26/02/2014 10:13 GMT+7

Xem thiên thạch khổng lồ đâm vào Mặt trăng

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Reuters dẫn lời các nhà thiên văn học ngày 25-2 cho biết một thiên thạch có đường kính khoảng 1,4 mét vừa đâm vào Mặt trăng, gây ra “một quầng sáng sáng nhất và kéo dài nhất” có thể thấy được ngay cả từ Trái đất.

“Hiện giờ tôi nhận ra chúng ta đã được chứng kiến một sự kiện rất hiếm và khác thường”, nhà thiên văn học Jose Madiedo, ở Đại học Huelva, Tây Ban Nha, nói trong một thông báo.

Thông thường, những vụ va chạm thiên thạch - Mặt trăng chỉ diễn ra trong tích tắc, nhưng vụ va chạm này để lại quầng sáng với độ sáng tương đương như sao Bắc Đẩu và ánh sáng sau vụ va chạm kéo dài tám giây, như đoạn băng ghi hình của Madiedo cho thấy.

“Bất kỳ ai ở Trái đất đủ may mắn nhìn Mặt trăng ở thời điểm đó đều sẽ thấy quầng sáng”, Viện Thiên văn Hoàng gia Anh nói trong một thông cáo báo chí. Các nhà khoa học ước tính thiên thạch có đường kính từ 61-140 cm và cân nặng khoảng 400 kg.

Di chuyển với tốc độ hơn 61.000 km/g, thiên thạch này đã va vào vùng Mare Nubium của Mặt trăng với lực tương đương 15 tấn thuốc nổ TNT và có thể để lại một vùng lõm rộng khoảng 40 mét.

Nghiên cứu nói trên của các nhà khoa học được đăng tải vào cuối tuần trước trên tạp chí hằng tháng của Viện Thiên văn học Hoàng gia Anh.

Các vật thể có kích cỡ tương tự lao vào Trái đất mỗi ngày, nhưng hầu hết tan chảy khi đi qua bầu khí quyển. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nói khoảng 100 tấn thiên thạch từ vũ trụ vào khí quyển trái đất mỗi ngày.

Mặt trăng, không có bầu khí quyển bảo vệ như Trái đất, rất thường xuyên va chạm với các thiên thạch. Bằng chứng của các vụ va chạm này (xảy ra từ tháng 9-2013) xuất hiện khắp bề mặt thiên thể này và có thể quan sát được từ Trái đất.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên