ sản phẩm kem đánh răng nào sản xuất từ TQ.

Thế nhưng, tại cuộc họp báo về thông tin hàng hóa TQ xuất khẩu kém chất lượng, gây ngộ độc, phó cục trưởng Cục Kiểm tra chất lượng TQ Ngụy Truyền Trung cho biết vụ ngộ độc thuốc ở Panama do lỗi của nước sở tại. Còn về vụ kem đánh răng có chất gây ung thư gan là được một công ty ở Giang Tô sản xuất theo yêu cầu hợp đồng, mẫu hàng của khách hàng, trên bao bì đều ghi rõ hàm lượng DGE trong tiêu chuẩn cho phép.

HIẾU TRUNG - CẢNH CHÁNH (tổng hợp)

Người TQ cũng khiếp vì hàng “dỏm”

Ông Kim Trí Quốc, một đại biểu Quốc hội TQ, từng nhận xét về thực phẩm TQ như sau trên tờ Jingbao: “Ăn thịt sợ có dư lượng thuốc tăng trọng, ăn rau quả sợ hóa chất độc hại, uống nước sợ phẩm màu”. Tại TQ đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm như ngộ độc chất bảo quản ở táo, lê, dưa hấu, rau ăn lá, ốc, mật ong nhân tạo, ngộ độc dầu động vật, bột nêm, trứng vịt có chứa sudan, cá ô nhiễm...

Mỹ phẩm có hàm lượng hóa chất vượt tiêu chuẩn. Thuốc giảm béo, kem trị nám thì kém chất lượng. Gấu bông được làm bằng vật liệu phế thải của nhà máy sản xuất thảm. Ngay cả bút chì cũng có hàng giả, khiến một loạt học sinh bị điểm kém chỉ vì máy chấm thi trắc nghiệm không đọc được chì của bút giả. Bình xịt thơm trên xe hơi có chứa hóa chất gây tác dụng phụ như đau đầu, nổi ngứa ở da do dị ứng! Về dược phẩm, thuốc giả được lưu hành bằng con đường hối lộ để nhận giấy chứng nhận chất lượng và công khai lưu hành trên thị trường.

NH.B.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên