11/11/2006 14:30 GMT+7

Bảo vệ tổng thống Mỹ như thế nào?

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TTCT - Tổng thống Mỹ được bảo vệ bởi Secret Service (USSS, Sở Mật vụ Hoa Kỳ), theo qui định của Quốc hội Hoa Kỳ từ sau vụ ám sát Tổng thống William McKinley vào năm 1901.

Bí mật về chuyên cơ của các nguyên thủ

opAhkWz7.jpgPhóng to

Năm 2003, USSS còn trực thuộc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho đến khi Bộ An ninh nội địa ra đời, USSS mới trực thuộc bộ này. “Nhân viên USSS mang tên “mật vụ” bởi khi họ hành sự, họ không được phép cho biết họ là ai, mà như kiểu nhân viên FBI tông cửa vào, tay chỉa súng, miệng quát um: “Đứng yên! FBI đây!”.

USSS có nhiệm vụ bảo vệ tổng thống, phó tổng thống cùng các quan chức khác trong chính phủ theo thứ tự kế nhiệm tổng thống (tỉ như sau phó tổng thống, là ngoại trưởng...) cùng thân nhân trực tiếp của họ; các cựu tổng thống và phu nhân (trong thời gian mười năm sau khi thôi chức); các nguyên thủ quốc gia, chính phủ đến công du Hoa Kỳ...; các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống trong thời gian 120 ngày trước tổng tuyển cử.

Nhân viên mật vụ là ai?

uZsuOiVN.jpgPhóng to
USSS có khoảng trên 5.000 người, gồm 2.100 nhân viên đặc vụ, 1.200 cảnh vệ mặc sắc phục và 1.700 nhân viên kỹ thuật, hỗ trợ, hành chính... Để gia nhập USSS, họ phải trung thành với phương châm “Take a bullet for the president” (Lãnh đạn thay cho tổng thống), có trình độ cử nhân bên cạnh các điều kiện thể chất khác, có ngoại ngữ ở trình độ S-3, tức có thể đàm thoại trong các tình huống giao tiếp xã hội và cả nghề nghiệp... Nhân viên mật vụ sử dụng súng ngắn Sig Sauer P229, “khẩu súng tốt nhất cần có trong một vụ đọ súng” và súng tiểu liên mini Uzi của Israel cùng tiểu liên MP5KA4 (bá xếp, nòng ngắn).

Ngược lại, họ được đãi ngộ như sau: tiền thưởng sau khi nhập ngũ lĩnh một lần bằng ba tháng lương, phụ cấp ngoại ngữ (cứ 5% lương cho một ngoại ngữ), thân nhân được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế... (vốn rất cao ở Mỹ). Ronald D.Young, một nhân viên mật vụ, giải thích lý do yêu nghề: “Đầu tiên là đi đến đâu, ai cũng đều ấn tượng. Là một người da đen, tôi rất tự hào là một nhân viên mật vụ: chỉ có 185 người da đen trong số 2000 nhân viên đặc vụ. Kế đến là di chuyển: tôi đã đi hết 50 tiểu bang và 89 quốc gia”.

Huyền thoại lấy thân che đạn cho tổng thống

5UHNuuLP.jpgPhóng to
Trong lịch sử của USSS đã có những trường hợp lãnh đạn cho tổng thống. Năm 1950 khi hai hung thủ người Puerto Rico mưu sát tổng thống Harry Truman, sĩ quan mật vụ Coffelt đã lấy thân mình làm lá chắn và bị tử thương. Một lần khác là vào năm 1981 khi nhân viên mật vụ McCarthy chắn đạn cho tổng thống Ronald Reagan khi ông vừa nhậm chức chưa đầy hai tháng.

Lần đó, Reagan vừa đọc xong một bài diễn văn tại khách sạn Hilton ra, sắp sửa lên xe ra về thì một kẻ lạ mặt rẽ đám đông xông tới nhắm bắn sáu phát. Video quay lại cho thấy nhân viên mật vụ McCarthy nhảy bổ ôm chầm lấy ông Reagan, bằng ngực mình hứng đạn.

Sau này, truyền hình hỏi: “Phản ứng thông thường lúc đó là nhào xuống đất, thu mình, tránh đạn. Song anh thì lại nhảy xổ đến chắn trước tổng thống. Đó có phải là kết quả của đào tạo và huấn luyện các anh hay không?”... McCarthy trả lời: “Cảnh sát, quân đội khi thấy nổ súng đều nhảy xuống ẩn náu. Họ đã được huấn luyện làm như thế và họ hành động y hệt bài bản huấn luyện. Còn chúng tôi thì được huấn luyện để che chắn tổng thống và di tản tổng thống. Để che chắn tổng thống, chúng tôi phải trải rộng ra hết sức, từ thân mình chứ không co rúm tìm chỗ nấp, đến thiết lập vòng đai an toàn. Tôi che chắn xong, nội vụ diễn ra trong vòng 1 giây rưỡi thì Ray Shaddock và Jerry Parr cũng đã đưa tổng thống lên xe rồi, trong khi các nhân viên khác nhảy bổ đến trấn áp hung thủ. Thành ra, ai có hỏi gì, tôi cũng chỉ trả lời là chẳng có gì gọi là can đảm hay xả thân gì cho lắm, mà là do phản xạ có được từ huấn luyện”.

Thật ra, trong công tác bảo vệ yếu nhân, quan hệ giữa yếu nhân được bảo vệ và nhân viên bảo vệ càng gắn bó càng hiệu quả. Tháng 11-2004, tại thủ đô Santiago của Chile, nhân hội nghị APEC tại Trung tâm văn hóa Mapucho, khi thấy cận vệ của mình bị chận lại không cho vào, ông Bush đã quay trở lại, và trước ống kính truyền hình ra tay “lôi”người cận vệ này vào.

Bảo vệ tổng thống ở nước ngoài

hgwvpaBC.jpgPhóng to
Công tác bảo vệ tổng thống khi ông công du nước ngoài thường bắt đầu từ việc cử các toán tiền trạm đến quan sát, thăm dò từng vị trí mà tổng thống và các thành viên phái đoàn sẽ đến. Một chuyến công du đâu chỉ có mỗi một lộ trình và lịch trình của tổng thống, mà còn của phu nhân tổng thống vốn có những “tiết mục bên lề”, các bộ trưởng tùy tùng có thể có những điểm đến làm việc khác. Từng ngã tư, ngã ba, ngõ hẻm... cắt ngang các tuyến đường xe đi qua, lưu lượng giao thông, tập quán giao thông ở từng đoạn... đều được ghi nhận trong từng chi tiết và tập hợp lại thành rất nhiều “kịch bản” khác nhau, kể cả các trường hợp khẩn cấp... để có các biện pháp cho từng chi tiết, từng giải pháp cho từng tình huống, đúc kết thành một bản kế hoạch và danh sách dự trù nhân lực, thiết bị... Kế hoạch này sẽ được “thử nghiệm” rồi được điều chỉnh đi điều chỉnh lại...

Công tác tiền trạm này có khi kéo dài cả năm. Một bộ chỉ huy tiền phương được thiết lập qui tụ nhiều cơ quan khác nhau, các chỉ huy và nhân viên tiền phương được phái đến từng nhiệm sở hành động, cộng tác với bộ máy an ninh nước chủ nhà. Bảo vệ trên biển còn có một lực lượng đặc nhiệm quanh một hàng không mẫu hạm túc trực ngoài hải phận quốc tế, cả tầm xa lẫn tầm gần, chưa kể tàu ngầm...

John Barletta, nguyên là cận vệ chính của tổng thống Ronald Reagan, năm ngoái tổ chức chuyến công du CH Gruzia cho Nhà Trắng, cho biết trên BBC: Trong chuyến đi đó, đã có đến 250 nhân viên mật vụ, mấy chục cố vấn an ninh, mấy toán cảnh khuyển... hộ tống Tổng thống Bush. Không chỉ an ninh trên bộ, mà còn an ninh trên không và trên biển. Trong chuyến công du này, phía Nga cho biết máy bay do thám mặt đất U-2 của không lực Hoa Kỳ bay tới bay lui trên không phận khu vực dãy núi Caucasus trong nhiều ngày liền, chưa kể hai chiếc máy bay Awacs trang bị radar cảnh giới nguy cơ trên không (hỏa tiễn, vệ tinh, máy bay...) cùng một phi đội máy bay chiến đấu thường trực vần vũ trên trời.

Thật ra, không đợi đến khi tổng thống sắp lên đường USSS mới tung quân ra làm việc tại nơi đến. USSS có chi nhánh tại Anh, Brazil, Bulgaria, Canada, Colombia, Đức, Mexico, Nam Phi, Nga, Pháp,Trung Quốc, Ý và tại trụ sở Interpol để cùng Europol thường xuyên cập nhật thông tin sát với thực địa.

Ngay cả chuyện ăn uống của tổng thống cũng do các đầu bếp của Nhà Trắng chăm lo riêng. Thường thì tổng thống di chuyển trên bộ bằng chiếc Cadillac One, trên không bằng chiếc Air Force One. Từ sau vụ 11-9 (2001), một đoàn xe tổng thống gồm trên 30 chiếc.

John Barletta tóm tắt: “Khi tổng thống công du, cả Nhà Trắng cùng đi theo, từ xe cộ đến thức ăn, nước uống” .

Thật ra, công tác bảo vệ này luôn được tiến hành “trong thời gian thực” (24/24 giờ, trong từng giây một) qua theo dõi các cú điện thoại, tin nhắn, thư điện tử... “ra vào” Nhà Trắng hay các địa điểm (dinh thự, tư thất...). Các yếu nhân được bảo vệ bởi các trung tâm kiểm thính, kiểm báo trên mạng theo dõi điện tử Echelon toàn cầu. Thậm chí ai vừa truy cập vào trang chủ của USSS đã thấy thông báo công khai: quí vị đang được theo dõi rồi đấy! Bảo đảm máy tính đó (và cả mạng máy tính đó) đã được “viếng thăm” kể từ đó...!

An ninh tại các hội nghị APEC trước

* Hội nghị APEC Busan (Hàn Quốc) năm ngoái là một trong những hội nghị rất “quan tâm” đến các nguy cơ trên không và từ biển trong bầu không khí căng thẳng hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Hơn 1.000 (cựu) tội phạm quốc tế bị cấm nhập cảnh.

Tên lửa phòng không được triển khai quanh thành phố Busan. Ba hàng rào an ninh được thiết lập trên biển. 37.000 cảnh sát và binh sĩ đã được triển khai ở Busan. Cảnh sát dã chiến cũng được huy động đông đảo để đối phó với một trong những nguy cơ khác cho APEC Busan là các cuộc biểu tình của nông dân Hàn quốc chống WTO.

* Năm 2003, cảnh sát Thái Lan đã đặc phái 2.000 cảnh sát chỉ để bảo vệ các khách sạn có khách dự APEC Bangkok tạm trú, 900 cảnh sát hộ tống các đoàn xe chở lãnh đạo, 120 cận vệ bảo vệ các nhà lãnh đạo và phu nhân, 1.300 nhân viên an ninh bảo vệ phi trường. Chiếc Air Force One của tổng thống Hoa Kỳ hoàn toàn “ngoại bất nhập”, chỉ do an ninh Hoa Kỳ canh gác, trong khi các máy bay khác của các lãnh đạo khác do an ninh Thái đảm trách canh gác.

Để ngừa khủng bố do tình hình bất ổn ở miền nam, cảnh sát Thái đã cho đặt các ụ chống bom che chắn xung quanh các khách sạn có các nhà lãnh đạo tạm ngụ, nhằm ngăn ngừa tấn công bằng bom xe đặt trong xe tải 6 tấn! Tên lửa phòng không cũng được triển khai quanh Bangkok. Không quân hoàng gia Thái dành riêng hai chiến đấu cơ F-16 bảo vệ, mỗi máy bay chở từng lãnh đạo nước ngoài kể từ khi vào không phận Thái.

* Tại Hội nghị APEC Thượng Hải 2001, Trung Quốc đã huy động 10.000 nhân viên cảnh sát và an ninh để bảo vệ hội nghị. Quân đội được giao nhiệm vụ trấn giữ các lối vào thành phố, kiểm tra xe cộ ra vào Thượng Hải.

Hội nghị APEC Manila 1996 được tổ chức trong khu vực căn cứ hải quân Subic cũ của hải quân Mỹ dưới sự bảo vệ của 26.000 nhân viên an ninh. Năm đó, APEC mời chỉ gồm 18 thành viên.

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên