21/05/2005 06:36 GMT+7

Hoàn hảo đến thế là cùng!

LÊ QUANG
LÊ QUANG

TT - Sau bài viết “Đến thế là cùng!” đã có rất nhiều bạn đọc gửi thư, e-mail bày tỏ sự bất bình cao độ trước thực tế này.

DnEvKA4L.jpgPhóng to

Mặc dù ít nhiều đã được nghe, thấy nhưng hầu hết bạn đọc đều không thể hình dung rằng hoặc là học sinh đang bị ép mình, bị khuôn phép đến mức kinh ngạc hoặc nó thể hiện rõ ràng về bệnh thành tích trong ngành giáo dục hiện nay.

Hoàn hảo đến thế sao?!

Nhìn vào bảng điểm của em Nguyễn H.H., ta có thể thấy: hoặc em H. là một học sinh giỏi, rất giỏi, rất chăm ngoan; hoặc giáo viên bộ môn của em đã hơi hào phóng khi cho điểm cao, và giáo viên chủ nhiệm là một người cực kỳ chính xác, có trí nhớ siêu phàm, có thể tổng kết một cách dễ dàng số lần em đã phát biểu trong giờ học suốt một học kỳ. Và cũng có thể hai khả năng này cùng lúc xảy ra!

Với những điểm số quá sức hoàn hảo (có môn đến tận 10!) cùng số lần vi phạm cực thấp, thấp đến độ dường như không vi phạm gì, tôi cho rằng bấy lâu nay chúng ta đã trách lầm ngành giáo dục! Rõ ràng giáo dục hiện nay không hề nặng nề, học sinh không bị quá tải như chúng ta tưởng. Vì nếu nặng nề thì điểm số của một học sinh lớp 7 (vốn thuộc chương trình cải cách với những kiến thức “hàn lâm”) không thể cao ngất ngưởng như thế, khoảng cách giữa các môn là không đáng kể.

Làm sao quá tải khi rõ ràng trong một học kỳ em đã không có chút vi phạm nào, dù là nhỏ nhất như quên làm bài - những lỗi phổ biến nhất ở học sinh, đã vậy còn đến 459 lần phát biểu xây dựng bài, vị chi trung bình mỗi môn trong một học kỳ em đã có hơn 40 lần phát biểu. Và với thành tích đó em mới xếp hạng 3 thôi, vậy là hai em hạng 1 và 2 còn “ghê gớm” hơn nữa...

Giáo dục VN đang cho ra những nhân tài, những công dân hoàn hảo tuyệt đối đến thế chăng? Hay tất cả chỉ là thành tích trên giấy, vẽ cho đẹp để mụ mị, phỉnh lừa nhau?

Làm cho trẻ trở nên xét nét, dò xét

Tôi được biết nhiều trường còn sử dụng thang 100 điểm để chấm điểm đạo đức của các cháu trong một tháng. Quay xuống bàn dưới, trừ điểm (nhiều khi cán bộ lớp trừ điểm cả khi có bạn nào ngồi dưới phát biểu ý kiến mà các cháu ngồi trên quay xuống nhìn); nói với bạn một câu, trừ điểm; quên khăn quàng, trừ điểm; đi học muộn, trừ điểm (nhà trường qui định các cháu phải đến trước giờ lên lớp 15 phút, ai bước vào cổng sau 15 phút ấy mặc dù chưa đến giờ học là thầy cô trực và sao đỏ ghi tên và nêu lên loa nhà trường); thiếu bài, trừ điểm; không mặc đồng phục, trừ điểm (vô phúc cho cháu nào mà quần áo giặt chưa khô)...

Trẻ con không được phép phát triển bình thường, lúc nào cũng phải ép mình để làm theo đúng khuôn mẫu của thầy cô và nhà trường, ép mình tròn trịa theo các tiêu chí thi đua của ngành giáo dục, mặc dù trong thực tế các cháu không tròn trịa đến mức kinh ngạc như thế và cũng không cần phải tròn trịa đến thế. Cái thứ gọi là “kỷ luật học đường” đó đang giết chết tâm hồn con trẻ, làm cho chúng trở nên xét nét, dò xét, ganh ghét lẫn nhau, mất tình cảm thầy trò, bạn bè, trường học không còn là nơi để chúng yêu mến và nhớ nhung nữa. Những điều này ai cũng thấy, chỉ có ngành giáo dục là không thấy hoặc không muốn thấy.

Không còn tuổi thơ!

Khi đọc xong phiếu báo điểm tôi thấy thật kinh khủng đối với một học sinh lớp 7. Hình như trẻ em bây giờ không còn tuổi thơ nữa, chỉ biết thực hiện như một cái máy và càng ngày càng ích kỷ hơn.

Quá kinh khủng!

Quá kinh khủng! Tôi buộc phải thốt lên câu này khi phải nhìn những hình ảnh mệt lả của các em học sinh, phải thấy cảnh giáo viên ngồi cặm cụi dò bài cho từng học sinh, dù đã khuya! Thời tôi học phổ thông qua chưa lâu, chưa tới 10 năm, nhưng những gì mà học sinh ngày nay phải học, phải cố gắng theo đuổi kinh khủng hơn tôi ngày trước gấp nhiều lần.

Với áp lực kinh khủng như thế này, việc học ngày càng trở thành gánh nặng với cả người học và người dạy. Thay vì ngoài giờ học là được vui chơi giải trí, thì giờ đây câu “Học! Học nữa! Học mãi!” đã cố tình bị bóp méo ý nghĩa và áp dụng triệt để.

Bao giờ ngành giáo dục không lấy điểm số làm thước đo thành tích; tỉ lệ tốt nghiệp không trở thành nỗi ám ảnh của người giáo viên và nỗi sợ hãi nơi học sinh, thì chuyện học khổ hạnh như thế sẽ giảm đi rất nhiều. Con người là một sản phẩm hoàn chỉnh, là một tuyệt tác của tạo hóa, vậy mà giờ đây lại biến thành những cái máy, có thể bị “treo” và cả hỏng hóc bất cứ lúc nào vì việc học nhồi nhét.

LÊ QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên