09/06/2010 06:24 GMT+7

Vượng cắm bản

PHI LONG - ĐÌNH DÂN
PHI LONG - ĐÌNH DÂN

TT - Gần 20 năm gắn bó với vùng cao Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu), Luân Văn Vượng đã là người nhà của hàng trăm gia đình, là thầy giáo của nhiều đứa trẻ mù chữ.

yLYrtDVH.jpgPhóng to

Thượng úy Luân Văn Vượng bắt đầu một chuyến đi cắm bản dài ngày - Ảnh: PHI LONG

“Ngày đầu lên công tác, tôi nói chuyện bà con có hiểu đâu. Đó là động lực thôi thúc tôi phải học lấy con chữ của đồng bào”, anh Vượng nói về hành trình học chữ của mình. Bây giờ Vượng nói được tiếng của người La Hủ, Dao và Hà Nhì.

Hành trình giúp dân, học chữ

Ngày trước, cứ đến nhà là người dân lại bỏ chạy, gặp mặt nói chuyện cũng không ai trả lời. “Chẳng lẽ bà con ghét mình”, Vượng nghĩ. Tìm hiểu mới biết “nói tiếng Kinh làm sao đồng bào hiểu” - một trưởng bản nhắc nhở. Anh bắt đầu việc học chữ. Mỗi lần xuống bản anh lại nghe người dân nói vài tiếng rồi gói ghém lại để có “một bụng chữ” như bây giờ nói thành thạo cả ba thứ tiếng.

Hành trình học chữ cũng song hành với việc giúp người dân lên rừng vỡ đất hay dẫn nước về, rồi chỉ họ cách gọi và nhận biết những cây thuốc quen thuộc phòng khi đau ốm. Buổi tối, anh lại tranh thủ tập hợp những đứa trẻ trong bản để dạy mấy em tập đánh vần tiếng Việt. Rồi “thầy Vượng” cũng phải học từ học trò cách đọc, cách nói của dân tộc các em.

600 cây xanh mừng sinh nhật Bác

Chiến sĩ đồn biên phòng 311 đóng trên địa bàn xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) đã trồng 600 cây xanh để kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật Bác (19-5-1890 - 19-5-2010).

Đó cũng là lời nhắc nhở mỗi chiến sĩ biên phòng nơi đây về tầm quan trọng của cây, của rừng, của miền đất vùng biên giới Tổ quốc mà ngày ngày phải canh giữ.

Ở miền núi heo hút nơi đồn biên phòng 311 đóng quân, mỗi chuyến đi xuống bản được tính bằng tuần. Cơm nắm, lương khô và gạo được đóng gọn trong chiếc balô với nồi chảo để nấu ăn dọc đường.

Đó là cách anh đã được học để đến với người dân nơi đây, “giúp đồng bào chứ không dựa dẫm, lương thực tự cung cấp chứ không để đồng bào lo”. Trong balô của thượng úy Vượng lúc nào cũng có thêm vài ký gạo hay ít cá khô do anh tự bỏ tiền mua để tặng đồng bào, là tấm lòng, chút quà mọn của tình quân dân.

Ước mơ tuổi nhỏ

Hồi nhỏ Vượng đã mê trở thành bộ đội biên phòng vì “được ngồi trên ngựa đi tuần tra thích lắm”. Nhưng những ngày đầu tiên nhận công tác, ngựa đâu không thấy chỉ có đôi chân anh phải cuốc bộ hàng chục cây số đường rừng để đến các bản.

“Cứ mỗi lần có chuyện đột xuất đến với bà con trễ là mọi người nhắc ngay. Cũng có khi nhận được sự sốt sắng của đồng bào hỏi “mày có đau ốm không sao không đến với chúng tao” lại thấy lòng vui lên hẳn. Rồi miếng xôi, miếng cá khô hay con gà trong nhà lại được bày biện đầy đủ trên mâm cơm để đón bộ đội chúng tôi khiến ai nấy cũng hạnh phúc với công việc”, anh tâm sự.

Vượng trở thành thông dịch viên duy nhất của đồn, thường xuyên theo chân các đoàn công tác lên giúp đồng bào làm nhà, hướng dẫn cách trồng trọt hay trong một chiến dịch tiêm chủng của ngành y tế.

Cách đây một năm, trong đợt tổng kết cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh toàn ngành biên phòng Lai Châu, anh được tuyên dương vì công tác cắm bản, giúp đỡ đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo cũng như dần bỏ các thủ tục lạc hậu.

PHI LONG - ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên