Thi tốt nghiệp THPT năm 2014: 63 tỉnh, thành phải công bố "đường dây nóng"

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
NGỌC HÀ - VĨNH HÀ

TT - “Sẽ có những điều chỉnh cần thiết trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ năm nay” - đây là khẳng định của ông Nguyễn Huy Bằng, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, với Tuổi Trẻ trước mùa thi năm nay.

Lập đường dây nóng phản ánh thi tốt nghiệp 2014 Công bố đường dây nóng kỳ thi tốt nghiệp THPTKhoa học, tỉ mỉ trong bố trí thi tốt nghiệp THPT năm 2014

9tiEZMlt.jpgPhóng to
Một buổi ôn thi tốt nghiệp THPT môn văn đến ngày cuối cùng theo yêu cầu của học sinh: cô Trần Xuân Đào ôn thi môn văn cho học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM chiều 30-5 - Ảnh: Như Hùng

Ông Bằng cho biết:

"Thanh tra bộ có quyền thanh tra cả ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT, có quyền yêu cầu kiểm tra kế hoạch chuẩn bị thi, công tác thanh tra thi ở các tỉnh, các văn bản chỉ đạo của tỉnh cũng như toàn bộ danh sách, địa điểm thi trên địa bàn và chủ động chọn địa điểm để thanh tra thực tế, chứ không thanh tra theo “gợi ý” hay “chỉ định” của địa phương"

ÔngNGUYỄN HUY BẰNG

- Để tăng cường kênh thông tin nhanh phục vụ quản lý, phản ảnh tiêu cực thi cử, góp phần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện tốt kỳ thi, năm nay bộ yêu cầu 100% thanh tra các sở GD-ĐT thành lập và công khai “đường dây nóng” mùa thi và phải cử cán bộ có trách nhiệm, năng lực trực “đường dây nóng” để tiếp nhận thông tin, phối hợp ngay với các lực lượng liên quan xử lý. Số điện thoại, tên cán bộ trực đường dây nóng của các tỉnh, thành phải gửi về thanh tra bộ trước ngày 31-5. Thanh tra bộ cũng yêu cầu chánh thanh tra sở phối hợp chặt chẽ với các đoàn thanh tra của bộ và bộ phận trực thanh tra của bộ, đồng thời công bố đường dây nóng của thanh tra bộ : 0936 315 334.

* Việc yêu cầu thanh tra các sở thành lập “đường dây nóng” để phản ảnh những vấn đề phát sinh và tiêu cực thi cử có phải là điểm mới của mùa thi năm nay không? Thanh tra bộ có kỳ vọng nhiều vào việc kiểm soát tiêu cực bằng hình thức này, thưa ông?

- Năm trước bộ đã thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh những vấn đề phát sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ. Chúng tôi đã nhận được khá nhiều phản ảnh của người dân, phụ huynh, thí sinh... Ngoài những trường hợp liên lạc với “đường dây nóng” để nhờ chỉ dẫn về địa điểm thi, giờ thi, cung cấp những thông tin mà phụ huynh, thí sinh chưa nắm rõ... chúng tôi cũng nhận được những phản ánh về tiêu cực thi cử. Trong đó có những phản ảnh tương đối rõ ràng, giúp thanh tra bộ có chỉ đạo xử lý kịp thời.

* Với chủ trương giao chủ động cho các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, thanh tra bộ có chỉ đạo gì mới trong việc tổ chức thi ở các địa phương nhằm đảm bảo tính thực chất, khách quan của kỳ thi này? Qua kiểm tra trước kỳ thi, ông đánh giá như thế nào về công tác thanh tra thi ở địa phương?

Lập 11 đoàn thanh tra

Theo ông Nguyễn Huy Bằng, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2014, Bộ GD-ĐT đã thành lập số đoàn thanh tra nhiều hơn năm 2013 với tổng cộng 11 đoàn thanh tra, thực hiện việc cắm chốt tại một số tỉnh, thành và tiến hành thanh tra lưu động.

- Thanh tra bộ đã có hướng dẫn cụ thể đối với thanh tra các sở trong việc bố trí lực lượng thanh tra, tập huấn nghiệp vụ và triển khai ở các khâu cụ thể. Công tác thanh tra chuẩn bị cho kỳ thi ở các địa phương đã được triển khai theo quy định. Tuy nhiên, một số nơi làm chưa quyết liệt, chưa đảm bảo nội dung, đối tượng thanh tra theo hướng dẫn, chúng tôi đã có những chấn chỉnh kịp thời. Về phía bộ, ngoài lực lượng thanh tra cắm chốt, chúng tôi vẫn thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra làm nhiệm vụ trước, trong khi diễn ra kỳ thi và ở giai đoạn chấm thi.

Vai trò của các đoàn thanh tra năm nay được xác lập đúng tính chất thanh tra chuyên ngành theo Luật thanh tra. Mục tiêu không phải đi thanh tra thí sinh mà nhiệm vụ chính là thanh tra công tác tổ chức kỳ thi tại các hội đồng thi, ban chỉ đạo thi. Tất nhiên, nếu trong quá trình thanh tra mà phát hiện thí sinh vi phạm quy chế, thanh tra cũng sẽ phải kiến nghị xử lý, song mục tiêu chính vẫn là thanh tra công tác tổ chức thi.

* Không ít người cho rằng thực tế quy định đánh giá tốt nghiệp 50% từ kết quả học tập lớp 12, 50% từ kết quả thi tốt nghiệp dễ nảy sinh hiện tượng “cấy điểm”, làm đẹp học bạ với mục đích tăng tỉ lệ đỗ. Nếu chỉ chú tâm vào thanh tra kỳ thi, liệu có tạo ra “khoảng trống” giám sát không, thưa ông?

- Do việc xét tốt nghiệp không chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp bốn môn mà còn được quyết định đến 50% từ kết quả học tập lớp 12 nên công tác thanh tra phải cập nhật kịp thời theo những đổi mới này. Năm 2014, thanh tra không chỉ tập trung vào kỳ thi, công tác coi thi, chấm thi sau này, mà còn thanh tra cả việc thực hiện chương trình, kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh. Mọi nguy cơ tiêu cực đều được đặt ra để phòng ngừa với mục tiêu đưa lại kết quả xét tốt nghiệp khách quan, trung thực nhất.

Trong hướng dẫn thanh tra gửi đến 63 sở từ tháng 4, bộ đã nhấn mạnh yêu cầu này. Các sở phải có trách nhiệm thanh tra tất cả trường THPT, rà soát, phát hiện, ngăn chặn hiện tượng “cấy điểm”, cắt xén giờ giảng... trước kỳ thi. Bộ cũng lập đoàn thanh tra đến một số tỉnh, thành. Kết quả có tỉnh rất tích cực, nhưng ở một số nơi cũng bộc lộ bất cập. Cá biệt có nơi phát hiện điểm số học sinh học kỳ 2 cao hơn hẳn học kỳ 1. Đó là dấu hiệu bất thường, tuy chưa thể khẳng định có tiêu cực hay không nhưng cũng giúp cảnh báo công tác thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc. Kết quả thanh tra trước kỳ thi là cơ sở để thanh tra bộ tiếp tục có những chỉ đạo, khuyến cáo đối với công tác thanh tra tại các tỉnh, thành. Vì thế ngay trước kỳ thi, ngày 29-5 thanh tra bộ đã có văn bản yêu cầu thanh tra các sở tiếp tục thực hiện công tác thanh tra thi tốt nghiệp.

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên