20/05/2005 00:36 GMT+7

Khi HS bị "treo máy"!

GS.TS LÊ VĂN THÀNH
GS.TS LÊ VĂN THÀNH

TT - Chúng tôi khuyên các em đã bị bệnh nặng nên nghỉ một thời gian. Có em nghỉ một tháng, học lại chỉ đạt được ở mức trung bình, có em hoàn toàn không học lại được.

vMx9wS57.jpgPhóng to
Ngoài nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy, giáo viên Trường THPT BC Hàn Thuyên, TP.HCM còn phải kiêm luôn nhiệm vụ dò bài buổi tối cho HS lớp 12 tại trường - Ảnh: H.Hg.

Hai quá trình sinh lý của não

Tôi xin đề cập một cách tóm tắt về khả năng của não trong quá trình tiếp thu và học tập. Theo đó, có hai quá trình:

1. Quá trình ghi nhớ: đòi hỏi não phải lành mạnh và tỉnh táo, khi các tín hiệu đi tới các vùng chức năng của não, tại đây xảy ra một quá trình biến đổi sinh hóa phức tạp của màng tế bào thần kinh để ghi nhớ các tín hiệu đó. Khả năng ghi nhớ đòi hỏi:

Sự chuyển tải thông tin, ở đây là vai trò của giáo viên có phương pháp sư phạm cao, giảng rõ ràng cô đọng và lôi cuốn... Cần có các công cụ hỗ trợ, cụ thể là học cụ, hình ảnh mô tả, vì nếu giảng chỉ mang tính chất lý thuyết chung chung, dạy “chay” sẽ không bao giờ đạt hiệu quả cao. Nên cho HS tham quan các viện bảo tàng khoa học, lịch sử, học bằng các cuộc dã ngoại. Ví dụ: HS lớp 5 ở thành phố khi về quê thấy con trâu chắc chắn sẽ rất thích thú vì lần đầu nhìn thấy nó, tuy đã nói đến trong sách vở, đã nhìn thấy cái hồ nhưng có thể chưa nhìn thấy cái ao, cây khế...

Ngược lại, HS nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa hiếm khi thấy được một nhà máy qui mô để hiểu thế nào là dây chuyền tự động hóa, nhiều vấn đề khoa học kỹ thuật chỉ có ở các thành phố... Trong ngành y vẫn có câu “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một đụng chạm”. Tín hiệu càng mạnh, nội dung càng phong phú thì sự ghi nhớ sẽ sâu hơn.

Trên đây là đề cập đến chất lượng tín hiệu. Nhưng một điều quan trọng phải biết đến đó là dung lượng và thời lượng của tín hiệu, hai vấn đề này phải song song với nhau, cần phải bàn một cách nghiêm túc. Một bài, một chương trình, kể cả toàn bộ chương trình học tập của một lớp dù có hay đến mấy, toàn diện đến mấy đều đòi hỏi một dung lượng thông tin nhất định và khi truyền tải nó cũng đòi hỏi một thời lượng tương ứng. Đây là mâu thuẫn trong chương trình hiện nay, bài thì khó, dài, nội dung mới nhưng thời gian cho thầy cô rất hạn chế. Kết quả HS gánh chịu, không thể nắm được bài, từ đó sinh ra bao nhiêu vấn đề!

2. Nhắc nhớ: nếu không được nhắc nhớ, các nội dung đã ghi nhận sẽ mất dần. “Văn ôn võ luyện” là thế, quá trình này giúp não càng củng cố sâu những tín hiệu đã được lưu trữ và nhờ vậy tín hiệu hay trí nhớ của HS sẽ tồn tại lâu dài hơn. Nói cách khác, đã tiêu hóa những điều đã học để thành kiến thức của bản thân.

Thiếu hai vấn đề kể trên, HS không thể độc lập trong học tập, tư duy cũng nghèo nàn dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức, khả năng khái quát hóa những gì đã học, từ đó hạn chế khả năng trừu tượng hóa, giảm khả năng sáng tạo và mất tự tin.

Coi chừng “ôm lắm, nắm ít”

Não con người là một cỗ máy thần kỳ nhưng không thể ví nó như một chiếc máy tính, vì cho đến nay các nhà chế tạo máy tính chỉ mới học tập được từ não người chưa tới hai con số. Dù máy có mạnh đến đâu, bộ nhớ (RAM) có lớn đến chừng nào mà nếu bắt nó xử lý nhiều chương trình cùng một lúc chắc chắn cũng sẽ xảy ra hiện tượng “treo máy”.

Trong thực tế, khi một người phải nghe, phải xử lý những việc khó khăn rắc rối nhiều lần họ thường trở nên nóng nảy, mất bình tĩnh, có người xuất hiện một số triệu chứng của trầm cảm, thậm chí sợ công việc của chính mình đang làm hằng ngày.

Người ta đã tiến hành làm thí nghiệm, bắt con vật thí nghiệm chỉ được ăn khi thấy xuất hiện một hình sáu cạnh. Khi hình tăng lên mười cạnh, con vật bắt đầu khó phân biệt, nếu tăng nữa con vật trở nên khó chịu; nếu kéo dài cuộc thí nghiệm, con vật sẽ có những biến đổi về thần kinh thực vật, nó trở nên hung dữ, rồi kém hoạt động.

Một hiện tượng đáng lo ngại là những năm gần đây một số HS loại xuất sắc tự nhiên thấy việc tiếp thu bài không được như trước. Lúc đầu các em cố gắng bằng mọi phương pháp để lấy lại sức học như cũ nhưng không được, bắt đầu thấy thua kém các bạn, không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình và thầy cô. Dần dần xuất hiện triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, tính tình trở nên trầm lặng, ít muốn giao tiếp, hiện tượng này giống như hiện tượng “treo máy”. Chúng tôi hỏi, có em cho biết tự giác muốn học như vậy, nhưng cũng có em thừa nhận do chịu sức ép của chương trình, học quên ăn quên ngủ mà vẫn không đạt loại giỏi.

Từ thực trạng trên, chúng tôi đề nghị:

- Soạn thảo chương trình nên có tiêu chí rõ ràng cho từng bậc học, từng giai đoạn và nâng cao theo từng giai đoạn.

- Không quên đối tượng là thiếu niên và thanh niên, ở lứa tuổi này họ có tâm sinh lý rất đặc biệt, con đường học vấn còn dài. Hãy để các em có tuổi thơ thật sự, điều đó giúp tạo cho họ có được một nhân cách sau này. Không biến các em thành cái máy vô hồn...

- Tránh xây dựng chương trình đào tạo trung học được rút ngắn từ chương trình đại học. Tiêu chí đào tạo THPT là giúp các em có kiến thức phổ thông chứ không phải kiến thức đại học thu gọn. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng “ôm lắm, nắm ít”, giảm hoặc bỏ những môn nếu thấy có khả năng tích hợp. Tinh giản chương trình một cách tối đa. Không nên coi HS là thị trường của các môn. Môn nào cũng cho mình là quan trọng hơn cả rồi cố nhồi nhét.

- Tôn trọng phương pháp sư phạm sao cho được “học mà chơi, chơi mà học”, tạo ra những con người có tính năng động, độc lập, tự làm chủ đối với bản thân, trung thực, tự chịu trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, không sống ích kỷ và ỷ lại, dựa dẫm, cơ hội. Xin đừng duy ý chí trong sự nghiệp lớn lao trồng người này.

GS.TS LÊ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên