20/10/2010 07:40 GMT+7

Giao thông TP.HCM: Ngổn ngang trăm mối

TTO
TTO

TTO - Gần 300 câu hỏi gửi về, là những "chất vấn" sát sườn, liên quan mật thiết đến an sinh... Cuộc trò chuyện trực tuyến với chủ đề: "Đi lại không an toàn, trách nhiệm và giải pháp" phần nào cho thấy mức độ căng thẳng của tình hình giao thông ở TP. Hồ Chí Minh.

Bạn đọc chất vấn. Khách mời trả lời tùy vào vị trí, công việc và quan điểm cá nhân. Dĩ nhiên, không thể thỏa mãn hết những câu hỏi từ thực tế cuộc sống. Nhưng chúng tôi tin rằng, phần lớn lời đáp đã và sẽ được bạn đọc thẩm định trong buổi trò chuyện trực tuyến này.

hq8cSrGx.jpgPhóng to
Các khách mời đang trao đổi tại buổi trao đổi trực tuyến - Ảnh: Thanh Đạm
se2cjFWR.jpgPhóng to
Taxi lọt xuống hố chiều 14-9 trên đường Lê Văn Sĩ, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức
cnhBCTyY.jpgPhóng to
Miệng cống xuôi dòng nước – nơi một người đàn ông bị trượt té cuốn vào cống tử vong vào ngày 10-10 - Ảnh: Sơn Bình
Aa6t57OA.jpgPhóng to
Trong cơn mưa chiều tối 10-10, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM biến thành sông, các đơn vị chức năng phải đặt biển cảnh báo người đi đường - Ảnh: Thuận Thắng

Sau hàng loạt những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây như: mưa ngập, tắc đường; tình trạng “hố đen” liên tục xuất hiện gây nguy hiểm cho người và phương tiên lưu thông; hố ga, nắp cống chập chờn như những cái “bẫy” lộ thiên luôn chực chờ gây tại nạn cho người đi đường… Nhiều độc giả Tuổi Trẻ Online đã gửi email về tòa soạn bày tỏ sự lo âu, hoang mang và bất an trong việc lưu thông trên đường tại TP.HCM trong thời gian gần đây.

j34j0brs.jpgPhóng to
Miệng hố ga trên lề đường, thủ phạm gây ra nhiều tai nạn - Ảnh: Trịnh Ánh Tuyết

Khi xảy ra các sự cố hay gặp tai nạn, người dân luôn phải đặt câu hỏi: Đây là trách nhiệm của ai...? Ai sẽ trả lời trước dân về trách nhiệm, nguyên nhân, giải pháp...? Ai sẽ cam kết không còn những sự cố đáng tiếc tương tự?

Tham gia cuộc trao đổi trực tuyến có các khách mời:

- Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM: Ông Đặng Phú Thành, Trưởng phòng Quản lý Cấp thoát nước; Ông Ngô Hải Đường, Phó phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ:- Bà Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển TP.HCM- Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Trưởng ban tuyên truyền Hội luật gia TP.HCM- Ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.- Ông Đặng Văn Khoa - Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM; Ủy viên trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

NỘI DUNG CUỘC TRAO ĐỔI TRỰC TUYẾN

Thăm dò từ bạn đọc tính đến trước thời điểm diễn ra cuộc trao đổi trực tuyến cho thấy, có đến gần 74% bạn đọc cho rằng, tất cả các đơn vị liên quan đều phải chịu trách nhiệm về việc đi lại không an toàn ở TP. Hồ Chí Minh thời gian qua.

10,6 % bạn đọc cho rằng, trách nhiệm trước tiên thuộc về Sở GTVT; 8,4% bạn đọc quy trách nhiệm cho chủ đầu tư và 5,4% bạn đọc cho rằng, trách nhiệm thuộc về nhà thầu. Còn lại là ý kiến khác.

* TP.HCM giờ đang quá tải về giao thông, đường phố chật hẹp dễ gây tắc đường, nếu đường đã nhỏ nay còn lô cốt và hư hỏng mặt đường sau khi thi công hoặc đường xuống cấp sẽ gây thêm khó khăn cho việc di chuyển, vậy TP có cách giải quyết như thế nào cho vấn đề này ?(Tâm, 20 tuổi, nothing_is_forever3000@...).

- Đại diện Sở GTVT TP.HCM:

Trong thời gian vừa qua, do nhu cầu phát triển cải tạo và phát triển hạ tầng hệ thống kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội của thành phố, việc đào lắp đặt hệ thống kỹ thuật là cần thiết nhằm đảm bảo về chất lượng công tác đào và tái lập mặt đường, tạo điều kiện an toàn đi lại của người dân thành phố, UBND cũng đã ban hành các quy định đào và tái lập mặt đường trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở GTVT TP.HCM cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như thanh tra, các khu quản lý giao thông đô thị, tăng cường công tác kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc các nhà thầu vi phạm các quy định về đào và tái lập mặt đường, kể cả trường hợp loại các nhà thầu không đáp ứng tiến độ về chất lượng khỏi công trường. Cụ thể là Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng.

* Trong trường hợp trên tuyến đường có công trình đang thi công mà chủ công trình không che chắn cẩn thận gây ra tai nạn nghiêm trọng cho người và phương tiện đi lại trên đoạn đường đó thì chúng tôi có quyền thưa kiện chủ đầu tư và Bộ Giao Thông Vận Tải không? (Trần Hùng Phương, 31 tuổi, hp662@...).

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu:

Tôi thấy trong luật giao thông đường bộ có quy định rất rõ là đơn vị quản lý giao thông đường bộ có trách nhiệm đảm bảo an toàn kỹ thuật công trình, liên đới chịu trách nhiệm đối với tai nạn xảy ra do chất lượng quản lý và bảo trì công trình. Trong trường hợp phát hiện công trình có nguy cơ mất an toàn trong giao thông thì phải xử lý, sửa chữa kịp thời, phải có biện pháp khắc phục hậu quả nếu có. Như vậy đơn vị nào gây ra hậu quả này thì phải chịu trách nhiệm bồi thường cũng như gây ra thiệt hại về sức khỏe và tính mạng.

* Giao thông đường bộ thường cấu thành từ 3 chủ thể chính: người tham gia giao thông, nhà thầu thi công và cơ quan quản lý có thẩm quyền. Vậy ai trong 3 chủ thể trên là người chịu trách nhiệm đầu tiên khi có sự cố xảy ra? Chân thành cám ơn (Lincoln Tang, 28 tuổi, tsphat_enigma04@...)

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu:

Tôi nhận thấy ở một số các nước tiên tiến họ có một lực lượng chức năng tách biệt ra khỏi cảnh sát giao thông, đơn vị này chuyên làm khám nghiệm hiện trường và họ có trách nhiệm phối hợp với nhau để xác định tai nạn là do đâu? Nếu do thiết kế công trình thì họ sẽ hoàn thiện thiết kế đó, nếu do nguyên nhân đường xấu thì thuộc lĩnh vực quản lý của ngành giao thông, họ sẽ khắc phục ngay. Nếu do người tham gia giao thông thì họ sẽ xem lại kỹ năng lái xe khi cấp bằng.

Đối với chúng ta thì trước hết trách nhiệm thuộc về nhà thầu. Kế đó là do đơn vị quản lý công trình giao thông đó có thẩm quyền và cũng phải chịu trách nhiệm, mà cụ thể là Sở giao thông vận tải.

* Khi nào việc đào đường có kết quả tốt, khi nào việc quy hoạch tốn rất nhiều tiền nhưng gây quá nhiều bất lợi cho người dân cho kết quả khả quan?(Phuc, 21 tuổi, tinytoe89.khtn@...)

- Đại diện Sở GTVT TP.HCM:

Hiện nay, các công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp, thoát nước, bưu điện ...) trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, các cơ quan quản lý hệ thống này vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn được chất lượng khai thác của hệ thống. Bên cạnh đó, hệ thống này vẫn chưa có quy hoạch, bố trí sắp xếp vị trí các công trình ngầm, gây khó khăn cho công tác quản lý. Vì vậy, cần sớm ban hành các quy định kỹ thuật chung cho các công trình ngầm để thuận tiện cho công tác quản lý, xử lý sự cố cũng như xác định trách nhiệm rõ ràng, tránh hiện tượng có quá nhiều các phui đào công trình hạ tầng kỹ thuật đặt trong lòng đường (điều này đồng nghĩa mặt đường sẽ bằng phẳng, ít các nắp hầm kỹ thuật nằm trên mặt đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông).

IW9eVOqU.jpgPhóng to
Đại diện Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: Thanh Đạm

* Các vị có nghĩ nạn nhân tiếp theo là mình và người thân của mình không? Giải pháp tìm kiếm, khắc phụ sự cố có khó đến mức không làm được không? (Nguyen Hoai Hau, 29 tuổi, hoaihau009@...).

- Ông Đặng Văn Khoa:

Có thể và rất có thể. Theo tôi, những “bất an”, những “hố đen” đã xuất hiện, đang xuất hiện và chắc chắn sẽ còn xuất hiện trên diện rộng, nội thành, ngoại thành và không chỉ tại TP.HCM mà còn nhiều nơi khác ở trên cả nước.

Mọi người đang bất an, bất an cho mình, bất an cho người thân của mình, cho vợ mình, chồng mình, con mình, cháu mình, cho cộng đồng. Những người có trách nhiệm cần phải nghĩ đến điều đó, nghĩ đến điều mà một ngày nào đó, sự nguy hiểm, mất mát, đau thương sẽ đến với người thân của mình. Nhưng xã hội còn đòi hỏi một mức cao hơn với những người có trách nhiệm. Đòi hỏi họ phải nhận thức và hành động không phải chỉ vì sự day dứt về những tình cảm cá nhân mà phải với nhận thức và hành động với cộng đồng với trách nhiệm mà người dân đã giao cho.

Những giải pháp cho những sự cố vừa qua là hoàn toàn nằm trong tầm tay của những cá nhân và đơn vị có liên quan, những điều sơ đẳng mà ai cũng có thể biết: mối nối ống nước phải làm cho kín, san lấp phải lu lèn từng lớp, thi công phải có biển báo, rào chắn… Vấn đề là có làm đàng hoàng hay không.

* Thưa bà Tôn Nữ Quỳnh Trân, bà đã nghiên cứu được gì khi tình hình giao thông đô thị trong những năm gần đây luôn là nổi ám ảnh của người dân TP.HCM: kẹt xe kéo dài hàng giờ liền, giao thông lộn xộn không có tổ chức ở một số nơi? Xin cảm ơn bà. (Nguyễn Nhất Duy, 27 tuổi, nhatduy_renaissance@.)..

- Bà Tôn Nữ Quỳnh Trân: Liên quan đến một mối bận tâm của đội ngũ nghiên cứu chúng tôi là sự ứng dụng của kết quả nghiên cứu vào thực tiễn xã hội. Tôi và các thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, cũng như các đồng nghiệp chuyên về về đô thị khác, đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề phát triển đô thị bền vững, về các vấn đề xã hội trong đô thị trong đó có vấn đề trật tự đô thị, giao thông đô thị.

Những kết quả nghiên cứu của chúng tôi đều được nghiệm thu nghiêm túc, nhưng từ những nghiên cứu khoa học đến tác dụng của nó trên thực tiễn vẫn còn một khoảng cách mà chúng tôi đang gặp phải. Không phải tất cả những nghiên cứu khoa học và những giải pháp được đưa ra từ các công trình khoa học đều được áp dụng trên thực tế. Xin cám ơn bạn về câu hỏi này.

* Những tai nạn vừa qua (lọt hố ga, cống thoát nước...) trên đường TP.HCM, trách nhiệm cụ thể thuộc về ai và cơ quan nào? Luật pháp có qui định khung hình phạt cho các hành vi thiếu trách nhiệm này không? Cơ quan nào sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho dân? (Nguyễn Hoàng, 30 tuổi, titione2010@...)

- Ông Lê Hiếu Đằng: Những tai nạn chết người xảy ra, trước hết phải xác định người nào chịu trách nhiệm như bà Quỳnh Trân đã nói rất rõ: "Thực ra trách nhiện cũng đã rõ, trong các hợp đồng đều có ghi trách nhiệm" nhưng không hiểu sao từ trước đến nay, từ những việc trước như các em bé ở quận 7 lọt vô những hố không có biển cấm nhưng không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm cả.

Theo tôi người chịu trách nhiệm cao nhất vẫn là Sở GTVT và cao hơn nữa là UBND Thành phố. Về mặt quản lý nhà nước, đây là cơ quan công quyền cao nhất để quản lý đô thị. Trước những sự việc này, đáng lẽ UBND phải đi kiểm tra, giám sát... để khắc phục nhưng đã không làm. Lẽ ra UBND phải kiểm tra và quy trách nhiệm cho thật rõ chứ không chỉ là chỉ đạo.

Tôi rất tán thành phát biểu của ông Trương Văn Thống, chủ tịch UBND Quận Thủ Đức khi anh nói nếu không có ai chịu trách nhiệm thì ông với tư cách chủ tịch UBND quận sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Không biết những người có trách nhiệm khác có cảm thấy khó chịu trước phát biểu này của anh Thống hay không.

Luật pháp có quy định khung hình phạt; có chết người là trở thành vụ án hình sự. Tại sao người dân đi lỡ gây ra tai nạn chết người thì luật phát xử lý trong khi ngành chức năng do thiếu trách nhiệm gây ra tai nạn đó thì lại không xử lý? Tôi nghĩ nếu áp dụng một cách nghiêm túc, đứng trên các chứng cứ có được, nhà nước phải bồi thường và bị truy ra trách nhiệm, có thể bị khởi tố hình sự.

Nếu chúng ta chỉ xuề xòa hay chỉ đền bù thì tình trạng này sẽ còn kéo dài mãi, bằng chứng là những năm qua hiện tượng này vẫn tiếp tục và nạn nhân vẫn là người dân thành phố.

Tôi cho rằng trong hệ thống chính trị của chúng ta, người đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi họ gặp phải những tai nạn này là Mặt trận tổ quốc thành phố và Các đoàn thể thành phố nhưng rất tiếc là khi xảy ra sự việc, không ai lên tiếng bảo vệ người dân.

Ngoài ra còn phải kể đến Hội đồng nhân dân thành phố. Trong trách nhiệm giám sát, thì trước tình hình các tai nạn cứ tiếp tục xảy ra thì hội đồng nhân dân phải có biện pháp, thậm chí cảnh cáo trước hội đồng nhân dân những người có trách nhiệm.

Gần đây có tín hiệu hết sức mừng là do dân trí người dân cao nên họ tự bảo vệ bằng cách sử dụng các quyền luật định và hiến định để kiện chính quyền. Ví dụ dân Bình Chánh kiện điện lực Bình Chánh buộc cơ quan này phải xin lỗi và khắc phục hay vụ kiện Vedan...

Nhiều người dân sợ rằng tòa án không phải là tổ chức độc lập... dẫn đến người dân có thể thua kiện. Theo tôi người dân không phải lo sợ về điều này vì nếu có chứng cứ cộng với đội ngũ luật sư hùng hậu, có người sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ người dân cô thế. Người dân có thể liên hệ các luật sư, luật gia để khởi kiện một cách hợp lệ. Nếu trước tòa có chứng cứ cụ thể thì không thể xử sai được.

Báo chí cũng là một kênh tốt, tạo thành áp lực xã hội buộc những người có trách nhiệm phải xử lý.

aqp9sxnt.jpgPhóng to
Ông Lê Hiếu Đằng - Ảnh: Thanh Đạm

* Nói hoài rồi cũng như không. Có ai chịu trách nhiệm đâu? (Nguyễn Văn Tư, 25 tuổi, tugaimat@...)

- Ông Đặng Văn Khoa: Các bạn đã đặt một câu hỏi nhức nhối, một câu hỏi làm tôi băn khoăn day dứt. Vấn đề chúng ta đặt ra ngày hôm nay, trực tuyến ngày hôm nay là một vấn đề nóng bỏng, một vấn đề bức xúc nhưng là một vấn đề cũ mèm, không có gì mới, ai cũng biết, lãnh đạo Thành phố, giám đốc các Sở biết, người nội trợ biết, người chạy xe ôm biết, em học sinh cũng biết… Nhưng tại sao vẫn còn đó một vấn đề đã nói từ 5 năm, 10 năm trước mà sao ngày hôm nay vẫn còn là vấn đề thời sự?

Câu hỏi của các bạn: “Còn đến bao giờ?”. Một câu hỏi nhẹ nhàng nhưng nặng trĩu. Nặng trĩu sự bê bối, sự cẩu thả về kỹ thuật, về thi công, về giám sát, về tư vấn, về quản lý, sự mất an toàn…

Câu hỏi của các bạn: “Còn đến bao giờ?”. Một câu hỏi nhẹ nhàng nhưng nặng trĩu. Nặng trĩu sự băn khoăn, sự thất vọng… Sự băn khoăn, thất vọng về điều họ kỳ vọng, về năng lực, trách nhiệm.

Hàng trăm câu hỏi gửi đến cuộc giao lưu trực tuyến hôm nay, hàng ngàn những câu hỏi tương tự gửi đến khắp các diễn đàn là những hồi trống thúc giục những người có trách nhiệm phải suy nghĩ, phải hành động thật sự để câu hỏi nhẹ nhàng nhưng nặng trĩu đó của nhân dân: “Còn đến bao giờ?” sẽ không còn mãi mãi trong cuộc sống.

u7VMN6Bo.jpgPhóng to
Ông Đặng Văn Khoa - Ảnh: Thanh Đạm

* Thời gian qua nhiều phương tiện bị sụp hố tử thần. Người tham gia giao thông do va quẹt hố ga xây lòi ra đường hoặc rơi xuống cống thiệt mạng như ở Thủ Đức. Ai sẽ chịu trách nhiệm và ai sẽ bồi thường những thiệt hại, mất mát này và người dân có được quyền khởi kiện nếu không được đền bù thỏa đáng hay không? (Nhật Thiện, 54 tuổi, thaivanmuoi@...)

- Luật sự Nguyễn Văn Hậu:

Trong một thời gian ngắn qua báo chí thì chúng ta thấy có rất nhiều tai nạn xảy ra, một điều đáng nói ở đây là khi xảy ra sự việc này nhiều cơ quan có thẩm quyền như ban quản lý và công trình thoát nước và xử lý nước thải, công ty thoát nước đô thị thành phố, ngay sau khi xảy ra sự việc chúng tôi thấy họ đã đùn đẩy trách nhiệm, giằng co trong việc xây cống thoát nước và vừa rồi Ủy ban nhân dân thành phố đã xác định rõ trong cuộc họp sáng ngày 18-10, cuộc họp góp ý về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, cũng đã xác định rõ trách nhiệm của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, "Không thể để một vài cơn mưa là sụp đước, không thể lấp là xong trách nhiệm được".

Do đó việc sụp hố ga gây chết người nếu cơ quan thẩm quyền không tự giác chịu trách nhiệm và khắc phục hậu quả thì buộc người dân thực hiện quyền công dân của mình là khởi kiện đơn vị này để yêu cầu bồi thường thiệt hại tính mạng cũng như sức khỏe bị xâm phạm theo quy định của pháp luật.

Pháp luật của chúng ta quy định rất rõ, người khởi kiện có thể yêu cầu đòi bồi thường các khoản tiền sau:

a. Như chi phí hợp lý cho việc sữa chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.

b. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

c. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người thiệt hại.

Khi tính mạng bị xâm phạm, người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng các khoản bồi thường gồm những chi phí sau:

a. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi thường chăm sóc người thiệt hại trước khi chết.

b. Chi phí hợp lý cho việc mai táng.

c. Tiền cấp dưỡng cho những người mà người thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Ngoài những khoản tiền nói trên còn phải bồi thường những khoản tiền khác để bù đắp những khoản thiệt hại và mức bồi thường này không vượt quá 30 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định.

Không chỉ bồi thường thiệt hại cho người dân nói trên mà các cơ quan có trách nhiệm liên quan như Ban quản lý dự án các công trình thoát nước và xử lý nước thải thành phố cũng như Sở Giao thông vận tải thành phố cần phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp sửa chữa sự cố, đem lại sự an toàn cho người tham gia giao thông để tránh những sự việc tang thương như vừa qua vừa xảy ra. Tôi đề nghị Sở Giao thông vận tải và UBND Thành phố xử̃ lý nghiêm các đơn vị đã để sụp hố ga nói trên, đối với cán bộ công chức có hình thức xử̃ lý kỷ luật thích đáng. Đặc biệt là công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị là chủ đầu tư.

* Càng ngày càng nhiều thông tin về "hố đen". Tôi xin hỏi các vị đã có hành động gì để khắc phục chưa?(Minh Hoàng, 30 tuổi, hoangtaminh@...)

- Đại diện Sở GTV TP.HCM: Theo thống kê từ tháng 7-2010 đến nay, trên toàn địa bàn thành phố đã xảy ra 25 vụ lún sụp. Qua phân tích, các nguyên nhân chủ yếu tập trung vào các nội dung sau:

- Sụp cống thoát nước cũ.- Ống cấp nước cũ bị xì bể, hở mối nối.- Thi công các công trình làm vỡ mối nối cống hiện hữu.- Đấu nối tạm hệ thống thoát nước không đảm bảo chất lượng.- Hở mối nối cống cũ, cáp ngầm điện lực.

Sau khi các sự cố xảy ra, các cơ quan liên quan như Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, Khu Quản lý giao thông đô thị, Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các đơn vị quản lý công trình ngầm đều tiến hành xác định nguyên nhân, lập biên bản và lập tức khắc phục ngay sự cố nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Để tránh tình trạng tương tư xảy ra trong thời gian tới, Sở GTVT TP.HCM đã có nhiều văn bản gởi đến các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tăng cường kiểm tra chất lượng thi công công trình đối với các công trình đang thi công và tuân thủ nghiêm các quy định về thi công trong nội đô cũng như các quy định về các công trình được chính phủ ban hành.

Đối với các công trình ngầm hiện hữu, Sở GVTV TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị quản lý tổ chức kiểm tra rà soát toàn bộ hệ thống công trình ngầm nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những bất cập có nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

* Thưa bà Trân, theo bà việc thi công các công trình, kiểm tra giám sát đã thực hiện đúng quy trình chưa? Ngoài ra hiện nay việc thi công các tuyến đường không đồng bộ, theo bà cần giải quyết sao với tình trạng này? (Đỗ Vũ Kiên, 33 tuổi, dovukien@...)

- Bà Tôn Nữ Quỳnh Trân:

Theo tôi, có thể ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất là các việc thi công các công trình, kiểm tra giám sát đã thực hiện không đúng quy trình đúng đắn đã vạch ra. Thi công không hoàn chỉnh và việc kiểm tra và giám sát không nghiêm túc nên mới xảy sự cố.

Thứ hai là các việc ấy được thực hiện đúng quy trình, nhưng quy trình ấy không hoàn chỉnh, còn nhiều sơ hở.

Về việc thi công các tuyến đường không đồng bộ, thì cần phải có sự liên kết giữa các đơn vị có liên quan. Sự liên kết này phải có một cơ chế rõ ràng, chặt chẽ, trong đó có những quy định, quy chế rõ ràng về trách nhiệm cũng như phần việc, chứ không phải là liên kết hình thức.

BoWyVIxy.jpgPhóng to
Bà Tôn Nữ Quỳnh Trân - Ảnh: Thanh Đạm

* Tại sao những con đường lại cứ moi lên rồi lắp lại như vậy để tai nạn giao thông cứ chực chờ như cái bẫy của tử thần như vậy? Có phải những người thiết kế, thi công không có trình độ, không có sự hiểu biết, không có trách nhiệm? (NGUYỄN TẤN LỰC, 24 tuổi, nguyentan996@...)

- Ông Đặng Văn Khoa: Có thể nói rằng, những công trình giao thông, cấp thoát nước, điện… chúng ta đang đề cấp đến không phải là những công trình “cao siêu” gì cả. Các vấn đề kinh tế kỹ thuật cũng bình thường thôi, đều nằm trong tầm tay của những người có trách nhiệm.

Tôi có thể đoan chắc rằng năng lực, trình độ, khả năng, sự hiểu biết để khảo sát, để thiết kế, dự toán, thi công, giám sát, quản lý của các cá nhân và tổ chức có liên quan đều đủ cao để làm tốt những công việc cần phải làm, những công việc đương nhiên cần phải làm, để một công trình có chất lượng, an toàn.

Mọi việc đều trong tầm tay của họ… Vấn đề là trách nhiệm, vấn đề là sự đứng đắn, đàng hoàng trong thực thi công việc.

* Qua những tại nạn và những sự cố mà người dân chúng tôi phải gánh chịu, tại sao những cơ quan ban ngành và các cấp lãnh đạo luôn đưa ra những lý do để tránh tội, hoặc đẩy trách nhiệm cho đơn vị khác? (Trương Thanh Chung, 26 tuổi, keybmt@...).

- Ông Lê Hiếu Đằng: Bạn Chung thân mến, câu hỏi của bạn cũng là băn khoăn chung của nhân dân thành phố hiện, trong đó có tôi.

Đứng trước tình trạng nói trên thì các cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất ở thành phố là UBND Thành Phố Hồ Chí Minh. Với tư cách những người lãnh đạo cao nhất của thành phố, UBND Thành phố phải bằng nhiều biện pháp để chỉ rõ trách nhiệm của các bộ phận đã gây ra những tai nạn vừa qua. Đồng thời có những biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Tại sao không cách chức, cảnh cáo những người không có năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ của mình mà gây ra thiệt hại của người dân. Thành phố của chúng ta chưa bao giờ thấy việc cách chức một công chức, viên chức gây thiệt hại cho dân. Trong khi vấn đề từ chức, cách chức là việc thường xuyên ở các nước. Chỉ như vậy thì bộ máy mới trong sạch.

Tôi nghĩ phải làm một số vụ điển hình, thậm chí như tôi nói là đôi lúc phải đưa ra tòa thì lúc đó các cơ quan chịu trách nhiệm mới có thể thay đổi thái độ. Những sự việc này không phải xảy ra mới đây mà xảy ra rất nhiều năm nhưng thái độ của lãnh đạo cao nhất thành phố không kiên quyết, để chìm xuống những sự việc nghiêm trọng dẫn đến tình trạng này vẫn xảy ra.

Thí dụ như mấy năm về trước các em ở quận 7, lọt hố chết. Lẽ ra vụ đó phải truy đến cùng trách nhiệm "tại sao đào hố mà không che chắn, biển báo mà để các em lọt vào hố chết". Nếu vụ này đã được truy cứu trách nhiệm đến cùng thì có thể tránh được những tai nạn đáng tiếc mới xảy ra gần đây.

* Xin cho biết chiều rộng đường bao nhiêu mét thì cấm xe tải, xe container, xe ben... lưu thông 2 chiều? Hiện nay có nhiều đoạn đường hẹp (như đường Kha Vạn Cân), các xe loại này vẫn lưu thông 2 chiều, gây nhiều tai nạn cho người đi xe máy (Nguyễn Thanh Nhanh, 28 tuổi, nttnhanh@...)

- Đại diện Sở GTVT TP.HCM: Theo tiêu chuẩn hiện hành, bề rộng làn xe từ 3m đến 3,75m. Việc cấm xe tải hay container phụ thuộc vào lưu lượng xe, tải trọng cầu đường, cống trên tuyến, nhu cầu sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá nhân và phương án phân luồng tổ chức giao thông trong khu vực.

Đối với đường Kha Vạn Cân, hiện nay cấm xe container lưu thông và xe tải trên 1,5 tấn lưu thông trong giờ cao điểm sáng và chiều (sáng từ 6 giờ đến 8 giờ, chiều từ 16 giờ đến 20 giờ).

* Thưa bà Trân, theo bà có phải địa chất Việt Nam yếu lắm không? (Dung, 21 tuổi, d293tt@...)

- Bà Tôn Nữ Quỳnh Trân: Vấn để ở đây không chỉ nằm trong địa chất. Kỹ thuật hiện đại ngày nay có thể giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến địa chất. Như Hà Lan, có địa hình thấp và diện tích nhỏ, đã phải lấn biên để mở mang diện tích, nhưng họ vẫn bảo đảm được sự phát triển đô thị của họ một cách hài hòa với thiên nhiên.

* Khi bị lọt hố giữa đường thì ta nên làm gì, giữ nguyên hiện trường rồi báo công an hay tự kéo phương tiện giao thông lên. Và ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường? Và có thể khởi kiện cơ quan nào, kiện ở đâu ?(Huỳnh Bá Tân, 34 tuổi, datinh_7tinh@)

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Khi mà bị lọt hố ga thì nên giữ nguyên hiện trường và báo ngay cho địa phương ngay tại nơi xảy ra, không nên tự kéo phương tiện giao thông khi chưa có mặt của các cơ quan có thẩm quyền. Đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường là chủ đầu tư, nếu cơ quan đó không tự giác chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả thì người dân có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu đòi bồi thường tính mạng cũng như sức khỏe bị xâm phạm theo quy định của pháp luật. Đây là điều mà pháp luật cũng quy định rất rõ mà chúng ta chưa có thói quen để yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường cho người dân.

Tôi có lời khuyên cho các bạn là khi gặp sự cố thì các bạn có thể tới các trung tâm pháp lý hoặc các văn phòng luật sư để được hỗ trợ trong việc đòi quyền lợi của mình theo đúng quy định pháp luật.

3KRU9mLt.jpgPhóng to
LS Nguyễn Văn Hậu - Ảnh: Thanh Đạm

* Xin hỏi trách nhiệm của chủ tịch UBND TP.HCM trong những sự cố vừa qua như thế nào? Bao giờ sẽ không còn tái diễn nữa? (Pham Duy trang, 48 tuổi, duytrang5@...)

- Ông Đặng Văn Khoa: Câu hỏi rất hay, đi đúng địa chỉ, đúng “nhạc trưởng”. Ai chịu trách nhiệm về những sự cố xảy ra vừa qua là rất rõ: đơn vị thi công, giám sát, chủ đầu tư. Họ sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước pháp luật về những bê bối này, về kinh tế, về kỹ thuật, về dân sự, về hình sự.

Tôi nhớ danh nhân Nguyễn Trãi có nói đại ý về đạo làm quan, làm vua như sau: làm sao cho hang cùng ngõ hẻm được an vui, không còn tiếng khóc lầm than.

Trước những sự cố vừa qua, trong phiên họp của UBND TP.HCM tuần vừa rồi, chủ tịch UBND TP.HCM có yêu cầu các giám đốc các sở ban ngành phải xem xét, làm rõ trách nhiệm, phải có giải pháp khắc phục, phải bảo đảm an toàn cho người dân… Và Chủ tịch cũng nói rằng điều này không phải bây giờ trước những sự cố xảy ra hàng loạt như vậy UBND mới nói mà đã nhắc nhở nhiều năm trước. Những điều Chủ tịch UBND TP nói trong cuộc họp là rất đúng, cho sự cố của nhiều năm trước và sự cố của ngày hôm nay. Vấn đề là người dân đòi hỏi những phát biểu, những kết luận, chỉ đạo đúng đắn đó của chủ tịch cần phải và bắt buộc thành hiện thực của cuộc sống.

* Tại sao có những dự án nâng cấp chỉnh trang đường phố đã vượt quá thời gian thực hiện của dự án tới hàng tháng thậm chí là cả vài năm mà vẫn nằm ngổn ngang giữa lòng đường, làm ùn tắc giao thông trầm trọng? Vậy trách nhiệm của Sở ở đây như thế nào mà các dự án này cứ kéo dài thời gian bằng chiêu bài gia hạn thi công? Đã có biện pháp răn đe đủ mạnh cho những dự án này hoàn thành sớm chưa? Cảm ơn!(Vũ Khắc Hải, 23 tuổi, anhhaizt@...)

- Đại diện Sở GTVT TP.HCM: Hiện nay, do hệ thống các công trình ngầm nằm dưới lòng đường trong khu vực nội đô khá dầy đặc, qua nhiều thời kỳ xây dựng và quản lý. Vì vậy trong thời gian qua khi triển khai các công trình, các nhà thầu thi công vướng phải hệ thống công trình ngầm này, nên phải phối hợp với đơn vị quản lý công trình để di dời và tái bố trí nhằm đảm bảo kỹ thuật. Do đó, có nhiều công trình, dự án phải kéo dài thời gian thi công so với kế hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, còn có yếu tố năng lực của các nhà thầu thi công chưa đáp ứng được tiến độ của dự án, công trình.

Về các biện pháp xử lý, đối với việc chậm dự án do vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật, Sở GTVT TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thực hiện các thủ tục đẩy nhanh tiến độ di dời và tái bố trí. Đối với năng lực nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ, Sở GTVT TP.HCM đã yêu cầu các chủ đầu tư kiên quyết loại bỏ ra khỏi công trường và thay thế bằng các nhà thầu khác.

* Nhà nước bỏ biết bao nhiêu tỉ bạc để làm đường cho TP.HCM ngày càng phát triển và thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhưng việc thi công hạ tầng đô thị và phát triển TP.HCM lại như thế, có xứng đángvới những gì mà công dân TP giao phó? (lê canh huy, 23 tuổi, acquy_8877@...)

- Ông Đặng Văn Khoa: Các bạn Duy Tâm, bạn Huy, bạn Tấn Đạt, Hà Hải, Thanh Ngân… đang đề cập đến một các vấn đề khá căn cơ, cốt lõi của quản lý Nhà nước, quản lý Nhà nước pháp quyền, văn minh, dân chủ.

Đất nước này là của người dân. Người dân giao quyền cho các anh để quản lý, để tạo cuộc sống hạnh phúc, xanh, đẹp, an toàn cho cộng đồng. Anh nhận trách nhiệm đó với nhân dân, anh có quyền, có lực, có tiền để thực hiện có hiệu quả các việc mà nhân dân giao cho anh. Đó là một vinh dự lớn. Đó là một trách nhiệm lớn. Làm tốt, lịch sử và nhân dân sẽ ghi nhận. Làm chưa tốt, không tốt, thiếu năng lực, nên từ chức. Xã hội chúng ta không thiếu những người tài, người giỏi, người có tâm, người có đức, người có hoài bão, nhiệt huyết, đặc biệt trong giới trẻ. Vấn đề là họ được phát huy và sử dụng ra sao? Câu hỏi lớn đó nặng trĩu trong bao thập kỷ qua, trong hôm nay và cả cho ngày mai.

* Thưa bà Trân, theo bà thì khi nào đường ở TP.HCM không còn ngập nước trong mùa mưa?(Nguyễn Hoài Bảo, 27 tuổi, nguyenhoaibao729)

- Tôn Nữ Quỳnh Trân: Câu hỏi của bạn quá khó. Nếu trả lời được bạn câu hỏi này thì chúng ta đã giải quyết được vấn đề ngập nước rồi đấy. Mà giải quyết được vấn đề ngập nước trong mùa mưa thì liên quan đến các đơn vị cấp thoát nước đô thị, xây dựng đô thị, giao thông đô thị.... Tôi cũng đang chờ được trả lời như bạn.

* Đường hỏng lỗ do xe quá tải hay nhà thầu thi công không đảm bảo? Trách nhiệm thuộc về ai khi xảy ra tai nạn(ngô đức toàn, 27 tuổi, lopktv_4@yahoo.com)

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi cho đây thuộc về năng lực quản lý của một thành phố lớn. Nên chăng chúng ta lấy ý kiến toàn dân, tìm kiếm giải pháp từ cộng đồng để đô thị chúng ta ngày càng văn minh và sạch đẹp. Chúng ta nên cải cách bộ phận cán bộ quản lý về giao thông đô thị, văn hóa đô thị. Trách nhiệm trước hết thuộc về các đơn vị trực tiếp thi công thực hiện để xảy ra những vụ tai nạn vừa qua.

* Tại sao không tiến hành đồng thời các công trình lắp cống, cáp ngầm, cải tạo mặt đường, như vậy chi phí thấp hơn và thời gian ít hơn, thay vì cứ làm đi làm lại như hiện nay?(Minh Tran, 27 tuổi, trantrong.haiminh@gmail.com)

- Đại diện Sở GTVT TP.HCM: Việc triển khai đồng thời các công trình như lấp cống, tái tạo mặt đường cần sự phối hợp của nhiều ngành và phụ thuộc vào kế hoạch, nguồn vốn thực hiện của các đơn vị. Đối với Sở GTVT.TP.HCM, nhằm hạn chế tình trạng trên, hằng năm đều gởi kế hoạch thực hiện các dự án nâng cấp đường đến các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật để phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, đều yêu cầu các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật đăng ký kế hoạch đào đường.

* Tất cả các công trình đều có chủ đầu tư, thi công và giám sát thi công, nhưng tại sao khi công trình kém chất lượng, không an toàn gây hư hỏng tài sản của người dân như xe bị sụp hố tử thần, tai nạn chết người như ở đường Kha Vạn Cân, đường Tô Ngọc Vân ở Thủ Đức. (Nhật Thiện, 54 tuổi, thaivanmuoi@...)

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi cho rằng trước hết là do con người. "Vạn sự tại nhân". Các quy định pháp luật của chúng ta có quy định trách nhiệm của chủ đầu tư, thi công và giám sát thi công ,việc thi công kém chất lượng không an toàn và hư hỏng tài sản của người dân gây ra chết người trước hết thuộc về người quản lý và tổ chức thực hiện phải chịu trách nhiệm.

Họ đã không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm nên đã gây ra tình trạng nghiêm trọng; Cần phải xử lý một cách nghiêm minh theo quy định đối với cán bộ công chức được giao nhiệm vụ mà không thực hiện đúng thì cần phải từ chức mà luật cán bộ công chức của ta đã quy định. Nếu cần thiết thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng làm chết người.

* Từng làm công tác quản lý quy hoạch đô thị, tôi cho rằng không thể nói không xác định được trách nhiệm (về các vấn đề đô thị) thuộc về ai. Tôi nghĩ lãnh đạo thành phố HCM cần truy trách nhiệm đến cùng để xử lý cả hành chính lẫn hình sự những cá nhân có trách nhiệm, từ đó mới có tác dụng răn đe và ngăn ngừa những tai nạn tương tự. Quý vị có nghĩ vậy không?(kiến trúc sư Lê Công Sĩ, 32 tuổi, congsikts@...)

- Ông Lê Hiếu Đằng: Anh Sĩ thân mến, vấn đề anh đặt ra là đúng như vậy. Những sự cố vừa qua đều có thể quy trách nhiệm. Việc quy trách nhiệm cho ai và như thế nào là việc làm của UBND Thành phố, không nên kéo dài".

* Hàng chục trạm thu phí xe được mọc lên để thu phí bảo trì đường nhưng thực tế thì sao? Đường ngày càng là nỗi lo sợ của người dân khi bước chân ra đường? Cơ quan chức năng đứng ở đâu trong nỗi sợ của người dân? (Hoàng Anh Tuấn, 22 tuổi, anhtuan@...).

- Ông Lê Hiếu Đằng: Vấn đề bạn đặt ra cũng là tâm trạng chung của nhân dân thành phố. Hiện nay người dân TP.HCM đang đứng trong nỗi lo đi ra đường là thấy bất an như bị kẹt xe, bị tai nạn giao thông, khói bụi... Người dân còn sống trong tâm trạng như vậy thì chúng ta không thể gọi đây là thành phố văn minh sạch đẹp.

Ví dụ vấn đề ngập nước của thành phố. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tôi thấy ray rứt khi có người dân thành phố phải sống hai ba ngày liền trong ngập nước. Có nhiều điều chúng ta có thể khắc phục. Điển hình là các bờ bao, mùa triều cường năm nào bờ bao cũng bị vỡ trong khi đó chúng ta cũng đã đầu tư tiền vào đây. Như vậy có phải chính quyền của chúng ta đã bất lực, đành để người dân mãi mãi chịu cảnh ngập nước này?

Mấu chốt vẫn là tìm cho ra người chịu trách nhiệm cho tình hình này bởi vì có tìm ra các cơ quan, đơn vị, người chịu trách nhiệm thì chúng ta mới có giải pháp khắc phục đúng được. Chưa tìm ra nguyên nhân thì chưa thể có biện pháp khắc phục hiệu quả.

* Thưa bà Tôn Nữ Quỳnh Trân, theo câu trả lời của bà thì có một khoảng cách rất lớn giữa những nghiên cưu khoa học và việc áp dụng chúng vào thực tiễn. Do đó, tại sao trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển không nên tập trung đi vào các nghiên cứu ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn trước mắt rồi hãy nghĩ đến những nghiên cứu hàng lâm. Cảm ơn bà.(Tuan, 24 tuổi, tmtuan2007@gmail.com)

* Hãy làm thế nào để khắc phục hậu quả nhanh nhất, bây giờ khoan hãy nói trách nhiệm thuộc về ai vì tính mạng người dân đang bị đe dọa mà cứ hỏi trách nhiệm thuộc về ai để làm gì. Sau khi đã giải quyết xong các con đường hãy cách chức tất cả những người có liên quan (Phan Thanh Ngân, 40 tuổi, dongsongxanh30@...)

- Đại diện Sở GTVT: Mọi khiếm khuyết về hạ tầng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đề nghị bà con gọi đến số 08.38300701; 08.39291500 hoặc 08.38290451. Chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện ngay các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

- Bà Tôn Nữ Quỳnh Trân: Chúng tôi cám ơn lời khuyên của bạn, nhưng trong nghiên cứu khoa học, phải có nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Khi nghiên cứu ứng dụng thì đòi hỏi phải phối hợp với rất nhiều cơ quan, đơn vị thì mới ứng dụng được.

Chúng tôi cũng đã có một số nghiên cứu ứng dụng như thế, nhưng chỉ mới trong phạm vi nhỏ, ví dụ trong công trình "Văn hóa hẻm phố Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh", đã ứng dụng xây dựng được không gian công cộng cho cư dân trong hẻm phố ở quanh đình Tân Kiểng, phường 2, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu cơ bản cũng rất cần, vì nó có thể làm nền tảng cho các nghiên cứu ứng dụng. Cám ơn bạn.

* Người tham gia giao thông bị lọt xuống hố, bị trượt té vào cống, bị vướng vào nắp ga gây tử vong trách nhiệm thuộc về ai? Nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này? (Trần Đức Minh, 28 tuổi tuổi, Tranducminh@yahoo.com)

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Nguyên nhân trước hết là do con người. Để khắc phục tình trạng này chúng ta cần phải rà soát lại những dự án đầu tư hạ tầng, tính toán kỹ vốn để thực hiện dự án này, cần phải làm rõ những vấn đề trong hợp đồng thi công giám sát, phải rõ ràng minh bạch và trách nhiệm của các đơn vị thi công phải thưởng phạt công minh, quy định rõ trách nhiệm pháp lý của nhà thầu, giám sát thi công, trước mắt cần có biện pháp sữa chửa, kiểm tra tuyến đường hiện nay trên thành phố khi làm vỉa hè lòi hố ga ra đường. Nếu ngay từ đầu mà đơn vị nào không hoàn thành chất lượng công trình cần phải được thay thế ngay và bồi thường thiệt hại.

* Tôi xin hỏi là Sở GTVT có những hành động cụ thể như thế nào để tình trạng tai nạn do sụp mặt đường không còn xảy ra? (Xin nói việc làm cụ thể, không cần nhắc đến các văn bản chỉ đạo yêu cầu, người dân không cần cái đó). (Phùng Kim, 36 tuổi, kimchi23@...)

- Đại diện Sở GTVT: Về phía Sở đã có nhiều văn bản nhắc nhở, chỉ đạo (từ đầu năm 2010 đến nay đã có gần 100 văn bản liên quan đến vấn đề này). Về công tác kiểm tra xử phạt, tính từ 10 tháng đầu năm 2010, thanh tra Sở GTVT đã xử phạt đối với các lỗi vi phạm về công tác đào và tái lập mặt đường là 861 trường hợp với tổng số tiền là 3.605.825.000 đồng.

Bên cạnh đó, thanh tra Sở đã tổng hợp và đề xuất không cho 6 đơn vị thi công công trình liên quan đến công tác đào và tái lập mặt đường trên địa bàn thành phố trong 2 năm. Hiện nay Sở đang tổng hợp các vấn đề liên quan đến pháp lý để báo cáo UBND TP. Đối với công tác cấp phép thi công, kể từ ngày 1-10-2010, Sở GTVT siết chặt công tác cấp phép thi công (hoặc gia hạn giấy phép thi công) đối với các nhà thầu, các chủ đầu tư thường xuyên vi phạm các lỗi khi thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đường bộ đang khai thác nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

* Nhiều con đường đang phẳng phiu, khi các các đơn vi thi công đào lên lấp lại lại xấu hơn , nhấp nhô và gồ nghề hơn. Tại sao? Khi nào mới có những con đường bằng phẳng? (Hoàng Công Nhu, 44 tuổi, hoangcongnhu@yahoo.com.vn)

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi thấy trong hợp đồng thi công cần có một xử phạt và bồi thường khi anh thi công không đúng hợp đồng, nhiều con đường đang phẳng phiu khi hoàn công thì lại xấu hơn nhiều nên người dân rất bức xúc;.

Có ý kiến cho rằng phải chăng trong việc này có tiêu cực về nguyên vật liệu thi công, không có lý nào đường đang tốt mà thi công thì lại xấu hơn đường cũ, chúng ta nên có một cuộc thanh kiểm tra về việc làm đường hiện nay để xem sự tốn kém và lãng phí bao nhiêu tiền do việc làm đường, cần có một số liệu thống kê để thông báo cho người dân biết để có một hiến kế để làm thay đổi cách làm hiện nay.

Đồng thời phải có một chế độ thưởng phạt nghiêm minh đối với những người thực hiện các công trình phúc lợi có hiện tượng lãng phí, tham nhũng. Có thể nói các quy định của pháp luật chúng ta quy định về vấn đề chế tài này khá nhiều, nhưng khi áp dụng trong thực tiễn cuộc sống thì không phải dễ bởi vì có rất nhiều lý do xem ra thì hợp lý nhưng người dân lại thấy vô lý vì chất lượng thi công kém, khi làm còn tồi tệ hơn chưa làm.

* Từ cái chết thương tâm của chị Tuyết do va phải miệng hố gas trên đường Kha Vạn Cân, cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này? Nạn nhân có được bồi thường không? Hướng xử lí vấn đề này như thế nào trong thời gian tới? (Trần Quốc Tuấn, 32 tuổi, tranquoctuan78_gc@yahoo.com)

- Đại diện Sở GTVT: Về nguyên nhân và trách nhiệm vụ tai nạn chị Tuyết, hiện cơ quan công an đang tiến hành điều tra. Về các biện pháp khắc phục nhằm đảo bảo an toàn giao thông trên đường Kha Vạn Cân, Quận Thủ Đức, hiện nay Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố và công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị đang tiến hành di dời các hầm gas không đảm bảo an toàn giao thông. Khu quản lý giao thông đô thị số 2 đã tiến hành kẻ vạch sơn giới hạn phân làn xe để cảnh báo cho các xe lưu thông đúng làn đường quy định.

* Thưa Bà Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển TP.HCM, Trung Tâm đã có những nghiên cứu nào đang được triển khai có thể đưa TP HCM thoát khỏi tình trạng hiện nay? (Hoàng Long Ẩn, 25 tuổi, hlong.an@gmail.com)

- Bà Tôn Nữ Quỳnh Trân: Tôi đã có trả lời ở trên về vấn đề này cho bạn Nguyễn Nhất Duy và bạn Tuan. Những người nghiên cứu như chúng tôi đều mong muốn các kết quả nghiên cứu của mình được áp dụng trên thực tiễn.

* TP.HCM không thiếu tiền, không thiếu người tài và có tâm huyết, nưng tại sao những vấn đề "bài ca muôn thuở" này lại không giải quyết được? (Nguyễn Phi, 32 tuổi, nguyenphi.ac@...)

- Ông Lê Hiếu Đằng: Vấn đề đặt ra của bạn cũng là băn khoăn chung của nhiều bạn đọc khác. Đúng là chúng ta không thiếu người tài và tâm huyết nhưng cái thiếu ở đây là cách sử dụng người tài đó như thế nào.

Vấn đề hiện nay là công tác nhân sự chưa thật sự đưa những người tài những người có đạo đức lên các vị trí có trọng trách lên các vị trí có thẩm quyền để giải quyết vấn đề một cách có trách nhiệm và trôi chảy hơn.

Hiện nay vấn đề không chỉ nằm ở thành phố mà còn của cả nước là làm sao chúng ta có thể đưa vào bộ máy nhà nước những người có tài, có đức, có trình độ để quản lý nhà nước và đương nhiên họ sẽ đi bán chất xám cho các công ty nước ngoài. Đây là sự lãng phí rất lớn.

Phải thay đổi cách thức tuyển người vào bộ máy nhà nước như thi tuyển chẳng hạn.

Mặt còn lại của vấn đề là phải kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người bất tài và vô trách nhiệm. Như vậy thì bộ máy chính quyền của chúng ta mới ngày càng hoàn thiện và người công chức nhà nước mới thực sự trở thành "đầy tớ của nhân dân" thực sự.

* Cháu đã từng có dịp lái xe trên địa bàn thành phố và thực sự bị sốc, vì đường của một thành phố lớn nhất cả nước mà lại tệ "hơn cả đường ở quê" cháu. Vậy cháu muốn hỏi, ai đã quy hoạch nên những con đường đó, ai đã thi công chúng, ai đã kiểm tra chất lượng của chúng trước khi đưa vào sử dụng? Liệu rằng tất cả những người chịu trách nhiệm nói trên đều đã được đào tạo kỹ lưỡng trong các trường lớp chuyên ngành không?

Có một thắc mắc lớn là, tại sao TPHCM lại cứ để việc thi công ẩu như vậy xảy ra nhiều không đếm hết được? (Hoàng Long, 22 tuổi, hoangthanhlong.rongmad@...)

- Ông Lê Hiếu Đằng: Cháu Hoàng Long thân mến, bản thân tôi cũng là người hay đi xe máy trên đường nên tôi rất đồng tình với nhận xét của cháu. Đường tại TP.HCM hiện nay gồ ghề như ở nông thôn. Thật ra tôi đi công tác ở nông thôn, một số đường đã xi măng hóa, bằng phẳng dễ đi hơn.

Tình hình tái lập mặt đường một cách cẩu thả là một điều không thể chấp nhận. Báo chí lên tiếng cũng nhiều, người than dân than phiền cũng nhiều nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện. Bản thân tôi nhiều lúc đi đường phải tránh những hố hay mô to. Giờ đây người dân luôn cảm thấy rất bất an.

Sở GTVT là người chịu trách nhiệm chính trong việc quy hoạch, thi công công trình và tái lập mặt đường. Nhưng cho đến nay, tình hình này không được cải thiện bao nhiêu nên UBND thành phố phải ra tay.

Tôi ví dụ một vấn đề rất dễ là tại TP.HCM, có nhiều con đường tái lập mặt đường rất ghồ ghề như Cách Mạng Tháng Tám và tệ nhất là Lê Văn Sỹ. Thanh tra giao thông chỉ cần đi thêm trên một số tuyến đường và buộc nhà thầu - về nguyên tắc khi hoàn thành thì phải tái lập mặt đường như trước đây - khắc phục sai phạm chứ không thể tái lập một cách cẩu thả như vậy. Qua buổi giao lưu trực tuyến này tôi cũng chính thức đề nghị UBND Thành Phố Hồ Chí Minh lấy một con đường làm điển hình (có thể là đường Lê Văn Sỹ) để phát hiện những sai phạm từ đó buộc nhà thầu phải khắc phục sai phạm, một trong số đó là trả lại mặt đường như cũ.

Tôi nghĩ điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của UBND và Sở GTVT Thành Phố Hồ Chí Minh.

* Theo quý vị, có nên đưa những chỉ số về chất lượng sống của người dân vào công tác đánh giá sự tăng trưởng và có cách nào đó "kết nối" các chỉ số này với GDP? Bởi nhiều người cho rằng không thể hạnh phúc khi "ngồi trên núi tiền trong khi sức khỏe tồi tệ"?

Ngoài ra, quý vị có nghĩ cần quy rõ (thậm chí truy cứu) trách nhiệm cá nhân phê duyệt quy hoạch "sai" hay không? Không làm việc này, chỉ loay hoay xử lý các vấn nạn đô thị, chúng ta đang giải quyết phần ngọn của vấn đề? (kiến trúc sư Lê Công Sĩ, 32 tuổi, congsikts@...)

- Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi đồng ý với bạn là khi đánh giá về sự tăng trưởng của thành phố thì phải nói tới chất lượng sống của người dân. Mục tiêu của tăng trưởng là nâng cao chất lượng sống. Nếu tăng trưởng một cách bất kì mà không đi đôi với chất lượng s

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên