31/08/2009 20:51 GMT+7

"Cuộc chiến đấu khổng lồ" sau ngày thống nhất

Phamvu
Phamvu

Hồ Chủ tịch gọi công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh là “cuộc chiến đấu khổng lồ” và “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”!

MkvjcFuO.jpgPhóng to
Tư tưởng đổi mới của Đảng mở đường cho những thành quả to lớn trong xây dựng, phát triển đất nước.Trong ảnh: Hai cựu chiến binh ở quận 1, TP.HCM tự hào ngắm nhìn sự phát triển của TP.HCM qua triển lãm ảnh “40 năm son sắt lời thề” tại Công trường Lam Sơn. Ảnh: HTD

“Tại sao Bác lại “trước tiên nói về Đảng”? Mỗi câu chữ trong Di chúc, Bác cân nhắc rất kỹ, vì vậy khi đặt bút viết như thế thì có nghĩa vấn đề đó là nỗi quan tâm, trăn trở lớn nhất cuối đời Hồ Chủ tịch”. PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh), Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Lịch sử Đảng, nói trong cuộc trò chuyện về 40 năm thực hiện Di chúc Hồ Chủ tịch.

Không nên rập khuôn theo nước ngoài

* Nói về công việc tái thiết đất nước sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác hai lần nhắc đến chữ “to lớn”, “phức tạp” và Bác gọi nó là “cuộc chiến đấu khổng lồ”. Ông bình luận gì về nội dung này trong Di chúc?

FVYV4LG2.jpgPhóng to
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc
- PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc: Quả thật đó là vấn đề rất lớn lao và phức tạp, được Bác nhìn thấy từ trước. Chúng ta xây dựng CNXH chưa có tiền lệ mà lại rập khuôn mô hình Xô-viết. Ta cũng có nhiều khuyết điểm như duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, các chính sách, chỉ tiêu kinh tế đặt ra chưa phù hợp... Quan trọng là tư duy đổi mới chậm thành ra phát triển kinh tế của mình không những khó khăn mà từ năm 1979 bị lâm vào khủng hoảng (lạm phát, giá cả tăng, hàng hóa thiếu, đời sống nhân dân khó khăn...).

Thật may là Đảng ta đã sớm nhận ra và đến Đại hội VI (1986) thì định ra đường lối đổi mới. Đấy tôi muốn nói là xây dựng đất nước phải từ đường lối chứ đường lối sai là gay go. Trước đó, Bác cũng đã nói phải tổng kết kinh nghiệm của mình chứ không nên rập khuôn theo nước ngoài. Phải tìm ra quy luật riêng của cách mạng Việt Nam. Tôi cho rằng tư tưởng đổi mới đến nay đã đạt được những thành quả to lớn, là thực hiện đúng Di chúc Bác Hồ.

* Để khủng hoảng xảy ra, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Không ít người nhìn nhận rằng một trong những yếu tố chủ quan là sau cuộc kháng chiến rất vĩ đại, chúng ta đã quá kiêu hãnh nên sinh ra tư tưởng chủ quan, duy ý chí. Ông nghĩ sao?

- Đúng. Bây giờ chúng ta kết luận là đất nước bước vào khủng hoảng từ 1979, đến năm 1996 mới bước ra khỏi khủng hoảng. Nguyên nhân: Về khách quan thì trước hết là hậu quả của 30 năm chiến tranh rất nặng nề mà lúc đầu mình chưa hình dung hết. Khi kết thúc chiến tranh, mình phấn khởi lắm, lúc đầu cứ tưởng sẽ tiến rất nhanh. Nhưng dần dần những hậu quả về kinh tế, xã hội, nhận thức, tư tưởng... mới bộc lộ hết ra. Hai là sự bao vây, cấm vận của Mỹ. Ba là các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc.

Nhưng trong các loại nguyên nhân, sau này Đảng ta vẫn nhận định chủ quan là chính. Đó là trong đường lối chính sách chúng ta duy trì quá lâu cơ chế cũ không còn phù hợp. Rồi trong tư duy, nhận thức, lý luận lại mắc bệnh chủ quan, duy ý chí, nóng vội. Có cái thì nóng vội, có cái thì trì trệ. Trì trệ trong việc sửa đổi cơ chế, cách thức quản lý nhưng nóng vội trong cải tạo XHCN, muốn quốc doanh, tập thể nhanh, trái với quy luật khách quan.

Năm 1947, Bác đã dùng từ “chỉnh đốn Đảng”

* Nói về tái thiết đất nước sau chiến tranh, Người đề cập “việc trước tiên cần phải làm là chỉnh đốn lại Đảng”. Như vậy, Người coi chỉnh đốn Đảng là tiền đề để phát triển đất nước?

- Đúng thế. Đường lối của Đảng mà sai thì đất nước làm sao phát triển được. Chỉ mới một chặng mà trục trặc một chút thì đất nước đã lâm vào khủng hoảng rồi...

* Thưa, toàn văn Di chúc được công bố năm 1989 bởi Bộ Chính trị Ban Chấp hành TƯ khóa VI, lúc đó mới có đoạn nói về “chỉnh đốn Đảng” và đến năm 1992 thì từ “chỉnh đốn” mới chính thức được viết trong một văn kiện của Đảng. Phải chăng nhận thức của Đảng về vấn đề này chậm hơn so với mong muốn của Bác?

- Thực ra xây dựng Đảng là công việc thường xuyên và trước đổi mới cũng có nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng. Từ năm 1974, Nghị quyết TƯ 23 khóa III đã nêu rất cụ thể về vấn đề này tuy không dùng từ “chỉnh đốn”.

Nhân đây tôi cũng phải nói từ ngữ một chút là khi dùng từ “xây dựng” thì người ta thấy bình thường hơn. Nhưng dùng chữ “chỉnh đốn” thì lại nghĩ rằng chắc có chuyện gì mới phải “chỉnh đốn”.

* Nhưng Bác đã dùng từ “chỉnh đốn”…

- Đúng vậy. Trước đây mình cứ ngại về câu chữ, cứ sợ người ngoài không hiểu. Thực ra từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc Bác dùng từ này rồi. Bác còn nói rằng chỉnh đốn sẽ làm cho Đảng đúng đắn, trong sạch, không chệch choạc...

Đến năm 1992, Đảng ta mới dùng từ “đổi mới và chỉnh đốn”. Nhưng sau này có lúc lại ngại từ “đổi mới” nên có giai đoạn lại dùng từ “xây dựng và chỉnh đốn”. Sau đó đến Đại hội X lại dùng từ “đổi mới”. Đó là cả một quá trình nhận thức.

* Và đổi mới là đúng!

- Phải đổi mới Đảng từ công tác tổ chức, cán bộ, công tác lý luận, cả cương lĩnh, đường lối.

“Chưa đạt yêu cầu”

* Nhiều người rất băn khoăn về sự thoái hóa, biến chất trong nội bộ Đảng dường như ngày càng gia tăng, các văn kiện của Đảng cũng cho thấy rằng trước đây là “một bộ phận đảng viên” đến “một bộ phận không nhỏ”, từ “thoái hóa, biến chất” đến “trầm trọng”, thậm chí là “sống còn đối với sự tồn vong của chế độ”… Phải chăng việc chỉnh đốn Đảng chưa làm được như ý nguyện của Bác Hồ?

- Như trên tôi đã nói là Đảng ta đã rất cố gắng. Nhưng nếu chỉ cố gắng theo kiểu hạ quyết tâm thôi thì chưa đủ. Và cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn thì mới có hiệu quả hơn.

Vậy nên vừa rồi Đảng ta mới quan tâm đến mấy vấn đề thế này: Một là về lý luận được coi trọng, đặc biệt là lý luận về con đường đi lên CNXH thế nào thì bây giờ nhận thức rõ hơn. Đấy chính là chỉnh đốn chứ nếu lý luận mà sai, mà thấp kém thì cách mạng chệch choạc ngay. Hai là chú ý đến cương lĩnh, năm 1992 đã có cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Sắp tới, Đại hội XI sẽ bổ sung cương lĩnh. Thứ ba là thể chế hóa đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách của nhà nước pháp quyền. Đấy cũng là nội dung cầm quyền của Đảng. Thứ tư là xây dựng cơ cấu, tổ chức của Đảng, như vừa rồi Hội nghị TƯ 4, khóa X đã sắp xếp gọn lại bộ máy của Đảng. Như vậy, về khoa học tổ chức đã có bước tiến. Cạnh đó là công tác cán bộ: đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, luân chuyển... làm bài bản hơn, bước đầu dân chủ hóa công tác này. Tiếp đó là vấn đề đạo đức.

Rất cố gắng như vậy nhưng Đại hội X cũng khẳng định là “chưa đạt yêu cầu”. Tôi tin sắp tới đại hội Đảng các cấp thì mình sẽ có thêm kinh nghiệm mới, khí thế mới.

Đổi mới chính trị là xây dựng nhà nước pháp quyền

* Khi bắt đầu đổi mới, chúng ta khẳng định lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm và trước tiên. Sau một quãng thời gian khá dài đổi mới kinh tế và thu được những thành quả nhất định, có nhiều người cho rằng kinh tế vẫn cần phải đổi mới hơn nữa và cùng với đó là đổi mới chính trị. Đã đến lúc chúng ta mạnh dạn nói đến “đổi mới chính trị” và cần phải làm như thế nào, thưa ông?

- Đổi mới kinh tế và chính trị có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu anh chỉ nói đổi mới kinh tế mà không nói đổi mới chính trị thì không đúng. Mà xét cho đến cùng là phải đổi mới chính trị. Phải từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước như thế nào thì nó mới ra các chính sách kinh tế được chứ. Có phải tự nhiên mà có đổi mới kinh tế đâu.

Theo tôi, đổi mới về hệ thống chính trị thì có đổi mới lãnh đạo của Đảng, đổi mới nhà nước mà hay nhất là xây dựng nhà nước pháp quyền. Vấn đề này Bác Hồ đã đề cập đến từ năm 1918 khi tìm đường cứu nước. Đến sau Cách mạng Tháng Tám, nhất là Hiến pháp 1946 thể hiện rõ tinh thần nhà nước pháp quyền...

Tôi nghĩ, thực sự đổi mới thì phải quản lý đất nước bằng pháp luật chứ không phải bằng mệnh lệnh và đạo lý.

LÊ KIÊN thực hiệnTheo Pháp Luật TP.HCM

Phamvu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên