01/05/2014 02:43 GMT+7

Cần những thay đổi nhỏ nhưng hiệu quả lớn

NGUYỄN NGỌC THUẦN
NGUYỄN NGỌC THUẦN

TT - Tôi đưa con đi học, qua rất nhiều nơi công lẫn tư. Ngạc nhiên thấy đâu cũng chật chội, trẻ con cứ phải chen chúc lẫn nhau.

Cứ một đứa đi vệ sinh thì những đứa ngồi bên ngoài phải nhổm lên chừa lối ra. Đó là hình ảnh những ngôi trường công điển hình mà tôi được thấy. Không rõ có nơi nào khác tốt hơn không. Đây không phải vấn đề vật chất nữa, mà là vấn đề tầm nhìn về cơ sở vật chất lúc xây dựng trường.

Sau đó tôi đưa cháu đi học ngoại ngữ trường tư. Có một số nơi tôi cảm thấy khá hài lòng, ở đó người ta chẳng dùng bàn ghế gì cho những lớp tiểu học. Giữa phòng trải tấm xốp nhựa. Trẻ con lăn lê trên đó, ngồi học cũng được, mà nằm học cũng được, ở bất cứ vị trí nào trong lớp mà bọn trẻ thích.

Sau đó tôi nhận ra những lợi thế mà một ngôi trường quy củ không thể làm được: Thứ nhất, khi không có bàn ghế, giáo viên trở nên gần với trẻ hơn. Thậm chí có thể chạm vào từng đứa trẻ nếu muốn. Điều này tạo nên những phản ứng khá tích cực. Chưa rõ có nghiên cứu nào về vấn đề này không, nhưng qua nhận thấy những lớp học như vậy, mối quan hệ giữa trẻ con và giáo viên tốt đẹp hơn những lớp học áp dụng phương pháp học trên bàn.

Thứ hai, điều này tạo cảm giác vô cùng tích cực cho những cháu rụt rè. Khi không còn tình trạng phân biệt ngôi thứ, bạn cùng ngồi dưới đất với những đứa trẻ, cũng đồng nghĩa bạn có nhiều khả năng kém phân biệt vai vế hơn lúc bạn đứng trên bục giảng và những đứa trẻ ngồi trong vai trò kẻ tiếp nhận tri thức. Bục giảng đã vô hình phân chia giai cấp giữa người truyền đạt và người nhận một cách không cần thiết. Chưa kể bạn có nhiều khả năng bỏ qua những đứa trẻ yếu.

Có thể chúng ta sẽ cho rằng bọn trẻ cần phải viết trên bàn, nhưng với những môn không cần lắm hình thức đó, ví dụ học toán ngoài sân trường với một cái bảng con, hoặc học vẽ với một cái kẹp giấy, chúng ta cũng không làm. Sân trường đẹp đẽ gần như bỏ trống trong suốt quá trình học. Thay vào đó chúng ta lèn chặt trẻ trong một không gian kém thân thiện và kém luôn cả hiệu quả.

Nhìn ra bên ngoài một chút, nhiều thư viện phương Tây thậm chí người ta còn thiết kế những loại ghế mà người đọc có thể nằm dài ra để đọc. Hay chúng ta quan niệm học như thế không đứng đắn, rằng phải ngồi trong những không gian kín bưng như thế mới lĩnh hội được kiến thức chăng? Những thay đổi nhỏ nhưng hiệu quả lớn có phải là điều vô cùng cần thiết cho nền giáo dục bậc tiểu học của chúng ta hay không, có lẽ vẫn là một vấn đề cần suy nghĩ.

NGUYỄN NGỌC THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên